/
.
  Đến tháng nóng, điệp bông vàng và trắng ở ngoài đường lại đến mùa nở rộn, khoe sắc thắm. Biết là trời lạnh và cái sự ấm áp đã qua thì sẽ tới mùa nắng gắt, rồi cũng đầy những cơn mưa rào té tát qua và vài con nắng đầu mùa tới trong các tiếng ve kêu sôi nổi, ồn ã. Biết là đến mùa của nó nên bông điệp tây nở hết cỡ, bướm từng đàn, ong từng lũ kéo đến đậu rợp cả một vườn điệp tây vàng và trắng. Mùa đến, cây phượng cũng tha hồ mà cháy lửa giữa trời.
   Đang ấm mà đến nóng, thời gian chuyển mùa mau đã khiến những cây điệp tây nở nhiều. Nhìn những bông điệp tây ra hết hoa, người ta ở đây cũng ý thức về quan niệm thời gian qua nhanh, nó giống như một bữa cơm trưa sau một ngày làm việc vất vả và một giấc ngủ tối tới mau khi người ta biết mệt trong suốt chuỗi ngày lao động bươn bả vì cuộc sống. Ở đâu thì cũng thế, cũng phải làm nụng cực nhọc qua ngày, biết là thời gian qua nhanh khi bỏ lỡ mất một ngày, là chúng ta đã mất đi một khoản chi tiêu ngày trong tháng cho gia đình.
Nghe một bà mẹ khó than thở: ‘‘Đến mùa là no từng cái ăn cái mặc, sợ không đủ tiền tiết kiệm mua áo mới, sách bút mới cho con tới trường, sợ rồi nó không thể học hết qua cấp bậc trung học này’’.
Cũng đến mùa nhưng các bà mẹ có xe đưa đón con đi, có đủ kinh tế thừa thãi thì lại không lo vấn đề cơm áo, gạo tiền; người ta chỉ nghĩ đến cho con đến học biết nhiều thì mở mày mở mặt với lối xóm bà con trăm họ, cũng có bà mẹ khác lại đến xin cô giáo cho con mình học để vui, không cần áp lực gì đâu. Người ta lại nghĩ đơn giản, đến mùa cho con cái đi học là được, đến lớp đến trường là nó đã được giáo dục rồi, và người ta thả sức vào những việc kiếm tiền bất lợi, mà vô tâm, thờ ơ với con cái mình, để tới mùa lại có những chuyện buồn lòng hơn… Biết là mùa nhưng có người vẫn bỏ rơi thời gian đi như rũ bỏ những gì vướng bận quanh mình, họ quên lãng những gì mình cần làm ngày hôm nay và sẽ bù đắp sự thiếu hụt của ngày qua. Ngày này qua lại ríu vào ngày kia, không bận chân, bận tay thì cũng bận tâm. Mùa tới thì kéo dài dằng dặc không nghỉ. Người ta hết tính cái chuyện làm ăn, chuyện lập gia đình, sinh con, làm nhà và mua một cái xe để chạy cho đỡ cực khi tới công ty, hay phấn đấu hơn nữa để nghề nghiệp mình được thêm bổng lộc cho chắc.
Biết là mùa, có người giàu bỏ ra hàng đống tiền để mua cho bằng được số đất xây dựng khu công nghiệp làm ăn, người ta đứng lên làm chủ và thuê công nhân làm ở xưởng, như vậy là đã có dự án thực hiện mùa trong năm này. Còn người không giàu nhiều nhưng có chút vốn trong tay cũng mở quán nhỏ làm ăn bên đường, người ta mở các hiệu shop thời trang, các quán tạo mẫu tóc đẹp, quán sửa xe và làm thợ may quần áo,…v…v.
Những anh, những chị mới nhập cư thì họ lo việc tìm chỗ ở rồi đến tìm việc làm cho nhanh, lúc nào cũng bận rộn theo mùa tới.
