TRÂU LẬP CÔNG

   Trong trận Bạch Đằng (1288), Trần Hưng Đạo cỡi voi qua sông Hóa, không may voi bị sa lầy, ông đành phải xuống voi. Quân lính xúm lại ra sức đỡ voi lên mà không được. Con voi này từng đưa Trần Hưng Đạo xông pha trận mạc, sống chết có nhau. Nay chẳng may gặp nạn, không biết làm gì hơn, ông đành để voi ở lại.

   Lúc đó, có một cậu bé chăn trâu chạy lại thưa:

  – Bây giờ voi không đưa ngài qua sông được nữa. Xin Quốc công ngồi lên trâu của cháu, cháu sẽ dong trâu đưa ngài qua sông.

   Hưng Đạo Vương nhìn cậu bé, mỉm cười gật đầu:

  – Cháu giỏi lắm, thế thì cháu ngồi trước, ta ngồi sau.

   Cậu bé nằng nặc xin ngồi sau, Trần Hưng Đạo bảo:

  – Cháu phải ngồi trước mới cầm dây thừng dong trâu bơi được chứ.

   Cậu bé lúc ấy mới chịu nghe lời. Trần Hưng Đạo quay lại nhìn con voi đang bị sa lầy lần cuối, Quốc công ứa nước mắt nói:

  – Đến ngày thắng trận, ta sẽ dựng tượng voi và cả tượng con trâu bên bờ sông này.

 

GIỎI ỨNG BIẾN

    Hợp tác xã Nông nghiệp mở Đại hội, chủ nhiệm phải làm đơn xin phép giết mổ trâu vì thời kỳ đó con trâu là công cụ làm việc đắc lực nên luôn được chăm sóc, bảo vệ chu đáo nên trâu khỏe phải viết thành trâu già, ốm yếu… Thế nhưng, vẫn không được cấp trên cho phép, với lời phê ở góc đơn: “Trâu cày không được thịt”.

    Thế mà Hợp tác xã vẫn ngang nhiên mổ thịt một con trâu để liên hoan. Ủy ban huyện được tin liền cử cán bộ về kiểm tra. Xem lại đơn thì thấy dòng bút phê như sau: “Trâu cày không được, thịt”. Hóa ra dấu phẩy là do anh thư ký Hợp tác xã thêm vào để hợp pháp hóa việc giết mổ trâu. Thêm một dấu phẩy để thay đổi nội dung dòng bút phê như trên thật là giỏi ứng biến!

 

SỨ THANH CHỊU NHỤC

   Đến thăm làng tranh Đông Hồ, sứ nhà Thanh thường rất nghênh ngang, ngạo mạn. Hắn cho rằng, dân làng tranh chỉ biết vẽ vời chứ chẳng biết gì về văn chương chữ nghĩa. Tuy vậy, hắn vẫn nhờ một lão nghệ nhân giới thiệu nội dung ý nghĩa từng bức tranh cho hắn.

   Khi xem đến bức tranh “Đám cưới chuột”, thấy một chú chuột xách cá đến lễ mèo, bên dưới có đề chữ “Tống lễ”, sứ Thanh liền nảy ra một vế đối, chơi chữ rất hiểm hóc:

   – Tí lận, thử tống mão.

   Nghĩa là: Cuối năm chuột, chuột cống mèo. Thâm ý của hắn là ví ta như chuột, hắn như mèo, ta phải lễ hắn. Nghe vậy, lão nghệ nhân của ta liền đưa ra bức tranh vẽ một con trâu vểnh tai, đang “tè” trên con đường ngoằn ngoèo như một con rồng. Lão nghệ nhân liền đối lại:

   – Sửu đầu, ngưu thôn thìn.

   Nghĩa là: Đầu năm trâu, trâu nuốt rồng.

   Trâu tượng trưng cho đồng ruộng quê ta, còn rồng chỉ thiên triều nhà Thanh. Sứ Thanh đành ngậm đắng nuốt cay, ngỏ ý xin mấy tờ tranh rồi tháo lui.

 

CÂU ĐỐI CỦA XUÂN THIỀU

   Có đôi vợ chồng trẻ là cháu họ xa của nhà thơ Xuân Thiều. Sắp hết năm Tý, bước sang năm Sửu. Vợ chồng kéo nhau đến xin ông chú đôi câu đối làm sao cho hợp cảnh để về treo Tết.

   Cô vợ là nhân viên kế toán một công ty thương mại, tháo vát nhanh nhẹn nhưng đang dính líu một vụ tham nhũng tai tiếng.

