Dời thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) chúng tôi trở về cửa khẩu Thanh Thủy để đến với mảnh đất Vị Xuyên nơi không chỉ có dòng Lô giang hùng vĩ xanh biếc nhập vào đất Việt để một thời từng là nguồn cảm hứng bất tận cho nhạc sĩ Văn Cao làm nên bản hùng ca bất tử (Trường ca sông Lô) ghi dấu đỉnh cao vào nền tân nhạc nước nhà trong buổi đầu non trẻ, thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà còn là một địa chỉ đỏ đầy bi tráng bởi chốn này từng diễn ra cuộc chiến vệ quốc ác liệt nhất ở nơi địa đầu cực Bắc hồi thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Tiết trời cuối thu đầu đông, chiều biên cương không trắng trời sương núi như lời một bài hát. Nắng vẫn vàng óng ả, sóng sánh nhả từng sợi tơ mành xuyên qua những cành cây tán lá trải đều trên các cung đường gấp khúc, quanh co uốn lượn bên những sườn núi cheo leo vắng vẻ khiến cho tất cả mọi người ai nấy đều cảm thấy xao xuyến, da diết, bâng khuâng trước cảnh sắc thơ mộng của đất trời cao nguyên đá.
Xe chúng tôi chầm chậm lăn bánh qua cổng trời Quản Bạ để lại sau lưng cao nguyên đá Đồng Văn với trập trùng núi xám, rừng thông xen lẫn những thửa ruộng tam giác mạch đương giữa mùa hoa với hàng trăm ngàn cánh nhỏ li ti phơn phớt tím làm ngây ngất biết bao khách phương Nam đang dầm dập kéo về, tíu tít gọi nhau cùng hoa khoe sắc cuống quýt như thể lo sợ mùa hoa đi mất để rồi lại lỡ hẹn với Hà Giang. Ngược đường với dòng người phương Nam, xa dần những sắc màu tim tím của ngàn hoa cánh mỏng li ti cùng ồn ào của phố núi Tam Sơn đang mùa du lịch, con đường độc đạo 4C nối thành phố Hà Giang với nóc nhà Lũng Cú lại đưa chúng tôi trở về với những yên ắng, vắng vẻ như vốn có thường ngày. Chỉ còn lại những nắng và gió quấn quện vào nhau vui đùa với trời mây của non cao rừng thẳm trên khắp các cung đường khúc khuỷu để rồi gọi về trong sâu thẳm mỗi người ít nhiều những nỗi niềm biên viễn xa xôi.
Rồi cũng đến. Xế chiều xe đưa chúng tôi về đến thành phố Hà Giang để rẽ lên Thanh Thủy. Sau gần một ngày rong ruổi hết trên những ruộng hoa lại đến thăm thú các bản làng của đồng bào nơi biên viễn xa xôi hay theo cùng những cung đường chênh vênh bên sườn núi chúng tôi đã được đặt chân đến một cửa khẩu quốc tế từng là nơi chiến địa khốc liệt vào loại bậc nhất ở Hà Giang. Con đường từ thành phố đến của khẩu bây giờ rộng thênh thang, nhựa thảm phẳng lỳ nhưng vẫn không làm cho chúng tôi quên đi “một thời đạn bom” trên đất này. Chẳng hiểu sao khi đặt chân đến Thanh Thủy tôi lại nghĩ về Thành cổ Quảng Trị. Quả đúng như ai đó có nói rằng Thành Quảng trị là khúc tráng ca đánh Mỹ cứu nước thì đất Thanh Thủy là bản hùng ca vệ quốc chống Tàu. Hơn ba chục năm đã đi qua, bên kia bờ nước xanh biếc của dòng sông Lô cách chẳng bao xa tưởng chừng trong gang tấc là anh bạn láng giềng Trung Hoa ngàn đời lăm le xâm chiếm. Non nước mây trời, cây lá phương Bắc phương Nam đã được phân định bởi khúc sông xanh biếc một màu dường như chẳng có gì khác nhau. Có lẽ sự khác nhau duy nhất chỉ là những dòng chữ Việt và chữ Hoa ở hai phía bên sông cùng bức phù điêu quốc huy của hai nước trên hai cái cổng cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy (Việt Nam), Thiên Bảo (Trung Hoa) và cái cột mốc 261 sừng sững đêm ngày đứng trên bờ sông. Nơi biên cương là đây, rừng cây thiên nhiên đang xanh biếc một màu trở lại trên những triền núi, ngọn đồi một thời từng trơ trụi bởi đạn pháo đêm ngày cày xới, rải rác trong suốt một chục năm trời, nổi tiếng với các địa danh “đồi băm thịt”, “lò vôi thế kỷ”, “thung lũng gọi hồn” …
Đứng bên này sông, ngắm nhìn một dải giang sơn hùng vĩ, chụp vài kiểu ảnh đánh dấu dáng hình nơi biên giới tiền tiêu, chúng tôi tiếp tục di chuyển tìm đến với những nấm mồ viễn xứ trên cao điểm 468 thắp một nén nhang tưởng nhớ đến những anh hùng đã ngã xuống để giữ gìn, bảo vệ tấc đất quê hương. Con đường của Nậm Ngặt lên đài hương vòng vèo quanh núi với những khúc cua dựng hết tóc gáy làm chóng mặt, ùi tai bởi một bên là vách đá dựng đứng một bên là vực sâu thăm thẳm. Trong ánh chiều gác núi, giữa thanh âm vang vọng của tiếng chim rừng đang sải rộng đôi cánh chao nghiêng trên tầng cao bao la của không gian bồng bềnh mây khói giữa miền biên ải. Tiếng cô hướng dẫn viên nhạt nhòa trong nước mắt trong buổi chiều hôm khiến lòng trĩu nặng. Lời thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của những chàng trai tuổi vừa đôi mươi đâu như vẫn đang vang vọng chốn này. Không gian mênh mang linh thiêng thoang thoảng hương trầm bỗng trở nên tĩnh mịch trong ù ù gió thổi, xào xạc lá rừng như thể nâng giấc cho những người lính trẻ mãi không già với lời nguyện ngàn đời vẫn còn sống mãi: “Sống bám đá, chết hóa đã, thành bất tử”.
Từ trên đài hương 468, ngắm nhìn tuyến đầu tổ quốc trập trùng đá xám với ngút ngàn xanh biếc cây non đang hồi sinh giữa môn vàn cỏ lau phất phơ, xao động trong gió trên nền trời hoàng hôn tim tím đang dần buông khiến trời chiều biên cương trở nên êm ái, nhẹ nhàng tựa như khúc ca đang trào dâng mênh mang: “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như quê ta ngọn núi/ Như đất trời biên cương”. Chiều quan tái Vị Xuyên giữa mây trời non nước bao la trong thấp thoáng khói lam chiều đó đây bên chân núi không xóa được vẻ hoang liêu, tịch mịch vấn vít theo điệu nhang trầm đang “tỏa ngát hương bay” bên những cột mốc “sừng sững hiên ngang như dáng hình tổ quốc”. Bất chợt lại nghe vang vọng đâu đó gọi gọi về: “Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hóa bóng cây tre”.
Bên cột mốc 261
Đền thờ liệt sĩ Vị Xuyên, cao điểm 468