“Thơ & nhạc như đôi trai tài gái sắc”

Khi nói đến thơ & nhạc, trước nhất là nghĩ đến các nhà nhiên cứu và nhà phê bình. Họ sẽ dễ dàng truy nguyên mọi gốc rễ của vấn đề một cách bài bản và thuyết phục nhất. Tuy nhiên một độc giả thơ hay một thính giả nhạc, bình thường cũng có thể nêu lên cảm nghĩ của mình về vấn đề này theo cách riêng mà mình nghĩ.

Ai cũng biết ngôn ngữ tiếng Việt là giàu nhạc tính với sáu thanh: sắc, huyền, ngang, hỏi, ngã, nặng. Thanh âm làm cho câu nói lên bổng xuống trầm nghe như giai điệu nhạc. Lời nói thì có từ đơn, từ kép… đi với nhau để tạo thành ngữ nghĩa của câu và nhịp điệu của lời.

Trong một số bài thơ, câu thơ, thường có nhịp ngắt là: 2/2, 2/4, 3/4, 4/4, 2/5, 3/2/2… Tương tự trong âm nhạc, nhịp trường canh có thể là: 2/2, 2/4, 3/4, 4/4; 6/8, 12/8.v.v… Trong âm nhạc phân ra phách mạnh và phách nhẹ, tạo trọng âm nhấn để kết nối với trường canh kế tiếp. Thì ở thơ cũng có trọng âm nhấn, thường nhấn ở cuôí câu thơ, để làm rõ nghĩa của câu và tạo nhịp đà chuyển sang câu thơ kế tiếp thành chuỗi nhịp liên hoàn, lặp đi lặp lại, như thấy ở thơ lục bát hay thơ có vần ổn định. Xét về phương diện này thì âm nhạc và thơ có mối tương quan về nhịp điệu khá rõ nét. Ngoài nhịp điệu ngắt, thơ và nhạc còn có số câu chữ và cách viết thường giống nhau, vì vậy mà người ta nói trong thơ có nhạc và trong nhạc có thơ. 

Người yêu thơ hay nói, thà đọc một bài thơ ngắn gọn còn hơn đọc một bài văn dài dòng. Tuy nhiên thơ so với nhạc thì không hoàn toàn giống như thơ và văn xuôi. 

Thơ có vần là cách nói bắt vần từ vần câu này bắt sang vần câu nọ, sao cho đúng niêm luật và thể loại thơ, như thấy ở thơ lục bát…Vì vậy mà có câu có từ, chỉ là câu từ đệm để làm nền chuyển sang câu kế tiếp cho đúng vần luật, nên ngữ nghĩa của nó đôi khi là sáo rỗng, có chữ mà không có ý… Làm cho câu thơ trở mơ hồ, đa nghĩa, trái với văn xuôi là tính rõ ràng và mạch lạc. Trong nhạc có lời thì không cần đến các câu từ chuyển tiếp như vậy. Nên khi phổ thơ ra nhạc người ta hay bỏ những câu từ này hoặc thay bằng câu từ khác cho đạt ý. 

Thường thì người nhạc sỹ hiếm khi lấy nguyên hình một bài thơ để phổ, trừ bài thơ đó quá xuất sắc làm người nhạc sỹ không thể thay đổi. Hoặc do anh nhà thơ muốn để y nguyên bài thơ khi phổ nhạc. Hay sự tôn trọng của nhạc sỹ với nhà thơ. 

Thông thường một nhà thơ có nhiều bài thơ hay và nổi tiếng, chắc là sẽ được các ông nhạc sỹ lấy phổ nhạc. Thực tế thì có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng với nhiều bài thơ của mình, nhưng ít ai lấy để phổ nhạc vì nhiều lý do khác nhau. Nó hay với độc giả mà không hợp vởi ông nhạc sỹ mượn thơ phổ nhạc. Trái lại có những bài thơ nghĩ là không hay, đem đi phổ nhạc thì lại hay vô cùng. Từ một nhà thơ không ai biết đến, bây giờ lại trở nên nổi tiếng bởi một bài thơ được phổ nhạc thật xuất sắc. Công này thuộc về cái tài: thơ phổ nhạc của ông nhạc sỹ. Và ông nhạc sỹ cũng trở nên nổi tiếng theo. Ví như THƠ là cánh diều, NHẠC là cánh gió, gió nâng cánh diều bay cao tận trời xanh. Tuy nhiên trong thực tế thì mấy ông nhạc sỹ nổi tiếng và giỏi hay mượn thơ của mấy ông nhà thơ nổi tiếng để phổ nhạc nghe rất là hay. 

