“Chín khúc miền Tây” của Mã Giang Ba

 

“Về miền Tây

Lòng ngất ngây như cây lá vào xuân

Nơi chín dòng sông một nguồn chung thủy

Hồn bay theo câu gió đẩy gió đưa.

Đây dấu chân hằn lên vết bùn xưa

Vạn dặm trời Nam gian nan mở cõi

Những bàn chân chưa bao giờ mệt mỏi

Khát tự do gieo hạt ươm mầm.

Về miền Tây

Vung tay liềm phảng

Đuổi sói, săn hùm

Cưỡi giao long, đạp ba đào

Khinh thường cỏ gai, sắc nhọn

Vượt sông Tiền coi chuột cắn đuôi nhau

Qua sông Hậu nhìn sấu vờn trâu mộng

Đến Năm Căn nghe đàn sáo muỗi

Thăm U Minh xem thuyền chạy bằng rùa

Chuyện người xưa đâu phải nói đùa

Thật mà cứ như là huyền thoại

Gió miền Tây mát lạ

Người miền Tây bụng dạ như sông.

Về miền Tây

Đêm đồng bưng ngủ nóp

Bậu và qua, tui với ní một nhà

Cá lóc nướng trui, ly rượu khè khà

Bến nước dập dềnh xàng xê câu vọng cổ

Đây giang hồ, đây tứ chiếng

Quen nhau bởi một tấm lòng.

 

Về Gò Tháp, Tam Nông

Ta sống chung với lũ

Vui hạt ngọc trời

Lốc cốc song loan gõ dồn nhịp sóng

Buồn mùa thủy tán

Rười rượi chiều giọt sáo đưa linh.

 

Đời lênh đênh sông nước

Thành chợ nổi Cái Răng

Có riêng gì Nha Mân

Con gái miệt vườn da trắng ngần bông bưởi

Sông miền Tây không đục không trong

Lờ đờ nước hến

Để người đi không biết bến dâu về.

 

Về miền Tây

Đốt lửa lên ta múa Lâm Thôn

Rồng rắn linh thiêng hiện theo bàn tay uốn lượn

Em gái Khmer điệu đà

Khẽ liếc hàng mi chết cá ao ta

Mùa Óc căng tràng ăn cốm dẹp

Đào ao thách cưới chuyện bà Om.

 

Về miền Tây

Đếm dừa Bến Tre

Yêu dáng Hàm Luông tóc xõa vai gầy

Phải lòng Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ơn người đào kênh Thoại Hà

Để lúa nàng Hương thơm tứ giác Long Xuyên.

 

Gió miền Tây

Đường hóa bê tông

Nhà cửa cao tầng

Tháp cầu vươn cao vút không trung

Điện gió, điện than sáng bừng phum sóc

Ai kể hết tên làng, tên đất

Nhớ con đê, bờ đập, dòng kinh

Nhớ ai lập miễu xây đình

Bắc cây cầu khỉ cho mình gần ta.

 

Về miền Tây

Canh rau tập tàng nêm mắm

Ôn lại nếp quê

Hồn xưa rưng rưng lạ

Bóng dáng tiền nhân theo nhang khói đi về.

 

Tôi đứng bên sông

Nhìn nước ròng nước lớn

Nghĩ về nguồn cơn

Tôi ngắm ruộng vườn hoa trái xum xuê

Đếm những mùa gieo gặt

Hoa trái nào không cội rễ sinh ra?” 

 

Lời bình

Mã Giang Ba tên thật là Lê Văn Trường, sinh năm 1975, là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh. Hiện tại, anh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh. Một cái duyên cho tôi được biết về thơ Mã Giang Ba khi một người bạn gởi tặng tôi tác phẩm của anh qua tập thơ có nhan đề Chín khúc miền Tây được nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ xuất bản năm 2019. Tập thơ này có trên 30 bài thơ. Mỗi bài thơ là một dòng cảm xúc riêng, thể hiện tính đa dạng trong sáng tác của tác giả. Trong số các bài thơ hay đó, tôi tâm đắc nhất là bài thơ Chín khúc miền Tây với thể thơ tự do và bài thơ dài hơi. Bài thơ Chín khúc miền Tây như là chút tình gởi lên đất miền Tây Nam Bộ của nhà thơ Mã Giang Ba.