   Anh chồng là kỹ sư xây dựng, chăm chỉ chịu khó, nhưng thường bị vợ chê là cù lần, không biết xoay xở làm ăn. Xuân Thiều nhận lời, hôm sau đem đến tận nhà các cháu đôi câu đối và nói:

   – Câu đối này không phải để treo Tết đâu. Các cháu đọc và nhớ thôi.

   Đôi vợ chồng trẻ đón lấy đôi câu đối và mở ra xem:

  – Ả chuột thập thò hang chuột, để xem chuột nhắt chạy cùng sào, chẳng tránh khỏi cháy nhà ra mặt chuột.

   – Chú trâu chăm chỉ thân trâu, chắc gì trâu chậm uống nước đục, để cuối cùng về ngõ nắm đuôi trâu.

 

LÁ ĐƠN XIN CHÔN TRÂU

   Nguyễn Quý Tân (1811 – 1858), người làng Thượng Cốc (Gia Lộc, Hải Dương). Ông đỗ Tam giáp tiến sỹ năm 1842, vì thế người ta thường gọi là Nghè Tân. Ông làm Tuần phủ rồi làm Thanh tra quan lại Bắc Kỳ. Vốn tính ngay thẳng, liêm khiết, Nghè Tân thường giả dạng thường dân đi thử các quan lại. Bọn tham quan sợ, cũng bớt ăn hối lộ.

   Một lần, Nghè Tân giả làm học trò nghèo qua một huyện thuộc tỉnh Hải Dương. Viên quan huyện ở đây nổi tiếng hống hách, cao ngạo, Nghè Tân nghĩ cách chơi hắn một vố. Đến huyện đường thấy có người phụ nữ đang ngó nghiêng ngoài cổng, ý muốn vào huyện hầu quan, ông liền hỏi:

  – Chị có chuyện gì muốn vào hầu quan huyện thế?
  – Dạ, nhà tôi có con trâu bị chết. Tôi lên trình quan để xin phép chôn ạ!

   Chị này nói xong, đưa đơn cho Nghè Tân xem. Xem xong, ông bảo:

  – Đơn này liên quan thì chỉ ăn đòn mà trâu cũng không được chôn đâu. Thôi, để tôi làm lại đơn khác cho chị.

   Nghè Tân làm xong, dặn dò kỹ lưỡng:

  – Chị mới lên quan lần đầu, chưa hiểu vào cửa quan lắm lệ lôi thôi, mất thì giờ. Vậy tôi bảo chị nên vào cửa sau, sau huyện có cái hào, chị nên lội hào mà vào. Đến chỗ nào có cái trống, chị cứ đánh ầm lên, quan sẽ giải quyết cho chị.

   Người phụ nữ nghe theo lời dặn. Quả nhiên, quan huyện cho vào. Quan đọc lá đơn chị ta trình như sau:

Tôi là con gái Cổ Bi.

Có con trâu chết, tôi đi trình người.

Giữa đường váy ướt, đơn rơi.

Tôi nhờ một người làm cái đơn ni.

Nhược người có hỏi mầm chi.

Thì người cứ lấy đơn ni làm bằng.

Nhược người có hỏi mần răng.

Thì người ăn c… cho thằng mần đơn.

   Quan huyện xem xong, nhìn kỹ người phụ nữ thì quả nhiên chị ta bị ướt váy thật. Quan hỏi đến hình dạng người làm đơn hộ, quan biết ngay đây không phải tay vừa. Nhưng quan không có cách gì bắt tội chị này được, đành nuốt hận cho phép chị ta chôn trâu theo luật của triều đình. Nếu hạch sách lôi thôi thì bị chửi ngay vào mặt vì cái câu cuối như trong lá đơn đã nói!

 

LÀM TRÂU

   Bà Nguyễn Thị Hinh (1805 – 1848) mà sách vở thường viết dưới tên là Bà Huyện Thanh Quang (theo chức vụ của chồng) là một người phụ nữ giỏi thơ phú. Khi ông huyện đơn chức đôi khi bà cũng xem xét công văn, giấy tờ, sổ sách… giúp chồng… Những lúc ông huyện đi công cán, ở nhà nếu có ai đưa đơn hoặc xin phân xử việc gì, bà huyện cũng giải quyết, phê đơn thay chồng.

   Một hôm, có ông cống nọ mới thi đỗ định giết trâu để khao làng xã, ngặt một nỗi triều đình có nghiêm lệnh cấm giết trâu bò để bảo toàn sức khỏe cho nhà nông. Bà huyện thông cảm với tâm lý của ông cống, không nỡ bác đơn làm ông ta buồn nên đã phê rất hóm hỉnh vào đơn:

   Người ta thì chẳng được đâu.

   Ừ thì ông cống… làm trâu thì làm.

   Cái từ làm ở đây thật nhiều nghĩa. Ông cống đọc lời phê vừa mừng lại vừa buồn cười, vì “làm trâu” vừa có nghĩa là “làm thịt trâu” lại vừa có nghĩa là “làm giống trâu”.

   Ông huyện về nhà biết chuyện này, không khỏi giật mình vì trái lệnh vua, nhưng vì quý nể vợ nên ông im lặng, không phàn nàn một câu nào!

 

VẾ ĐỐI MỪNG NĂM SỬU

   Những năm 60 thế kỷ trước, các nhà văn quân đội đa số sống ở khu tập thể. Vào dịp tết Tân Sửu (1961), những đơn vị quanh khu vực đua nhau mổ trâu mừng năm mới. Ăn bữa cơm Tất niên tiễn năm Canh Tý xong, mấy nhà văn ngồi quây quần bên cành đào, uống trà và tán gẫu, chờ phút giao thừa. Nhà văn Nguyễn Thi ngồi lặng thinh, thỉnh thoảng gật gù, có lẽ vì nỗi nhớ quê nhà ở miền Nam, nhưng phần khác cứ bị ám ảnh mãi về bữa thịt trâu thỏa thích hồi chiều. Nguyễn Thi chợt nảy ra vế đối liền đọc to:

  – Tân là mới, sửu là trâu. Chén bữa thịt trâu mừng năm mới.

   Nhà văn vừa đọc xong thì Xuân Thiều nghiêm trang bước vào cửa và đối lại:

   – Canh là phòng, tý là chuột. Đuổi ngay lũ chuột rúc quanh phòng.

   Đúng đến phiên đổi gác, Nguyễn Thi vội bước ra nhận khẩu súng từ tay bạn, miệng khen rối rít:

   – Khá, khá lắm!

   Vừa lúc đó thì pháo Giao thừa Hà Nội cũng bắt đầu nổ ran, báo hiệu năm Canh Tý đã hết, năm Tân Sửu đã bắt đầu.

 

LÝ LUẬN CỦA KẺ CHĂN TRÂU

   Tương truyền, Đào Duy Từ (1572 – 1634) vào Nam, những ngày đầu tứ cố vô thân ông phải đi chăn trâu cho một nhà giàu ở Quy Nhơn (Bình Định). Một hôm, ông dắt trâu về đúng lúc phú ông và các danh sỹ đang làm thơ ngâm vịnh. Đào Duy Từ liền buộc trâu đứng nghe. Phú ông cho gọi vào hỏi:

   – Anh có biết chữ không?

   – Thưa, tôi vừa được nghe các ngài bàn về Nho quân tử và Nho tiểu nhân rất thú vị ạ!

   – Thế anh hiểu thế nào về Nho quân tử và Nho tiểu nhân?

   Trước đông đủ danh sỹ tài ba, Đào Duy Từ điềm đạm trả lời:

   – Thưa các ngài về Nho học tôi chưa được rõ. Tôi đi chăn trâu. Có kẻ chăn trâu quân tử, có kẻ chăn trâu tiểu nhân, cũng như các ngài nói về các nhà Nho vậy. Chăn trâu tiểu nhân là những kẻ dắt trâu ăn cỏ ngoài đồng đến tối thì về, không nghĩ ngợi lo lắng gì cả. Còn kẻ chăn trâu quân tử là người luôn ôn tài, luyện chí. Khi chưa gặp dịp thì tạm theo việc để sinh nhai đó thôi. Sử sách ngày xưa không hiếm người chăn trâu quân tử: Nịnh Thích làm tướng nước Tề, Bá Lý Hề làm tướng nước Tần, trước đây đều là kẻ chăn trâu cả đấy ạ!

   Trong đám cử tọa có Khám Lý Trần Đức Hòa là thân thần của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, thấy Đào Duy Từ có kiến thức sâu rộng bèn rước về nhà làm gia sư và sau này báo với chúa Nguyễn, dùng lễ mời Đào Duy Từ ra giúp việc, tạo nên cơ nghiệp ở xứ Đàng Trong.

