Nhấm nhứ mãi, định không viết vì nghĩ rằng “Chuyện phía sau chiến tuyến” mắc mớ gì với “Đại thắng mùa xuân 1975”. Nhưng cứ như mắc nợ cuộc đời, mắc nợ ký ức, không phô ra để mất đi kỷ niệm đẹp về tình cá nước:

Ngày ấy cách đây đúng 40 năm hai tháng – mùa khô năm 1974 – 1975 trên tuyến vận tải chiến lược quân sự Trường Sơn: Ta đã củng cố và nới rộng trục ngang, nối dài trục dọc, lợi thế chiến trường cho phép sư đoàn ô tô vận tải chiến lược quân sự 571 chúng tôi phát động các chiến dịch vận chuyển quy mô lớn. Chạy ngày, chạy đêm, chạy nối mùa, vươn dài cung độ với khẩu hiệu hành động: “Hàng nào cũng chở, tuyến nào cũng đi, đã đi là tới đích”.

Tranh thủ mùa khô các đơn vị vận tải khẩn trương lập chân hàng cho mặt trận Tây Nguyên, từ các cụm kho S8, K40, K90, Sê Sụ v.v…

Ngày 21 tháng 2 năm 1975 thủ trưởng trung đoàn trực tiếp nhận mật lệnh số 12/ML của chỉ huy sư đoàn: “Chuẩn bị phương tiện, kỹ thuật, cơ động đội hình cấp quân đoàn…”. Hai tiểu đoàn chủ lực – những cánh đại bàng quả cảm là D101 và D74 của trung đoàn 13 nhận lệnh vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ cánh quân duyên hải.

Đã hai chuyến chạy đường dài bắc nam, nhưng trong hối hả chiến dịch chẳng ai tranh thủ tạt qua nhà được. Chuyến này lại nhận hàng từ cảng Hải Phòng khi quay đầu, đơn vị  dừng chân ở thị xã Thanh Hóa nghỉ nấu cơm ăn. Gần nhà, xe lại chở gạo lên đại đội phó Nguyễn Văn Khương ngỏ lời xin phép đại đội trưởng tạt qua nhà thăm bố đang ốm nặng.

Là thợ lành nghề của đại đội tôi được cử đi hộ tống để xử lý kỹ thuật nếu sự cố xảy ra. Chúng tôi được phép rời đơn vị một tiếng đồng hồ đúng 6 giờ 30 phút phải có mặt tiếp tục hành quân.

Vượt phà Kiểu chạy độ 20 km là đến quê Khương. Mới rạng ngày làng xóm đang chìm trong tĩnh lặng, nhưng đâu đó khói lan mờ buông trùm mái rạ. Làng Khương, các căn nhà đa phần lợp lá thấp cũ nhuốm màu rêu phong. Xe chúng tôi phủ đầy ngụy trang lừng lững như một nếp nhà dừng cạnh cổng, đồng chí lái xe nhấn còi làm xóm làng tỉnh giấc, có nhà đỏ đèn mở cửa trông ra thấy xe đậu trước nhà mình các em Khương chạy ra nghiêng ngó:

– Em biết mà thấy xe “biển đỏ” là em biết xe anh, coi trên phim em thấy… Chúng tranh nhau leo lên buồng lái. Tôi và đồng chí lái xe giúp Khương đưa các túi quà, thuốc men chuyền tay cho các em Khương rồi vào nhà thăm hỏi gia đình, bố mẹ Khương mừng lắm. Chiến sự đã “nóng” ra đến vùng “Tây tiến” này rồi, cả nhà tíu tít thăm hỏi chúng tôi về chuyện chiến trường rồi Khương chủ động:

– Xin bố mẹ chúng con chỉ được phép tranh thủ ghé qua nhà độ nửa giờ đồng hồ, đơn vị đang chờ ở thị xã.

Rồi mẹ Khương kéo con trai ra sau nhà thầm thì gì đó. Khương và cái Tý biến đi đâu mất.

– Tội các con, về thăm gia đình thế này là quý lắm rồi nhưng hượm chờ mẹ một tý – bố Khương gượng đậy nói. Ông gầy gò và ốm yếu nhưng nghe tin con về thăm ông dậy được, người như khỏe ra. Phía sau nhà có tiếng gà bị lục chuồng kêu oang oác, ra xem đã thấy cái Tý xách mấy con đựng trong rọ:

– Bố mẹ gửi quà cho đơn vị …chú cầm lấy. Nói rồi Tý dúi vào tay tôi.

