TAN VỠ

                  (Dư Thị Hoàn)

 Mở ngăn kéo rồi, anh bỏ ngỏ
Bút viết xong không đậy nắp bao giờ
Ôi anh yêu, lơ đãng đến là
Con nai rừng của em…

Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi
Chúng mình sẽ thành chồng vợ
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em

Nhà thơ Dư Thị Hoàn tên thật là Vương Oanh Nhi, sinh năm 1947 tại Hải Phòng. Chị từng là công nhân máy tiện tại xí nghiệp Z21 trong thời chiến tranh chống Mĩ. Sau năm 1979 chị chuyển sang làm kinh doanh, từng là trưởng đại diện một doanh nghiệp Hồng Kông tại Hải Phòng. Nhà thơ còn có bút danh khác là Nữ Lang Trung. 

Cùng với những tên tuổi như Phạm Thị Ngọc Liên, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh,…Dư Thị Hoàn đã xác lập một tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ cho thơ nữ sau 1986. Ý thức nữ quyền là một hành trình kiếm tìm và xác lập. Trước 1975, Do hoàn cảnh đát nước có chiến tranh, thơ nữ Việt Nam thường gắn với mẫu hình người phụ nữ với thái độ nhập cuộc, ý thức công dân.Những tên tuổi như Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mĩ Dạ, Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn…đã mang đến cho thơ nữ những nét  đằm thắm nữ tính bên cạnh những câu thơ đầy ắp sự kiện, trăn trở , lo âu. Đó là tiếng nói sôi nổi, trẻ trung và đầy ắp trải nghiệm.Sau 1975, đất nước giải phóng, thơ nữ mở rộng phạm vi phản ánh với cái tôi trữ tình mang ý thức cá nhân, người phụ nữ với cảm quan thế sự và đời tư. Trạng thái tâm lí cùng với những hoàn cảnh xã hội thời bình là nguyên nhân kéo ý thức nữ quyền về trạng thái ban đầu của nó với những biểu hiện vềphái tính của người phụ nữ. Những cây bút vốn trưởng thành trong thời kỳkháng chiến chống Mĩ như Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi… đã thể hiện sâu sắc những suy tư của người phụ nữ về những vấn cấp thiết đặt ra thời hậu chiến. Thơ nữ thời kì này bên cạnh những bài thơ mang cảm hứngtưởng niệm như một sự nhắc nhớ về một thời khốc liệt vừa qua còn chứa đựngnhững nội dung phản chiến sâu sắc, thậm chí cả những băn khoăn dao động,mất niềm tin trước hiện thực với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống đờithường . Từ 1986, cùng với quá trình đổi mới đất nước, văn học nữ cũng có những  bước biến chuyển rõ nét. Ý thức nữ quyền thể hiện ở ở trình xác lập bản thể nữ. Bản thể nữ thể hiện phong phú ở nhiều khía cạnh: Phái nữ luôn đi kèm với phái tính cho nên họ ý thức về đẹp thân thể như một ưu thế thiên tạo; Khát vọng tình yêu như một thiên tính nữ vĩnh cửu; Bản năng nữ (Tính dục, bản năng làm mẹ) như một sự thể nghiệm của tận cùng bản thể.

Trong 3 biểu hiện trên, thơ Dư Thị Hoàn đi sâu vào khía cạnh “Khát vọng tình yêu như một thiên tính nữ vĩnh cửu”.Không mạnh bạo như Vi Thùy Linh với tuyên ngôn “yêu là dâng hiến”,Dư Thị Hoàn cẩn trọng hơn: sẵn sàng chờ đợi, bất chấp cảm giác cô đơn; thậm chí đặt cả sự cuồng tín, xác tín và nguỵ tín trong tình yêu; chủ động giải quyết những đắng cay trong tình yêu như một hương vị thứ hai của mặt trái tình yêu. Dù đam mê bất tận với tình yêu đến vậy, nhưng với những gì thuộc về nguyên tắc, “lòng tự trọng”- giới hạn cuối cùng của ý thức nữ thì bất di bất dịch.

Với quan niệm tình yêu là sự kết hợp diệu kì nhất giữa thể xác và tâm hồn, “Tan vỡ” của  Dư Thị Hoàn thể hiện sự tôn vinh yếu tố dục tính bản năng trong tình yêu với điều kiện được tính thiêng liêng của tình yêu bảo chứng. Qua những trang viết của họ, những ước ao, những khát vọng của phái nữ được nâng niu. Dấu hiệu ý thức nữ quyền thấy rõ trong thái độ chủ động, mạnh mẽ và quyết liệt đấu tranh để dành, giữ tình yêu và sẵn sàng đi đến tận cùng bản thể và cả trong thái  độ khước từ quyết liệt.

Khi đọc thơ Dư Thị Hoàn, tôi cảm nhận có một ranh giới chia rõ các vùng một cách rõ ràng, tôi tạm gọi đó là “có thể” và “ không thể”.