 

NGƯU LÀ CON BÒ TÓT

   Một thầy đồ vụng chữ nghĩa, dạy học ở nhà nọ. Có những chữ thầy không biết, đi hỏi người khác rồi về dạy lại cho học trò. Một lần, gặp chữ “bôn” nghĩa là chạy, vì chữ in theo lối cổ thấy ba chữ “ngưu” chồng lên nhau, thầy đoán mãi không ra chữ gì bèn hỏi bạn:

   – Có giống gì khỏe bằng ba con trâu không?

   – Có giống bò tót.

   Thầy liền về dạy học trò:

   – Ngưu là con bò tót, các trò nhớ nhé!

   Một lần khác, thầy lại dạy đến chữ “đinh”, thấy chữ viết giống như giàn cối xay, thầy liền phán bừa:

   – Đinh là giàn cối xay.

   Chủ nhà thấy thầy dốt quá, đành mời thầy cắp tráp ra cửa và đọc tiễn thầy một bài thơ:

   Ngưu là con bò tót.

   Đinh là giàn cối xay.

   Thầy dạy chữ quá hay!

   Xin thầy về…đi cày.

 

TRÂU SÀNH, CHÓ ĐÁ

   Một anh nhà giàu, tính rất keo kiệt, vơ vét từng đồng xu nhỏ, không giúp đỡ ai và không bỏ một cái gì. Trong nhà anh ta có một đôi trâu bằng sành, trên lưng trâu đặt chậu hoa. Ngoài cổng, anh ta còn đặt một con chó đá để ra uy giữ nhà, giữ của.

   Gần Tết, anh ta đến nhà cụ đồ trong làng xin chữ để khắc vào đôi câu đối đang sơn. Cụ đồ liền cho chữ Nôm, anh ta không đọc được nhưng cứ cho khắc vào. Khi khắc xong, anh ta treo đôi câu đối lên phòng khách. Mọi người phì cười đọc:

   Bóp vãi cứt chó đá

   Rán ra mỡ trâu sành.

   Bị chặn nọc, anh ta đến trách cụ đồ. Cụ đồ giải thích:

   – Anh treo câu đối này rất thích hợp đấy.

   – Nhưng mọi người đọc xong thì cười ầm lên, cụ ạ!

   – À, vì họ chưa hiểu hết ý nghĩa của đôi câu đối.

   – Xin cụ giải thích ý nghĩa!

    – Vì nhà anh đang có trâu sành và chó đá. Tôi đố ai bóp được chó đá và rán được trâu sành nhà anh đấy. Như thế thì của cải nhà anh sẽ không bao giờ suy suyển, mất mát. Anh có thích điều này không?

   Anh nhà giàu keo kiệt nghe cụ đồ nói hợp ý mình, nên cứ treo đôi câu đối, mặc cho mọi người đàm tiếu.

 

TRẠNG QUỲNH CHỌI TRÂU

   Sứ Tàu sang nước ta và đem theo một con trâu để thách đấu. Trâu của sứ Tàu to khỏe, hung hăng, nhắm bên nước ta không có trâu nào địch nổi. Triều đình nước ta rất lo lắng liền mời Trạng Quỳnh đến để tìm cách đối phó. Trạng Quỳnh nghe xong liền tâu:

   – Thần có một con trâu rất cừ, có thể địch nổi trâu Tàu. Nhưng trước khi đấu thì phải nhốt nó ba ngày để huấn luyện theo một bí quyết mà không ai được biết. Sau ba ngày thì đem trâu ra đấu, nếu thua thần xin chịu tội.

   Ba hôm sau, sứ Tàu đem trâu của họ ra đấu trường diễu võ dương oai. Trạng Quỳnh cũng thả trâu của mình ra trước sự ngạc nhiên của mọi người. Đó là một chú nghé ốm yếu chưa bỏ bú, bị nhốt trong chuồng tới ba ngày, không cho ăn uống gì cả. Vừa thấy con trâu Tàu, nghé ngỡ là trâu mẹ liền xông đến thọc mõm vào bụng trâu mà sục sạo tìm vú. Con trâu đực của sứ Tàu tuy to lớn, hung hăng nhưng không đối phó được với tình huống này. Lúc đầu, nó còn lúng túng lẫn tránh con nghé. Sau nhột quá chịu không nổi, phải nhảy cẩng lên rồi bỏ chạy. Trâu nghé ra sức bám theo…

   Thấy thế, Trạng Quỳnh vỗ tay và mọi người đồng phụ họa reo to:

  – Trâu tàu thua chạy rồi, thua rồi!

   Cả triều đình và dân nước ta đều reo hò mừng vui, chỉ có sứ Tàu là xịu mặt tiu nghỉu, không còn vênh váo, tự đắc như lúc ban đầu.

