Tích hợp là một trong những quan điểm giáo dục đã trở thành xu thế trong việc xác định nội dung dạy học trong nhà trường phổ thông và trong xây dựng chương trình môn học ở nhiều nước trên thế giới.

Dạy học tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học. Có thể định nghĩa dạy học tích hợp theo nghĩa hẹp là: việc đưa những vấn đề về nội dung của nhiều môn học vào một giáo trình duy nhất trong đó những khái niệm khoa học được đề cập đến theo một tinh thần và phương pháp thống nhất.
Thực tiễn ở nhiều nước đã chứng tỏ rằng, việc thực hiện quan điểm tích hợp trong giáo dục và dạy học sẽ giúp phát triển những năng lực giải quyết các vấn đề phức tạp và làm cho việc học tập trở nên ý nghĩa hơn đối với học sinh so với việc các môn học, các mặt giáo dục được thực hiện riêng rẽ. Dạy học tích hợp có nhiều ưu điểm, song có thể quy vào 3 ưu điểm chính: tránh trùng lặp về nội dung thuộc các môn học khác nhau, tạo mối quan hệ giữa các môn học với nhau và với kiến thức thực tiễn, tạo cơ hội để hình thành và phát triển năng lực, đặc biệt là năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn của người học. Ưu điểm là vậy song trên thực tế hiện nay còn có rất nhiều giáo viên chưa hiểu hoặc hiểu còn rất “lờ mờ” về dạy học tích hợp dẫn đến kết quả của việc dạy học tích hợp chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Từ việc hiểu sai, “mù mờ” về tích hợp nên giáo viên cứ thấy cái gì liên quan, giông giống thì gom vào tích hợp trong khi “cốt lõi” của tích hợp là phải chỉ ra được “địa chỉ” tích hợp. Nhiều giáo viên chưa hiểu kĩ khái niệm này nên mới chỉ dừng lại ở lồng ghép hoặc đưa ra một vài chỗ liên hệ trong bài học dẫn đến tích hợp khiên cưỡng. Chẳng hạn, với chủ đề “Ảnh hưởng của thuốc lá với sức khỏe con người” có giáo viên tích hợp cả chục môn học như toán (học sinh tính toán số lượng), hóa (phân tích thành phần hóa học cây thuốc lá), sinh (ảnh hưởng của thuốc lá đối với hệ hô hấp), văn (học sinh viết báo cáo, thuyết trình), giáo dục công dân (thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh), tin học (trình bày bằng máy chiếu)… Có giáo viên còn kể lại câu chuyện vui: “Khi dạy Trao duyên (Truyện Kiều, Nguyễn Du) giáo viên liên hệ cuộc sống bằng câu hỏi: Nếu là Thúy Kiều, em sẽ làm gì? Học sinh liền trả lời: Em sẽ lấy chồng Đài Loan”. Thực tế đã chứng minh nếu liên hệ không hợp lý thì câu trả lời của học sinh có thể sẽ đi ngược lại điều mà giáo viên mong muốn. Một câu chuyện nữa khiến chúng ta phải suy nghĩ: khi một giáo viên dạy chủ đề “Nước với cuộc sống” đã hồn nhiên liên hệ “nước” sinh hoạt với “nước” trong khái niệm “lòng yêu nước” và cho rằng mình đã tích hợp được môn Văn, thậm chí khi được hỏi tại sao lại tích hợp khiên cưỡng như vậy (hai từ đồng âm khác nghĩa), giáo viên đó hùng hồn giải thích: từ nước sinh hoạt tôi liên hệ cho các em ở Trường Sa, Hoàng Sa thiếu nước ngọt, các chú bộ đội không có nước để tắm, phải ở bẩn, rất khổ sở, do đó các em phải biết yêu các chú bộ đội, yêu chú bộ đội là các em đã yêu nước!?
Tích hợp là cần thiết nhưng tích hợp thiếu cân nhắc, lựa chọn sẽ là tích hợp vô cảm, vô thức. Trên thực tế, có giáo viên tích hợp không đúng lúc, đúng chỗ nên việc dạy học tích hợp trở thành khiên cưỡng, gò ép. Cũng có giáo viên vì không có sự cân nhắc nên dạy không đủ giờ. Nội dung kiến thức chính cần dạy thì chưa nói được nhiều mà những cái “tích” vào đã “căng phồng” hoàn toàn không “hợp” làm biến dạng tiết học, cũng bởi họ còn nghĩ tích hợp là dựa vào cái này để nói về cái kia, nói càng nhiều thì càng tốt….
Tóm lại, định hướng dạy học tích hợp, liên môn là cần thiết nhưng phải triển khai có lộ trình mới đạt được hiệu quả thực sự. Theo đó, cần có sự phối hợp giữa chương trình các môn học và sự vận dụng linh hoạt phương pháp tích hợp với mỗi lĩnh vực kiến thức. Bên cạnh đó phải tăng cường các giờ học thực hành, hoạt động ngoại khóa theo chủ đề, giảm giờ dạy lý thuyết cho giáo viên, tăng thời lượng các hoạt động học tập (dự án học tập) của học sinh theo những chủ đề cụ thể. Các nhà trường cần xây dựng hệ thống bài tập mở, bài tập gắn liền thực tiễn, bài tập có nội dung vận dụng kiến thức liên môn.
Vấn đề trước mắt trong khi chờ đợi khung chương trình, sách giáo khoa mới, thiết nghĩ chúng ta khi dạy học tích hợp cần chia ra 2 nhóm môn học: nhóm thứ nhất kết hợp các môn khoa học xã hội như ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân…Ở nhóm này khi soạn giáo án và dạy học giáo viên phải chú ý tìm những điểm chung của các môn học hoặc liên hệ với thực tế, sử dụng thêm tư liệu, hình ảnh thực tế kết hợp với tư vấn giáo dục kỹ năng sống. Còn nhóm các môn khoa học tự nhiên gồm toán, vật lý, hóa học, sinh học… nhà trường cần đầu tư phòng thí nghiệm để thầy trò triển khai nghiên cứu, thực hành theo một số chủ đề có sử dụng kiến thức liên môn. Nếu việc tích hợp liên môn không được nghiên cứu kỹ, chỉ triển khai ồ ạt theo kiểu phong trào sẽ không hiệu quả, bởi đơn giản không phải môn nào cũng có thể tích hợp, vận dụng liên môn.
Tống Duy Hải
(Trường THCS Trần Quốc Toản,
Đăk R’lấp, Đăk Nông.
Email: tongduyhaidaknong@gmail.com)