– Cút!

    Tiếng đàn ông khản đặc kéo theo đó là âm thanh loảng xoảng của chén đĩa. Tiếng khóc ré của hai đứa nhỏ cùng tiếng bước chân xiêu vẹo cả vạt nắng chiều. Mấy đứa trẻ con trong xóm nấp sau rặng chuối hấp háy nhìn vào ngôi nhà -căn nhà co rúm, chênh vênh sát mé sông.

    Tỉnh dậy  giữa cơn say, hắn vươn vai uể oải bước ra ngoài. Trời vẫn nhá nhem tối. Khát quá! Hắn tu một hơi dài gáo nước đặt cạnh vách nhà. Sực nhớ, hắn nhìn vào trong góc buồng nhưng chẳng thấy bóng dáng vợ con. Máu trong người nóng lên, hắn sẽ tìm và cho con đàn bà hỏng nết ấy nhừ đòn vì cái tội dám dắt con bỏ nhà theo trai. Vừa đi vừa lẩm bẩm, hắn ngã vật ra giường lúc nào cũng không hay và tiếp tục đánh một giấc ngủ dài. Xa xa, trên chiếc thuyền bé xíu, hai đứa trẻ ôm nhau cuộn tròn, từng giọt mưa rả rích đánh vào hư không lạnh cóng. Người đàn bà nghiêng vội vạt áo để mưa không hắt vào người con dẫu cả tấm lưng của mình ướt nhẹp. Đôi mắt người phụ nữ xa xăm, vô định.

    Bẵng đi một thời gian, người ta không còn nghe tiếng chửi rủa của hắn. Có lẽ hắn đã thay đổi hay hắn đã thấm mệt sau khoảng thời gian đằng đẵng ghen tuông vợ vô cớ. Nhưng, bầu trời thường yên ả trước cơn bão lớn. Và những kẻ hay ghen lại là những kẻ rất dễ sa vào lưới tình. Hắn không thay đổi nhưng hắn đã đổi thay. Hắn dắt về một người đàn bà. Người có đôi mắt sắc như dao cau, với hai lúm đồng tiền thật duyên. Người đàn bà trẻ hơn vợ của hắn. Đôi mắt của người phụ nữ vốn dĩ hiền lành bỗng long sòng sọc khi nhìn người đã cướp chồng mình. Nhanh như cắt, chị bước tới, tát thẳng vào mặt ả một cái đánh “bốp”.

   – Cô dám!

    Và cũng nhanh như cắt, người đàn ông cao to nhanh nhảu thẳng tay đánh trả chị. Khóe môi mặn đắng pha lẫn tanh tưởi. Đôi mắt đau đáu nhìn người đầu ấp tay gối bấy lâu, chị nài nỉ đến van xin vì muốn cho con có một gia đình trọn vẹn. Con có cha- đó chính là lí do duy nhất mà chị nhẫn nhịn đến nhẫn nhục bấy lâu nay. Chị mồ côi cha từ nhỏ nên đó là niềm khao khát mãnh liệt vô cùng. Bỏ qua những lời chê cười, bỏ qua những tủi hổ, chị vẫn bám víu vào lí do ấy để sống. Thế mà, người đàn ông có nước da đậm vẫn nhẫn tâm vứt hết tất cả quần áo của chị và đứa con gái lớn ra đường. Đôi bàn tay thô ráp còn lại bấu đỏ cả bàn tay gầy gò của đứa con trai mặc cho nó khóc khản cả cổ, cố gắng giãy giụa để được đi với mẹ. Ả đàn bà xoa tròn đôi gò má, giọt nước mắt lăn dài, vội vàng bước vào trong, giấu vội nụ cười nhếch môi. Bỏ mặc ngoài kia là cả khoảng trời bão giông tan vỡ.

   Đã bao lần chị lén dẫn hai con bỏ trốn nhưng không thành. Cho đến một ngày, chị như hóa điên dại khi gã đàn ông bội bạc kia bán ngôi nhà nhỏ để khăn gói theo tình nhân. Không ai biết họ đi đến phương trời nào. Và đằng đẵng hơn chục năm, người ta không còn thấy bóng dáng chị ở cái xóm ven sông. Nghe đâu, chị đi tìm con. Cho đến một ngày cuối hạ, chị quay về. Và cứ mỗi buổi chiều, lũ trẻ lại thấy người đàn bà với chiếc áo xanh sờn bạc, chân trần đi dọc theo bờ sông rồi thẫn thờ ngồi bó gối trên chiếc thuyền đã cũ nát- chiếc thuyền đầy ắp kí ức đau buồn về những ngày tháng ba mẹ con lén  trốn những trận đòn roi từ người chồng cục súc. “Ầu ơ, còn cha ăn cơm với cá, ầu ơ…mất mẹ… ầu ơ, mất mẹ… lót lá mà nằm”, tiếng hát nỉ non nhuộm tím cả khúc sông. Thời gian vẫn trôi qua, mọi người đều rời xa cái xóm nghèo để tìm kiếm cuộc đời mới. Chỉ có chị là vẫn bám trụ nơi đây. Với một niềm tin mãnh liệt, đứa con trai khi đủ lớn chắc chắn nó sẽ quay trở về để tìm chị.