Mở đầu bài thơ là lời chào, lời khái quát về vùng đất miền Tây trong tâm trạng ngất ngây của nhà thơ:

“Về miền Tây

Lòng ngất ngây như cây lá vào xuân

Nơi chín dòng sông một nguồn chung thủy

Hồn bay theo câu gió đẩy gió đưa”

Tác giả phơi phới niềm vui thả hồn theo làn gió mà bay lượn trên miền đồng bằng sông nước, nơi hội ngộ của chín dòng sôngngàn năm vẫn mặn mà sau trước.

Bất chợt, Mã Giang Ba liên tưởng đến hình ảnh cha ông đi mở mang xứ sở miền Tây đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt đề cho miền Tây thành làng dựng ấp:

“Đây dấu chân hằn lên vết bùn xưa

Vạn dặm trời Nam gian nan mở cõi

Những bàn chân chưa bao giờ mệt mỏi

Khát tự do gieo hạt ươm mầm”

Khao khát tự do, người xưa không ngại gian khó tìm đến miền Tây khai phá đất hoang bằng một tình yêu cuộc sống nồng nàn, mong sao có được bát cơm ăn, chốn ở an lành. Khát khao ấy thật đơn sơ, chính đáng.

Và vùng đất miền Tây là nơi của những giai thoại thật lạ lùng, nơi đây một thời là nơi hiểm trở, bí ẩn:

“Về miền Tây

Vung tay liềm phảng

Đuổi sói, săn hùm

Cưỡi giao long, đạp ba đào

Khinh thường cỏ gai, sắc nhọn

Vượt sông Tiền coi chuột cắn đuôi nhau

Qua sông Hậu nhìn sấu vờn trâu mộng

Đến Năm Căn nghe đàn sáo muỗi

Thăm U Minh xem thuyền chạy bằng rùa

Chuyện người xưa đâu phải nói đùa

Thật mà cứ như là huyền thoại

Gió miền Tây mát lạ

Người miền Tây bụng dạ như sông”

Đất Chín Rồng xưa kia vốn hoang vu, cỏ cây rậm rạp. Nơi ẩn chứa mối nguy hiểm của sói, của hùm. Nơi của thiên nhiên khắc nghiệi: “ba đào”, “cỏ gai, sắc nhọn”. Nơi có những câu chuyện kể như huyền thoại: “chuột cắn đuôi nhau”, “sấu vờn trâu mộng”,  “đàn sáo muối”, “thuyền chạy bằng rùa”. Tất cả những điều ấy không làm lay ngã con người. Lòng người miền Tây thật hiền hòa, hào phóng, nghĩa khí “bụng dạ như sông”.

Từ mạch cảm xúc dâng đầy, nhà thơ gợi cho người đọc nhớ đến quê hương miền Tây là nơi hội ngộ của dân tứ xứ về đây lập nghiệp:

“Về miền Tây

Đêm đồng bưng ngủ nóp

Bậu và qua, tui với ní một nhà

Cá lóc nướng trui, ly rượu khè khà

Bến nước dập dềnh xàng xê câu vọng cổ

Đây giang hồ, đây tứ chiếng

Quen nhau bởi một tấm lòng”

Cuộc khai khẩn đất hoang ở miền Tây là những con người từ khắp nơi đổ về. Tấm lòng của họ chân chất, hiền hậu cùng nhau tạo dựng vùng đất mới. Cuộc sống của họ bình dị “ngủ nóp”, thưởng thức những món ăm dân dã “cá lóc nướng trui”, đời sống tinh thần thật phong phú “dập dềnh xàng xê câu vọng cổ”. Họ sống và gần gũi với nhau trên đất đồng bằng thật đầm ấm, đạm bạc, đậm hồn quê sông nước.

