Chị Sen năm nay gần 40 tuổi, da sần sùi, mặt nám, tay thô, dáng tròn trịa mập mạp nhưng ánh mắt lanh lợi và dáng đi nhanh nhẹn. Chị tất bật cả ngày từ việc có tên và không tên. Sáng, khi gà cất tiếng gáy đầu tiên là thấy chị cầm cây chổi quét dọn trước sân. Tiếng chổi đưa làm lon bia bị hất bay kêu leng keng. Đó là hậu quả của trận nhậu hôm qua của anh chồng với chúng bạn. Mùi thức ăn thừa bay lên nghe ngai ngái thum thủm. Chị quay qua gom và rửa đống chén bát ngay trước sân khi trời chưa tỏ. Vào bếp múc chén cơm nguội với muối đậu phộng, chị vừa nhai vừa chuẩn bị ràng càn xế lên xe để đi bắt dê. Hôm nào cũng vậy, với chiếc xe máy, chị đi thu mua dê từ các hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ rồi về bỏ lại cho vựa lớn hơn ăn tiền chênh lệch. Mỗi ngày chị cũng kiếm được từ 200 đến 500 ngàn. Có khi nhiều thì được hơn triệu nhưng chỉ cần một con dê chết là mất hai ba hôm bù lại. Như sáng nay, khi chị đang loay hoay bên chiếc xe thì có tiếng quát lớn từ trong nhà:
– Ở nhà. Không đi đâu cả!
– Tui đi bắt dê mà, ông Lâm có bầy dê muốn bắt sớm.
– Đ.L.M mày, tao đéo cần mày đi làm. Mày ở nhà lo dạy hai thằng quý tử của mày kìa. Thằng An đi đâu suốt đêm không về kìa.
– Ông ở nhà lo dạy đi, tôi còn đi kiếm tiền, không thì chết đói à!
Thế là rầm…rầm, chị Sen bị một đạp lăn quèo ra đất. Chị chẳng nói chẳng rằng, dựng xe lên và tiếp tục cuộc hành trình của mình. Đã quen với tính của chồng, nên cứ đi làm cho được việc rồi tí về tính sau. Trên đường đi chị thút thít khóc nghĩ thương cho số phận mình.

***

Sinh ra trong gia đình đông chị em gái, Sen là chị cả nên được mẹ giục lấy chồng sớm, cốt để các em noi theo và để có tấm chồng dựa thân, vì mẹ cô đã có cuộc đời dang dở và chịu bao tai tiếng trên đời. Cuộc hôn nhân ở tuổi 18 với bao bỡ ngỡ của cô gái nhà quê ra thị trấn đã giúp chị lớn lên và già đi trong lặng lẽ mà không dám ca thán một điều. Trước đây chị làm ruộng, làm rẫy, chăn nuôi, nhưng bệnh tê thấp buộc chị phải chuyển sang nghề buôn bán. Bắt dê cũng là một nghề mà không phải phụ nữ nào cũng làm được. Ngoài việc coi dê để định giá thì còn phải lăn vào vật lộn với dê để trói chân chúng. Nhất là những con xồm, khi thấy mùi nữ là nó lăn vào, phóng cả tinh dịch ra. Vậy nên, người đi bắt dê về là áo quần mang một mùi khai rất ghê. Trước đây, chồng chị là một chàng trai hào hoa, trong gia đình không giàu có nhưng là dân xóm chợ ở thị trấn Dương Hà nên cũng đua đòi công tử. Lấy nhau về mới biết anh chẳng có nghề gì rõ ràng ngoài một nghề đá gà và nhậu nhẹt đàn đúm. Ba mặt con là niềm tự hào và là phần thưởng cho sự vất vả của chị. Nhưng khi thằng An, con đầu của chị vào lớp 8, nó không còn ngoan và giúp mẹ như mọi lần, chị mới thấm hết nỗi khổ. Nó bắt đầu nói dối, bắt đầu trốn học chơi game. Lần ba nó bắt về là đánh cho lên bờ xuống ruộng. Khi ba nó đi đá gà hoặc say nhậu, nó lại say game. Hôm qua, nó trốn học chơi game. Ba nó trói ở góc cây sanh trước nhà, và một trận thừa sống thiếu chết. Tối đến nó được tha nhưng ba nó xem chừng chưa hả giận. Ba nó nhậu, có lẽ nó sợ quá chăng, vì ba nó say gầm thét, thế là đêm đóng cửa đi ngủ, không thấy nó đâu. Chẳng biết chị Sen có đồng lõa với nó trong vụ này không mà sáng nay chị cũng lãnh một đạp trước khi đi làm.