Tôi nhanh nhảu xách gà ra xe trước, vừa mở cửa buồng lái để bỏ quà vào thì nghe thảng thốt tiếng ai kêu:

– Cháy…cháy nhà bớ làng nước ơi !…cứu cứu với !…

Đóng sập cửa xe tôi lao nhanh về phía có tiếng kêu. Căn bếp thấp tè của nhà hàng xóm đang phun khói bắt lửa. Rút con dao găm bên chiếc “xanh – tua – rông” quân dụng, tôi thót lên mái nhà bằng lối trèo qua cái ràn trâu, trong chuồng, hai mẹ con nhà bò nái đang cuống cuồng vì lửa nóng.

Vạch tranh từ nóc, tôi nhanh tay cắt các nuộc lạt khêu các tấm tranh chưa bén lửa để cô lập đám cháy; mình tôi trên mái nhà không vướng nên làm nhanh, đám cháy bị tôi dập gần tắt thì mọi người trong xóm ùa đến. Họ hắt nước lên mái nhà khói âm ỷ, lấy câu liêm lôi đám tranh cháy dở xuống, người tôi bị té nước ướt nhèm, lem luốc.

Khương chạy tới hỏi dồn tôi:

– Có sao không đồng hương?

– May quá. Vào rửa ráy mau ta đi thôi chậm giờ mất rồi !

– Không kịp đâu, nói rồi tôi vội lật tà áo quân phục lau khuôn mặt đen nhẻm của mình. Thấy vậy, cái Tý gỡ ngay chiếc “mùi xoa” cột tóc của nó không chút e dè nó chấm phủi tro than bám đầy mặt mũi quần áo của tôi. Giữa đông người, tôi ngượng ngịu nói:

– Thôi để anh… ờ chú lau cho. Lau xong tôi thật thà trả chiếc khăn, nó phụng phụi khuôn mặt của tuổi mới lớn bỗng trắng hồng:

– Bẩn khăn của người ta rồi… Tý bắt đền cái mới đó?!?

Mọi việc khẩn trương chúng tôi rút nhanh ra xe khi xóm làng bà con cô bác nhà Khương kéo đến cảm ơn bộ đội ngày một đông.

Xe quay đầu mọi người vẫy chào lưu luyến. Cái Tý nhảy lên mép bia nắm chặt tay anh nó:

– Anh đi nhé ! rồi nhìn qua tôi dúi vội chiếc khăn vào túi trên:

– Cảm ơn và tạm biệt hai…chú. Xe từ từ chuyển bánh Tý còn gọi với:

– Lần sau có về nhởi nhớ đền khăn mới cho người ta nha.

Đồng chí lái xe nhìn Khương nháy mắt rồi nhìn tôi gen tỵ:

– Số đào hoa có khác đi đâu cũng có con em để ý…

– Thôi đi nhanh lên kẻo muộn giờ các bố.

Về đến điểm tập kết của tiểu đoàn còn đúng 5 phút nữa là đội hình xuất phát.

Chiến dịch đại thắng mùa xuân 1975 kết thúc. Không có dịp về quê Khương chơi. Nhưng khi trả phép tôi nhận được món quà từ Khương – thư của Tý. Trong thư Tý khoe hành động dũng cảm, phong cách mạnh mẽ đầy bản lĩnh của người lính khiến cả làng quê hương Khương rất biết ơn và cảm phục. Họ cứ nhắc mãi kỷ niệm buồn nhưng rất vui đó. Rồi Tý còn chọc ghẹo tôi trong thư ở phần tái bút: “Ở đơn vị nếu có ai dũng cảm như rứa, nhờ anh đồng hương kiếm cho Tý một đám…”.

Tôi phổng mũi và từ đấy hay gọi đùa Khương là:”Anh vợ” nghe ngọt lự.

Rồi những người lính chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đơn vị cấp sư đoàn , trung đoàn, tiểu đoàn giải trừ quân bị: Chia tách, sát nhập. Mỗi đứa đi một phương nhưng qua liên lạc Khương vẫn “khoe” về chiến công của tổ ba người làm xóm làng Khương còn nhớ mãi và cũng không quên nhắc nhẹ rằng:”cái Tý nó hỏi thăm đồng hương”.

Nhưng giờ đã “lỡ đò” vì đợt phép năm 1976 tôi đã cưới vợ./.