(LÊ HỨA HUYỀN TRÂN tặng Lạc Lạc)
Người ta hay bảo chàng trai bên bạn năm mười tám sẽ chẳng thế nào bên bạn cả đời…Từ trước tới giờ tôi vẫn nghĩ mình sẽ không bao giờ là nhân vật chính trong một câu chuyện như thế cho tới khi tôi gặp cậu.
Tôi vốn là một người con gái chịu lạnh kém nên khi những đợt rét nhẹ đầu năm kéo tới trong khi người khác thấy hứng khởi thì tôi lại thấy tái tê. Trong khi thiên hạ đang réo rắt kéo nhau sắm sửa đón chờ một mùa xuân tràn trề thì tôi lại muốn chìm trong cái chăn mỏng và ôm con mèo Natto của tôi ngủ cùng một ly sữa nóng.
- Dậy mau, đi mua tắc đi, năm nay ba mẹ bận việc quá, con gái mười tám tuổi rồi mà tết tươi không phụ được gì cho nhà.
Nghe mẹ giục tôi lại phải xách xe đi chợ bông đầu năm chứ thân chỉ muốn chây lì nằm ườn nơi góc phòng nhỏ, miễn cưỡng đi vậy nên dù dạo để mua cây tắc chưng năm mới cho cả nhà tôi cũng muốn dạo một cách chán chường bâng quơ. Thấy một chỗ đầu tiên tôi chỉ đại vào cây đầu tiên tôi thấy và gọi với:
- Anh gì ơi, này nhiêu?
Quay lại nhìn tôi là một cậu trai hãy còn khá trẻ như trạc tuổi tôi :
- Trông cậu quen quen, cậu cũng khoa Văn đúng không ? – Khi tôi còn chưa kịp nhớ ra thì cậu ta đã bật cười – Mình cũng thế, mà cây tắc này bao xấu, để mình dẫn cậu ra mấy cây phía này đẹp hơn, nhìn sáng nhà hơn.
- Ơ hay, cậu bán mà chê tắc xấu thì ai mua.
- Ưu tiên cho cậu, người cùng khoa, tớ chả được gì mỗi thật thà.
Và cậu ta cười, nụ cười tỏa nắng nhất mà tôi từng biết, năm chúng tôi gặp nhau, cả hai vừa tròn mười tám. Cũng là lúc cả hai vừa bươc chân vào giảng đường đại học và học chung một khoa nhưng khác chuyên ngành.
- Rồi mình thân nhau lúc nào nhỉ?
Cậu ta vẫn hay hỏi tôi câu đó, kì thực là tôi cũng chẳng còn nhớ nữa, khi bắt đầu nói chuyện thì nhận ra nhà cậu cách nhà tôi chỉ vài căn nhưng vì tôi chả bao giờ chịu lết ra phố nên thậm chí còn không biết hàng xóm mình, thế là cậu ta bảo hay để cậu ta chở tôi đi học. Lâu dần, thậm chí cậu ta còn vào nhà tôi ăn cơm như cách mẹ tôi cảm ơn cậu trai è lưng đạp xe chở tôi mỗi trưa nắng về vì trong mắt mẹ tôi hệt như một con mèo lười mập ú y chang Natto nhà tôi vậy. Tôi vẫn còn nhớ cậu ta tự hào kiêm về việc “chở thuê” của mình tới mức khi tôi có những lớp học thêm buổi tối khi bước ra khỏi cổng đã thấy cậu ta đứng co ro chờ từ lúc nào, và khi chở tôi về nhà cậu ta thậm chí quên một tiếng chào mà phi về nhà ngay vì buồn ngủ, cậu vốn không thức khuya được.
- Năm nay đừng chơi tắc nữa, chơi đào, thay đồ đi lên xe tớ đèo xuống phố.