***

Cả ngày đi xe máy hàng chục cây số, chở vài chuyến dê, chị mệt lả nguời lê bước về nhà. Sau khi nghỉ ngơi chút, chị lại ra chuồng dê cho dê ăn và dọn dẹp. Chứng bệnh khớp và phong thấp làm chỉ rả rệu. Chị muốn được đi ngủ sớm nhưng chồng chị chưa về. Mười giờ đêm, chị ngủ quên trên võng và giật mình khi tiếng xe máy kít trước cửa. Hắn về…
– Pha cho gói mì tôm coi
Chị thoăn thoắt làm như cái máy mặc dù mắt đã ríp ngủ. Hắn ngồi ăn nhưng mắt không quên nhìn xung quanh xem có cái gì chướng tai gai mắt không. Nhìn thấy trái bưởi, hắn quát lớn:
– Trái gì đây
– Bưởi, vợ hắn đáp
– Lại đi ngủ với thằng nào trong vườn bưởi phải không. Trái này còn xanh chắc mới hái nè!
– Choang!.
Hắn ném trái bưởi ra trúng tấm kính cửa tủ nên vỡ toang. Vợ hắn cãi lại:
– Mày điên à
Hắn lao đến, nắm lấy tóc vợ, gì xuống đống mảnh thủy tinh. Vợ hắn gào lên. Hắn thấy máu vội buông tay. Vợ hắn chồm dậy mở cửa gọi hàng xóm kêu cứu. Hắn được dẫn qua nhà hàng xóm ngồi uống nước cho nhả rượu. Chị may cũng chẳng sao. Khi đã mệt mềm, hắn về ngủ say như chết. Vợ hắn cũng ngủ mà chẳng cần suy nghĩ gì. Họ đã quen, mọi thứ đã quá quen. Sáng mai ra, hắn không nhớ gì cả hay giả vờ không nhớ. Vợ hắn cũng chẳng thèm nói và cũng chẳng cần xin lỗi. Chị ấy cứ lo con cái cơm nước rồi đi làm, vì biết có xin lỗi thì cũng chẳng thay đổi được gì mà bỏ hắn thì chị cũng không làm được. Nghĩ cũng buồn cười. Trước đây, chị ấy khóc lóc, đau khổ nhiều lắm. Hắn xin lỗi, đền bù, hứa…hứa và hứa… Ra thế! Theo thời gian trôi đi, mọi thứ đã chai lì và bất dịch. Ban đầu, tôi cật lực phản đối chị. Tôi muốn chị phải cho hắn một bài học. Nhưng chị nói: “Càng nói, càng nghĩ thì mình càng đau thôi, ích gì. Thôi cứ bơ đi mà sống em ạ! Được sống và làm việc là hạnh phúc rồi. Cứ yên như thế cho con có cha, nhà có móc”. Tôi dành ngậm ngùi.Tuy nhiên, chị cũng có lúc được an vui. Chị chỉ thua hắn lúc hắn say, còn những khi tỉnh dậy, hắn sợ chị ra phết. Khi đi làm có tiền, hắn ngoan ngoãn đưa chị cất, có công chuyện gì hắn cũng tôn trọng ý kiến của chị. Vậy nên, hình như chỉ những lúc có ma men là hắn thấy mình mạnh mẽ nhất. Hay hắn nghĩ đàn ông là phải la hét, phải đánh quát vợ như vậy mới đáng mặt đàn ông? Tôi nhiều lần thử hỏi, nhưng rồi chưa có đáp án! Tôi chỉ muốn đẩy hắn xuống vài thế kỉ, cho hắn sống thời phong kiến xa xưa.