Mã Giang Ba thả hồn về vùng quê mùa nước lũ thuộc tỉnh Đồng Tháp mà nghe trái tim mình thổn thức:

“Về Gò Tháp, Tam Nông

Ta sống chung với lũ

Vui hạt ngọc trời

Lốc cốc song loan gõ dồn nhịp sóng

Buồn mùa thủy tán

Rười rượi chiều giọt sáo đưa linh”

Gò Tháp, Tam Nông là những nơi chịu ảnh hưởng nhiều của mùa nước lũ tràn về ở Miền Tây nói riêng. Nơi phải sống chung với lũ, với bao khốn khó của con người nơi đây. Tác giả mang tâm trạng vui buồn lẫn lộn “vui hạt ngọc trời”, “buồn mùa tủy tán”. Quê hương này đã in sâu vào trong lòng của Mã Giang Ba như để thương để nhớ.

Miền Tây, nơi hẹn hò, gặp gỡ của chín dòng sông, nơi của những nẻo đường sông nước mênh mông:

“Đời lênh đênh sông nước

Thành chợ nổi Cái Răng

Có riêng gì Nha Mân

Con gái miệt vườn da trắng ngần bông bưởi

Sông miền Tây không đục không trong

Lờ đờ nước hến

Để người đi không biết bến dâu về”

Đồng bằng sông Cửu Long, miền đất sông rạch quanh co như bàn cờ. Chính vì thế mà tạo nên chợ nổi Cái Răng, lênh đênh sống nước. Về miền Tây là về với miệt ruộng vườn, quanh năm bốn mùa xanh mát nên những cô thiếu nữ da trắng ngần hoa bưởi làm xao xuyến lòng ai. Sông nước miền Tây bao la “lờ đờ nước hến”, thật quyến rũ, mang đầy phù sa bồi đắp đồng bằng, luyến lưu tình người khi đến “người đi không biết bến quay về”.

Miền Tây  là đất cư ngụ của ba dân tộc Kinh – Hoa – Knmer. Họ đã gắn bó bao đời để chung tay xây đắp quê hương này. Mã Giang Ba cho người đọc những trải nghiệm về nét văn hóa độc đáo của người Khmer:

“Về miền Tây

Đốt lửa lên ta múa Lâm Thôn

Rồng rắn linh thiêng hiện theo bàn tay uốn lượn

Em gái Khmer điệu đà

Khẽ liếc hàng mi chết cá ao ta

Mùa Óc căng tràng ăn cốm dẹp

Đào ao thách cưới chuyện bà Om”

Nói đến nét văn hóa cổ truyền của người Khmer không thể không nhắc đến điệu múa Lâm Thôn với ‘bàn tay uốn lượn” thật dẻo và đẹp mắt. Cố gái Khmer trông xinh xắn, làm duyên, liếc hàng mi mời gọi. Về với miền Tây, ta có dịp thưởng thức món cốm dẹp có trong lễ hội Óc Om Bóc và lắng nghe huyền thoại ly kỳ về sự tích ao Bà Om. Có thể nói, con người và văn hóa của người Khmer đã trở thành hơi thở không thể thiếu trên miền đống bắng sông nước này.

Không chỉ có thế, Mã Giang Ba còn cho độc giả thấy được sự tươi tốt của ruộng lúa, vườn dừa trên mảnh đất tình người này:

“Về miền Tây

Đếm dừa Bến Tre

Yêu dáng Hàm Luông tóc xõa vai gầy

Phải lòng Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ơn người đào kênh Thoại Hà

Để lúa nàng Hương thơm tứ giác Long Xuyên”

Bến Tre, xứ sở quê dừa bạt ngàn nằm nghiêng mình soi bóng Hàm Luông thơ mộng. Cần thơ nổi tiếng với “gạo trắng nước trong”. Long Xuyên thoang thoảng lúa nàng Hương bay theo gió. Đó là sự trù phú, điển hình của vùng đất miền Tây quanh năm xanh tươi, bốn bề sông nước.

