/

Cho đến tận bây giờ, tôi cũng không biết tên thật của người phụ nữ ấy là gì vì chỉ gặp chị tình cờ trong một dịp hai vợ chồng đi chơi ở Bình Định. Chiều hôm ấy chúng tôi đến một làng quê ven biển. Con đường chính của làng chạy dọc theo bờ biển và chỉ cách mép nước vài chục mét. Những con thuyền nhỏ buông neo nghỉ ngơi sau một ngày lênh đênh trên sóng nước cùng những ngư dân làng chài. Biển lặng, nước xanh ngăn ngắt, ngoài xa những hòn đảo nhấp nhô ẩn hiện trong nền trời… không gian thật bình yên, thoáng đãng. Theo sự chỉ dẫn của người dân, tôi chạy xe lòng vòng tìm nhà trọ, hỏi một vài nơi thì chỉ nhận được những cái lắc đầu. Đây là làng quê chỉ chuyên về nghề biển, người ta không kinh doanh nhà trọ. Con đường làng quá hẹp nên khi gặp một chiếc xe công nông đi ngược chiều tôi phải tấp xe ngay vào lề trước cổng ngôi nhà nọ, nhân tiện hỏi chỗ trọ. Một người phụ nữ đang nhặt củi dừa cạnh đấy chỉ về phía trước: chú đến chỗ kia hỏi chắc có đấy. Tôi cảm ơn và chạy thêm một đoạn nữa thì… hết đường! Trước mặt là một ngôi nhà hai tầng trông rộng rãi thoáng đãng nhưng không có vẻ gì là khách sạn hay nhà trọ cả. Trên khoảng sân rộng, mấy cô gái đang lúi húi lau bàn ghế, nghe tôi hỏi liền bảo: chú ơi ở đây có mấy phòng nhưng cho thuê hết rồi. Vậy, quanh đây còn nhà trọ nào nữa không? Bảo: không có đâu, đây là cuối đường rồi. Lại phải quay ra và chưa biết đi đâu vì từ đây về thành phố Quy Nhơn cũng khá xa mà hoàng hôn đang dần buông xuống. Nếu không có chỗ nghỉ thì cũng đành phải về nhưng cũng quá tiếc vì mấy khi có dịp được đến một nơi như thế này…
Người phụ nữ lúc nãy vẫn còn lúi húi bên gốc dừa trong bóng chiều chập choạng. Chúng tôi dừng lại: chị ơi nhà đấy hết phòng rồi, chị có biết chỗ nào khác nữa không, chúng em chỉ nghỉ tạm một đêm thôi. Người phụ nữ nhìn cả hai vợ chồng… Sau một thoáng ngần ngừ bảo: nói thật cô chú, nhà tôi không phải cho thuê trọ, tôi chỉ ở một mình, tầng trên lâu nay để không, nếu cô chú không chê… Tôi buột miệng: sao lúc nãy em hỏi chị bảo không có? Tại tôi thấy cô chú đi ô tô trông có vẻ sang trọng sợ không ở được… Tôi cười: xe em mượn đấy, vừa đi vừa đẩy chứ sang trọng gì. Bảo: nếu cô chú không chê thì xin mời… Nói rồi người phụ nữ dẫn chúng tôi vào nhà. Một ống tay áo phất phơ theo bước chân… thì ra chị bị cụt cánh tay trái! Tầng trên của nhà chị được ngăn làm hai. Một bên thờ, một bên ở. Bên ở được chia thành ba phòng nhỏ. Chỉ vào cái giường cá nhân và cái võng xếp đặt ở phòng trước chị bảo: cô chú nghỉ tạm ở đây, hơi chật chội tí, cứ mở cửa ra cho thoáng, không có trộm cắp, cũng không có muỗi đâu cứ yên tâm! À mà có ăn uống gì không để tui nấu luôn. Dạ không dám phiền chị, để tụi em tự do! Vậy thì tui đúc bánh xèo mực ăn nhé, bánh xèo mực ở đây ngon lắm, nên thử cho biết! Thấy chị quá nhiệt tình chúng tôi nhận lời nhưng bảo chỉ làm ít thôi và phải tối mới ăn. Chị hướng dẫn thêm mấy thứ linh tinh rồi đi xuống. Lúc này tôi mới có dịp quan sát kĩ chung quanh: hai căn phòng sát vách với diện tích khá khiêm tốn ở phía sau đều có cửa kính và được khóa kín, bên trong đèn ngủ đã bật tự bao giờ. Một phòng có kê chiếc giường đơn và một cái tủ nhỏ, một phòng thì không có gì. Phía sau là nhà tắm và nhà vệ sinh. Vậy là ổn rồi. Sau khi tắm rửa thu xếp đồ đạc, chúng tôi xuống nhà dưới. Ngang qua phòng thờ thấy nhang khói mịt mù… Chị đang loay hoay ở bếp cùng với một cậu thanh niên (chắc là cháu, vì nghe gọi chị là bà) quay ra dặn chúng tôi đi chơi về sớm để ăn bánh xèo cho nóng! Ra khỏi cổng nhà chị là biển rồi. Chúng tôi đi dọc theo con đường lúc chiều… Làng chài ở đây độ vài mươi nóc nhà, ánh điện mờ mờ hắt ra từ mấy quán nước và quán ăn nho nhỏ ven đường, còn lại là bóng tối. Hai vợ chồng ghé vào một quán ăn trông có vẻ sáng sủa. Quán vắng khách, cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm. Thấy có người vào, một cô gái trẻ dáng người thấp đậm chạy đến kéo ghế mời và chìa ra bảng thực đơn bằng giấy in photo:
– A! Chào chú, có phải hồi chiều chú hỏi nhà trọ không?
