Lời nói đầu

Tây Nguyên trong mắt của chúng tôi vào thời điểm bắt đầu chuyến đi là nơi cao nguyên đất đỏ đầy nắng và gió, nơi con người làm bạn với núi rừng, nơi mà chúng tôi cùng bạn bè, thầy cô sẽ được diện kiến sự hùng vĩ của thiên nhiên vô tận.

Và Tây Nguyên của chúng tôi bây giờ là vùng đất đầy thân thương, đầy kỷ niệm, bên những con người lao động chất phác, bên những hàng cây cổ thụ đã chứng kiến sự thăng trầm qua năm tháng. Nơi đó có nhưng ngôi chùa cổ kính trang nghiêm, những bờ hồ thơ mộng thư tranh vẽ, có cả những ngọn núi hùng vĩ và ngoạn mục nơi xa xa…

Chúng tôi yêu từng khóm đất hàng cây, yêu từng đứa trẻ, từng mái nhà rông, nhà dài, yêu đến từng con người, từng hạt café trĩu nặng mồ hôi người lao động.

Chúng tôi xin viết lại đây những dòng kỷ niệm, những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của chuyến đi, về văn hóa, cảnh vật và con người xứ đại ngàn này…

“Hãy một lần lên Tây Nguyên đi anh
Gió đại ngàn yên lành vi vút thổi..”

Ngày 10 tháng 12 năm 2018…

Khởi đầu chuyến đi của thanh xuân…

Hừng đông vừa hé, Sài Gòn xinh đẹp đã bắt đầu nhộn nhịp người qua lại. Cánh cổng trường Đại học Sài Gòn vẫn mở lớn như bao ngày, nhưng hôm nay chúng tôi không đến trường để học.

Hôm nay, là ngày sinh viên Sư phạm Ngữ Văn đi thực tế.

Xe nổ máy, chúng tôi bắt đầu lên đường đến với núi rừng Tây Nguyên đại ngàn. Trong số chúng tôi có những bạn đã từng đến với vùng đất này, có những người chỉ biết đến qua sách vở phim ảnh, nhưng ai nấy cũng tràn đầy mong đợi và hưng phấn đối với chuyến đi này.

Chúng tôi dừng chân dùng điểm tâm sáng ở Khu du lịch Đại Nam văn hiến, trong cảnh quang tráng lệ và thoáng đãng, dường như mọi mệt nhọc cùng ưu phiền trong tâm trí mỗi người đã trôi đi đâu hết. Chúng tôi của bây giờ chỉ có sự háo hức đối với nhưng trải nghiệm sắp tới, chắc chắn rằng đó sẽ là dấu ấn khó phai mờ trong thanh xuân của mỗi người chúng tôi.

Ra khỏi Sài Gòn cùng thành phố mới Bình Dương năng động, nhộn nhịp, Bình Phước hiện ra trước mắt tôi với những đám rừng cao su trải dài bạt ngàn đến tận Đắk Nông. Tháng 12, mùa cao su thay lá, lá cao su lúc rụng không những khô vàng mà còn có những lá đỏ cam như lửa, gió heo may cuối thu thổi về, từng chiếc lá lả tả rơi xuống, tạo thành một vùng lá rụng đỏ rực dưới gốc cây. Chúng tôi cứ ngỡ mình đang Canada hay Thụy Điển ngắm rừng lá phong cuối thu, nhưng có lẽ lá phong đỏ ở Châu Âu lại chẳng thể nào có được cái vẻ xinh đẹp mà tiêu điều đến mức đượm buồn như rừng cao su Việt Nam được.

Bởi vì, Việt Nam luôn xinh đẹp nhất.

Vùng Tây Nguyên, một thời gọi là Cao nguyên Trung phần Việt Nam, vào thời Pháp thuộc, dựa vào chính sách chia để trị, họ còn gọi nơi đây là vùng Trung kỳ. Vùng cao nguyên Trung phần bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Đắk Nông là nơi đầu tiên đón tiếp đoàn người chúng tôi. Thật đáng tiếc thay, chúng tôi không kịp nhìn thấy hoa dã quỳ vàng ươm trải dài khắp hai bên đường như những người từng đến đây nói, mùa hoa nở vừa qua, đâu đó chỉ còn lát đát lại vài khóm hoa vàng nổi bật hơn cả màu đất đỏ badan xứ Tây kỳ.

Không được diện kiến cảnh tượng hàng ngàn bông hoa dã quỳ đồng loạt khoe sắc, nhưng thay vào đó, đoàn người chúng tôi lại không khỏi trầm trồ trước vô vàng loài hoa dại nở ngập kín hai bên vệ đường, đặc biệt là hoa xuyến chi (cỏ hôi) và cỏ đuôi chó.

Những bông hoa xuyến chi màu trắng nho nhỏ, lấm tấm chen lẫn giữa các phiến lá xanh như những bông tuyết, bé nhỏ nhưng lại nổi bần bật giữa màu đất đỏ badan giữa đại ngàn Tây Nguyên núi rừng. Từng khóm, từng khóm hoa trắng muốt xen với nối tiếp nhau kéo dài, chen lẫn vào đó còn có màu hồng cam mộc mạc của cỏ đuôi chó và vài cánh dã quỳ màu vàng cam còn sót lại. Giữa cái hùng vĩ của từng cánh rừng ngọn núi nơi đây, chúng tôi thật sự không ngờ lại có thể xuất hiện cảnh sắc mơ màng, xinh đẹp mà mềm mại đến nỗi như vậy.

Qua khỏi địa phận Đăk Nông, chúng tôi tiếp tục chạy dọc theo QL14, qua những đoạn đèo xinh đẹp, xe chúng tôi ngày một lên cao, nhiệt độ cũng theo đó mà xuống thấp. Đối với những cô gái lớn lên giữa Sài Gòn hoa lệ, đây là lần đầu tiên chúng tôi cảm nhận được thứ mà các tay phượt thường nói : Vẻ đẹp của cái chết.

Quá trình vượt đèo thật ra không hề đáng sợ như những thứ chúng tôi thấy trên phim ảnh, có lẽ là do tay lái vững chãi của bác tài hoặc tâm lý thoải mái, chúng tôi cảm thấy việc xe lên đèo căn bản cũng không khác gì so với việc chạy trên đất bằng, nhưng những đoạn đường ngoằn ngoèo cắt ngang lại nhắc nhở chúng tôi rằng việc leo đèo quả thật là một vấn đề nguy hiểm.

Nhưng chỉ có như vậy, chúng tôi mới chân chính cảm nhận được thứ gọi là “vẻ đẹp của cái chết”. Từ cổ chí kim, phàm là thứ càng xinh đẹp thì càng nguy hiểm. Quả thật, mỗi khi xe băng qua những khúc cua nguy hiểm, cảnh vật hiện ra trước mắt chúng tôi càng rõ ràng và hùng vĩ hơn bao giờ hết. Một bên của chúng tôi là lưng núi cao chót vót như thể chạm được đến bầu trời, còn bên kia là vực sâu nguy hiểm nhưng lại xinh đẹp đến mức nao lòng. Từng ngọn núi bao la xanh mướt nói tiếp nhau, ở giữa nếu không là thung lũng lòng chảo thì sẽ là những mặt hồ xanh ngọc đẹp như mơ. Trên không trung, bầu trời Tây Nguyên xanh thăm thẳm như đôi mắt của nữ thần, từng đám mây trắng bồng bềnh lững lờ trôi và vầng thái dương vẫn rực rỡ tỏa sáng.

Sau hơn một giờ đồng hồ leo đèo, chúng tôi đặt chân đến địa điểm đầu tiên theo lịch trình của chuyến thực tế : Thác Dray-sap. Chúng tôi phải đi bộ ngót 500m đường mòn để có thể vào đến thác, dọc đường đi, ai nấy trong đoàn chúng tôi cũng phải trầm trồ bởi vẻ đẹp nguyên sinh, hoang sơ và đậm chất núi rừng nơi đây. Phía bên phải đường mòn là vách đá cao, bên dưới là đầm lầy rong rêu và bèo tấm, qua tiếng chim hót cùng tiếng nước róc rách chảy, thật sự chúng tôi đã nghĩ mình phải chăng đang đến đầm lầy vùng Nam Mĩ.

Thác Dray- sap còn được gọi là tháp Chồng, gần bên đó còn có một thác nước lớn gọi là thác Vợ (Thác Dray-nur). Cả hai ngọn thác hùng vĩ này đều nằm trên dòng sông Sêrêpok chảy ngược huyền thoại của đại ngàn. Theo người Ê-đê,  Dray-sap có nghĩa là “thác khói”, vì dòng nước từ trên cao đổ xuống làm hơi nước li ti bay lên, tạo nên cảnh tượng mờ ảo như sương khói.

Nhưng do bàn tay tác động của con người, công trình thủy điện trên dòng sông Sêrêpok đã khiến lưu lượng nước không còn nhiều và mạnh như xưa, nước trên thác đổ xuống cũng không còn mạnh mẽ như vậy nữa, cảnh tượng thác Dray- sap “thả khói” mờ ảo như sương mù khắp một vùng đã không còn tồn tại, nhưng cái gọi là sương khói mơ hồ thì may thay du khách vẫn còn có thể nhìn thấy.

Tạm biệt Đắk Nông, chúng tôi tiếp tục lên đường đến với thành phố Buôn Ma Thuộc, tham quan ngôi chùa nổi tiếng bật nhất ở Tây Nguyên : Sắc Tứ Khải Đoan. Ngôi chuà được xây dựng và thời Nguyễn, tên gọi Khải Đoan  là ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu… Nổi danh không chỉ nhờ sự đáo pha trộn giữa lối kiến trúc Nhật với kiến trúc Việt Nam truyền thống, trong đó còn có kiến trúc hiện đại, mà ngôi chùa cổ còn khác lên mình sự tĩnh mịch trang nghiêm khác hẳn sự nhộn nhịp của lòng thành phố Buôn Mê Thuộc.

Bên ngoài cổng chùa, thành phố Buôn Mê Thuộc vẫn sôi nổi ồn ào chẳng thua gì các thành phố miền xuôi, nhưng khi đã bước vào cổng chùa thì mọi thứ sẽ trở thành một thế giới khác. Mỗi khi gió cuối thu thổi về, từng chiếc lá bồ đề lả tả rơi nghe xào xạc, khắp bốn phương chư vị thần phật vẫn yên ắng trang nghiêm đứng đó, trước khung cảnh ấy, lòng người bỗng dưng cũng trở nên thanh tịnh vô ba như lòng hồ mùa hạ.

Đêm hôm ấy, chúng tôi được tá túc trong khách sạn của một buôn có thể nói là giàu nhất Buôn Mê Thuộc – buôn Ako Dong, hay còn gọi là buôn Cô Thôn. Điều đầu tiên phải nói đến đó chính là sự ngạc nhiên bởi mức độ khá giả cũng như sự đô thị hóa nhanh chóng của vùng, mặc dù vẫn còn giữ lại những đặc điểm truyền thống, song buôn Ako Dong vẫn khoác lên minh sự hiện đại và thành thị. Chúng tôi nghĩ đây có lẽ là một tính hiệu tốt, khi mà ai nấy cũng nghĩ các buôn làng Tây Nguyên sẽ phải mang một màu sắc đậm chất hoang vu núi rừng thì nơi đây họ đã trở nên phát triển không thua kém các thành thị khác, điều đó sẽ giúp họ tiến gần hơn với nếp sống hiện đại thay vì lối sống cổ điển, khắc phục được những hủ tục xa xưa, đồng thời cũng cải thiện chất lượng sống nhiều hơn.

Bữa tối của chúng tôi cũng không có gì là lẫm, ngoại trừ đĩa rau rừng luộc xanh mướt ngon miệng. Khi được hỏi, cô gái dân tộc đang bê thức ăn chỉ khẽ mỉm cười và nói bằng một cái tên xa lạ mà chúng tôi cũng chẳng nhớ rõ, chỉ biết ở đây họ rất thường ăn loại rau này, cuộc sống hiện đại khiến đời sống của họ cải thiện rất nhiều so với khi xưa, nhưng người Tây Nguyên vẫn có thói quen ăn rau rừng, hái quả dại thay vì xuống chợ mua rau như người đồng bằng.

Ăn cơm xong, chúng tôi được ra ngoài hoạt động tự do. Nói thật thì đối với những người trẻ tuổi Sài Gòn, vùng đất này hẵng còn lạ lẫm lắm, chúng tôi cứ kéo nhau đi thẳng về phía trước, đi mãi cũng chẳng biết nên dừng ở đâu. Gió đêm Tây Nguyên thổi mạnh, mang theo cái lạnh buốt khi thời tiết đã vào đông. Từng dòng người vẫn tấp nập qua lại, không ùn tắc, không khói bụi ồn ào như Sài Gòn hằng đêm. Buôn Mê Thuộc về đêm tĩnh mịt và im ắng, nhưng những ánh đèn đường cùng các quán xá kèm theo cái thơ mộng hoang vu của từng khóm núi xa xa khiến nơi đây mang một cái đẹp khác hẳn, đặc biệt hơn hẳn những thành phố mà chúng tôi đã đi qua.

Ngày 11 tháng 12 năm 2018…

Tây Nguyên trong mắt chúng tôi là…

Sáng hôm nay là một ngày đặc biệt đối với chúng tôi. Chúng tôi được đánh thức bới cái không khí se lạnh khác hẳn Sài Gòn, ngoài kia là sương sớm mờ ảo, và mặt trời vẫn còn lấp ló sau rặng núi xa xa.

Bữa sáng của chúng tôi là món bún chân giò, và chúng tôi một lần nữa cảm nhận được sự khác biệt của nền ẩm thực nơi đây: Họ thích dùng thịt heo rừng, heo tộc để chế biến thay vì heo công nghiệp.

Xong bữa sáng, chúng tôi đến tham quan làng café Trung Nguyên, nơi này tọa lạc ở một vị trí sầm uất giữa lòng thành phố, ngoài các tiểu cảnh xinh đẹp, nơi đây còn lưu trữ rất nhiều di vật cổ chứ ché rượu, trống da trâu, cồng, chiêng…

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi lại đi thêm gần 40 km nữa đến với buôn Đôn, trên đường đi, chúng tôi cứ không ngừng lẩm nhẩm bài hát nổi tiếng nói về nơi này : “Chú voi con ở bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con…”

Nhờ sự giới thiệu của người bản địa, chúng tôi mới ngộ ra một điều đặc biệt : cả tối hôm qua và lúc sáng hôm nay, chúng tôi đều dùng bữa trong nhà dài, căn nhà truyền thống của vùng nam Tây Nguyên. Tây Nguyên trung phần chia làm nam Tây Nguyên và bắc Tây Nguyên. Trong đó, nhà rông chỉ được dùng phổ biến ở phía bắc, còn nhà truyền thống vùng phía nam thông thường là nhà dài. Nhà dài có hai mái, một mái ngiêng về phía trước, một mái đổ ra phía sau, thời xưa, họ thường dùng tre nứa, lá để làm nhà dài. Còn hiện tại, đa số nhà dài đều đã bị “bê tông hóa”, hoặc “gỗ hóa”. Cửa chính nhà dài luôn hướng về phía đông, nơi mặt trời mọc, ngụ ý mong muốn sự sáng sủa cũng như may mắn cho gia đình.

Dân tộc Ê đê ở phía nam Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ, coi trọng sự hiện diện của phụ nữ. Cầu thang lớn đặt ở giữa chỉ để phụ nữ đi, người nam sẽ lên nhà bằng một cầu thang nhỏ khác ở mép bên trái. Cầu thang chính thường treo hai bầu ngực và khắc hình trăng khuyết, khi đi lên, người ta sẽ vươn tay sờ lên hai bầu ngực ấy nhằm thể hiện sự tôn trọng và kính mến dành cho người nữ. Ngược lại, khi đi xuống cầu thang, họ sẽ đi lùi thay vì xoay lưng lại, để không xoay lưng với tổ tiên dòng tộc.

Một phần ba diện tích căn nhà dài được dùng để làm phòng khách, trong đó, có những ghế ngồi dành cho phụ nữ và những người có quyền lực. Phòng khách là nơi dùng để treo cồng, chiên, thờ cúng tổ tiên, cũng là nơi được chọn để đặt bếp lửa, mục đích muốn giữ ấm cho căn nhà. Tiếp đến là phòng ngủ, nhà dài có rất nhiều cửa sổ, vì mỗi một hộ gia đình nhỏ sẽ lần lượt sống trong một phòng, tương đương với một ô cửa sổ. Nhiều gia đình sống quây quần lại với nhau thành một đại gia đình nhiều thế hệ và sống chung với nhau trong  một căn nhà dài, vì thế nếu căn nhà càng dài thì gia đình ấy càng hùng mạnh.

Người chủ gia đình sẽ ngủ tại căn phòng cuối cùng, cạnh bên đó được quy định là phòng của người con gái út. Và người con gái út ấy cũng sẽ là người làm chủ gia đình trong tương lai. Cuối cùng, cây cầu thanh ở phía bên kia nhà dài thông thường sẽ dẫn đến bến nước hoặc nơi sinh hoạt khác của gia đình. Các cô con gái chưa chồng của chủ nhà thường sẽ đóng cửa sổ, vào một ngày lễ hội đặc biệt, người con trai sẽ dùng sào để đẩy ô cửa sổ để bày tỏ ý muốn, nếu cô gái đồng ý, gia đình nhà gái sẽ mang sính lễ đến nhà trai cầu hôn.

Người dân nơi đây có tục hạ thổ rượu, đúng theo cách gọi “con gái rượu”, họ thường sẽ chôn rượu ngon xuống đất ủ khi con gái được một tuổi, và cho đến khi cô ấy lấy chồng mới mang ra thiết đãi mọi người. Vì tôn thờ chế độ mẫu hệ, chàng trai về sau sẽ sinh sống và làm việc ở nhà gái. Chàng trai chỉ được cưới vợ khác khi người vợ hiện tại qua đời. Và theo tục nối dây, họ sẽ cưới em hoặc cháu của vợ mình để tránh việc tài sản và con cái rơi vào tay kẻ khác. Nếu người đàn ông cưới một người vợ khác khi người vợ chính thức chưa chết, anh ta sẽ phải ra đi với hai bàn tay trắng.

Chúng tôi cũng nhận ra rằng, hầu hết các căn nhà của người dân tộc Ê Đê và các dân tộc khác ở  phía nam Tây Nguyên đều xây nhà theo lối kiến trúc của nhà dài, cho dù có là chất liệu gì đi nữa, và có lẽ họ vẫn áp dụng cách sống theo khuôn mẫu một đại gia đình nhiều thế hệ như thế. Chúng tôi nghĩ có lẽ các phong tục tập quán lâu đời đã ăn sâu vào trong tiềm thức khiến họ tôn thờ và  luôn áp dụng các thói quen này, nhưng khi nhìn thấy các ngôi nhà xây dài, nhiều cửa sổ san sát nhau, chúng tôi chợt cảm thấy đây là một phong tục đẹp, rất cổ truyền, rất mang hương vị Tây Nguyên.

Cũng ở nơi này, chúng tôi được nghe kể về ngài Khun Ju Nốp, ông tổ nghề săn voi và cháu của ông là Ama Kông, một trong những người thợ săn voi nổi tiếng của Việt Nam. Ama Kông có tên khai sinh là Y Prông Êban, vì có con đầu lòng tên Kông nên theo luật tục gọi là Ama Kông có nghĩa là cha thằng Kông. Ama Kông là người dân tộc M’Nông. Ông là người săn được nhiều voi nhất ở Việt Nam : 298 con. Ngoài ra, chúng tôi còn được người dân giới thiệu về rượu Ama Kông – phương thuốc bí truyền do ngài Ama Kong tìm  tòi ra với chất liệu hoàn toàn từ thiên nhiên. Ngôi nhà cổ do Ama Kong để lại hiện tại đã hơn trăm tuổi, do người con gái cả của ông thừa hưởng và quản  lý. Căn nhà được lợp bằng một loại gỗ đặc biệt, ban ngày, khi trời nắng, gỗ sẽ co lại để gió và không khí lùa vào qua các kẻ hở, giúp ngôi nhà trở nên thông thoáng mát mẻ, khi mưa xuống, gỗ sẽ dãn nở ra để nước mưa không thấm vào trong, nhà sẽ không bị dột. Bên trong vẫn còn lưu lại rất nhiều di vật của Ama Kong như dây thừng làm bằng da trâu phơi khô bảy ngày bảy đêm, mâm đồng do vua Lào ban tặng cùng một số dụng cụ săn bắt voi ngày xưa của ông …

Đến thăm khu mộ của người Ê Đê, chúng tôi cũng được biết thêm rất nhiều về phong tục chôn cất của phía nam Tây Nguyên. Khi trong nhà có người mất, người ta sẽ dùng gùi gõ vào mặt trống được bọc bằng da trâu đực để phát ra tiếng trầm, báo hiệu cho cả làng biết. Khi chôn cất, người ta thường đặt một ống dài thông từ đỉnh mộ xuống đến nơi người chết an nghỉ. Theo phong tục, họ sẽ khắc hình voi lên mộ của người nam, hình chim công trên mộ người phụ nữ. Hằng ngày, người nhà sẽ đến đây để cho thức ăn vào trong ống đó. Họ quan niệm rằng người chết và người sống cũng như nhau, cũng cần ăn uống và sinh hoạt như người sống, cho đến khi làm lễ bỏ mã (thông thường là sau ba năm hoặc có thể dài hơn, tùy thuộc vào kinh tế gia đình ) thì người chết sẽ về đến cõi vĩnh hằng và không còn vướng bận nữa. Tục bỏ mả dựa vào lối sống di căn di cư của người dân tộc cổ, vì khi có việc cần di chuyển nơi cư trú, tục bỏ mã sẽ giúp họ không cần vướng bận tổ tiên, người mất nữa.

Mặt trời chạm đỉnh, chúng tôi dùng bữa tại nhà hàng Sàn Si, độc đáo ở chỗ, nhà hàng này được xây dựng trên gốc của hàng chục cây si, bên dưới là dòng sông Sêrêpok ùn ùn nước chảy. Muốn đến nhà hàng dùng bữa, chúng tôi bắt buộc phải đi qua ba đoạn cầu treo bắt ngang sông, chắc chắn đây là cảm giác mới lạ mất mà chúng tôi trải nghiệm trong mấy ngày qua.

Đón tiếp chúng tôi tại nhà hàng là món ăn nổi tiếng: Cơm lam và thịt gà nướng. Cơm lam là loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre, giang, nứa v.v. và nướng chín trên lửa. Đây là món cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam, Tây Nguyên… Nguyên liệu làm cơm lam bao gồm gạo, ống nứa (tre), lá chuối. Ngoài ra có thể còn có dừa nạo, nước cốt dừa, vừng trộn lẫn gạo trước khi nướng. Lấy gạo bỏ vào một chiếc ống giang một đầu hở, sau đó dùng lá chuối hoặc lá dứa bịt kín lại rồi đốt. Nhưng nấu cơm lam thực ra không chỉ đơn giản như vậy. Ống giang dùng nấu cơm lam phải còn tươi để khi cơm chín, hạt cơm quyện thêm một chút vị ngọt và mùi đặc trưng của tre. Nứa thường được chọn giang bánh tẻ, non quá hay già quá đều không được.

(Ống cơm lam trên mâm cơm của chúng tôi) 

Cơm lam cùng thịt nướng đã trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi để đến nền ẩm thực Tây Nguyên. Cơm lam thơm phức, dẻo ngon ăn kèm với thịt gà thả vườn dai, mềm, ướp gia vị cho vừa miệng rồi nướng vàng đã khiến không ít thực khách xiêu lòng.

Chúng tôi lại tiếp tục đến với học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, nơi đã đào tạo ra rất nhiều lứa cầu thủ trẻ tài năng cống hiến cho nền bóng đá nước nhà. Hoàng Anh Gia Lai là học viện bóng đá đầu tiên ở Tây Nguyên, được xây dựng dựa trên khu đất trồng cây cao su cũ khoảng 5 hecta ở Hàm Rồng, cách thành phố Pleiku 13 km. Học viện bao gồm 10 sân tập, trong đó có 5 sân chính, 6 khu nhà, hồ bơi, sân tenis, phòng xông hơi và tập tạ với tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng bên trong đó vẫn mang những hơi hướng cổ xưa của người dân tộc Tây Nguyên.

So với các học viện bóng đá khác như Viettel ở Hòa Lạc hay Trung tâm đào tạo trẻ PVF ở Hưng Yên, thì học viện HAGL có vẻ mang hơi hướng Tây Nguyên, không xây dựng khu nhà ở thành các tòa nhà to lớn  như dạng ký túc xá, mà được chia thành phân khu nhỏ bao bọc xung quanh là những hàng cây cổ thụ to lớn. Nhìn vào phòng, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều vật dụng bằng gỗ, từ cửa phòng cho đến chiếc ghế đặc trước phòng. Nhìn thấy có vẻ hơi hoang sơ hơn so với các câu lạc bộ khác trên đất nước. Khi mà đa số các câu lạc bộ đều xây dựng khá quy mô hiện đại, với cửa kính, thang máy, máy lạnh… Thì câu lạc bộ vẫn sử dụng cầu thang thường, và không có máy lạnh.

Qua một cây cầu thanh nhỏ, chúng tôi được dẫn đến phòng truyền thống, điều này làm chúng tôi cảm nhận giống như đang đi lên nhà rông của người dân tộc, ở bên trong trưng bày những cúp lưu niệm, hình ảnh truyền thống, hoặc các cầu thủ tiêu biểu của đội. Địa hình của câu lạc bộ do ảnh hưởng từ trước, mà càng đi vào ta có càng có cảm giác như đi lên cao hơn, gần giống với đoạn đường đi từ đồng bằng lên đến miền núi, có độ dốc, hoặc nhìn từ sân tập chính ở của vào học viện, có thể thấy các sân vận động được xây dựng lên cao dần… Xung quanh đường đi đều trồng rất nhiều thông già, các sân vận động, phòng ốc, hồ bơi, phòng ăn đều được phân chia bởi các hàng cây khá to lớn. Trời vào đông, hàng cây xơ xác lá, tiêu điều nhưng lại mang một cái đẹp rất riêng cho học viện.

Thường trong phòng ăn sẽ ngồi thành bàn tròn, thì ở học viện các cầu thủ lại ngồi như một bàn dài, khá giống với phong tục của người Tây Nguyên thường sử dụng bàn dài hay nhà dài. Học viện có vẻ giống với một buôn làng thu nhỏ của người Gia Lai, cảnh vật đơn sơ, không gian im ắng, khiến người đến như cảm nhận được núi rừng Tây Nguyên. Nhưng lại để lại trong lòng du khách những hình ảnh khó lòng mà quên được đó là hình ảnh những người con trai hăng say luyện tập trên những bãi đất cao, mồ hôi nhẽ nhại, nhưng tất cả điều là vì đam mê vì màu cờ sắc áo của dân tộc.

Tối hôm đó, chúng tôi có dịp dạo một vòng chợ đêm Gia Lai. Không hiện đại và cầu kì như chợ đêm Sài Gòn, chợ đêm Gia Lai bắt đầu sôi nổi nhất là vào khoảng tám giờ tối, các tiểu thương trực tiếp bày sạp ra đường. Từ món ôi gà ăn kèm với cơm cháy mỡ hành cho đến từng xâu nem lụi, thịt nướng, bánh cuốn nổi danh, mùi hương thơm phức của tô phở khô hay tô bún cua đặc sản phố núi, mùi hương từng món ăn đủ để níu chân bất cứ du khách nào. Khi được hỏi đặc sản nổi tiếng nhất vùng này là gì, cô bán hàng thân thiện cười nói với chúng tôi: “Món nào cũng ngon hết, món nào cũng đặc sản hết con à !”

