/

Doris Lessing (1919- 2013) là nhà văn được trao giải thưởng Nobel văn học năm 2007. Bà tên thật là Doris May Taylor sinh ra ở Persia (nay là Iran). Cha mẹ của Doris Lessing đều là người Anh và chuyển đến sinh sống ở Nam Rhodesia (Zimbabwe ngày nay).
Thưở nhỏ, Doris Lessing thường tìm đọc những cuốn sách văn học mà mẹ của bà mua từ nước Anh. Sự đam mê học hỏi này đã giúp bà tích lũy được khả năng sáng tác văn chương độc đáo. Bà để lại cho nhân loại kho tàng tác phẩm đồ sộ, đa dạng về thể loại và đề tài phong phú, trong đó nổi bật nhất là vấn đề nữ quyền và đấu tranh giai cấp. Bà được độc giả ưu ái gọi là “nhà văn nữ quyền” , đặc biệt qua các tác phẩm tiêu biểu về đề tài này như: “The Grass Is Singing” (Cỏ hát), “The Golden Notebook” (Cuốn sổ vàng), …
Trải qua nhiều đổ vỡ trong hôn nhân, Doris Lessing sớm nhận ra được những bất công trong cuộc sống của người phụ nữ dưới chế độ gia trưởng. Bằng ngòi bút của mình, bà thể hiện sự cảm thông sâu sắc và ý chí đấu tranh mạnh mẽ cho số phận của những người phụ nữ trong xã hội. Tiểu thuyết “Cỏ hát” đã thể hiện rõ quan điểm của Doris Lessing về đề tài nữ quyền.
Tiểu thuyết “Cỏ hát” ra đời năm 1950, kể về câu chuyện của Mary Turner, vợ một người chủ đồn điền da trắng ở Châu Phi. Mở đầu bằng tin tức của một tờ báo buổi sáng về cái chết của Mary Turner, nhà văn Doris Lessing dẫn dắt người đọc đến với cuộc sống đầy bất công của Mary và sự khao khát tự do của cô. Nhân vật Mary là hiện thân cho những người phụ nữ đang bị áp bức trong xã hội thời bấy giờ. Mary được giới thiệu là một người con gái rất mạnh mẽ, đầy tự tin và có năng lực. Thời trẻ, cô rất yêu thích sự tự do và có những hoạt động sôi nổi trong câu lạc bộ nên được rất nhiều bạn bè yêu mến. Tuy nhiên, sau khi kết hôn với Dick, cô bị người chồng kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống. Ngay cả những việc nhỏ nhặt nhất như sử dụng nước cũng bị Dick quản lí nghiêm ngặt. Anh ta tỏ thái độ gay gắt đối với Mary:
“ Cô đang dùng nước để làm gì?” Dick hỏi với vẻ mặt tức tối đầy hoài nghi khó chịu, giống như cô ta đã phạm phải một tội lỗi.
“Cái gì, lãng phí nó như vậy hả?” Dick lại hỏi.
“Tôi không đang lãng phí nó”. Mary trả lời một cách lạnh lùng. “Tôi nóng nực quá không chịu nổi. Tôi chỉ muốn làm mát cơ thể mình.” (“Cỏ hát”, trang 75)
Với tính cách tự do, phóng khoáng, Mary đã tìm thấy một sự đồng cảm ở tình yêu với Mosses – người làm công da đen bản xứ. Cô đã ý thức được sự bất công trong xã hội gia trưởng và tìm cách thoát khỏi cuộc sống bế tắc và ngột ngạt của mình. Dù biết trước kết cục của mối quan hệ bất chính với Mosses nhưng Mary vẫn chấp nhận vì dường như đó là cách tốt nhất để cô giải thoát và tìm lại được sự tự do cho chính mình. Cô bất lực chờ đón cái chết từ Mosses:
“Cô ấy mở miệng để nói, và khi cô làm như vậy, cô nhìn thấy đôi bàn tay của anh ta đang nắm chặt một vật dài và cong, nâng lên ngang đầu và cô biết đã quá trễ. Tất cả quá khứ của cô trôi qua, và đôi môi của cô mở ra như cầu khẩn, nhưng cô bật ra một tiếng thét, nhưng tiếng thét nhanh chóng được kết thúc bởi một bàn tay đen đúa ấn chặt vào miệng của cô ta.” (“Cỏ hát”, trang 236).
Doris Lessing đã chọn cái kết cho nhân vật của mình là một cái chết. Điều này có lẽ bối cảnh sáng tác là thời điểm phong trào nữ quyền thế giới đang ở giai đoạn đầu, người phụ nữ chỉ mới ý thức được sự bất bình đẳng của mình trong xã hội mà có tinh thần phản kháng nhưng chưa vạch ra được đường lối đấu tranh cụ thể. Chết là con đường giải thoát duy nhất đối với những người phụ nữ đang chịu sự bất công và áp bức trong cuộc sống.
Có thể nói, tiểu thuyết “Cỏ hát” là sự thành công của Doris Lessing trong việc đề cao vai trò người phụ nữ vào thời kì đầu diễn ra phong trào đấu tranh nữ quyền trên thế giới. Trong suốt cuộc đời của mình, Doris Lessing đã đấu tranh cho quyền lợi của người phụ nữ. Ngoài việc sáng tạo nghệ thuật, nhà văn còn tham gia những phong trào về nữ quyền. Bằng sáng tác nghệ thuật, những lời văn mạnh mẽ và đầy nội lực của Doris Lessing đã mở đường cho hàng nghìn phụ nữ tự đứng lên giải phóng bản thân, giành lấy sự tự do cho chính mình.

Phạm Thị Châu Thanh.