“Có thể” là điều chấp nhận được vì “Khi ta yêu, những cử chỉ thông thường trở nên đẹp đẽ” (Familiar acts are beautiful through love – Percy Pysshe Shelly). Nếu coi đó là một quy luật tâm lý thì điều thú vị là ở chỗ có hàng trăm cách chứng minh sinh động cho quy luật ấy. “Tan vỡ” chỉ là một trong vô số – một hiện tượng tâm lý không cá biệt mà rất đỗi phổ biến cho những đôi lứa yêu nhau: 

Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ

Bút viết xong không đậy nắp bao giờ

Hỡi anh yêu lơ đãng đến là

Con nai rừng của em…

Những bừa bộn, lơ đãng , bất cẩn trong cuộc sống hàng ngày của anh “Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngõ/ Bút viết xong không đậy nắp bao giờ” em đều có thể bỏ qua. Em mở lòng đón nhận, xem đó là điều bình thường như mọi nam giới khác. Thậm chí em còn thấy đó là những  phút“lơ đãng” đáng yêu.Anh- con nai vàng ngây thơ, ngơ ngác, tội nghiệp mà mỗi hành động cử chỉ đều đáng yêu.Khi yêu, phụ nữ thường cho mình quyền được bao dung hay cảm giác yêu lấn át hết mọi lí trí.

Nhưng có bao nhiêu con đường dẫn lối đến tình yêu thì cũng có bấy nhiêu lí do khiến họ chia tay. Khi tình yêu chạm đến giới hạn “không thể ” thì chia tay là điều không tránh khỏi.Nếu chỉ là những vụn vặt hàng ngày, em đủ sức bao dung vì tình yêu em đủ lớn để chấp  nhận “Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi/Chúng mình sẽ thành chồng vợ” . Ngày tháng yêu thương có  thể khỏa lấp những vênh lệch, những thiếu sót. Tình yêu sẽ làm cho mọi thứ khiếm khuyết trở nên tròn đầy.Mọi thứ sẽ “qua đi, qua đi” nhẹ nhàng để rồi “Chúng mình sẽ thành chồng vợ”.Nhưng một biến cố khiến em dừng lại, giật mình tự vấn:

Nếu không có một lần

Một lần như đêm nay

Sau phút giây

Êm đềm trên ghế đá

Anh không cài lại khuy áo ngực cho em

Từ “nếu” báo trước một biến cố, “một lần” nhưng lại được nhắc lại hai lần “Nếu không có một lần/Một lần như đêm nay”. Chứng tỏ giây phút ấy khắc sâu vĩnh viễn trong lòng em những thương tổn, mất mát: “Sau phút giây/Êm đềm trên ghế đá/Anh không cài lại khuy áo ngực cho em”.Thiên tính nữ phú cho phụ nữ một cảm giác nhạy bén, linh giác nhạy cảm với những biến đổi dù rất mong manh, mơ hồ. Giây phút “Anh không cài lại khuy áo ngực cho em” đã kết thức tất cả những yêu thương, hẹn ước trăm năm. Bởi giây phút ấy, tất cả đã sụp đổ: anh không còn là con nai vô tư, ngơ ngác, đáng yêu và lơ đãng nữa. Hành động nhỏ nhưng biểu hiện đằng sau đó là cả sự vô tâm phũ phàng, rũ bỏ sau những giây phút hưởng thụ. Em không đủ bao dung để thứ tha cho những thương tổn mà em biết là sẽ lâu dài và lặp lại.Thái độ chối từ quyết liệt, không do dự, không khoan nhượng. Bởi vì nó đã chạm đến giới hạn “không thể”.Tình yêu chỉ xứng đáng dành cho những người xứng đáng.

Kết thúc của “Tan vỡ” thể hiện một sự lựa chọn điềm tĩnh nhưng đầy dứt khoát, quyết liệt và mạnh mẽ. Bước qua cảm giác hoài nghi, cẩn trọng, tiếc nuối  trong “Lối nhỏ”,  em chọn “Tan vỡ” (Sự tan vỡ của tình yêu, của thứ tha, của hôn nhân) để “làm lành” một cuộc đời đầy tự chủ quyết đoán.Không phải mọi “Tan vỡ” đều là mất mát, “tan vỡ” của Dư Thị Hoàn là để giữ lại những giá trị cần phải được giữ vẹn nguyên.

Từ “Lối nhỏ” đến “Tan vỡ” là một hành trình xác lập giá trị của người phụ nữ. Dù trong hoàn cảnh nào, “tự trọng” vẫn là giới hạn bất khả xâm phạm.Tình yêu, sự tha thứ hay cảm giác dục vọng xác thịt cũng phải dừng bước trước vùng “không thể”.Bằng một cách không đao to búa lớn, chỉ qua những chuỗi tự sự nhẹ nhàng, giản dị, Dư Thị Hoàn đã góp một tiếng nói thể hiện ý thức nữ quyền quyết liệt nhưng cũng đầy yêu thương.

Nguyễn Thị Cẩm

Giáo viên trường THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh.