Cuối con đường làng bên cánh đồng mông quạnh, trên khu gò mả lạn ấy mọc lên một lều lá hai gian xập xình tiếng nhạc đúng tròn sáu tháng mười hai ngày và tấm bảng hiệu “Tím Buồn” trương lên thật ấn tượng, đã được tháo gỡ dọn sạch không để lại dấu vết ngay từ mười giờ hai mươi phút giờ địa phương.

Ô hô!

Mới nửa năm mà biết bao biến cố đã xảy ra trên một vùng quê vốn bình yên, nghèo nghéo này từ dạo lều lá kia xuất hiện.

Những người đàn bà trong xóm lấy chuyện cái quán ấy làm đề tài chính cho những cuộc bàn tán không giờ quy định. Người ta xì xào rằng túi tiền của ông Mười Khản đã bị thủng đáy rồi, bằng chứng là mỗi khi xe trên tỉnh về mua bò thì cái tên vốn đã nổi như cồn “Bầu bò” của ông đã rớt xuống hạng sáu, bảy gì lận. Nghe đâu vợ ông vì giận ông la cà Tím Buồn mà đã hớt phăng mái tóc đen nhánh một thời chính ông từng tuyên bố:

– Tui lấy bả vì mái tóc!

Có người rành việc bảo rằng bọn đàn bà sồn sồn trong cái lều kia đã bị rớt, bị dạt từ các tụ điểm trên thị xã hoặc là gái bên đèo… vậy mà mấy ổng mê cái nỗi gì chớ!?

Bà Hóc vỗ thùm thụp vào đôi vú tròn trịa của bà (đã có thời đạt kỷ lục vú đẹp qua… lời khen), với giọng điệu thách thức:

– Tui thấy tụi nó vòng này có hơn gì tui đâu, ông Tám tui còn léng phéng chắc tui… cắt bỏ!

Mấy ông nhà quê hay tin người lắm lại mắc chứng “mủi lòng”, chỉ cần các ẻm mật ngọt một chút, trễ nãi thời trang một chút thì cái chi chi cũng… chi. Nhưng tức là, nếu con cái nó than không có tiền mua sách tập hai, cặp của con đứt quai rồi tía mà mấy ổng chột dạ một chút thì đâu có câu nước chảy lá môn, đúng không?

Lời hay ý đẹp của mấy ẻm đánh vào tâm lý thật thà của bọn đàn ông kẻ ruộng khi hỏi sao đặt hiệu Tím Buồn vậy em nói cho qua đây biết coi?

– Đời em có vui gì đâu, đời em không có màu hồng, thằng chồng em nó tệ lắm, đánh đập em không tiếc tay, đâu như anh hai đây tốt bụng nhẹ nhàng, biết thương người lỡ bước…

Chết chắc! Hèn gì.

Bà Mến đánh đùi cái bốp: Chuyện này mới ác nghen… Mấy cha già già không nói còn thằng Bí con ông Bắp cũng bày đặt bắt trộm hai con gà của má nó bán lấy tiền đi “thử lửa”, mà dại chi thứ lửa ấy không cháy túi thì cũng “cháy nhà”.

Bà Thơm chen vào: “Có chứ sao không, tháng trước nhà năm Ba Đèo cháy rồi còn gì, nghe nói cãi lộn xô ngã đèn trên bàn thờ lửa bắt vách phên. Vậy mà ai hỏi ổng nói nấu cám heo lửa rơm to quá… cháy”, ai đời đi nấu cám heo vào giữa khuya? – Vợ ông ẵm con đi tuốt nên tan đàn xẻ nghé bởi vì ông đem bạc triệu xóa đói giảm nghèo nướng vô mấy con khô mực, nướng thì chút ít mà không biết nó “rớt “mất hồi nào – Ông nói vậy hay vậy, ai biết chi mô?

Có chuyện của chị Mơ là dở khóc dở cười. Số là anh chồng chị mê hát karaoke lắm, dành dụm được chút đỉnh thương chồng chị ráng sắm cái dàn máy cũ “ca cũng chiến lắm”- hồi giờ anh hay khoe với hàng xóm vậy… Thế mà lúc này anh không chịu hát ở nhà, anh thường la cà ở đó, có hôm sần sần anh rỉ tai mấy đứa thanh niên “ra Tím Buồn có chút bia mấy em nhắm môi hát hay hết biết!”.

Kìm lòng không đậu, một đêm chị ẵm thằng cu út mới biết đứng chựng chạy một mạch ra quán, chị hớt hải xông vào nơi có giọng ca quen thuộc của chồng. Vừa nhìn thấy anh ngồi giữa hai người phụ nữ son phấn lòe loẹt chị liều một vố dằn mạnh thằng nhỏ xuống chỗ anh rồi… dứt ruột chạy một lèo về nhà… đợi!

Chặp sau có tiếng người trong xóm la lên: Mẹ con Mộng đâu ra lợm thằng Mị dìa, cha nó xỉn rồi ẵm thằng nhỏ đi cà nghinh cà bật té rớt xuống ruộng nè…. Thất kinh chị chạy ra vừa lượm lại con vừa gạt nước mắt: Tưởng đâu làm vậy ổng chừa ai dè khổ thân con tôi…

Còn nữa.

