Tiểu thuyết Loan mắt nhung của Nguyễn Thụy Long được đăng báo ở Sài Gòn từ năm 1968 đến 1970. Sau đó, được đạo diễn Lê Dân chuyển thể thành phim và đoạt giải Văn học Nghệ thuật dành cho Phim truyện hay nhất năm 1970. Sau năm 1975, nghe nói Tố Hữu cũng khen tác phẩm này hay. Loan mắt nhung được công ty sách Thành Nghĩa và NXB Thanh Niên in lại năm 2014.

Nhan đề Loan mắt nhung dễ làm cho bạn đọc nhầm tưởng đây là loại tiểu thuyết tâm lý xã hội với những nàng và chàng lâm li sướt mướt. Nội dung chính của tác phẩm là cuộc sống mưu sinh vất vả của những người nghèo khổ. Những bất công xã hội thời đệ nhất cộng hòa đã xô đẩy một chàng trai Bắc 54 hiền lành trở thành một đại ca trong làng đao búa Sài Gòn. Ta có thể thấy rõ dấu ấn của chủ nghĩa phi lý trong Loan mắt nhung.

Tôi đã đọc gần 700 trang sách và có cảm giác như mình vừa nếm trải đủ mọi mùi vị của cuộc đời. Dù viết về xã hội đen nhưng tác phẩm vẫn nhuốm màu sắc nhân văn. Đọc Loan mắt nhung, tôi liên tưởng đến Bố già. Cả hai tiểu thuyết đều viết về giới giang hồ những năm 1950, một đằng ở Mỹ, một đằng ở Nam Việt Nam. Tầm ảnh hưởng của Bố già rộng hơn Loan mắt nhung. Nhưng không vì thế mà nói rằng tài năng của Nguyễn Thụy Long kém hơn Mario Puzo.
.
/