    Đứa con trai đã quay về. Sau hơn mười năm. Vẫn đôi mắt to nhưng buồn thăm thẳm, vẫn mái tóc xoăn tít giống hệt ba. Nó nhìn chị, khuôn mặt phảng phất nụ cười, vẫn thơ ngây như thuở nào. Chị gào thét trong điên dại:

   – An ơi! An ơi! Không! Không phải sự thật! Ông trời ơi! Sao ông tàn nhẫn thế này!

   Chị ngã khuỵu. Đứa con gái một tay đỡ mẹ, tay còn lại run rẩy ghì chặt di ảnh của đứa em trai bé bỏng. Một năm theo cha, nó đã chết bởi một cơn sốt xuất huyết. Không thuốc thang, không chăm sóc. Chết trong đau đớn, chết trong sự vô tâm của chính cha nó. Còn người đàn bà kia, sau khi cuỗm toàn bộ số tiền bỗng dưng biến mất. Như con thiêu thân, hắn lao vào cuộc đỏ đen thâu đêm suốt sáng bằng những đồng bạc cuối cùng mà ả nhân tình không tìm thấy được nhằm lấy lại những gì đã mất. Và đến cuối cùng, hắn đã mất tất cả những gì đã có, mất cả  đứa con trai mà hắn cố dành giật để dựa dẫm lúc về già. Trong cơn mê sảng, đứa trẻ lên sáu luôn miệng gọi mẹ. Và cho đến khi lìa xa cõi đời, bàn tay gầy gò nhỏ bé vẫn nắm chặt lấy mấy viên bi xanh đỏ mà mẹ nó đã mua cho trong một buổi chợ phiên. Trong túi áo nhỏ của nó, tấm ảnh gia đình nhăn nhúm có những chỗ nhòe đi. Lời của người họ hàng xa kể lại như hàng ngàn nhát dao cứa ngang dọc vào trái tim vốn dĩ đã đầy tổn thương của chị. Và tấm di ảnh được hắn nhờ người gửi về vì không tiện mang theo càng khiến lồng ngực chị đau đớn. Vụn vỡ, tan hoang. Có phải chăng chị đã sai? Chị đã cố gắng níu kéo, nhẫn nhục để giữ lại một gia đình không hề hạnh phúc. Cứ ngỡ đâu đó là sự hi sinh vì con nhưng nó đã khiến tuổi thơ của những đứa trẻ chỉ đầy ắp nỗi bất hạnh. Bao nhiêu suy nghĩ chồng chất, dằn xé, xoáy vào tâm thức. Chị quằn quại đến mức không thở được. Nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt khô khốc. Tia lửa hận từ đôi mắt ánh lên sắc lạnh. Chị hận người đàn ông ấy- hận cả một cuộc đời. Và kể từ khi ấy, người ta không hề thấy chị khóc thêm một lần nào nữa.

    – Đây là ba mẹ chồng của con, còn kia là cháu ngoại của ba.

    Người đàn ông hấp háy đôi mắt thay cho lời chào. Hơi thở gấp gáp. Cả thân mình rệu rã sau chuyến đi dài. Đứa trẻ con lảng tránh ánh mắt bởi lẽ “ông ngoại” là một định nghĩa quá xa lạ đối với nó. Lồng ngực căng tràn mùi ngai ngái của rơm rạ ngoài hiên. Đã rất lâu rồi, ông mới được hít hà cái hương vị đậm quê mình. Đứa con gái giấu vội giọt nước mắt chực trào khi lau đến vùng lưng lở loét của cha. Từng mảng da bắt đầu bong tróc, có những phần thịt đỏ hỏn.