 Người ta, đôi lúc lại rảnh biết mùa tới thì lao xao hội họp, huyên náo chuyện, thư thả ngồi dưới những gốc phượng, gốc bàng hay hàng cây sấu cơm nguội đang ra hoa trắng thơm phức, người lại nghĩ đến những năm tháng tươi đẹp ngày xưa khi còn con trẻ đến nay khi già.
Nghĩ lại ngày xưa đi học đâu có như tụi trẻ bây giờ, học nhiều mà thành ra quên nhanh, đâu như tụi con trai, con gái mới lớn giờ đã đi xe môtô đầy ngoài đường mà không đội mũ bảo hiểm, đâu như giờ có các quán game, quán nét bằng mạng vi tính nổi trội thu hút những giới học sinh vào ngày đêm. Nghĩ mà buồn thay, mỗi mùa qua đi rồi mùa lại về, chuyện vui không có mấy nhưng chuyện buồn lại nhiều.
Rồi đến mùa, người người đông đúc, lại mở các quán nhậu nhẹt quanh đường nhan nhản về đêm, rượu bia nồng nặc lái xe, rồi xảy ra các vụ tai nạn thương tiếc, khó lường trước. Người ta đã cảnh báo nhau, dù trên mỗi ngả đường đã đủ đầy các biển hiệu báo rõ nhưng tại sao vẫn xảy đến khi mùa về…
 …Biết là mùa, nên ở các ngõ ngách hay đầu phố, người ta tụ họp lại một nơi, ngồi và đứng ở cổng trường đón con về. Các ông bố, bà mẹ không thấy bực bội vì những cơn nắng và mưa nồng nặc mùa đầu tháng, họ chờ con tan học như một lập trình thời gian trong ngày, bắt bẻ chuyện mùa thi, chuyện con trai, con gái mình được học sinh gì và có bằng khen ra sao. Họ lật qua lật lại những tờ báo mới mua trong mùa, xem tin tức và cười cùng nhau vì nhiều chuyện đáng cười thời nay.
Chuyện đưa đón con đến lớp làm người ta yên tâm hơn vì có người lớn đi cùng con nhỏ. Nhưng khi con lớn, cũng bớt được thời gian dậy sớm cho con đến trường, nhiều người vẫn còn lo về con mình vì đến mùa đâu đâu cũng nhiều bất trắc đến.
Nhìn các bà mẹ mang con đến trường, bụng chửa mà lo ngom ngóp, nhưng vì thời cuộc vẫn phải mưu sinh sớm tối để làm, tranh thủ thêu chữ, góp nhặt mấy mớ rau để bán, bán lặt các hàng đặc sản qua ngày, còn ngày nghỉ thì ngồi giặt đống quần áo, lau các đồ bụi bặm trong nhà cho sạch, chuẩn bị cơm nước cho gia đình…
Có nhiều lý do, nhiều ước mơ mà các bậc làm cha, làm mẹ đặt hết niềm tin vào tương lai con trẻ. Như ngày xưa mình chưa làm được, thì giờ con mình sẽ làm được, cho nó học thành tài, năm học này phải giỏi nhất trường, nhất lớp. Chỉ cần con được đi thi chữ, thi vẽ cũng đủ làm các mẹ giàu thêm vui khi có cớ để khen con mình trước mặt các bà đồng nghiệp cùng ngành khi mùa năm nay tới.
Biết bông điệp tây nở, hoa phượng cháy đỏ, ve kêu nhiều là biết mùa tới rõ ràng hơn.
Ở ngoài kia, nơi mặt đường đầu con phố có thể thấy xe cộ tấp nập qua lại, có thể nhìn người mua kẻ bán đông như hội chợ, có thể bàn tán hay khen chê các nhà mới xây dựng, rồi trưa trưa hay tối tối người ta lại trở về một nơi thân thuộc nhất, ấy là gia đình có chồng vợ có đủ con cái ngoan và học giỏi, đó mới là điều hạnh phúc, niềm sung sướng nhất khi mùa về, khi người ta lại thấy rồi mùa sau sẽ có những bông điệp tây trắng vàng nở rộn khắp đường, có mưa và có nắng là thấy vui…