/

             Giang Sinh những ngày ấu thơ trong tôi là những năm tháng trôi qua rất lặng lẽ. Khi còn bé, người ta hay huyễn hoặc mình trong những đống lào xào của những tờ giấy gói quà nhăn nhúm, những ánh đèn xanh đỏ tím vàng và những qủa chuông leng keng kéo vội trên thánh đường. Khi còn ở nước ngoài, Giang Sinh của tôi là những ngày ngập đầy tuyết trắng, nơi tôi và đứa em cứ vùi mình trong cái rét mà nặn, mà vo tròn, mà đi bẻ những cành ô liu tạo thành hình ông già tuyết, để rồi trong cái niềm vui hớn hở khi định khoe với ba mẹ thành quả của mình thì nhận được tin họ không về kịp trên chuyến tàu muộn. Hóa ra nó cũng như bao ngày khác thôi, khi tôi ngồi trên tấm đệm mà mình vẫn hay ngồi, ngóng chờ họ như – một- thói- quen, đun vội một cốc sữa nóng, chăm cho đứa em một ít mì với súp khoai tây, bắt nó ăn rồi lại vùi nó cuộn tròn trong tấm chăn thật dày mà ngủ. Rồi, một đứa nhóc mới mấy tuổi đầu bắt đầu miên man về cái khái niệm như thế nào là “ hạnh phúc”, tự đánh vật mình với những nỗi lo lắng không rõ đầu đuôi, để rồi nhận ra giờ này nó cũng chỉ ở một mình, không có ai bên cạnh. Buồn cười đến nỗi, đứa trẻ ấy tự cốc vào đầu mình với một nụ cười nhạt thếch trên môi.
            Giang Sinh khi tôi bước vào những năm đầu đến trường cũng trôi qua rất lặng lẽ. Nó cho tôi có một lí do để vùi mình vào đống thiệp đỏ chót với những hình ông già Noel và những chùm đèn cùng với việc cố nặn trong đầu mình những câu chúc thật ý nghĩa viết đầy những thiệp. Ngày ấy tôi còn hơi ích kỉ, tự chọn những tấm thiệp đẹp nhất cho những người tôi thích còn lại khi đã mua quá dư, tôi “nhường” chúng cho những người “thôi- thì- tặng”. Ngay cả cái việc viết thiệp của tôi cũng dần thay đổi theo thời gian: ngày bé tôi hay tin vào những câu chuyện mình đọc được trong sách, khi ấy mọi nhà đều treo chiếc tất bên lò sưởi và tôi sẽ viết thiệp cho ông già Noel, viết những nguyện cầu của mình vào trong đó. Lớn dần lên, tôi thôi không còn những mộng mơ như ngày nhỏ nữa, tôi viết cho bạn bè. Nhưng rồi khi thời gian cũng trôi qua, khi tôi ngày một lớn, những tấm thiệp là những kí ức tôi cố công gìn giữ được tôi gói ghém cẩn thận trong những thùng cactong để trên gác xép mà có lẽ một ngày nào đó khi tìm lại hẳn nó sẽ bị bám bụi vô cùng.
            Giang Sinh những năm tôi bước vào tuổi dậy thì cũng là những ngày hết sức giản đơn. Nó cho tôi có một lí do để yêu thương, có một người con trai nào đó ngồi cạnh, hai đứa sẽ lại cùng cho nhau một lí do để đèo nhau đi khắp phố cùng với một cốc cacao sữa nóng trên tay. Những bông tuyết vốn cũng chỉ là trắng xóa nhưng khi vẽ lên thì góc cạnh, thì lung linh và hào nhoáng vô cùng. Và lúc ấy, hai đứa sẽ dừng lại khi bắt đầu thấm mệt, dừng lại ở một băng ghế dài lặng lẽ mà người ta hay thấy trong những bộ phim, để cạnh một chiếc tường tường rào thấp và một trụ đèn cổ. Người ta cũng thật buồn cười, những lúc lạnh giá như thế này lại cứ lân la ra đường, trong khi có thể ở nhà với những thanh củi ấm, tìm một góc để ngồi, rồi có khi lại còn quấn chung một chiếc khăn to sụ, hai tay chà xát vào nhau vì lạnh. Để rồi khi tiếng chuông nhà thờ vang lên hai đứa mỉm cười nhìn nhau thật tươi, cầu cho những đêm Thánh an lành, ngắm nhìn những cặp tình nhân, ngắm lại chính mình rồi cười những nụ cười đầy ẩn ý, như chắc rằng vào một tương lai nào đó không xa… Và dù mãi sau này sẽ chẳng bao giờ có một ngày lễ với tiếng chuông thánh đường ngân vang như năm ấy tôi cũng không đượm buồn bởi it ra tôi đã từng có một ngày để nhớ để thương.