    Ông cắn chặt răng để tránh thoát ra âm thanh rên rỉ.  Kí ức ba mươi năm về trước ùa về. Căn nhà sát ven sông. Hai đứa trẻ chơi ô ăn quan trước cửa. Người đàn bà vừa thoăn thoắt móc lưới vừa nhoẻn cười nhìn con trìu mến. Còn người chồng thì chuẩn bị đồ nghề để sáng mai động thổ cho nhà người ta. Tuy không khá giả nhưng công việc thợ xây cũng giúp ông kiếm được bữa cơm có cá thị cho mái ấm của mình. Ông rất vững tay nghề. Tiếng lành đồn xa nên có những bận ông xa vợ con cả tháng trời. Thế  nhưng, cái nghề ấy lại hay có những buổi chiều lai rai. Riết, ông quen hơi rượu rồi trở nên nghiện lúc nào không hay biết. Mà vợ ông lại duyên dáng, tháo vát nhất vùng. Nó khiến cho ông ghen, ghen một cách vô cớ. Để rồi, ông  mang sự ghen tuông và những áp lực mệt mỏi từ bên ngoài về đổ hết trên đầu vợ con. Rồi bỗng ả ta đến. Mơn mởn, ngọt ngào và chiều chuộng tựa hồ một cơn gió mới đánh thức niềm si mê trong ông. Cho đến khi, ông tỉnh giấc sau cơn say mới thấy bên mình chỉ còn mỗi đứa con trai. Hành lí của ông bị xới tung và ả cũng mất dạng. Nhục! Không thể quay về với hai bàn tay trắng. Ông tìm vận may trong trò đỏ đen. Ông mất sạch lại thêm nợ nần chồng chất  và mất luôn cả đứa con trai. Ông bị chủ nợ truy đuổi vì lãi mẹ đẻ lãi con. Đói khát, sức khỏe suy yếu. Cái nắng như đốt da đốt thịt cùng cơn đau chưa khỏi hẳn khiến ông ngã từ trên mái nhà xuống đất. Tai biến. Không người thân. Người ta mang ông về ở tạm cái thuyền nhỏ cũ nát. Ông lay lắc bữa đói bữa no nhờ người ta thương tình trong hơn nửa năm trời thì con gái mang ông về. Nghe đâu, nó vẫn đi tìm ông sau ngần ấy năm.

   – Đây là nhà của ba mẹ anh. Ở vài ngày thì được chứ làm sao gia đình anh ở chung suốt đời với ba em được. Em liệu mà tính đi!

   – Em xin anh! Em là đứa con còn lại duy nhất của ba. Ba cần em chăm sóc. Anh bảo em biết tính làm sao cho trọn vẹn bây giờ?

   – Hay đưa ba về với mẹ?

   – Không! Mẹ đã đau đớn, khổ sở sau ngần ấy năm lắm rồi. Với lại, giờ đây ba với mẹ chỉ là người dưng.

   – Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Đừng bảo người khác phải gánh thay nghiệp của mình.

     Tiếng đứa con rể rít khẽ giữa đêm khuya . Nó nói đúng, đó là quả báo cho sự tàn ác của ông với vợ con năm xưa. Đáng lắm! Thế nhưng hai dòng nước mắt cứ cuộn tròn bởi trái tim vụn vỡ khi nghe tiếng khóc đứt quãng, thổn thức của đứa con gái. Cả đêm ấy ông thức trắng.

    Sáng hôm sau, rón rén bưng bát cháo đến cạnh cha, cô muốn nói một điều gì đó nhưng cổ họng ứ  lại nghẹn đắng. Nhìn con âu yếm, giọng ông chắc nịch:

    – Hãy để ba đi! Tối qua vô tình ba nghe hết cả rồi!

    Đứa con rể thuê một chiếc xe ba gác nhỏ để chở ông. Đến nơi, chiếc lều bạc đã cũ được giăng bốn góc một cách nhanh chóng. Một chiếc giường xếp nhỏ, một chiếc gối và cái mền bay mùi ẩm mốc bỗng trở thành “nhà”. Người đi chợ tò mò chỉ trỏ rồi trách móc kẻ làm con đối xử tệ bạc với đấng sinh thành. Còn người phụ nữ còn trẻ cúi đầu, mắt sưng húp, nắm lấy bàn tay cha khóc trong bất lực. Cả ba thế hệ nhà chồng phải cùng nhau chui rúc dưới căn nhà ẩm thấp, chật hẹp. Vì thế, cô không thể nào giữ cha bên cạnh để làm trọn đạo làm con.

