Người lớn thường nghĩ trẻ con là nhút nhát và hay sợ sệt. Không! Tamaro thì ngược lại. Đó là một đứa trẻ vô cùng hiếu động và không biết sợ hãi trước bất cứ điều gì. Tamaro đã từng đá què chân con chó ghẻ nằm bên vệ đường nơi cậu đi qua. Cậu bé còn chẳng động lòng thương trước sự rên xiết vì đau đớn của con chó. Đó phải chăng là sự vô cảm trong tâm hồn cậu bé? Hay đôi khi Tamaro cũng trèo qua thành tường bao – bức tường cao 3 mét- để vào trêu con chó dữ nhà bà Ise. Rồi chẳng hiểu sao, cậu bé còn giả ốm để không phải đến trường (vì Tamaro quên không làm bài tập) và bắt chị gái phải nghỉ học để ở nhà chăm mình. Tamaro bắt chị chạy đi chạy lại đến cả chục vòng quanh nhà. Lúc thì đòi uống nước, lúc thì đòi ăn bánh hạt sồi, lúc lại đòi đi đại tiện, lúc thì kêu nóng, kêu lạnh, đủ các trò. Thằng bé thật tinh ranh và đầy ma mãnh. Chị gái biết tính em trai mình nên cũng chỉ thở dài than vãn “ Cầu cho nó mau khỏi bệnh cho mình được nhờ,…”. Nét mặt chị ấy lúc này mới tội nghiệp làm sao! Đôi lông mày thì cau lại, tóc tai thì lờm xờm, đôi mắt thì trĩu xuống vì mệt mỏi. Không biết Tamaro còn định bày thêm trò gì để trêu chọc chị gái tiếp nữa. Phải nói lại, cậu bé Tamaro này mới có 6 tuổi. Đôi khi tuổi tác cũng không  trùng khít với tính cách của mỗi con người trong cuộc sống. Và cậu bé này là một ví dụ điển hình cho sự trái ngược đó. Các trò mà cậu bé bày ra thường không có đối tượng cụ thể, gặp ai thì trêu chọc người đó. Mọi người thì thường rất khó chịu và cảm thấy tức giận vì những trò đùa của Tamaro. Rất nhiều người đã than phiền và đến nói chuyện mắng vốn với bố mẹ Tamaro nhưng kết quả là họ lại tha thứ cho cậu bé này. Tại sao vậy? Đơn giản vì Tamaro quá dễ thương. Cậu bé có một khuôn mặt tròn trĩnh, ngộ nghĩnh như trái đào, hai má thì lúc nào cũng hồng hào, cái mũi hây hây đỏ như trái cà đến mùa thu hoạch. Mà mỗi lần bị mắng, Tamaro lại phụng phĩu, nũng nịu trước mặt người lớn. Những lúc như vậy nhìn cậu bé lại càng dễ thương biết bao nhiêu. Ai mà nỡ tức giận với một cậu bé đáng yêu như vậy nên lại đành tặc lưỡi cho qua “Thôi con trẻ sẽ có lúc nghĩ ra, chuyện đâu còn có đó”. Thế là Tamaro thoát nạn nhờ vào sự đáng yêu của chính mình. Thế mới thấy, trẻ con cũng lắm chiêu trò trước mặt người lớn mà chúng ta lại không nhận ra. Hành động nhỏ không được kiểm soát tốt có thể là mầm mống cho các thói hư tật xấu sau này.