– Đúng rồi.
– Chú trọ gần đây không?
– Cũng gần!
– Nhà ai sao cháu không biết, nếu biết cháu đã giới thiệu cho chú rồi.
– Nhà cái cô gì cụt tay ấy.
– À nhà bà Ba, nhưng bà ấy có cho thuê phòng trọ bao giờ đâu?
– Tại bả thấy vợ chồng chú đi lui đi tới mà không tìm ra chỗ nên giúp đỡ…
– Cô chú gọi món đi, chiều hôm nay thuyền mới về, nhà cháu mua liền nên hải sản tươi lắm, giá cả phải chăng…
Chúng tôi gọi một dĩa mực cơm nướng, một dĩa tôm luộc, một tô ốc hấp, mấy cái bánh tráng nướng và hai lon bia Sài Gòn. Bếp lò được đặt cạnh đấy, mùi hải sản nướng, hấp tỏa ra thơm phức… Loáng một cái mọi thứ đã được bày đầy ra trên cái bàn nhựa con con. Ngồi ăn ở đây thật là thú vị, gió biển thổi mát rười rượi mà không cần phải xuống bãi cát vì hơi tối. Ở đấy cũng có một đám thanh niên cởi trần (chắc là trai làng) đang ngồi nhậu và liên tục hò nhau Dzô! Dzô! nghe thật khí thế. Đúng như lời cô gái giới thiệu, đồ ăn ở đây vô cùng tươi ngon lại rẻ. Hai vợ chồng ngồi khá lâu, ăn uống no nê mà chỉ có hơn hai trăm ngàn. Về chỗ nghỉ thì đã hơn tám giờ. Chị Ba đang ngồi trước nhà, thấy chúng tôi về bảo: cô chú ăn bánh xèo luôn đi, tui mới đúc xong, bánh xèo phải ăn nóng mới ngon… Chúng tôi đành phải vâng lời dù đã quá no. Chị bày mâm ra: bánh xèo nhân mực, rau sống, bánh tráng, nước mắm ớt tỏi… trông thật hấp dẫn. nhưng chúng tôi hơi lo, không biết phải “giải phóng mặt bằng” thế nào đây vì ăn ít thì sợ chị nghĩ thế này thế nọ. Thôi thì chia ra hai dĩa để nhỡ ăn không hết… và cứ từ từ vừa ăn vừa nói chuyện. Chị cũng dọn ra một mâm riêng cạnh đấy, toàn cơm chay. Vợ chồng tôi mời chị sang ngồi cùng cho vui, hỏi sao không phải ngày rằm lại ăn chay, chị bảo: hôm nay nấu cơm cúng mẹ chị mới mất gần tháng rồi, bà thọ đến tám mươi chín tuổi, căn phòng không có giường ở tầng trên sát chỗ cô chú là phòng ngủ của bà đấy…
Trong lúc ăn, tôi hỏi cậu thanh niên lúc chiều đâu rồi, chị bảo: thằng ấy thì mấy khi ở nhà, nó ra bãi cát chơi với bạn rồi, tối ngủ luôn ngoài đó cũng nên. Trai gái ở làng này, mấy bữa trời nóng hay rủ nhau ra bãi cát ngủ lắm, có khi sáng trưng vẫn chưa chịu dậy về nhà. Nó kêu tôi bằng bà ngoại nhưng thực ra mẹ nó là con của em gái tôi. Thấy tôi sống một mình, nên cô em đông con nhờ nuôi hộ một đứa, tôi nuôi từ nhỏ cho đến khi nó lấy chồng ra ở riêng, giờ thì tiếp tục đến con nó… À mà cô chú ăn đi chứ, bánh nguội hết rồi! Thấy tôi nhìn vào cái tủ con con để trước nhà, chị hỏi uống gì để chị lấy, ở đây chị chỉ bán mấy thứ lặt vặt cho trẻ con lối xóm, chứ chân tay thế này còn làm được gì… Có lẽ lâu ngày mới có khách đến ở nên chị tâm sự hết chuyện này đến chuyện khác, chúng tôi yên lặng lắng nghe…. Đến hơn mười một giờ, thấy vợ chồng có vẻ mệt, chị mới giục lên nhà nghỉ. Đêm đó vợ tôi quá mệt nên ngả lưng xuống giường là ngủ ngay, còn tôi cứ trằn trọc mãi trên chiếc võng xếp. Ngoài kia, gió đêm xào xạc trên những ngọn dừa trước nhà lẫn trong tiếng sóng biển gầm gào thao thức… Như lời chị kể thì đời chị quả là một câu chuyện buồn. Năm 1965, khi mới mười sáu tuổi chị được mấy anh chị ở làng dìu dắt tham gia cách mạng, lúc đầu làm giao liên rồi sau đó vào du kích hoạt động bí mật ngay trong làng. Đến năm Mậu Thân (1968) thì cơ sở bị bại lộ chị phải thoát ly ra căn cứ địa cách mạng Núi Bà. Những địa danh như khu 10, Trạm xá Khu Đông, đồi Búp Sen, Vĩnh Hội, Hố Nhảy, hang Động Rừng, Sơn Rái… là nơi chị đã ở qua và đó là những kỉ niệm về một thời gian khổ không bao giờ quên. Năm 1972, chị bị thương trong một trận chiến đấu ác liệt giữa hai bên gần căn cứ địa. Khi tỉnh lại trong trạm xá, nhìn một cánh tay đã mất, chị lại ngất đi, tỉnh lại rồi ngất đi không biết mấy lần. Mấy anh chị ở trạm xá xúm lại an ủi nhưng chị chỉ khóc, không nói được lời nào, luôn mấy ngày liền như thế… khi ấy chị mới hai mươi ba tuổi… Năm 1975, chiến tranh kết thúc, chị trở về làng bồi hồi gặp lại người thân mừng mừng tủi tủi. Người mẹ già ôm con sờ vào chỗ tay cụt nghẹn ngào, hai đứa em thì nước mắt tuôn trào… Chị nén xúc động bảo: mẹ và em đừng khóc, đừng buồn, con còn sống được về gặp mẹ, gặp em là phúc lắm rồi. Từ đây, mấy mẹ con mình sẽ đùm bọc nhau mà sống… Cũng năm đó, địa phương bố trí chị làm Hội trưởng Hội phụ nữ xã. Thời gian đầu có hơi vất vả vì chị chưa thạo việc, sau thì cũng quen dần. Mấy năm sau thì lần lượt cô em gái rồi cậu em trai lập gia đình ra ở riêng. Chị vẫn sống với người mẹ già, ngày hai buổi đến xã làm việc rồi trở về nhà mẹ con vui buồn khuya sớm thủ thỉ bên nhau. Tưởng là bình yên, nhưng đêm đêm, trong căn nhà nhỏ người phụ nữ đang tuổi thanh xuân vẫn trằn trọc thao thức nghĩ về đời mình… chị còn trẻ, không lẽ đành ở vậy sao?! Từ khi trở về làng đến tận bây giờ chị vẫn cố thăm dò tin tức người bạn trai năm nào, người đã cùng chị hẹn hò trước ngày chị đi thoát ly, nhưng không có manh mối gì. Người thì bảo anh ấy đi vào tận miền Nam làm ăn rồi lập gia đình sống luôn ở đấy. Người thì bảo anh ấy bị bắt đi lính và chết trận đâu năm 1972 tại Quảng Trị nhưng không tìm được xác. Chẳng biết đúng sai thế nào, chỉ biết là đến giờ anh ấy vẫn biền biệt và niềm hy vọng trong chị mỗi ngày một lụi dần… Cũng có mấy người đàn ông ngỏ lời thương yêu muốn đến với chị, nhưng chị vẫn không dứt khoát được vì chưa quên được người xưa, dùng dằng mãi và cuối cùng nhìn lại thì chẳng còn ai… Chị về hưu năm 2004 và đành chấp nhận số phận vì biết đời mình không thể khác được. Chị nuôi mẹ rồi nuôi con, nuôi cháu của cô em gái với một tình yêu thương vô bờ và coi đó là nguồn vui, là lẽ sống của đời mình. Nhưng nào đã yên, năm nọ cậu em trai bị tai nạn giao thông phải mổ rất tốn kém mà nhà không có tiền, chị đành phải bán bớt nửa mảnh vườn đang ở để cứu em. Oái ăm thay, em chưa khỏi thì mẹ bị bệnh nặng phải nhập viện, tiền bán vườn thì đã gần hết, chị lại phải rút sổ tiết kiệm dành dụm bấy lâu, một mình chạy xuôi chạy ngược hết thăm mẹ rồi thăm em. Cực quá, nhiều đêm chị tủi thân chỉ biết gạt nước mắt khóc thầm, giá như có người cùng lo thì đỡ biết bao nhiêu… Rồi cậu em cũng qua khỏi, mẹ chị cũng lành bệnh