 

VỊNH TRÂU GIÀ

   Năm 1902, vua Thành Thái ra Hà Nội khánh thành cầu Long Biên. Lệnh các quan chức cấp tỉnh trở lên và các bậc khoa bảng, trong đó có cụ Nguyễn Khuyến phải ra bái yết. Cùng đi với Thành Thái có vợ vua là con gái của Nguyễn Trọng Hợp, trước kia nếu không bị Nguyễn Hoan là con trai của Nguyễn Khuyến chê thì đã thành con dâu của Nguyễn Khuyến. Nay bà ta đã là vợ vua. Điều này làm Nguyễn Khuyến khó chịu nên chần chừ lễ bái yết, bị vua Thành Thái quở trách. Cụ Nguyễn Khuyến lấy lý do tuổi già, mắt mờ, chân chậm. Vua Thành Thái vui vẻ và bắt cụ làm một bài thơ tạ lỗi, lấy đề tài “Vịnh trâu già”. Suy nghĩ chốc lát, Nguyễn Khuyến đọc:

Một nắm xương gầy, một nắm da.

Bao nhiêu cái ách đã từng qua.

Đuôi cùn biếng vẩy Điền Đan hỏa.

Tai nặng buồn nghe Nịnh Thích ca.

Sớm thả vườn Đào chơi đủng đỉnh.

Tối về thôn Hạnh thở nghi nga.

Có người toan giết tô chuồng mới.

Ơn đức vua Tề lại được tha.

   Bài thơ vịnh hay, sát đề, nói về trâu già mà lại nói được cả tâm trạng của mình già yếu, gầy còm vì đời nhiều tai ách, chán ngán những điều xảo trá như lửa Điền Đan dùng trâu buộc giáo mác vào sừng, buộc rơm rạ tẩm dầu vào đuôi trâu rồi châm lửa, thúc trâu xông vào quân Yên và thắng trận. Lại nhắc đến Nịnh Thích có tài nhưng không ai biết đến, ông đi chăn trâu, thường gõ vào sừng trâu mà hát tỏ ý chí của mình. Vườn đào, thôn Hạnh nói về Vũ Vương đánh quân Trụ, dùng trâu bò vào việc vận tải rất đắc lực. Diệt xong quân Trụ, ông ra lệnh 3 năm cấm giết trâu bò, sáng cho ăn ở vườn Đào, tối cho về ngủ ở thôn Hạnh. Còn ơn đức vua Tề là nói về Tề Tuyên Vương trông thấy quân lính dắt trâu đi giết thịt, con trâu run rẩy sợ hãi, vua ban lệnh không giết trâu nữa.

   Vua Thành Thái hiểu ý của tác giả, rất khen câu cuối: “Ơn đức vua Tề lại được tha”. Nhà vua mến phục và ban thưởng cho cụ Nguyễn Khuyến.

 

TRÂU THIẾN NGỰA CƯƠNG

   Đoàn nhà trai đi xin dâu, bên nhà gái cử người ra trước cổng nói:

  – Xin nhà trai cho vế đối, nếu chuẩn thì mới được vào.

   Nói xong ông ta liền đọc vế xuất:

 – Nhà ngói, cổng lim, ruộng sâu, trâu đực thiến.

   Vế xuất cũng không khó, nhà gái muốn khoe sự giàu có nhưng hàm ý trêu ghẹo hơi sỗ sàng, ý xem thường “bản lĩnh đàn ông” của chàng rể.

   Ông chủ hôn nhà trai đã nắm được ý trêu ghẹo của đối phương. Ông bày cho chàng rể đối lại như sau:

 – Yên bạc, lạc vàng, đường nhựa, ngựa rong cương.

   Qua vế đối, nhà trai muốn tỏ rằng: Bên nhà gái khoe giàu thì bên nhà trai khoe sang. Nhưng ngẫm kỹ thì ẩn ý cũng khá tai quái. Khi chàng rể vừa dứt lời, nhà gái đang còn suy nghĩ, phân vân, sợ trễ giờ nạp lễ, ông chủ hôn nhà trai liền cười to và bình luận:

  – Hay, hay lắm! Quan họ bên kia bắt thiến, nhưng quan họ bên này vẫn cứ cương lên. Đúng không nào?

   Đoàn nhà trai hiểu ý, liền vỗ tay rôm rả. Nhà gái thấy chẳng còn gì bắt bí nên vui vẻ mở cổng để đón đoàn nhà trai vào.