Gia đình Tamaro sống ở ngôi làng Yakunoto. Ngôi làng nhỏ bình yên trên một quả đồi tròn trĩnh, bầu bầu như bầu ngực của mẹ. Ngày ngày,khi mặt trời chạy bộ lên đỉnh đồi, gà ra khỏi chuồng cất tiếng gáy sáng thì cũng là lúc mọi người trong làng bắt đầu một ngày mới. Họ đưa nhau xuống chân đồi, cày xới và vun trồng, công việc tuy vất vả nhưng họ luôn tươi cười hạnh phúc. Mùa hè, họ trồng lúa trong từng ô ruộng nhỏ theo suất đất của gia đình.  Nước cũng được dẫn từ con suối cách xa làng hàng trăm mét về để tưới tiêu. Trong khi lao động mệt nhọc, họ lại ngâm những câu thơ cho đỡ mệt. Gia đình Tamaro cũng cùng dân làng tham gia trồng lúa để lấy thóc dự trữ cho mùa đông ở đây. Mỗi ngày, trước lúc chuẩn bị ra đồng, mẹ của Tamaro là bà Onta lại chuẩn bị cơm nắm cho cả gia đình. Món ăn tuy đơn giản nhưng đã nuôi sống gia đình cậu bé qua bao mùa lúa chín. Đó chỉ là một chút cơm nắm ăn chung với muối vừng. Chính cái nghèo đã khiến cho cuộc sống nơi đây mãi cách biệt với thế giới xung quanh và những con người trong ngôi làng này cũng vì thế mà gần gũi, yêu thương nhau hơn. Họ cho nhau từ trái hồng chín, quả lê trái mùa hay đơn giản chỉ là cái nhìn đầy thân thương. Mùa hè cũng là lúc Tamaro thích nhất. Cậu bé được lên núi bắt côn trùng hay ra suối ngâm chân cho mát, khẽ soi bóng mình dưới mặt nước. Hình như đứa trẻ nào cũng đều thích ngắm mình trong nước nhỉ? Nhìn chúng mới đáng yêu làm sao! Tamaro thích thú nhìn bóng mình dưới nước. Những con bọ nguậy khẽ xô nhẹ làm dòng nước hơi gợn tí khiến bóng cậu bé vỡ vụn nơi đáy nước. Tamaro lấy tay tát nước bắn tung tóe khiến cho bầy chim giật mình bay lao xao. Từ mặt đất đến bầu trời bị xé toạc bởi âm thanh của tiếng chim kêu vang dội làm cho khung cảnh yên bình, nên thơ bỗng trở nên náo động, rộn ràng. Còn làng Yakunoto nơi cậu bé sống được thiên nhiên sắp đặt thật hài hòa, tuyệt diệu như trong cổ tích. Bao quanh quả đồi là hàng trúc thẳng đứng vươn mình lên cao như ý chí không chịu khuất phục của người võ sĩ Sumurai. Đây như bức tường thành bảo vệ ngôi làng nhỏ bé này và cũng ngăn cách ngôi làng với thế giới ngoài kia. Xung quanh là dòng nước nhỏ uốn lượn, bao bọc lấy ngôi làng. Mỗi sớm tinh sương, hình ảnh làng Yakunoto ẩn hiện soi bóng trên mặt nước tuyệt đẹp như một bức tranh mực tàu của danh họa thời xưa. Tiếng nước chảy róc rách len qua từng kẽ đá trầm tĩnh càng khiến cho ngôi làng yên bình đến lạ thường. Người làng Yakunoto đặc biệt rất trân trọng và yêu quí dòng nước vì đó là nguồn sống của cả làng. Mùa hè luôn cho Tamaro những giây phút vui nhất vì cậu bé được tha hồ vui chơi, chạy nhảy. Nhưng Tamaro lại không thích theo mẹ và cha đi làm đồng vì nó rất chán. Chính vì thế mà cậu bé bày ra đủ trò trêu chọc mọi người. Tamaro rủ Kikaru, cậu bạn thân nhất tham gia trò đùa lần này. Hai đứa trẻ bày nhau lấy ná chun bắn các bà, các cô đang chổng mông cấy lúa và lấy đó làm làm thích thú cười vang. Các bà, các cô, các mẹ bị bắn trúng đau giãy nảy lên, lấy tay xít xoa cái mông nhỏ của mình. Trông thật mắc cười. Một người vì đau quá đã hét lên “Lũ mắt dạy, cha mẹ chúng mày không biết dạy bảo hay sao mà ngỗ nghịch thế”. Thế là chúng nó chạy quăn đít lên đi trốn. Nếu mà bị tóm được chỉ có nát mông thôi. Mùa đông đến, thì họ ở trong nhà tránh tuyết. Tuyết thường rơi trắng xóa, dày và gây khó khăn khi đi lại. Người lớn thì buồn rầu vì không biết làm gì để lo cho cuộc sống gia đình vì mùa tuyết trắng là lúc khó khăn nhất. Thiếu thốn từ lương thực đến mọi thứ. Lương thực dù đã được dữ trữ từ mùa hè cho đến cuối thu nhưng vẫn không đủ vì sức ăn của mỗi đứa trẻ ngày càng nhiều. Chúng đang lớn dần. Con trẻ thì đâu cần quan tâm đến suy nghĩ của cha mẹ vì đơn giản tuyết trắng làm chúng thích thú hơn. Chúng vui vẻ tham gia các trò chơi như ném tuyết, đắp người tuyết hay trượt tuyết. Nhìn chúng cười nói vui tươi, hồn nhiên mà lòng cha mẹ như thắt lại đành ngán ngẩm mà quay đi. Trước khi tuyết rơi, dân làng Yakunoto đã trồng các loại nông sản như củ cải, cải thảo để ăn tránh rét. Những đứa trẻ luôn than phiền chúng ghét món cải thảo với củ cải muối vì mùa đông nào chúng cũng phải ăn với mì. Mùa đông thì làm gì còn đủ gạo để cho chúng ăn nên phản ứng của chúng như vậy cũng phải thôi. Trẻ con đói bụng thì cha mẹ nhói lòng. Con không cơm ăn thì cha mẹ chỉ biết nuốt nước mắt mà chịu đựng chứ cũng không biết làm gì khác bây giờ. Bữa tối, gia đình Tamaro không ai nói gì chỉ biết lặng lẽ ăn cho xong bữa. Chỉ thấy cha Tamaro là Ihara nói đúng một câu “Nhớ ngủ sớm… mai còn nhổ cải tuyết… chứ để lâu nó mất ngon và dai … khó nuốt”. Giọng ông ngập ngừng với từng đoạn dài ngắt quãng. Ông Ihara vừa dứt câu nói cả nhà lại im lặng mà ăn. Xung quanh chỉ còn tiếng vo ve của côn trùng và ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu đã cháy tụt bấc từ bao giờ. Bóng của bốn người đan vào nhau, lêu nghêu, liêu xiêu và vô định trên bức tường đã nhuốm màu thời gian. Bỗng Tamaro hét lớn “ Con không muốn ăn nữa, con muốn ăn cơm, con muốn xuống núi đi vào thị trấn… Ngày mai con sẽ đi… con muốn ăn cơm… con không chịu nổi…”. Câu nói của đứa trẻ 6 tuổi như tiếng sét rạch nát bầu trời, Người cha im lặng. Người mẹ im lặng. Người chị im lặng. Không gian lặng thinh chỉ còn tiếng chó sủa giật cục ngoài xa. Không ai nói gì, mặc kệ câu nói của Tamaro và đều buông bát đứng dậy. Chắc họ nghĩ thầm “ Trẻ con quên nhanh thôi mà, không sao đâu, không nói gì là nó sẽ quên ngay thôi mà”. Rồi mỗi người một công việc khác nhau trong sự im lặng tột cùng. Bà Onta thì đi nhặt những cây củ cải còn dùng được ra một góc để mai chuẩn bị muối ăn dần. Ông Ihara thì đi cho con lừa già ăn cỏ. Chị gái Mina thì cúi gằm đầu rửa bát và khẽ lẩm nhẩm câu gì đó rất khó hiểu. Còn Tamaro thì sao? Cậu bé vẫn đứng đó như cây gỗ bị đinh ghim vào tường, chẳng biết cậu bé nghĩ gì chỉ thấy hai tay nắm chặt vào nhau làm cho cây đũa trong tay gãy đôi từ bao giờ.

Sáng hôm sau, gia đình  nhà Tamaro thức dậy như mọi khi để chuẩn bị ra đồng. Mọi việc đều diễn ra hết sức bình thường cho đến khi mọi người không thấy Tamaro đâu cả. Ai nấy đều hết sức lo lắng cho cậu bé. Mọi người trong gia đình nhốn nháo lên đi tìm cậu bé. Bà Onta thì đi đến từng nhà hỏi xem Tamaro có chơi ở đó không, còn ông Ihara thì đi vào trong rừng trúc tìm cậu bé. Chị gái Mina thì gọi thất thanh nhưng không có tiếng hồi đáp “Tamaro, em ở đâu. Về nhà đi, bố mẹ đang lo lắng đấy…..”. Mina  cũng đã đến trường học nhưng cũng không thấy em trai ở đó. Dường như mọi thứ đã rơi vào vô vọng. Tamaro ở đâu? Tamaro, con ở đâu? Tamaro, Tamaro… Giờ đây chỉ có tiếng gào khóc của bà mẹ, mọi thứ như ngừng lại. Tất cả đã dừng lại thật sự và ai nấy đều tuyệt vọng vô cùng. Dân làng cũng bắt đầu đi tìm cậu bé cùng gia đình. Mọi người lùng sục trong từng ngóc ngách mà vẫn chưa thấy tung tích cậu bé đâu. Thật kì lạ! Chẳng ai biết cậu bé đi đâu. Đến tối khi cuộc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả, trạng thái tuyệt vọng ngày càng rõ rệt hơn thì bỗng… “Này, mọi người ơi….”. Tiếng gọi từ xa vọng lại xen lẫn tiếng thở dốc và đầy gấp gáp của một cậu bé. Thì ra là nhóm của Kikaku, bạn thân nhất của Tamaro. Một vị trưởng lão đáp lời “Sao thế Kikaku, có chuyện gì?”. Kikaku đáp ngay “Cháu thấy đôi guốc mộc giống của Tamaro ở con suối dưới chân đồi”. Nghe thấy vậy cha của Tamaro liền hét lên “Mau, mau lên dẫn ta đến đó”. Ông Ihara còn thầm cầu khấn “Tamaro, chờ cha nhé, cha sẽ đến đón con”. Tất cả dân làng đèn đuốc sáng trưng kéo nhau đi xuống chân đồi như  một đàn đom đóm lập lòe trong đêm. Đến bên suối, bà Onta lao ngay đến ôm lấy đôi guốc nhỏ của Tammaro mà khóc “Con ơi con ở đâu”. Một số người trong làng cũng khóc theo. Hình như trong suy nghĩ của họ thì cậu bé Tamaro đã chết đuối do bị dòng nước cuốn đi.