trở về nhà, chị tự an ủi mình: thôi thì còn người là còn của, mọi việc từ từ rồi sẽ tính! Vậy mà người phụ nữ ấy đã được sống bình yên đâu. Đất vườn chị bán cho người quen chỉ có năm mét, người ấy bán lại cho người khác ở xa đến, giấy tờ chuyển qua, chuyển lại thế nào không biết mà từ năm mét lại thành sáu mét. Chủ đất mới nói chị lấn đất của họ và đòi đập tường rào để xây nhà. Chị lên Ủy ban trình bày thì chính quyền địa phương không hiểu vì lí do gì lại bảo chị sai vì giấy tờ rành rành đấy! Chị uất quá bảo: tôi sẽ kiện lên huyện, lên tỉnh xem thử ai đúng, ai sai. Nhưng chị chưa kịp đi kiện thì sáng nọ, chủ đất mới thuê xe cẩu, máy xúc đến chuẩn bị đập tường rào… Đã đến nước này thì không nhịn được nữa, chị nhảy lên trước đầu xe chặn lại và bảo với đám lái xe: các chú dừng lại để chị nói chuyện với người chủ đã rồi các chú có ủi thì cũng chưa muộn. Rồi chị nói như gằn từng lời vào mặt cậu chủ đáng tuổi con, tuổi cháu: Mày hãy nhìn vào cánh tay cụt của tao đây rồi hãy làm. Tao báo cho biết, nếu mày đập một, mày sẽ đền mười, không lẽ luật pháp để yên cho những người cậy thế, cậy tiền, ức hiếp mẹ góa con côi… Chị dừng lại chưa kịp nói tiếp thì bà con trong làng đã đến vây kín và đồng loạt lên tiếng ủng hộ làm chứng cho chị. Thấy tình hình có vẻ không ổn, chủ đất tái mặt khoát tay cho xe lui nhưng cũng cố nói vớt vát: Được! bà hãy đợi đấy! Nhưng từ đó nó sợ không thấy tranh giành gì nữa…
Sống yên bình được mấy năm thì mẹ mất, chị gần như suy sụp hẳn. Vắng bóng dáng người mẹ thân yêu, căn nhà bỗng trở nên trống hoác lạnh lẽo. Giờ thì khuya sớm một mình một bóng, thằng cháu thì suốt ngày đêm lông nhông ngoài đường, nó chỉ có mặt ở nhà vào bữa cơm, mà cũng không thường xuyên, dần dần thì chị cũng quen và mặc nó, miễn là đi chơi đừng gây ra chuyện gì là được. Ở tuổi chị bây giờ phải biết chấp nhận mọi thứ mà sống chứ còn ham muốn, đòi hỏi gì nữa…
Thao thức mãi đến gần sáng tôi mới thiu thiu ngủ thì bỗng giật mình vì có tiếng mở cửa rồi tiếng sột soạt ở phòng kế bên… một bóng áo dài trắng lướt qua… Tôi dụi mắt ngồi dậy bước ra khỏi võng… Vợ tôi vẫn ngủ say, căn phòng bên vẫn khóa như lúc chiều… Vậy thì tiếng động kia là ở đâu ra và cả cái bóng áo trắng nữa…? Chờ một lúc lâu không thấy động tĩnh gì tôi lại lên võng nằm nhưng chẳng tài nào ngủ được… Nhìn đồng hồ đã năm giờ…. Ở miền biển thì giờ này trời sáng lắm rồi, ngoài đường đã nghe có tiếng chân người. Tôi gọi vợ dậy chuẩn bị… Đi qua gian phòng thờ thấy đèn đã bật sáng, chị mặc chiếc áo dài trắng cũ kĩ đang ngồi xếp bằng khe khẽ tụng kinh…
Khi chị xuống, chúng tôi xin gởi tiền và chào ra về, chị bảo: tiền bạc gì, nhà tui có phải cho thuê trọ hay quán ăn đâu. Cô chú đừng bày chuyện… À mà đêm qua vợ chồng ngủ ngon chứ? Tui già rồi khó ngủ lắm, lại lẩm cẩm, có khi nửa đêm thức dậy lò dò lên phòng mẹ vì trong đầu cứ nghĩ là bà còn sống… Chia tay, chúng tôi xin chụp tấm hình kỉ niệm: Chị đứng dưới gốc dừa, một ống tay áo phất phơ trong gió sớm và đôi mắt đượm buồn nhìn ra mặt biển xa xăm…