Th.S Lê Trung Kiệt (*)

1. Cơ sở lý luận và thực tiễn

Vấn đề giữ gìn, phát triển sự trong sáng, chuẩn hóa tiếng Việt không chỉ có giới ngôn ngữ học quan tâm, mà còn được cả xã hội quan tâm, nhằm hướng đến chuẩn hóa tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm về vấn đề này. Người nói: “Ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phát triển ngày càng rộng khắp”.

 Văn học là khoa học về văn, được chia thành hai hệ thống: văn nghệ thuật và văn ứng dụng. Tiếng Việt nói riêng và ngôn ngữ nói chung là phương tiện để diễn tả tư tưởng và tình cảm của con người; văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Vì vậy, mối quan hệ giữa tiếng Việt và văn học là mối quan hệ máu thịt.

Muốn nói (viết) hay trước hết phải nói (viết) đúng tiếng Việt. Một thực tế không vui vẻ gì là nhiều học sinh không biết viết một đơn hoàn chỉnh. (Mặc dù những buổi đi học thường xuyên mang quá nhiều sách vở, oằn cả người, lệch cả vai, gãy cả lưng). Thiết nghĩ nhà trường trước hết cần chú trọng dạy tiếng gồm hai phân môn: Tiếng Việt và Làm văn.

 2.Chuẩn và không chuẩn trong tiếng Việt

2.1 Phân biệt sự khác nhau về đặc điểm cấu trúc của từ ngữ Hán – Việt và từ ngữ thuần Việt

Về cấu trúc từ ngữ Hán – Việt khác từ ngữ thuần Việt.

Từ ngữ Hán – Việt có cấu trúc: Yếu tố chính đứng sau; yếu tố phụ đứng trước có chức năng định tố, bổ tố cho yếu tố chính đứng sau. Ví dụ: từ “an tọa” thì yếu tố chính là “tọa” đứng sau; yếu tố phụ “an” đứng trước có chức năng bổ tố. Ngữ nghĩa của từ “an tọa” là ngồi bình an.

Ngược lại, từ ngữ thuần Việt có cấu trúc: Yếu tố chính đứng trước; yếu tố phụ đứng sau, có chức năng định tố, bổ tố cho yếu tố chính đứng trước. Ví dụ: từ “mắm nước” thì yếu tố chính “mắm” đứng trước; yếu tố phụ “nước” đứng sau, có chức năng định tố. Ngữ nghĩa của từ ghép phân nghĩa “mắm nước” là mắm ở thể nước, phân biệt với mắm cái, mắm khô, mắm tôm, mắm bầm, v.v…

Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ vẫn tồn tại hiện tượng trái ngược nhau. Thay vì nói “mắm nước” (chuẩn) thì vẫn thấy nói “nước mắm” (không chuẩn) xét về đặc điểm cấu tạo từ ngữ thuần Việt. Xung quanh vấn đề này, có thể ban đầu có một số người nước ngoài phát âm không chuẩn tiếng Việt, họ nói nước mặn (quả thực mắm mặn hơn tương, chao). Thông tin bắn đi không biết lối thu về, và rồi câu chuyện nước mặn đã trở thành nước mắm (?!), một sự tồn tại chưa sửa được.

Nhân dịp này, người viết xin trân trọng giới thiệu một cụm từ có cấu trúc hoàn chỉnh, mẫu mực của từ ngữ thuần Việt. Đó là cụm từ: “chế độ dân chủ tập trung” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, tr.235). Cụm từ thuần Việt này có cấu trúc như sau: Chế độ là danh từ trung tâm, thành tố chính đứng trước; còn dân chủ tập trung theo thứ tự lần lượt là phần phụ sau 1 và phần phụ sau 2, có chức năng định tố cho danh từ trung tâm. Ngữ nghĩa của cụm danh từ “chế độ dân chủ tập trung” phép nước đặt ra dựa trên nguyên tắc: Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung” (Sđd, tập 5, tr.505), được hiểu là dân chủ có tổ chức, phân biệt với dân chủ vô chính phủ.      

2.2 Chuẩn hay không chuẩn trong cấu trúc hai cụm từ: “trắc nghiệm khách quan” và “trắcnghiệm tự luận”?

Trong các hình thức, phương thức kiểm tra – đánh giá mức độ đạt được của HS – SV, hiện nay tồn tại tên gọi “trắc nghiệm khách quan”“trắc nghiệm tự luận”.

Từ điển Hán – Việt Phan Văn Các giải thích: “Trắc nghiệm (động từ): kiểm tra, đánh giá mức độ đạt được”. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ chỉ mới đề cập nghĩa gốc chữ “trắc”, động từ: đo lường ( ví dụ: trắc địa,v.v…), còn nghĩa chuyển, danh từ, tên gọi một hình thức, phương thức kiểm tra – đánh giá thì hầu như các Từ Điển Hán – Việt khác chưa bổ sung.

Do đó, trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, một số sách, tài liệu dùng từ Hán – Việt “trắc nghiệm” (trong cụm từ “trắc nghiệm khách quan”, “trắc nghiệm tự luận”) với nghĩa là: “Test”, là kiểm tra – đánh giá.

Như chúng ta biết, điều kiện cần của một cấu trúc ngôn ngữ mang nghĩa định danh gọi tên phải là một danh từ hoặc một cụm danh từ; thế nhưng cấu trúc các cụm từ “trắc nghiệm khách quan”, “trắc nghiệm tự luận” không thỏa mãn điều kiện trên.

Vì vậy, để tôn trọng tính khoa học của các thuật ngữ, chỉ nên gọi là “trắc nghiệm” “tự luận”. Đơn giản thế thôi. Còn bản thân nó mang tính khách quan hay không khách quan thì thuộc về phần luận bàn, bình luận khác, không nằm trong cấu trúc ngôn ngữ định danh gọi tên. Bởi lẽ, không ai đặt tên con mình là Nguyễn Thị Gái Xinh, Nguyễn Văn Tèo Đẹp.

2.3. Đọc chuẩn hay không chuẩn: Từ “gmail” đọc là “gờ – meo” (phần đông hiện nay) hay “gi – meo”?“GDP” đọc là “giê – đê – pê” (phần đông hiện nay) hay “gi – đi – Pi”? Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu(AVG) được viết tắt từ tên giao dịch tiếng Anh: AudioVisual Global đọc là “a – vê – gờ” (phần đông hiện nay) có đúng không? v.v… Đọc loạn xạ, tùy tiện! Đâu là tiếng Việt? Đâu là tiếng Anh? Đâu là chuẩn tiếng Việt?

Lời kết: Giữ gìn, phát triển sự trong sáng và chuẩn hóa tiếng Việt trong thời kì hội nhậpquốc tế hiện nay là nỗi trăn trở không chỉ của riêng ai. Nói như GS.TS.Nguyễn Văn Khang – Viện Ngôn ngữ học trong bài viết Chuẩn hóa tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay – Kỉ yếu hội thảo khoa học toàn quốc: Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kì hội nhập quốc tế hiện nay: “cần có tiếng nói đồng thuận của giới ngôn ngữ học về vấn đề này và cần nhận được sự đồng thuận của xã hội cũng như vai trò của Nhà nước”.  Bởi lẽ Nhà nước “vừa có quyền vừa có phương tiện”.

……………………………………………………………………………………………..

(*) Quỹ Tài Năng Trẻ TLH – GDH thuộc Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam.