Tôi vẫn cho rằng đồng tiền dù có sức mê hoặc cách mấy vẫn không bao giờ có thể thay đổi được lòng người, dẫu cho tôi nghe không biết bao nhiều người khẳng định điều đó cũng như đọc không biết bao nhiêu câu chuyện kể về việc nó có mãnh lực đổi trắng thay đen ra sao. Có lẽ bởi tôi là một cô giáo dạy văn nên tôi tin rằng cổ tích luôn hiện hữu và tôi đã quá mơ mộng cho rằng mình có đủ tình yêu và sức mạnh để có thể giữ được hạnh phúc của mình trước mọi cám dỗ của cuộc đời.
Tôi kết hôn ngay khi vừa tốt nghiệp đai học với chàng trai học ngành xây dựng mà tôi đã yêu suốt những tháng năm đại học chung trường. Anh là một người đàn ông tốt, biết hi sinh và chưa bao giờ tôi hối hận vì đã trao cho anh tất cả thanh xuân hay kết hôn sớm khi cuộc đời người con gái chỉ vừa mới bắt đầu. Anh tôn trọng tôi và cũng là người giúp tôi tìm được việc ở một ngôi trường nhỏ cạnh công ty anh. Cuộc sống vợ chồng son hạnh phúc đến đỗi cứ chiều chiều khi tôi tan làm, anh tan ca hai vợ chồng chúng tôi lại cùng nhau đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch về căn phòng trọ nhỏ, nơi chúng tôi sống những năm tháng tuy không đủ dầy nhưng vẫn tràn ngập hạnh phúc. Anh chỉ là một kĩ sư xây dựng không gặp thời nên dù tài năng cách mấy vẫn không được người ta đoái hoài chỉ giao vài ba công trình nhỏ lẻ, nhưng anh vẫn luôn lạc quan tin rằng một ngày nào đó sẽ được nhận ra, chính sự lạc quan của anh cũng là niềm tin để tôi có thể sống tiếp nhất là với đồng lương giáo viên ba cọc ba đồng.
Gần đây, anh hay mệt mỏi. Một kĩ sư quèn nhưng được giao những công trình lớn, nhưng khi người ta xét công thì chỉ người tổ trưởng của anh được xét.
- Anh ấy được công ty giao cho công trình ấy, và anh ấy bảo anh làm thay. Nhưng cuối cùng thì công sức anh, anh ấy hưởng.
Khi nghe anh kể tôi biết rõ anh mệt mỏi lắm, nhưng biết sao được, người ấy là tổ trường và anh chỉ biết vò võ làm theo nếu không muốn bị mích lòng. Anh cũng biết anh không làm được gì và chỉ kể để mong tôi san sẻ, nhưng tôi cũng hiểu cái suy nghĩ tuổi trẻ của anh đã có chút phần nào bị ảnh hưởng khi chợt nhận ra một phần của cuộc sống này. Có điều, sau dần anh bắt đầu ít nói chuyện với tôi hơn, tôi hiểu vì anh ấy không muốn tôi phải lo lắng vì tính tôi vốn hay suy nghĩ, nhưng những đêm anh trằn trọc cũng đủ để tôi hiểu anh có nhiều mối lo. Rồi, chúng tôi có con cũng là lúc trường của tôi bắt đầu sa thải những giáo viên không nằm trong biên chế, tôi cũng rơi vào danh sách loại trừ. Lúc này, anh vừa cố gắng tỏ ra hạnh phúc đón đứa con đầu lòng của chúng tôi vừa gồng mình lên nhận thêm đủ thứ việc để trang trải cuộc sống. Nhà tôi bán đi dần những đồ vật nhỏ lẻ mà chúng tôi đã cần kiệm để mua được nhưng cũng chẳng đủ trang trải, tưởng như nếu căn nhà này không phải nhà thuê thì chúng tôi cũng bán đi rồi. Chúng tôi đã thiêu thốn tới mức đấy.
Rồi cuối cùng tôi cũng giấu anh lén bán đi nhẫn cưới của mình để cầm cố gia đình qua cơn bĩ cực, lúc biết được anh đã khóc hết nước mắt:
- Tại anh vô dụng. Anh sẽ làm tât cả để mẹ con em đầy đủ.
Dù được tôi an ủi vỗ về nhưng tôi biết việc đó cũng ảnh hưởng tới tâm lí anh rât nhiều, và đôi khi tôi sợ việc đó sẽ ảnh hưởng đến anh đi theo con đường khác. Thế rồi, thời gian qua, nỗi lo sợ của tôi cũng thành hình, anh bắt đầu về nhà trễ hơn và người đầy men rượu. Anh bảo vì anh bắt đầu được thăng chức và men say chỉ là một phần của những cuộc giao tiếp. Bù lại, tôi vẫn “ nhận ra “ phần nào đó trong anh, vì mỗi khi anh dù có say về nhà anh luôn xin lỗi tôi, luôn “thơm” con gái trước khi ngủ và ôm chặt lấy tôi trong vòng tay của mình. Lúc ấy, dù có muốn giận anh tôi cũng không thể nào giận khi nhận ra anh đang phải uống thứ anh vốn chẳng ưa gì chỉ vì lo lắng cuộc sống cho gia đình.
Khi con gái tôi lên ba, anh được đề bạt làm tổ trưởng. Không lâu sau đó vợ chồng chúng tôi sắm được một căn nhà nhỏ và dọn về sống. Trở thành kĩ sư trưởng đồng nghĩa với việc anh đi công tác nhiều hơn, nhưng bù lại tiền anh đưa để cho tôi trang trải gia đình cũng thêm bội. Anh không cho tôi đi làm nữa để dành thời gian vun vén gia đình, và cũng cho tôi một khoảng cho riêng mình để tôi giải trí khi tôi không thể làm việc mình yêu thích. Bù lại, anh luôn nhẹ nhàng:
- Anh muốn làm trọn lời hứa của mình, là lo lắng cho em.
Con gái tôi thi thoảng nhớ ba tôi đều phải vỗ về vì nỗi nhớ chồng trong tôi cũng nhiều hơn gấp bội nhưng anh quả thực là một người chồng tốt khi mỗi khi anh đi công tác về luôn có quà cho mẹ con tôi cũng như luôn thấy hối lỗi vì không ở bên gia đình. Tôi cũng hiểu sau những đêm mệt mỏi ngủ vùi của anh là bao lắng lo nên không hề trách, và tự cho mình cái quyền “không thể trách anh”. Bù lại, anh vui vẻ khi nói với tôi:
- Anh cảm thấy vui khi công sức của anh được đền đáp. Nó như phần nào khiến anh tin rằng nỗ lực sẽ được đền đáp như ngày còn trẻ.
Nhưng lâu dần chúng tôi bắt đầu có những khoảng trống, những khoảng trống mà vì trước kia không muốn đối phương phải lo nghĩ, những khoảng trống yêu thương, bây giờ lại thành những khoảng trống xa lạ, khiến chúng tôi thành người lạ trong mắt nhau. Anh có nhiều suy nghĩ mà anh thường bắt đầu bằng “ Nói em cũng không hiểu đâu”, còn tôi lại chìm đắm trong những nghĩ suy và khát khao với nghề giáo mà bỗng nhiên vì khốn đốn gia đình phải dừng lại. Khi con vào lớp một, tôi quyết định đi làm lại, thế là chúng tôi cãi nhau to, mâu thuẫn cứ ban đầu chỉ là những mầm mống lâu dần thành chồi non rồi thành cổ thụ.
Độ rày tôi không thấy anh đeo nhẫn, hỏi thì anh bảo phải ra công trường nên vướng víu. Chỉ trong năm năm ngắn ngủi, công việc anh thăng tiến nhanh đến mức không ngờ, từ một tổ trưởng đã nhanh chóng được đề bạt lên làm phó giám đốc, một chức vụ mà như bấy lâu nay anh vẫn luôn mơ ước để rồi cảm thán “ công ty tư nhân mà, chức ấy chỉ dành cho những người trong nhà”. Chúng tôi chuyển tới căn nhà to hơn ngay giữa phố, anh cũng thôi mặc những bộ đồ kĩ sư đầy mùi vôi vữa mà khoác lên mình những chiếc áo vest bảnh tỏn và tóc tai láng bóng.
Rồi tôi nhận ra anh có người khác, một phần vì anh đổi khác, một phần vì tôi đã chính mắt trông thấy lúc đưa con đi học. Khi tôi tru tréo đầy đau khổ anh chỉ dửng dưng đáp lại:
- Nhẫn cưới em còn bán được vậy cuộc hôn nhân này em vốn cũng đâu muốn giữ?
Lời anh nói như sét đánh ngang tai tôi, cái nỗi đau năm xưa phải đành lòng bán đi nhẫn cưới cứu vãn gia đình để anh cảm động nay thành một trong những lí do khiến anh coi thường mình. Khi anh nói câu đó tôi chợt hiểu ra người đàn ông yêu thương mình đã không còn nữa, đổi lại chỉ là một người lạ đang tìm đủ mọi cách thoát khỏi cuộc hôn nhân này và mọi thứ tôi làm cho anh, anh đều nhớ nhưng nó tồn tại với một ý nghĩa khác. Nhưng trong lòng tôi khi đó, vẫn mù quáng tin rằng người chồng đầu ấp tay gối hơn mười năm trời sẽ không dễ đổi thay và vẫn mong anh sẽ quay về bên tôi chỉ với niềm tin mãnh liệt rằng yêu thương rồi sẽ được đáp đền cho đến ngày tờ đơn li dị nằm trên bàn và anh quay lưng đi chỉ với một câu nói:
- Em kí vào đi.
Tất nhiên tôi không kí. Tôi vẫn còn yêu thương anh tha thiết và tôi cũng không muốn con mình chịu cảnh cha mẹ chia lìa, cho đến ngày tôi gặp lại bạn thân mình, vốn cũng là đồng nghiệp công ty anh.
- Đó là con gái ông Tổng.
Nó nói đơn giản nhưng bao quát tất cả vấn đề. Để leo lên vị trí ngày hôm nay , anh đánh đổi tất cả và cả hạnh phúc gia đình mình. Bắt nguồn từ việc vì yêu thương quá và túng thiếu quá sinh viêc anh cho đồng tiền là tất cả, có tiền mới lo được cho gia đình. Từ những cố gắng không được đền đáp đến việc biết cách đi luồn ngõ sau để thăng tiến. Anh đân dần lao mình vào việc kiếm tiền như con thiêu thân và lâu dần quên luôn ý nghĩa ban đầu của nó. Và khi anh đưa cho tôi tờ đơn li hôn tôi dường như đã hiểu tất cả đã quá muộn để níu kéo. Và cái sai của tôi cũng là đã không chịu chia sẻ với anh, chỉ biết an phận và đùn đẩy trách nhiệm lên anh để anh chịu đựng một mình dẫn tới áp lực rồi thay đổi.
Tôi kí vào đơn li hôn và để tang cho mối tình bỗng chốc dang dở . Ngoài kia, cơn mưa vừa mới bắt đầu…