Miền Tây xưa kia là lãnh địa của sự hoang sơ, bí hiểm, được bàn tay con người khai phá qua thời gian và ngày nay đã vươn mình thay da đổi thịt:

“Gió miền Tây

Đường hóa bê tông

Nhà cửa cao tầng

Tháp cầu vươn cao vút không trung

Điện gió, điện than sáng bừng phum sóc

Ai kể hết tên làng, tên đất

Nhớ con đê, bờ đập, dòng kinh

Nhớ ai lập miễu xây đình

Bắc cây cầu khỉ cho mình gần ta”

Đất miền Tay ngày một thay đổi nhờ những bàn tay xây dựng quê hương để đường làng bê tông hóa, nhà cửa khang trang, những chiếc cầu nối những dòng sông rộng, điện lưới về thắp sáng vùng quê xa xôi, làng xóm ngày mọc nhiều hơn. Chín khúc miền Tây bây giờ vươn vai phát triển cùng đất nước. Và tình người cũng xích lại gần nhau hơn.

Sự lột xác của quê hương miền Tây khiến tác giả mang tâm trang bùi ngùi, nhớ về hồn quê thuở nào:

“Về miền Tây

Canh rau tập tàng nêm mắm

Ôn lại nếp quê

Hồn xưa rưng rưng lạ

Bóng dáng tiền nhân theo nhang khói đi về”

Hồn quê của người miềnTây là những gì mộc mạc, bình dị, gắn với vùng đất này. Đó là nếp sống xưa, không xa hoa, mà dân dã như món ăn canh tập tàng nêm mắm mang đậm hương vị quê nhà. Cuộc sống thay đổi, Nếp cũ ít nhiều bị mai một nên khi nhà thơ nhắc đén hồn quê xưa là cảm thấy “rưng rưng”, ngậm ngùi.

Và đoạn kết bài thơ là lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ trước công lao của những con người lao động đã góp phần xây dựng miền Tây giàu đẹp:

“Tôi đứng bên sông

Nhìn nước ròng nước lớn

Nghĩ về nguồn cơn

Tôi ngắm ruộng vườn hoa trái xum xuê

Đếm những mùa gieo gặt

Hoa trái nào không cội rễ sinh ra?”

Đây là lời tự tình của tác giả về những thành quả trong lao động sản xuất có được đáng ca ngợi “ruộng vườn hoa trái xum xuê”. “những mùa gieo gặt”. Công lao đó chính là sự khổ cực của kiếp người cần lao vun vén. “Ăn quả nhớ kể trồng cây”, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn. Mã Giang Ba đã thể hiện sự nhớ ơn bằng một tình cảm chân thành, nồng nhiệt nhất.

Có thể thấy, xuyên suốt bài thơ Chín khúc miền Tây là mạch cảm xúc tuôn dài của nhà thơ viết về miền Tây bằng chất thơ giản di, trong sáng. Tác giả đã thả hồn lên vùng đồng bằng sông nước Cửu Long bằng một tình cảm đặc biệt dành tặng riêng cho xứ sở này. Đó là chút tình gởi lên đất miền Tây của Mã Giang Ba. Dù miền Tây không phải là quê hương sinh ra nhà thơ nhưng bằng trái tim yêu thơ, yêu vùng đất con người Tây Nam Bộ, tác giả đã có những rung động tinh tế, có cái nhìn khá bao quát về miền đồng bằng sông Cửu Long. Bài thơ Chín khúc miền Tây thật sự là một sáng tạo văn chương rất đáng trân trọng của Mã Giang Ba trong vườn thơ ca tỉnh Trà Vinh nói riêng.

Trần Thanh Xem