            Giang Sinh khi tôi trường thành cũng trôi qua lặng lẽ như những ngày ấu thơ. Noel nào cũng lạnh giá và cô đơn như thế. Tôi lại dắt ra chiếc xe đạp đã cũ, quấn một chiếc khăn nhỏ em đan vội tặng trong những giờ thủ công, đội mũ sùm sụp, cắm tai phone và quần thảo trên những guồng quay chắc chắn. Sống mũi tôi cóng tê vì lạnh nhưng nó giúp tôi biết mình ít ra vẫn còn cảm giác. Chiếc nhẫn trên tay buông lơi khiến lời thế kia vỡ đôi mà ngạc nhiên ở chỗ tôi chẳng có đủ sức để buồn, để tiếc. Buổi tối, sẽ là những phút giây ba tôi dành dụm mua được cái bánh kem hình khúc gỗ, mang về cho cả nhà, lúc nào mẹ cũng sẽ cắt ra nửa ổ để ăn, còn nửa còn lại cho lũ trẻ trong nhà chơi trò nghịch phá. Ba sẽ mang trên mũi chiếc mũi hề như quả cà chua đỏ au giả làm tuần lộc, còn tôi đành miễn cưỡng độn một chiếc bụng thật to và hàm râu giả làm ông già Noel. Buồn cười quá đỗi là khi chiếc mũ đỏ vận lên đỉnh đầu tôi lại thấy có một niềm vui lan tỏa, ấm áp vô cùng.
            Khi chúng tôi lớn dần lên và khi trở về nước, về với miên Trung năng cháy chúng tôi thôi không còn thức đến 12 giờ để chào đón Noel như trước nữa. Giang Sinh càng trở nên lặng lẽ hơn. Tôi sẽ đi cùng đám bạn tới nhà thờ, nơi đông nghịt những người, chụp hình với những bức tượng và những khung cảnh giả tuyết. Nghe tiếng chuông ngân vang đầy sớm sủa và tới giờ khắc linh thiêng nhưng hãy còn sớm, Cha xứ sẽ điều khiển một chiếc cần, có một sợi dây giăng từ đỉnh chữ thập của nhà thờ tới một đống củi gọn ghẽ giữa sân,, lửa sẽ từ đỉnh chuyền thẳng xuống đống củi cháy bùng mạnh mẽ. Năm nào cũng thế, đều đặn tôi đều thấy khung cảnh ấy nhưng chúng tôi cứ như lũ trẻ, mỗi khi điều ấy đến chúng tôi lại hò reo, lại chụp hình, lại trầm trồ ngưỡng mộ như được thấy lần đầu tiên.
            Qua rất nhiều năm tháng của cuộc đời, tôi đã trải qua rất nhiều mùa Giang Sinh nữa. Có những mùa Giang Sinh tôi chỉ chọn bó gối trong căn phòng nghe những bài nhạc buồn thấm nhuần sự cô đơn. Có những mùa Giang Sinh tôi chỉ nghĩ tới gia đình của mình như những phần thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Lại có những mùa Giang Sinh trong tôi chỉ ngập tràn hình ảnh anh. Để rồi đến phút cuối cùng, tôi chẳng sống vì ai nữa, sống cho riêng tôi, cho chính bản thân mình, và khi tiếng chuông giáo đường ngân lên, một thời khắc nữa đã qua, tôi lại mỉm cười nhìn về phía trước, đón mùa Giang Sinh của riêng tôi.