Công việc phổ thơ là rất công phu: người nhạc sỹ phải tìm tòi rất nhiều bài thơ của nhiều tác giả, từ nổi tiếng đến không nổi tiếng trên sách báo, tạp chí…Anh ta tìm rồi chọn ra một bài thơ có nhiều đồng cảm nhất, hoặc đã phải rung cảm vì bài thơ đó. Trước khi phổ thơ ra nhạc, anh ta nghiền ngẫm nó rất lâu, đọc đi đọc lại hàng chục lần để cảm được cái ý sâu xa và hay nhất của bài thơ. Anh ta không vội, bỏ nó nằm trong ngăn kéo, năm mười ngày sau thì lại đọc và đọc cho đến khi trong tiềm thức nảy sinh ra một giai điệu tương ứng. Hoặc anh ta dùng đàn để khởi âm tìm giai điệu phù hợp với nội dung ý thơ. Tuy nhiên có trường hợp cũng rất nhanh, chỉ năm mươi phút là phổ xong một bản nhạc thật là hay. Vì nghệ thuật là sự ngẫu hứng bất ngờ. 

Anh nhạc sỹ rất cẩn trọng, đôi khi phải đổi khổ thơ, câu thơ lên xuống và cắt bỏ câu từ thừa, thêm thắt câu từ mới theo ý riêng. Hoặc chỉ chọn ra một hai khổ thơ đắc ý nhất. Một bài thơ vốn cô đọng tinh tế thì nay được anh nhạc sỹ làm cho nó cô đọng và tinh tế hơn. Anh ta tỉ mỉ phân đoạn từng phiên khúc, điệp khúc… cho cân phân theo một bản nhạc mà anh ta muốn. Anh nhạc sỹ làm công việc không khác gì một nhà nghiên cứu và phê bình thơ về một bài thơ mà anh ta sắp phê bình trước công luận. 

Thơ phổ nhạc thường dựa vào nhịp ngắt của câu thơ để tạo thành nhịp giai điệu. Nếu chỉ dựa vào nhịp của câu thơ, thì khi hát lên sẽ giống một bài thơ được hát có thêm phần hòa âm phụ họa. Nhất là nhạc phổ thơ lục bát. Trái lại xem nhẹ luật bằng trắc và nhịp ngắt của câu thơ, mà chỉ chú trọng đến tiết tâú và giai điệu, thì khi hát lên nhịp ngắt sẽ không rơi đúng câu và từ có nghĩa, thì rất khó nghe. 

Không phải nhạc sỹ sáng tác nào cũng đều phổ được thơ và phổ hay. Kể khi anh ta được đào tạo bài bản từ nhà trường. Tất cả chỉ là có năng khiếu hay không về bộ môn thơ phổ nhạc. Một nhạc sỹ luôn là người sáng tác thật hay, nhưng muốn phổ thơ hay thì cũng phải có năng khiếu về lãnh vực này. Một anh bác sỹ vẫn phổ thơ ra nhạc thật hay, nếu như anh ta có năng khiếu. Vì nghệ thuật là năng khiếu. 

Người ta cho rằng thơ lục bát rất khó phổ nhạc, vì đuôi câu lục vần với tiếng thứ 6 của câu bát, và đuôi câu bát vần với đuôi câu lục. Nếu tiếng thứ 6 của câu bát là thanh ngang(dương bình), thì tiếng thứ 8 là (dương âm) dấu huyền và ngược lại. Thơ lục bát thường có nhịp chẵn, ở câu lục thường là: 2/4 (2/2/2, 4/2); ở câu bát là: 4/4 (2/2/4, 2/2/2/2, 4/2/2). Trường hợp diễn đạt bất thường mới có câu nhịp lẻ 3/3/, 3/5. Vì vậy thơ lục bát đem đi phổ nhạc, không khéo, nghe hát thơ hơn là hát nhạc. 

Nhiều người cho loại hình thơ phổ nhạc sẽ hay hơn là nhạc không phổ thơ. Cái này đúng với suy nghĩ của từng người. Tuy nhiên có người nói, một ca khúc phổ thơ, hoặc, lời nhạc được viết theo thể thơ, thì sẽ có nhiều vần điệu, không khéo sẽ rơi vào trường hợp hát thơ hơn là hát nhạc như nói trên. Vì vậy viết lời có vần hay không có vần thì không quan trọng lắm. Họ khuyên nên viết pha trộn giữa có vần và không vần trong một ca khúc có lời, sẽ ít rơi vào trường hợp hát thơ. 

Họ còn khuyên nên sử dụng đảo phách hay nghịch phách để có cảm giác nhịp ngắt của thơ bị lệch. Hay như khi phổ thơ lục bát, từ nhịp chẵn của thơ, chuyển thành nhịp lẻ ¾ của nhạc, nhằm phá đi nhịp thơ 2/4, 4/4 của thơ lục bát. Hoặc bằng một kỹ thuật sáng tạo nào đó của người nhạc sỹ, để một bài thơ phổ nhạc như thơ lục bát mang tiếng là khó nhất sẽ trở nên dễ dàng và nghe hay nhất. 

Cuối cùng người ta khuyên là không nên bắt nhịp nhạc đi theo nhịp thơ, mà phải bắt nhịp thơ đi theo nhịp nhạc. 

Một tác phẩm âm nhạc làm ra không chút dễ dàng, phải bỏ rất nhiều tiền của công sức, đôi khi nhận lại con số không ! 

Nên chăng, Nhà thơ và nhạc sỹ; Nhà hòa âm với ca sỹ cũng là đôi trai taì gái sắc như “Thơ & Nhạc” ? 

Phan Thanh Tâm – Cà Mau