Cái đẹp của Việt Nam chính là, nơi đâu cũng là nhà, bất cứ ai trên đường đều có thể gọi là cô, là chú, là bà, ông. Nhưng không hiểu sao tiếng “ Ê, con gái “ của người dân phố núi khiến chúng tôi ấm lòng đến vậy. Nhưng cái làm chúng tôi quen thuộc và cũng là cái đặc biệt nhất, không chỉ riêng phố núi Gia Lai, mà là cả Việt Nam thân yêu : Màu áo đỏ sao vàng cùng trống, kèn cổ vũ. Chúng tôi chợt nhớ, ngày hôm nay, đội tuyển Việt Nam ra trận gặp Ma-lai-xia. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy cách ăn mừng chiến thắng của người dân phố núi : Các quán café chật kín người, màu áo đỏ sao vàng xuất hiện mọi nơi, tù già được thổi lên, không khí náo nhiệt đã xua đi cái lạnh của gió đông vùng cao, cả Gia Lai, cả Tây Nguyên, cả đất nước đang cùng hòa vào sự hạnh phúc ấy.

Ngày 12 tháng 12 năm 2018…

Chẳng may phải lòng đất Tây Nguyên…

Điểm đến đầu tiên trong ngày hôm nay của chúng tôi sẽ là Biển hồ T’nưng, hồ nước lớn nhất Tây Nguyên.

Có lẽ thời tiết lạnh se se khác hẳn với nắng ấm Sài Gòn khiến chúng tôi chợt có chút không quen, một vài người trong đoàn bắt đầu ho khan, cảm nhẹ. Nhưng tất cả mọi thứ đều không thể ngăn cản mong muốn khám phá của những con người trẻ tuổi.

Hồ T’nưng nằm khép mình sau hàng thông xanh rì rào, mang trong mình vẻ đẹp mơ màng và thơ mộng đủ làm xiêu lòng bất cứ ai, nhưng bên trong vẻ đẹp thanh nhã ấy là sự hùng vĩ bao la của thiên nhiên vô tận. Tiếng gió rì rào xuyên qua rừng thông xanh, lồng lộng thổi bay mái tóc dài của những cô gái, mặt hồ bên dưới cũng tăn tăn gợn sóng. Khi vầng thái dương chính thức ló dạng sau rặng núi phía xa, ráng nắng bình minh chợt vô tình hắt lên từng gợn sóng hồ một màu vàng lấp lánh như kim ngân, khiến chúng tôi chợt nhớ bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Đôi mắt Pleiku … Biển Hồ đầy …”

Đi về phía bắc thêm 30 km, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những rẫy café trải dài bạt ngàn, tháng 12, café đã qua mùa thu hoạch, hạt café được người dân thu hái về sẽ trải qua rất nhiều công đoạn phơi, rang, xay mới có thể cho ra được một ly café thành phẩm.

Xuyên qua con đường xinh đẹp với hai bên vệ đường là hàng thông già hơn trăm tuổi, chùa Bửu Minh hiện ra trước mắt chúng tôi phía sau những đồi chè xanh ngát xanh và những giàn hoa giấy hồng tím rực rỡ. Chùa Bửu Minh sỡ hữu lối kiến trúc độc đáo pha lẫn giữa Đài Loan và Nhật Bản, nằm sừng sững sau hàng thông già và đồi chè, ngôi chùa mang đến cho chúng tôi cảm giác thanh u tĩnh mịch nhưng cũng không kém phần thơ mộng và xinh đẹp đến nỗi khó diễn tả bằng lời. 

Tiếp đó, chúng tôi lại được diện kiến một ngôi chùa với lối kiến trúc ngoạn mục và độc đáo hơn nữa : Chùa Minh Thành. Thật sự mà nói, chùa Minh Thành là tổng thể của sự tinh tế, cổ kính và thanh tịnh một cách hoàn hảo, hoàn hảo từ hình điêu khắc Trào Phong ở mái nóc chính điện cho đến tựng thập bát La Hán, bảo tháp Xá Lợi… Chùa do đại đức Thích Tâm Mãn trụ trì, ông là người tu sĩ đầu tiên ở Việt Nam tốt nghiệp khoa cao học mĩ thuật học Phật giáo.    

Lúc chiều tà, đoàn người chúng tôi đặt chân đến làng Plei Ốp của đồng bào J’rai, tận mắt nhìn thấy ngôi nhà rông của vùng phía bắc Tây Nguyên cùng những tập tục của nơi này. Nhà rông được xây đối mặt với hướng mặt trời mọc, người dân ở đây tôn trọng nữ quyền nhưng đồng thời cũng coi trọng chế độ phụ hệ. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ lại rất nhiều tượng gỗ Banar Jơrong. Khác với phía nam, đồng bào phía bắc Tây Nguyên có tập tục chôn chung, họ hàng gia đình của họ sẽ được chôn chung trong một nhà mồ, điểm phân biệt đó chính là là các ché rượu vỡ được đặt xung quanh mộ, thông thường có bao nhiêu ché rượu vỡ, trong mộ sẽ có bấy nhiêu người được an tán. Đồng bào cả phía nam lẫn bắc Tây Nguyên đều có phong tục bỏ mả và chia đồ cho người chết. Tuy nhiên, họ sẽ làm hỏng các đồ dùng của người chết rồi mới chia của cho họ, chẳng hạn như ché rượu vỡ, cồng, chiên đã được gõ méo…

Khu mộ thông thường sẽ được đặt ở phía tây buôn làng, bởi họ quan niệm phía tây, nơi mặt trời lặn cũng tượng trưng cho sự vĩnh hằng của người đã khuất, và trong khu mộ thường sẽ có trồng các cây lớn như cây Kơ-nia, cây đa…Trên con đường chúng tôi đi qua, thỉnh thoảng sẽ nhìn thấy vài cô bé cậu bé lấp ló trước cửa nhà trong bộ quần áo lấm lem và mặt mũi nhem nhuốc, nhưng lại làm nổi bật lên đôi mắt trong suốt lấp lánh của các em, đó là đôi mắt thơ ngây và trong sáng nhất mà chúng tôi từng thấy, đôi mắt làm sáng rực cả con người các em và cả chúng tôi.

Chúng tôi chợt nhận ra cái tốt cũng như cái xấu của xã hội hiện đại bây giờ, thật không dám nói việc hiện đại hóa đất nước sẽ có gì tốt, có gì xấu. Nhưng chúng tôi thật sự lo ngại về hoàn cảnh sống của các đồng bào miền núi, sẽ như thế nào nếu mọi người vẫn cứ giữ nếp sống cổ truyền trong khi ngoài kia con người đã đặt chân đến mặt trăng, và đồng thời cũng thực sự quan ngại về vấn đề chăm sóc, giáo dục đối với các trẻ em miền núi, vùng sâu vùng xa.

Thật sự hy vọng một ngày nào đó, sẽ không còn ai phải nhìn thấy những cô bé cậu bé lấm lem bùn đất, vóc dáng nhỏ bé gầy guộc hằng ngày phải đi hái rau dại về làm cơm cho gia đình nữa. Các em nên được hưởng thụ sự giáo dục và chăm sóc tốt nhất, vì các em sẽ là tương lai mới, thế hệ mới của đất nước.

Buổi tối, chúng tôi tìm đến CP10, quán café nổi tiếng của Gia Lai, thưởng thức ly café đậm thơm phức, ly trà sen ván sữa ngọt lịm. Người Tây Nguyên không uống café đen đá bằng ly lớn như người Sài Gòn, cách uống café của họ có phần giống miền bắc, họ thích uống café pha phin thật đậm trong ly nhỏ, nếu là café sữa, họ sẽ gọi là “nâu”. Cần trong tay cốc café thơm lừng, dõi mắt nhìn dòng người qua lại, dưới ánh đèn vàng của quán, chúng tôi chợt thấy cuộc sống quá đỗi bình yên và thoải mái.

Ngày 13 tháng 12 năm 2018…

Tây Nguyên lầ kỷ niệm, là thanh xuân…

Tạm biệt phố núi Gia Lai xinh đẹp và đầy kỉ niệm, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình của thanh xuân. Quay ngược lại phía nam, chúng tôi được ghé thăm khu du lịch Kotam, một trong những địa điểm hút khách nhất nhì Đắk Lắk.

Giữa hai rạch nước nhân tạo là con đường đi trải đầy hoa cẩm chướng đỏ rực như màu lửa thiêng Tây Nguyên. Ở đây, chúng tôi còn nhìn thấy những bông hoa cẩm tú cầu màu xanh tím xinh đẹp, và cả một đồi sim tím thơ mộng như trong lời bài hát: “Rừng hoang đẹp nhất hoa màu tím, chuyện tình thương nhất chuyện hoa sim…”

Giữa màn mưa phùn lất phất, chúng tôi rảo bước giữa rừng hoa đồng tiền vàng ươm, ven hồ nước có cả những cành đào nở sớm. Đâu đó xung quanh chúng tôi vẫn còn xuất hiện những hình ảnh đậm chất Tây Nguyên : Cây cột trang trí nơi góc nhà, căn nhà dài tiểu cảnh, giàn chuông gió làm bằng nứa phát ra tiếng nhạc trong veo mỗi khi gió lùa qua…

Nếu nói Kotam là chốn tiên cảnh do bàn tay con người tạo ra thì hồ Lắk chính là chốn bồng lai do bàn tay mẹ thiên nhiên bồi đắp. Hồ LắK xuất hiện dưới mắt chúng tôi với phông nền xa xa là rặng núi dài xanh thẳm cao đến tận mây, cảnh đẹp mơ màng này được chúng tôi diện kiến lúc đang đi bộ trên một con dốc ngoằn nghèo dẫn lên dinh Bảo Đại.

Đợi cho đến khi đoàn người lên đến ngôi biệt thự xa hoa, chúng tôi mới ngộ ra lý do vì sao vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu lại lựa chọn nơi này để xây dựng. Dinh bảo đại nằm tít trên đỉnh một ngọn đồi không cao lắm, dọc hai bên đường đi là những khu rừng nguyên sinh chưa qua bàn tay khai phá của con người. Chúng tôi dễ dàng bắt gặp những cây Khơ nia, cây gỗ Lim to đến nỗi hai, ba người ôm không xuể, hai hàng hoa sứ cổ thụ im lìm đứng như hai hàng vệ sĩ nghiêm trang, nửa như chào đón, nửa như làm tăng thêm vẻ đẹp của nơi này.

Sứ chưa ra hoa, trên cây cũng chẳng còn lại một chiếc lá, cái vẻ đẹp xơ xác, tiêu điều chẳng những làm suy giảm mà còn làm tăng thêm sự thơ mộng mà đượm buồn của ngôi biệt thự. Từ trên cao nhìn xuống, hồ Lắk hiện ra trong mắt chúng tôi bao la và hùng vĩ vô cùng, từng cơn gió lồng lộng thổi đến, cây lá xạ xào rung chuyển, và rung chuyển cả tâm hồn của những thanh niên tri thức Sài thành như chúng tôi.

Sau khi tham quan dinh Bảo Đại, chúng tôi có dịp đến gần hồ Lắk. Buôn Jun ở ven bờ hồ Lăk rộng lớn. Người dân nơi đây phát triển du lịch khá mạnh với các dịch vụ cưỡi voi, chăm sóc voi, chèo thuyền du lịch và bày bán các đồ lưu niệm…

Đêm hôm đó là đêm cuối cùng trong cuộc hành trình đến với Tây Nguyên đại ngàn của chúng tôi. Chúng tôi có dịp thưởng thức các giai điệu cồng chiêng, ngắm nhìn các cô gái dân tộc M’nông múa vũ điệu cầu mùa vụ, thưởng thức rượu cần trứ danh, cùng nắm tay nhau múa quanh cột thần, chưa bao giờ chúng tôi đến gần Tây Nguyên, đến gần đồng bào dân tộc đến như vậy.

Hôm đó, chúng tôi vi vẻ hòa vào nhau trong tiếng nhạc, tiếng hát sôi động, chỉ ước gì thời gian như ngừng lại, để khoảnh khắc vui vẻ thể này còn đọng lại mãi trong ký ức, trong tuổi trẻ, trong cuộc đời chúng tôi.

Ngày 14 tháng 12 năm 2018…

Tạm biệt Tây Nguyên, hẹn gặp lại vào một ngày không xa….

Sáng sớm ngày hôm ấy, chúng tôi mang theo nỗi bồi hồi rời khỏi Đắk Lắk, rời khỏi Tây Nguyên với núi rừng thơ mộng, lên đường trở về với Sài Gòn hoa lệ và sầm uất.

Lúc đoàn xe chúng tôi rời đi, mặt trời vẫn còn chưa lên cao, mây mờ vẫn còn quất quýt trên đỉnh núi, chúng tôi chợt nghĩ trên đỉnh núi bây giờ phải chăng đang có vị thần tiên nào đấy hay không nhỉ ? Bởi vì cảnh vật của nơi này có khác gì tiên cảnh đâu.

Xe tiếp tục lăn bánh, đưa chúng tôi quay về Đại học Sài Gòn thân yêu, để lại sau lưng là Tây Nguyên với bao kỷ niệm đẹp của một thời tuổi trẻ. Tạm biệt Tây Nguyên đầy nắng và gió, đợi một ngày nắng đẹp nào đó, chúng ta sẽ gặp lại nhau, nhất định…

Kết thúc…

Chuyến đi thực tế cũng đã trôi qua với đầu những cung bậc cảm xúc khác nhau. Chúng tôi không chọn cho mình những điểm đến nổi tiếng như phố hội kinh kì hay miền Tây Bắc xa xôi mà chọn Tây Nguyên, một địa điểm tham quan thực tế khá mới mẻ.

Băng qua những cánh rừng to lớn, những dãy núi cao, với những con đèo uốn lượn. Chúng tôi đã bỏ lại những mệt mỏi phía sau, để cảm nhận và tận hưởng những gì mà núi rừng Tây Nguyên hay còn gọi là cao nguyên Trung kì ban tặng. Chuyến hành trình dài năm ngày bốn đêm, bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Pleiku, Gia Lai. Với đoạn đường dài hơn 500km, đã đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cùng hòa mình với khung cảnh hùng vĩ của thác Draysap, biển hồ Pleiku và cả Hồ Lak, cùng với những ngôi chùa mang đậm tính chất của người đồng bào Tây Nguyên.

Để có những giờ phút không chỉ là học tập đầy bổ ích mà còn vui chơi, xả strees, chúng tôi đặc biệt cảm ơn cô Nguyễn Thị Thanh Minh và thầy Phạm Ngọc Hiền đã tạo cơ hội để có một chuyến đi thực tế đầy bổ ích này. Cảm ơn bác tài xế Hiệp đã cho chúng tôi một chuyến trải nghiệm đầy bình an và vui vẻ, kết hợp với anh Khánh Cali Phạm (hướng dẫn viên du lịch) đã cung cấp những kiến thức mà không phải sách vở hay nào cũng có. Và sự trợ giúp rất nhiệt tình của anh Nguyễn Hữu Khánh từ phòng hỗ trợ sinh viên SGU. Các anh đã lo lắng, quan tâm cũng như chăm sóc và hướng dẫn chúng tôi tận tình trong suốt chuyến hành trình thực tế này. Cảm ơn tất cả các giảng viên, cũng như những thành viên khác đã bỏ thời gian công việc, để cùng chúng tôi thực hiện chuyến đi tham quan thực tế đặc biệt này. Và cả những người đồng bào dân tộc cùng với người dân phố núi. Chính họ đã tạo cho chúng tôi những cảm giác thân quen đến lạ kì, với hình ảnh bắt tay, nói chuyện, hát hò đầy vui vẻ.

Khép lại chuyến đi, mỗi người chúng tôi đều lưu giữ cho bản thân những cảm xúc riêng biệt đối với miền núi rừng nắng gió này. Cùng với đó là những kỉ niệm khó quên giữa thầy cô, bạn bè, anh chị trong suốt chuyến đi. Đôi lúc, chúng tôi không tránh khỏi mệt mỏi bởi chuyến hành trình dài, nhưng đâu đó trong mỗi tâm hồn vẫn còn chút gì lưu luyến với nơi phố núi, với những biển hồ rộng lớn hay kể cả những khoảnh khắc bất chợt vào đêm gala dinner.

Chúng tôi ước chuyến đi kéo dài thêm tí nữa, để lưu giữ nhiều hơn nữa những kỉ niệm khó phai. …

Nhóm tác giả: Phan Thị Châu Mẫn, Nguyễn Ngọc Diễm Nhi, Nguyễn Diệu Linh, Dương Thiên Phương, Trần Thị Ngọc Trâm, Nguyễn Quỳnh Lam, Thông Thị Thu Hoàng (sinh viên lớp Ngữ văn K17B – ĐH Sài Gòn)  

Xem các hình ảnh khác tại đây