    Thế là, lão sống ở cuối chợ. Ban đầu, người ta thương tình còn mang cho lão ổ bánh mì hay bát cháo bán ế ẩm. Thế nhưng, tiếng ho sù sụ của lão, những con bọ nhặng xung quanh túp lều nhỏ dần khiến họ  ái ngại. Rồi họ sợ nhiễm bệnh và đặc biệt là sợ lão chết. Lão biết hết, giá mà lão có thể đứng dậy và đi đến một nơi nào đó để kết liễu cuộc đời mình. Nhưng, đến vệ sinh cá nhân, lão cũng phải chờ con thì muốn chết lại trở thành một mơ ước viển vông. Còn con gái, mỗi ngày ba lần, cô đều tranh thủ đến chăm cha. Mặc dầu bận rộn với công việc đồng áng và nhà chống nhưng chiếc lồng cơm màu bạc luôn có đủ cơm canh sốt dẻo dành cho ông. Đều là những món ngày xưa ông thích và vẫn là hương vị thân quen đến lạ!

    – Mẹ, con xin mẹ! Mang ba về được không mẹ?- Giọt nước mắt của cô lăn dài đẫm cả hai vạt áo.

    – Không!

     Người đàn bà đanh ghép, dứt khoát trả lời. Bà làm sao quên được kẻ phụ tình năm xưa. Kẻ khiến cuộc đời của bà và hai đứa con sống trong đau khổ. Kẻ đã dành giật và giết chết đứa con trai bé bỏng Kể từ lâu, trái tim ấy đã hóa đá. Và trên khuôn mặt héo hon ấy không còn xuất hiện nụ cười. Khói từ bát lư hương tỏa ra nghi ngút, cuộn tròn bay vào hư không.

    – Đi đi, cút đi!

     Tiếng la hét, chửi bới của những người trong chợ. Người đàn ông nằm đó với cơn ho rũ rượi, co rúm sợ sệt trước những kẻ hung hãn. Người ta bắt ông phải rời đi bởi mùi hôi thối bốc ra từ chỗ ông nằm. Bỗng đám đông tản ra, thưa thớt dần. Ông không nhớ đã diễn ra những gì sau đó bởi cơn sốt từ hai đêm trước khiến đầu óc ông quay cuồng. Đến khi tỉnh lại, đập vào mắt là chiếc lồng cơm màu bạc quen thuộc. Khung cảnh xa lạ. Ông sửng sốt, ngớ người khi dần nhận ra bóng hình ba mươi năm về trước. Ông thổn thức:

    – Bà…bà Nga…!

     Người đàn bà quay lại với nét mặt không chút cảm xúc. Bà rời đi để lại đứa con gái chườm khăn ấm cho cha. Thì ra, đây là nhà mà hai mẹ con đã tằn tiện, tích góp từ lúc ông đuổi ra khỏi nhà. Căn nhà nhỏ đã thấm đẫm cả mồ hôi, máu và nước mắt của người đàn bà khốn khổ ấy.

      Cả đêm ông sốt. Lúc tỉnh, lúc mơ. Ông cảm thấy đôi bàn tay gầy gò, nhăn nheo ấy đã chăm sóc ông suốt đêm. Cố gắng mở mắt, lấy toàn bộ sức lực để giữ chặt vạt áo của bà và ông đã òa khóc như một đứa trẻ.

    – Bà ơi! Tôi…tôi…xin lỗi…xin lỗi…

    – Đừng suy nghĩ nhiều! Ông nghỉ ngơi đi! – Đã rất lâu rồi, ông mới nghe lại thanh âm dịu dàng ấy.

     Sáng hôm sau, khi bầu trời bắt đầu những tia nắng sau những đêm dài lạnh cóng. Đứa con gái dựng vội chiếc xe đạp bên hiên, chạy vào trong xem tình hình của cha. Cô đau đớn, hét lên thất thanh khi phát hiện ông đã ngừng hơi thở. Người đàn bà vừa đi vào bậc cửa, đánh rơi thức ăn đã mua ở buổi chợ sớm. Tối qua, bà mới nhớ rằng những ngày trước bà chưa nấu món canh chua cá lóc cho ông.

    Ông ra đi trong lặng lẽ. Có lẽ giờ đây, người đàn ông đầy tội lỗi ấy không muốn mình trở thành gánh nặng của bất cứ ai. Thế nhưng, kì lạ chưa, khuôn mặt gầy gò, hốc hác thường ngày bỗng hồng hào lạ thường! Có lẽ ông đã nhận ra những hương vị quen thuộc từ chiếc lồng nhỏ bấy lâu được làm chính từ bàn tay bà. Và có lẽ cả cái thanh âm dịu dàng cuối cùng bà nói với ông cũng đủ khiến trái tim ông bớt đi sự cô độc. Đám tang của ông, chỉ vài người thưa thớt. Lấy một nắm đất, bà đắp lên phần mộ chồng cũ. Giọt nước mắt lăn dài. Đã rất lâu rồi, đứa con gái mới thấy mẹ khóc. Giọt nước mắt cuối cùng bà dành cho ông…Tất cả thù oán từ nay buông bỏ!