Huế vốn trầm, lại càng lắng hơn khi đêm xuống, nhưng trên những con đường, tiếng chổi tre vẫn đều đều vọng lại. Thanh âm cuối cùng của đêm, thương lắm, nhọc nhằn lắm!

Có những con người bình thường mà vĩ đại, những con người không tuổi không tên trong cuộc sống đời thường nhưng lại là nhưng con người đáng qúi, đáng trân trọng.  Họ là những công nhân môi trường hay còn được gọi nôm na: “Người quét rác”, “Lao công”.

Khi những dòng người tấp nập, ngược xuôi về với gia đình sau một ngày làm việc mệt mỏi thì những công nhân vệ sinh môi trường lại mới bắt đầu công việc của mình. Công việc của họ bắt đầu từ 17 giờ tối ngày hôm nay và kết thúc 1, 2 giờ sáng hôm sau. Đặc thù của nghề quét rác là làm hết việc chứ không làm hết giờ. Với cây chổi dài vượt mặt, người thì đẩy chiếc xe gom rác có ngọn, còn người khác lủng lẳng chiếc kẻng gõ leng keng bắt đầu công việc thường nhật của mình.

Cuộc sống càng hiện đại, xã hội càng văn minh và phát triển thì rác thải ra cũng ngày càng nhiều, nỗi vất vả của những người lao công vì thế càng tăng thêm. Không kể thời tiết nắng nóng, mưa dầm, giá rét hay giông bão, cứ đến ca là họ lại lao ra đường, len lỏi vào những con phố, ngõ nghách để thu gom rác. Ăn vội chén cơm khi con cái đi học chưa về, trở về nhà thì mọi người đã ngủ say và cơ thể họ cũng rã rời.

Họ cần mẫn với công việc thu gom rác thải, làm sạch mọi nẻo đường trong thành phố. Với đôi bàn tay chai sạn, họ lia những nhát chổi nhanh và gọn, quét theo những “thừa thãi” của cuộc sống để những con đường, tuyến phố sạch – đẹp, đón chào ngày mới. Thông thường, mỗi  người lao công phụ trách một đoạn đường 6 km, nhưng quét rồi quay lại gom, đi lui đi tới cũng phải đến 10 cây số.

Huế được mệnh danh là “thành phố xanh – sạch – đẹp”, hẳn phải kể đến công lao đầu tiên của những người quét rác. Đồng thời, Huế cũng là nơi được biết đến hai mùa đặc trưng: mùa nắng và mùa mưa. Nắng thì nắng oi ả, mưa thì thối đất thối trời, kèm với đó là cái lạnh như cắt da cắt thịt. Ấy vậy mà, trong màn đêm, đâu đó trên mọi ngả đường Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Đoàn Thị Điểm, Thạch Hãn, Lê Huân…, bóng của những người lao công vẫn lầm lũi, miệt mài.

Dẫu biết rằng trong xã hội mỗi nghề nghiệp đều có sự hy sinh và cống hiến đáng quý và đáng trân trọng. Song có lẽ nghề lao công lại là công việc có sự cống hiến thầm lặng nhất, họ mang lại một thành phố tươi trẻ, trong lành.

Công việc dọn vệ sinh tưởng chừng như đơn giản nhưng ẩn chứa trong nó là sự nhọc nhằn, vất vả trăm bề và những nguy hiểm luôn cận kề. Những người đến với nghề này là do cái duyên và do ý thức của mình với cộng đồng nên họ hết lòng tận tụy trong công việc, không quản ngại khó khăn. Bởi vậy, một khi đã mang cái “nghiệp” lao công, ít người trong số họ có ý định bỏ nghề.

Dọn vệ sinh trong bãi rác là một nghề vất vả và độc hại, những công nhân này phải đối mặt với mùi hôi thối từ rác, chất thải nên dù có trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe, họ dễ bị mắc các bệnh về da và các căn bệnh truyền nhiễm. Đó là chưa kể va quẹt với phương tiện tham gia giao thông khi mưa to gió lớn, hay giẫm, đụng phải các dụng cụ tiêm chích bị vứt đâu đó trên vỉa hè, con hẻm.

Dù là nghề được đánh giá có mức độ ảnh hưởng và nguy hiểm cao đến sức khỏe, nhưng họ ít được xã hội coi trọng như những ngành nghề khác. Vẫn còn đó những cái nhìn thiếu tôn trọng với những con người đang làm cho cuộc sống của chúng ta trong lành hơn. Vẫn còn đó những cái xua tay, bịt mũi bước qua nhanh khi những người lao công dọn rác. Vẫn còn đó những con người thiếu ý thức khi xả rác bừa bãi nơi công cộng và vẫn còn những bạn trẻ ham vui bẻ nhánh hái cành trong những lễ tết để rồi ngày mai, người lao công lại thêm việc, thêm giờ.

Đêm đông, khi mọi người đã nằm trong chăn ấm nệm êm, liệu có mấy ai biết được giờ này ngoài kia tiếng chổi tre vẫn xào xạc trên mọi ngả đường. Cũng như mấy ai thấu hiểu và cảm thông sự vất vả của những người lao công như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Những đêm đông

Khi cơn giông

Vừa tắt

Tôi đứng trông

Trên đường lặng ngắt

Chị lao công

Như sắt

Như đồng

Chị lao công

Đêm đông

Quét rác

Chẳng phải thịt da là “đồng” hay “sắt” mà là ý thức trách nhiệm của họ vượt lên khắc nhiệt của thời gian. Cũng như những người công nhân môi trường ý thức hơn ai hết “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai”

Trân trọng, cảm thông, ắt hẳn đó là thái độ mà chúng ta cần có đối với những con người bình dị ấy. Cùng với đó là ý thức tham gia và giữ gìn vệ sinh cho cộng đồng cần được nâng cao. Bởi đó cũng là cách để chúng ta chung tay với những con người lao công làm cho Huế ngày càng xanh – sạch – đẹp và văn minh.

Huế, đêm 13/1/2018

Chị lao công trên đường Lê Huân

.