Trong khi tôi còn mắt tròn mắt dẹt khi mẹ để cậu ta lên tận phòng tôi dựng đầu tôi dậy thì cậu ta có vẻ rất tự nhiên xổ tung đống đồ của tôi lựa cho tôi, trong khi khi ấy tôi bao xấu, cậu ta chỉ nhìn và bật cười :” Ôi con người này ngày thường xấu biết bao”. Cậu ta có thói quen khiêng đồ giúp tôi mỗi khi tôi mang vật nặng mà thậm chí những thứ nhẹ tênh như mấy chậu hoa cảnh mà Têt ba tôi hay mua để trên bàn cũng được cậu ta dành “ Con gái yếu đuối”, cậu ta bảo thế. Mà mỗi khi Tết đến, khi đàn ông trong nhà phụ việc nặng, như một cách tự nhiên ba tôi cũng hay bảo cậu sửa lại mấy cái đèn điện trước nhà cứ như người trong gia đình. Thậm chí giao thừa vì nhà cậu ta hay buôn hàng xa cậu ta ăn tết một mình nên vẫn hay qua đón tết cùng gia đình tôi. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là những người bạn thân đúng nghĩa.
Năm tư đại học khi chuẩn bị tốt nghiệp tôi lại thương thầm một cậu trai cùng khóa. Vì muốn cùng cậu ta trải qua một giao thừa thiêng liêng mà tôi tỏ tình đúng vào lúc pháo bông năm mới vừa bắn lên. Tôi bị từ chối, thứ duy nhất tôi còn nhớ lại vào mùa Tết năm tôi hai mươi hai là hình ảnh cậu bạn thân của tôi chở tôi về và tôi gục trên vai cậu ta mà khóc, đâu đó tôi nghe loáng thoáng:
- Đã bảo đón giao thừa chung mấy năm tự nhiên tách ra làm gì cho khổ. Nếu sau này không ai thương cậu thì tới năm ba mươi tuổi tớ sẽ lấy cậu.
Chúng tôi tốt nghiệp, với tấm bằng giỏi cũng mau chóng có việc, tôi làm việc ở hội văn học còn cậu trở thành phóng viên. Vì tính chất công việc cậu hay đi xa nhưng khi về luôn mang cho tôi một món quà nhỏ và những ngày Tết luôn dành thời gian để đón Tết cùng gia đình tôi, có điều không còn cố định như mọi năm nữa, có khi về đúng giao thừa, có khi lại đúng vào sau mấy ngày Tết, khi nào về cũng bảo:
- Vẫn chưa qua Tết, vẫn đón cùng cậu.
Năm tôi hai mươi lăm, chúng tôi dần trưởng thành hơn, tôi không còn là cô bé năm nào hay mè nheo và lười biếng, cậu cũng không còn là chàng trai ngây thơ năm ấy mà đã trổ mã cao và chững chạc hơn, cái cách mà chúng tôi đối xử với nhau vẫn không e dè chỉ có điều đã bắt đầu đứng tuổi. Thậm chí thay cho những li trà sữa mà ngày còn đại học vẫn đội mưa đi mua nay cả hai bắt đầu bàn về công việc bên bàn café nghi ngút khói. Tuy vậy, mỗi khi tôi có chuyện gì, như bị sếp mắng, bị đồng nghiệp tị ganh, chỉ cần tôi nhắn tin cậu sẽ điện thoại về và sự ấm áp của cậu như không có tuổi, nó vẫn ngây thơ như khi chúng tôi mười tám. Đột nhiên, tôi lại bắt đầu thấy nhớ cậu sau những chuyến cậu lại đi, thấy thời gian bên cậu ít hơn trước bỗng thấy thiếu thốn, tôi hơi mường tượng, hơi hiểu hiểu tình cảm mình nhưng tôi không muốn tình bạn bảy năm qua mất đi nhanh chóng.
Bây giờ tôi đã hai mươi sáu tuổi và chàng trai ấy vẫn ở cạnh tôi suốt những tháng năm qua. Mùa Tết này cậu về hẳn đóng đô nơi thành phố này sau bốn năm bôn ba khắp nơi. Vẫn những ngày giáp Tết qua nhà tôi sửa đèn trên kệ, kê lại đồ đạc, vẫn đèo tôi đi mua bông đầu năm. Không hiểu sao tôi lại ôm lấy cậu, hỏi bâng quơ:
- Tình cảm năm cậu hai mươi hai có còn không?
Cậu siết chặt tay tôi:
- Tình cảm của chàng trai thích cậu từ cái nhìn đầu tiên năm mười tám vẫn luôn còn.