Sau 3 năm công tác ở miền núi, tôi được Phòng Giáo dục điều chuyển về một trường Tiểu học thuộc vùng trung du của huyện. Trường mới của tôi nằm gần trung tâm xã, cách nhà tôi cũng hơn 20 cây số. Vì vậy, tôi phải ở trọ nhà tập thể của trường, khoảng  hai, ba tuần mới về thăm nhà một chuyến. Đây là một xã nghèo ở vùng bán sơn địa, dân cư còn thưa thớt, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nguồn sống chính của bà con là trồng lúa, làm rẫy, hầm than, …Địa bàn xã khá rộng lại có 2 điểm trường cấp I nên nhiều em đi bộ rất xa để đến trường.

Năm học đầu tiên về đây, tôi được phân công chủ nhiệm lớp Bốn. Sĩ số lớp tôi chỉ hơn 20 học sinh, nhìn chung các em hiền lành, dễ mến. Qua mấy tuần đầu, tôi phải hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên rồi lớp cũng đi vào nề nếp. Tuy nhiên, hơn nửa học kì I mà lớp chưa một lần nhận được cờ luân lưu. Giờ sinh hoạt chủ nhiệm mấy tuần gần đây, tôi kiểm điểm, phê bình và nhiều khi không kìm chế được quát tháo nhưng tình hình lớp vẫn không mấy chuyển biến, giờ lại thêm tình trạng nghỉ học không phép.

Hôm nay là ngày thứ ba Hưng nghỉ học không phép. Tôi tìm hiểu xem có việc gì xảy ra ở lớp thì nghe lớp trưởng báo lại rằng:

– Tổ phân công Hưng trực nhật sáng thứ ba nhưng bạn không làm vì cả tuần nay, bạn ấy đi học trễ. Cờ đỏ trừ điểm, lớp phê bình bạn ấy nên bạn ấy nghỉ học.

Tôi hỏi:

– Trong lớp mình có ai gần nhà bạn Hưng?

Cả lớp đều không biết, chỉ nghe Hưng nói nhà bạn ấy ở Xóm Mả. Xóm Mả chừng mươi gia đình từ Đồng Tháp trôi dạt ra đây ngụ cư từ những năm chiến tranh Biên giới Tây Nam. Ban đầu là vài ngôi nhà lá sơ sài mọc lên gần khu mộ cũ, sau đông dần thành khu Xóm Mả. Tôi đạp xe từ trường tìm đến nhà em mất gần nửa tiếng. Căn nhà xây nhỏ thấp bằng gạch, mặt ngoài chưa tô vữa, bên trong cũng tuềnh toàng vài đồ dùng sơ sài, cũ kĩ. Tôi đi từ trước ra sau trống hoắc. Đang đứng tần ngần thì nghe có tiếng rên khe khẽ phát ra từ sau tấm màn vải ố màu. Tôi hé màn nhìn vào thì thấy bà cụ nằm co ro, nhỏ nhắn trên chiếc giường ọp ẹp. Khuôn mặt  cụ nhiều nếp nhăn, khó đoán được tuổi thật, hướng đôi mắt mệt mỏi về phía tôi. Khi nghe tôi giới thiệu là cô giáo của Hưng, bà gắng gượng ngồi dậy chào tôi và kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình. Bà là bà nội của Hưng, mới ngoài sáu mươi mà trông tiều tụy. Bà có mình cha Hưng nhưng cha Hưng cũng vắn số, đã bỏ bà đi vì bị cây đè khi đi cưa gỗ ở rừng gần 2 năm nay, để lại vợ cùng hai đứa con. Hưng lá anh lớn và đứa em đang học lớp Lá. Hằng ngày đi học, Hưng phải đi bộ hơn 2 cây số để đến trường. Nhà có chiếc xe đạp là phương tiện để mẹ Hưng nuôi sống gia đình. Mẹ Hưng lấy mối rau cải chở xuống chợ huyện từ 2,3 giờ sáng rồi mua cá tôm chở ngược về bán dạo. Ở nhà bà lo cơm nước cho bà cháu và đưa bé Hạnh đến lớp mẫu giáo gần nhà. Nhưng mấy hôm nay, cảm sốt nó vùi bà ê ẩm, rã rời nên sáng Hưng phải dậy sớm, cho em ăn, đưa em đến trường rồi mới đi học. Dù có ba chân bốn cẳng em vẫn bị trễ thì sao mà hoàn tất việc trực nhật ở lớp.

– Con hổng đi học nữa đâu nội à, để con ở nhà giúp nội! – Hôm qua nó sụt sùi nói với tôi như thế.

Tôi an ủi, động viên bà uống thuốc cho mau khỏi bệnh để đỡ đần với con cháu rồi tôi đi quanh nhà tìm em. Em đang ngồi khóc ở sau hè vì không dám gặp tôi. Tôi đã đến bên em và ôm em vào lòng. Cậu học trò hiếu thảo mà bất hạnh của tôi! Tôi động viên em:

– Dù em chưa nhiều tuổi nhưng em rất đảm đang, cô rất tự hào về em! Em đang là người đàn ông thay thế cha để giúp mẹ, giúp bà nên em phải cứng rắn và nghị lực. Cô và các bạn đang chờ em và rất vui đón em trở lại lớp! Em có làm được không? Em “Dạ…” đáp lời tôi. Dù rất nhỏ nhưng cũng đầy quyết tâm.

Hôm sao, tôi kể chuyện về gia cảnh của Hưng cho lớp nghe, các em đều rất xúc động và thương cảm cho hoàn cảnh của bạn mình. Các bạn trong tổ Hưng vui vẻ chia nhau công việc để chia sẻ với bạn. Tôi khen ngợi các em và tôi cũng rất vui. Từ sau chuyện ấy, lớp tôi thay đổi hẵn. Các em như trưởng thành hơn: tự giác trong sinh hoạt, học tập, đoàn kết, gắn bó nhau hơn và đạt nhiều thành tích trong phong trào thi đua của trường. Riêng Hưng, ngày mỗi chăm chỉ hơn và nỗ lực không ngừng. Em được bình chọn lá một trong những học sinh nghèo vượt khó đạt thành tích tốt trong học tập. Hội Chữ thập đỏ của xã đã tặng cho em một chiếc xe đạp mới, giúp em đến trường đúng giờ hơn và là động lực giúp em vượt qua những chặng đường nhiều gập ghềnh, gian nan phía trước.

Hôm nhận quà, Hưng xúc động nói với các bạn:

– Trong mơ mình cũng không dám nghĩ đến món quà này!”

Qua câu chuyện “Cậu trò nhỏ đáng yêu” ngày ấy, tôi có được chút kinh nghiệm về cách tiếp cân, đối thoại giữa Cô – Trò, là bài học quý tôi học được từ các em. Chỉ có sự tôn trọng và yêu thương chân thành mới cảm hóa và lay động sâu sắc đến trái tim.

                                                              Phong Roi Nguyen