– Không – chị gái của Tamaro dõng dạc nói lớn.

– Đây không phải đôi guốc của em cháu – Đôi mắt của Mina sáng lên niềm hi vọng mong manh.

– Sao cháu lại nghĩ vậy hả Mina – Một người đàn ông trung niên trong làng cất tiếng hỏi.

– Tamaro, em cháu thường đi loại guốc gỗ rẻ tiền do cha cháu tự làm từ thân cây sồi già trong vườn chứ không có đủ tiền để mua đôi guốc gỗ làm từ thân cây anh đào như vậy” – Cô bé quả quyết khiến mọi người tin tưởng.

– Vậy đôi guốc gỗ này của ai – Trưởng làng lên tiếng nhưng không ai trả lời, chỉ có tiếng lao xao của dòng nước, tiếng gió khẽ rít qua từng kẽ lá.

Một tuần liền đã trôi qua nhưng  vẫn không có tin tức gì của Tamaro và đôi guốc gỗ bí ẩn bên bờ suối kia vẫn còn là ẩn số. Liệu Tamaro còn sống hay đã chết? Nếu cậu bé còn sống thì giờ này đang ở đâu? Đôi guốc gỗ bên bờ suối kia là của ai? Chẳng ai có thể trả lời được những câu hỏi ấy bây giờ. Cuộc sống ở làng Yakunoto lại diễn ra bình thường như khi chưa có chuyện gì. Không ai quên chuyện cậu bé Tamaro mất tích cả chỉ là họ không thể không lo cho cuộc sống của mình. Còn gia đình ông Ihara từ khi Tamaro mất tích cho đến giờ luôn chìm trong sự u sầu, ảo não. Họ chẳng thiết tha làm bất cứ việc gì. Họ chỉ nhớ đến Tamaro, đến nỗi ông bà Ihara đã héo hon cả thân xác tự bao giờ. Con lừa già trong chuồng cũng đã dần kiệt sức vì đói và khát. Chắc nay mai là cũng sẽ chết mất thôi. Ông Ihara đâu còn tâm trí mà nhớ được đến những chuyện ấy nữa. Còn lúa ngoài đồng cũng đã lụi dần vì không được dẫn nước khiến đồng ruộng khô nứt, cằn cỗi đến thê lương. Gia đình nhỏ này bây giờ phải làm sao đây? Chẳng biết họ sẽ làm gì để tìm ra Tamaro? Nhưng trước mắt họ phải có đủ tỉnh táo để vượt qua mọi chuyện, chứ không họ sẽ chết trước khi tìm thấy cậu bé. Lại nói, từ khi cậu bé Tamaro mất tích đến nay, dân làng cũng luôn đến hỏi han tình hình sức khoẻ bà Onta, việc học hành của Mina cũng như việc đồng áng của ông Ihara. Dường như, dân làng cũng chẳng giúp cho tinh thần của họ khá hơn và họ ngày càng suy sụp hơn nữa.

Ba tuần đã trôi qua trên ngôi làng Yakunoto. Lúc này con lừa già đã chết khô trong chuồng từ bao giờ, mùi hôi thối bốc ra nồng nặc, ruồi nhặng vo ve trên bữa đại tiệc của chúng. Con chó thì co ro trong góc nhà cũng không buồn sủa, từng mảng xương sườn của nó nhô ra thật quái dị. Còn bà Onta thì đang ốm nặng nằm hấp hối. Bên cạnh đứa con gái nhỏ đang khóc lóc thảm thương, nước mắt giàn giụa. Bà Onta bị bệnh xương khớp đã lâu nhưng do không được chữa trị nên ngày càng trở nặng. Mùa tuyết năm nay, gió mạnh và tuyết dày nên bệnh của bà Onta trở phát mạnh hơn. Ông Ihara đã mời rất nhiều đại phu nhưng cũng không khiến bện tình thuyên giảm.Ông và cô con gái nhỏ  giờ chỉ biết cầu mong vào sự màu nhiệm của thần linh. Thật sự hết cách rồi sao? Tai họa liên tiếp đổ xuống gia đình Ihara mà không có cách nào chống đỡ nỗi, mọi người trong làng cũng thật sự hết cách. Mọi lời động viên, an ủi cũng không còn là liều thuốc tinh thần hữu ích với họ trong hoàn cảnh này. Chỉ có phép màu, chỉ có niềm tin mới có thể giúp gia đình ông Ihara  lúc này. Và thực sự phép màu có đến với gia đình họ. Chúng ta cùng chờ xem nhé!