***

Hôm nay đi làm về, thấy xóm làng đang xôn xao bàn tán. Tôi giật mình chạy qua nhà chị. Công an đang đến lấy lời khai và bắt nhốt kẻ hành hung. Nghe nói chị bị hắn lấy cả cái xẻng bổ vào đầu bị thương nặng. Trơi ơi! Chị Sen! Sao lại đến nông nỗi. Tôi nghẹn ngào …
Hôm nay, hắn đi ăn đám cưới. Sau khi tiệc cưới xong, hội “anh em chúng mình” lại được chủ nhà hồ hỡi mời lại tình cảm tiếp. Cái tục uống rượu này nghĩ cũng lạ, hễ ngồi vào bàn ăn tiệc là cuốn luật bất thành văn được giở ra. Nào là “vào 3 ra 7”, nào là “lên lon”, phải lên đều nhau, uống phải uống cạn, nếu không muốn bị xem là coi thường nhau và bị xem là đội yếu. Họ chỉ biết hơn nhau trên bàn nhậu và trả về gia đình những người chồng, người cha không làm chủ được mình. Hắn về nhà lúc khoảng 4 giờ chiều. Sau khi gây với chị, hắn lại đi tiếp một chầu nhậu nữa. Rồi hình như có gây sự với ai đó, hắn tức giận vì bị cho là say rồi “yếu đừng ra gió”. Khoảng 7 giờ, chị đang mằm nghỉ trên võng thì hắn về, vứt xe cái rầm. Chị ra đỡ xe. Hắn gạt
– Cút mẹ mày đi, đồ con đĩ!
– Lại bét nhè rồi, trời hỡi, chị lẫm bẩm
– Đồ con chó, mày có câm mồm không! Tao còn lâu mới say..nhá nhá.. Mày đi với thằng nào về mệt mằm dài ra đó hở…
Cứ thế hắn chửi, hắn đập đồ và tiện tay đập luôn cái xẻng vào đầu chị. Chắc là chị cãi lại hắn, nhiều người nghĩ vậy. Chỉ biết khi chị la lên thất thanh, hàng xóm chạy tới thì thấy máu ra nhiều, chị ngất đi. Mọi người đưa chị đi cấp cứu mà hắn vẫn hung hăng nên họ gọi công an. Mọi người vây kín mít xung quanh mà nhìn. Hắn bị cột tay vào góc cây, vùng vẫy và la hét. Công an lấy lời khai nhân chứng.
Mọi người xung quanh xì xào:
– Nghe nói vợ hắn ngoại tình
– Bậy, hắn say nói vậy chứ làm gì có
– Chắc là có gì đó hắn mới đánh chớ
Có người lại thêm vào: – Hắn bắt quả tang vợ ngoại tình
    – Đáng đời, đồ đàn bà hư
– Tội nghiệp chị, vất vả cả ngày đi làm kiếm tiền mà cũng không yên
– Thấy nó cứ chạy xe đi về rồi nằm võng đong đưa, tội gì…
Mọi người xôn xao bàn tán. Không ai hiểu chị. Có lẽ vì chị không rảnh để ngồi lê mách chuyện với hàng xóm bao giờ nên ít ai hiểu. Tôi thấy lòng xót xa: “còn người phụ nữ nào sống vì chồng vì con như chị Sen đâu chứ”. Sao không ai nhận ra là do hắn say xỉn nhậu nhẹt bê tha? Chị dại quá chị Sen ơi. Đáng lí ra chị phải bỏ hắn từ lâu rồi thì đâu có ngày hôm nay.
Tôi ghé bệnh viện thăm chị. Chị hỏi thăm ở nhà. Chị khóc nhiều và lo sáng mai bầy dê không ai bắt. Lo mấy đứa con ở nhà không ai nhắc nhở… Tôi xót xa: “sao chị không lo cho mình? Lo tình cảnh đau đớn của mình”. Tôi hỏi:
– Chị tính thế nào?
– Chắc chuyến này về tôi li dị. Tôi cũng không biết có li dị được không vì sợ hắn không chịu, sẽ quậy phá, mẹ con chị cũng chẳng yên.
– Pháp luật sẽ bảo vệ cho chị
– Ôi chào! Chờ đến pháp luật thì tôi đã… .Chị nghẹn ngào.
Thì ra chị chưa li hôn là vì sợ. Người đàn ông như con hổ dữ. Ở trong chuồng thì được no say, thỉnh thoảng mới cắn phá chứ thả ra ngoài là nó cắn phá lung tung. Nó bất chấp vì  trong chuồng còn có người để nuôi, để cho ăn no và để trút giận và khoe khoang? Chị lo lắng cũng đúng. Thường người phụ nữ vì khổ quá mà li hôn sẽ không được để yên. Ít nhất sóng gió phải cả năm trời. Cho đến khi nào người chồng tìm được người bạn xứng đôi vừa lứa hắn mới để cho vợ hắn được yên. Huống hồ chị lại lo không ai dạy con. Chị bận cả ngày mà con chị đang tuổi dậy thì khó bảo. “Ít nhất nó còn sợ ba nó”, chị nói.
– Nhưng chuyến này tôi làm thật, tôi sẽ li hôn. Chị nói chắc nịch.
Tôi quay về mà trong lòng nặng suy nghĩ: “Không biết trên đời này còn bao nhiêu người như chị. Không biết chị có được như ý không? Có tìm lại được hạnh phúc cho đời mình không.  Li hôn có phải là cách tốt nhất?”. Bất chợt tôi nghĩ đến câu nói của mẹ mỗi lần hối thúc tôi: “Lấy chồng đi con, còn để dựa tấm thân!”.