Chuyện nhà Tư Mận nấu rượu mới ngộ. Nấu rượu lâu năm đến nỗi đặt cho thằng con tên Hèm nghe cho có liên quan tới nghề ngỗng. Chị nói nhờ có hèm nuôi heo chóng lớn bán được tiền nên chị quý nghề lắm.

Rượu chị cất ra lấy nước nhứt thử một ngụm cay lưỡi thơm nồng, chị đem ngâm với chuối hột, mấy trái táo tàu ra cái màu đỏ lựng… Mỗi khi có ai tới chơi, anh đem ra khoe: Bà xã ngâm đấy anh em thử chút ngót lắm! Rồi anh nốc một chung khà một tiếng nghe tuyệt cú mèo, anh uống mà chị lại nghe nồng nồng đôi má, sướng tai làm sao!

Vậy mà từ hôm ấy, từ khi có bóng dáng của những “con thiên nga” từ đâu bay tới làm lòng chị trĩu nặng một nỗi… rượu không vơi. Vì sao, có lẽ cái hũ rượu chị ngâm lâu rồi ít được châm, lúc trước mỗi lần châm thêm rượu là chị nghe vui vui, vui vì anh biết nghe lời chị, vì anh biết nói câu “cây nhà lá vườn”. Anh uống điều độ nên trông thấm tháp ra, đêm đến mấy nhỏ ngủ khò rồi anh rón rén chui vô mùng thì thào vào tai vợ cái câu “em đẹp lắm!” vừa ngà ngà vừa thơm thơm mùi chuối hột quả thật nó… ư hừ làm sao! Vậy mà lúc này anh uống thứ rượu chi chi mùi nghe nồng nặc là cồn, đi về khập khiễng hai bước tới một bước lui, nhào vô buồng là lăn đùng ra phều phào… cái câu có ba chữ hay thật hay đấy chị đâu còn được nghe? Nhiều đêm không chịu được sự bê bết của chồng, chị ôm gối ra ngoài võng ngủ cho khỏi… phí đời!

Chuyện ông Ba Gàn xóm giữa mới ác.

Ông nổi tiếng là “Trương Phi” trong từng việc. Ông đi chơi quán Tím Buồn mà vợ con tới léng phéng là coi chừng. Ông không nói gì (chắc để cho đẹp mặt) ông chỉ trừng đôi mắt lên rồi lia qua cái cửa sổ liếp tre như cảnh báo: “Chút tao về biết tay!”. Không sai, vừa về tới đầu ngõ trong men rượu hay đúng hơn là ông mượn rượu để thượng tay hạ cẳng chân làm bà ba trốn mất biệt còn bọn nhỏ thì hồn phiêu phách lạc – gần đây mấy đứa nhỏ học hành sa sút. Bởi lẽ nó sợ ông quá rồi… mất hồn chăng!?

Có một chuyện còn động địa hơn nữa là nghe đâu “con si – đa” nó phát ra ở ông Sáu Kỳ rồi, trên ti vi người ta nói y chang, người ta nói rằng:

– Sốt nặng.

– Nhức đầu, đau toàn thân.

– Sụt ký.

Ông Sáu Kỳ có biểu hiện y vậy luôn, chắc chắn ông “bị” rồi. – Đó là nỗi sợ ghê gớm nhất làm người dân ở đây có người không hiểu biết về “căn bệnh thế kỷ” này cảm thấy lo lắng và nghi ngờ.

* * *

Đêm mười lăm trăng rằm vành vạnh, chị em trong vùng đã tụ họp đông đủ để chờ xem và nghe ngóng cái gọi là “kế hoạch hóa gia đình” là gì mà loa đã phóng thanh ra rả mấy ngày qua.

Một chặp sau chị Tư Vẹn dõng dạc tuyên bố và động viên mỗi gia đình chỉ nên có hai con, chị nói về hát-i-vê-ét (HIV/AIDS) rành rọt, nguyên nhân và cách phòng chống ra sao.

Chị Sáu Kỳ, chị Tam cười ra nước mắt, vậy mà tui không dám ăn cơm chung với ổng khi thấy ổng sụt cân bệnh hoài tui nghi, “con đó” mà lây qua đường ăn uống là toi mạng!

– Tội nghiệp, chồng bà đi kẹp hột đác sốt rét rừng bà ơi, về mà lo cho ổng chu đáo đi nghe – hai người đàn bà chân quê giã lã một hồi – Trưởng ban văn hóa thông tin Tư Vẹn phát cho chị em cái gọi là “bảo vệ” – nó dèm dẹp trông giống như viên kẹo hồi giờ ai mà biết, ô hô, ai cũng bụm miệng cười tủm tỉm vui thiệt chớ.

Nhưng niềm vui lớn nhất là từ đây sẽ không còn “đất bằng dậy sóng”. Chị em quanh vùng đi cấy về qua mô đất cũ mà lòng không còn canh cánh… Tối đến cả nhà xúm lại bên cái ti vi nghe tin tức, con cái ôn bài vui vẻ, vợ chồng nhìn nhau cười, đá lông nheo…, a ha, con tim đã vui trở lại thật rồi!

Cánh mày râu cũng nhận ra một điều, có Tím Buồn gia đình xào xáo thiệt, con vợ nó ghen nó nhéo trầy da, nó cắn bầm mình, rõ khổ.

Còn cánh tóc dài thì mừng rơn, hô hố: Cuộc đời vẫn đẹp sao chị em ơi!

LÊ MỸ THẠNH

( Phú Yên )