“Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là đôi nghệ sĩ tài hoa làm nên tên tuổi của nhau qua dòng nhạc Trịnh một thời làm khuấy động hàng triệu con tim người nghe qua các giai đoạn lịch sử như dầu sôi lửa bỏng của dân tộc.”

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, mỗi người sở hữu một tài năng: Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ với dòng nhạc trữ tình lãng mạn; Khánh Ly thì có chất giọng của nhạc Trịnh –  cho đến nay khó có người thể hiện trọn vẹn như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mong muốn. Với chất giọng đục và mộc, Khánh Ly hát với tâm thế trải lòng cùng ca khúc, chị đã gặt hái được thành công và ghi dấu ấn sâu đậm vào lòng công chúng nghe nhạc trước năm 1975 qua dòng Tình ca và Phản chiến của Trịnh Công Sơn, chị như chiếm lĩnh ngôi thứ mà lớp trẻ bây giờ khó có ca sĩ nào sánh bằng, do chị có lợi thế hơn hẳn các ca sĩ khác về chất giọng thích hợp và được Trịnh Công Sơn dìu dắt cho cách hát và phó thác hát mọi ca khúc mà ông sáng tác.(….)

Ngày nay có rất nhiều ca sĩ trẻ đã hát dòng nhạc Trịnh thành công và thất bại đều có, sự thành công thì chỉ một vài bản hợp giọng nào đó, nhưng để hát chuyên về dòng nhạc Trịnh thì chưa thấy ca sĩ nào nối gót theo Khánh Ly. Người ta tranh cãi liệu chị Khánh Ly đến tuổi về trời thì lẽ nào không có người thể hiện được nhạc Trịnh hay sao?

Có nhiều ý kiến cho rằng ca sĩ trẻ ngày nay thể hiện nhạc Trịnh có hồn hơn các ca sĩ đàn chị đàn anh qua cách nhìn mới về thời đại mà họ đang sống. Đúng là vậy – ca sĩ trẻ ngày nay thể hiện với tâm thế của người trẻ sống trong thời đại internet, giao lưu về văn hóa âm nhạc trên hành tinh chỉ cần cái nhấp chuột là có đủ: phong cách mới mẻ và cá tính thời đại cũng lây lan nhanh chóng qua dòng nhạc thị trường… Một phong cách mới hấp dẫn thì dễ dàng gây được sự chú ý về tên tuổi kể cả ngoại hình và thời trang, đây là nền tản của sự làm nên tên tuổi của các ca sĩ sau này, không những hát bằng chất giọng mới mà còn biểu hiện phong cách và cá tính âm nhạc độc đáo để khác với mọi người và phù hợp thời đại mới. Một điều thấy rõ là các ca sĩ trẻ ngày nay muốn thể hiện khác người, mong tạo sự chú ý nên thường lạm dụng kỹ thuật hòa âm và thanh nhạc hoặc  tự mình làm mới lấy mình. Nhìn chung thì chú ý phong cách độc lạ của mình hơn là thể hiện đúng tinh thần nội dung bản nhạc mà người nhạc sĩ đã trăn trở làm nên nó với một tâm thế của cái tôi tình cảm riêng tư, nên có nhiều ca sĩ trẻ đã thất bại khi thể hiện dòng nhạc Trịnh mà đàn anh chị mình đã thành công ít nhiều để có tên tuổi với thiên hạ.

Dòng nhạc Trịnh dễ hát, nhưng hát để thành công thì rất khó. Có lẽ lớp ca sĩ thuộc thế hệ con cháu sau này, không được may mắn như chị Khánh Ly là được Trịnh Công Sơn cầm tay chỉ việc, nên muốn thể hiện trọn vẹn một ca khúc của Trịnh là khó, vì chính như chị Khánh Ly có lần thố lộ trên sóng ti vi là chị hát có bản chị chưa hiểu hết ý của tác giả nhưng vì gần gũi Trịnh Công Sơn, chị hiểu tâm tư tình cảm của ông nên chị thể hiện ca khúc nào cũng rất thành công. Nhạc Trịnh có bài dễ hiểu và cũng có bài có những câu đoạn khó hiểu đan xen nhau, ý tứ ca từ đôi khi không liền mạch đã làm cho ca sĩ cảm thụ một tác phẩm chưa thật trọn vẹn, khó đặt hết tình cảm của mình vào giai điệu lời ca, vì vậy khi thể hiện ca khúc không chạm đến tình cảm của người nghe nhạc Trịnh thuộc hàng khó tính, vì họ đã từng mê giọng ca nồng nàn tình ái của chị Khánh Ly một thời khuấy động hàng triệu con tim.(…)

Dòng nhạc Trịnh không phải là dòng nhạc thị trường mì ăn liền thuộc đơn đặt hàng của các ca sĩ ngày nay, trái lại, nó được sinh ra từ một con người xứ Huế thâm trầm và sâu sắc về đời sống tình cảm, về thế giới quan và nhân sinh quan của một tác giả có trí tuệ; ông có những triết lý thâm sâu về đạo và đời, sinh và tử, về lòng yêu thương con người và yêu thương đất nước của mình một thời khói lửa.(…)

Có người cho rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác đơn điệu về thể loại, ca từ thì chỉ quanh quẩn mây mưa sương khói mơ hồ…Và họ đã nói đúng với góc nhìn cá nhân cuả mình. Tuy nhiên, nếu như Trịnh Công Sơn sáng tác đủ thứ chủ đề, đủ thứ thể loại nhịp điệu từ: slow, boston đến bolero, twist…nhằm phô trương tài năng đa dạng của người nghệ sĩ, chắc chắn không có Trịnh Công Sơn như ngày nay, và người yêu nhạc của ông không phải gắn cho ông đủ thứ nhãn hiệu và thế giới cũng không biết đến ông như google đã vinh danh vì sự cống hiến đặc biệt của ông về âm nhạc mà người ta cho rằng là đơn điệu. Thực ra không ai có quyền bắt người nghệ sĩ phải thế này thế nọ theo ý riêng của mình. Người nghệ sĩ khi sáng tác là đặc ân của nhiều điều huyền bí mà tạo hóa đã cố ý ban phát cho họ khác người. Và cuộc đời này có đẹp hay không là một phần do những người nghệ sĩ làm nên.(…)

Hiếm khi một ca sĩ thể hiện được tất cả những dòng nhạc từ trữ tình đến sôi động, vì vậy có ít ca sĩ thành công ở dòng nhạc Trịnh chỉ để có tên tuổi với thiên hạ, sau đó thì hát chuyên về dòng nhạc sở trường của mình, và cũng có ca sĩ hát nhạc Trịnh để thử sức ở thể loại khó hát,vv…

Có một lần xem chương trình “Solo cùng Bolero”, ca sĩ Nguyễn Chánh Tín làm giám khảo khách mời đêm hát dòng nhạc Trịnh, ông nói: “Có lần ông hát nhạc Trịnh Công Sơn, vừa bước xuống khán đài, Trịnh Công Sơn vẫy tay gọi lại nói: “Nhạc của anh đâu có hát luyến láy mà sao em hát có luyến?”

Có người cho rằng hát nhạc Trịnh rất dễ, chỉ cần đặt hết trái tim vào bài hát và hiểu ý đồ của tác giả đã viết ra nó trong một tâm thế và bối cảnh ra sao là sẽ thành công; nhưng không riêng vì nhạc Trịnh, bất kỳ thể loại nhạc nào thì người ca sĩ dễ dàng thành công và chạm đến trái tim người nghe là biết đặt hết tình cảm của mình vào bài hát và thấu hiểu ca từ và tình cảm của tác giả. Người ta cũng cho rằng hát nhạc Trịnh thì chỉ cần giọng ca mộc và chân, không cần phải quá điêu luyện, ca theo thể loại tự sự, nói kể về tình cảm của mình cho mọi người nghe là như thế nào, không cần phải biểu diễn cơ thể hay khoe giọng lên cao xuống thấp quá đà…Một người có học thanh nhạc thì thường giọng khỏe khoắn, cột hơi vững,…nên có thể hát bất kỳ một thể loại nhạc nào, tuy nhiên từng thể loại nhạc đều có cách hát khá khác nhau, vì vậy không thể áp dụng tùy tiện. Nhiều ca sĩ khi hát nhạc Trịnh đã lạm dụng quá nhiều kỹ thuật thanh nhạc nên khó chạm đến tình cảm của người nghe. Hát gào, hát nức nở, hát bi hát buồn,…đôi khi chỉ là sự cố ý của ca sĩ muốn thể hiện trạng thái tâm lý của mình qua cung điệu ca từ, chứ không hẳn là sự rung động thật sự của con tim người hát nó – vì hát là truyền cảm xúc từ người hát đến người nghe một cách chân thành nhất.

Ngày nay cùng một dòng nhạc lại có hai trường phái hát khác nhau: hiện đại và cổ điển, phái nào cũng có cái hay riêng, cũng ghi được dấu ấn vào lòng người nghe, thường thì giới trẻ thích hát hiện đại là có gì đó tươi mới và gần gũi với tâm thế thời đại trẻ; giới lớn tuổi thì thích hát cổ điển nghe sâu lắng dạt dào hơn. Tuy nhiên việc làm mới ca khúc nhạc Trịnh chỉ hạn chế ở ít bài nhạc có thể thay đổi được chút ít tiết tấu để khoe giọng khoe hơi, khoe cái mới mẻ của thời đại, nhưng đa phần nhạc Trịnh không thể làm mới hoàn toàn, nếu có mới thì mới ở giọng ca trẻ khỏe khoắn hoặc làm mới ở phối khí hòa âm cho nghe bắt tai với những âm hưởng thời đại; không riêng vì nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Phạm Duy,…khó mà hát mới hoàn toàn cho được, vì thể loại âm nhạc của các lão tiền bối trứ danh này đã được định hình từ trước 1975, nó đã ghi dấu ấn vào lịch sử âm nhạc về cách hát cách thể hiện như một dòng nhạc cổ điển đặc trưng, cũng như dòng nhạc trẻ ngày nay cũng đã ghi dấu ấn vào tai nghe giới trẻ, đó là sự tươi mới sôi động….

 Giai điệu nhạc Trịnh đẹp và thư thả: lời và nhạc như hình với bóng, vì hình nào thì bóng đó, không thể thay hình mà giữ bóng, thay bóng giữ hình…, vì “hình và bóng” là con người của Trịnh Công Sơn, ông là người sâu sắc sống cổ điển thì không thể bắt ông giả vui giả náo động như tuổi trẻ ngày nay. Nhạc của ông mang nhiều triết lý: về cái tôi, về sinh tử, về cuộc đời,…thì không thể hát một cách tùy tiện sẽ làm mất đi bản sắc âm nhạc độc đáo của ông; vì vậy có những ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh chỉ mong để làm mới làm lạ, thấy xuất hiện trên sân khấu lần đó rồi biến mất và cái tên ca sĩ cũng khó mà nhớ. Người ta cho rằng nhạc Trịnh rất kén người hát, nên chị Khánh Ly mới độc nhất vô nhị !

Ai là người kế thừa chị Khánh Ly ?

Kế thừa chị Khánh Ly để hát thành công nhạc Trịnh thì có rất nhiều ca sĩ trẻ lớp sau này như Hồng Nhung,….Điều khó với ca sĩ trẻ đó là tâm thế đương đại mà hát tâm thế cổ điển, tâm tư tình cảm của người trẻ sống trong thời đại của bác gu-gồ thì rất khác với thời bác Trịnh Công Sơn còn đánh máy chữ, xài điện thoại dây,…cái nữa là ca từ của Trịnh Công Sơn có bài bảng lảng sương mai của bài thơ “khổ đọc”, hoặc một bức họa trừu tượng khó hiểu, nên khó bắt được ý chính của tác giả để tìm cách thể hiện cho đúng cung bậc tình cảm – vì khi ca sĩ hát là phải biết tình cảm của bài hát nói cái gì thì ca sĩ mới thể hiện được trọn vẹn, nếu không thì như ca thuộc lòng hay ca trả bài. Một số ca sĩ trẻ đã định hình lối hát đương đại quen thuộc, khi chuyển sang hát dòng nhạc Trịnh để thử sức thì hát có chút gào thét nhằm thể hiện sự đau thương tiếc nuối; luyến láy phiu bay thể hiện cảm xúc dâng trào; hát to hát nhỏ quá mức,vv…, cốt là “hát cách tân, hát phá cách” để thể hiện một tình cảm mới của thời đại, nhưng không đúng tâm tư tình cảm của tác giả, vì ca từ của Trịnh Công Sơn thường là một bài thơ hay và cấu trúc ca từ đôi khi rất lạ về ngữ nghĩa, thơ thì phải hát nhẹ nhàng truyền cảm của thể thơ, không thể hát sôi nổi như ngôn ngữ giao tiếp thông thường một cách tự do. Nếu như nhạc Trịnh hát gào hát thét, hát luyến láy phiu bay từ bản nhạc đầu tay là “Ướt my” thì Trịnh Công Sơn sẽ không có tiếng tăm như bây giờ.

Đặc biệt là nhạc Trịnh Công Sơn được chuyển từ nhạc có lời sang nhạc không lời do các danh kèn saxo như Quyền Văn Minh, Trần Mạnh Tuấn, hay các danh cầm guitar chơi theo phong cách nhạc Trịnh thì nghe rất hay, và rất hiếm nhạc sĩ có nhiều giai điệu đẹp để chuyển sang không lời như Trịnh Công Sơn.

Có thời cho rằng Nhạc vàng ở miền Nam hát sướt mướt, hát như không còn sức sống của kẻ yêu đương…Thời đó, các ca sĩ hát có khác hơn bây giờ rất nhiều: họ hát tự nhiên như kể chuyện và giọng điệu nghe rất rõ ràng, không uốn éo lã lơi và nghe rất chân tình, người nghe như cảm được trái tim của mình thật sự rung động qua lời ca tiếng hát của các ca sĩ. Thời đó rất ít ca sĩ, nhưng ca sĩ nào khi cất giọng thì nghe rất truyền cảm và nồng nàn sâu lắng, người nghe có thể yêu mến tất cả các ca sĩ mà họ đã một lần nghe qua và không fan cuồng… Đặc biệt là mỗi ca sĩ đều có giọng hát rất riêng và khi cất lên thì biết đó là: Thanh Tuyền, Duy Khánh, Chế Linh, Nhật Trường, Lệ Thu,….vì họ hát giọng thật của trời cho, không sửa không giả giọng, không sử dụng quá nhiều kỹ thuật thanh nhạc, kỹ thuật lọc tiếng lọc âm như bây giờ. Ngay nay các ca sĩ có giọng hát trung bình sẽ trở thành hát hay khi qua các công đoạn xử lý kỹ thuật: nghe hát na ná giống nhau (máy hát một phần), phong cách biểu diễn cũng na ná, ăn mặc cũng na ná và rất thời thượng như nhau, vì vậy để nhớ giọng thật của một ca sĩ là hơi khó. Một điều thừa nhận là ca sĩ trẻ ngày nay rất tài năng, phong cách rất mới và rất sôi động và không thua gì nước ngoài (…)

Những năm dòng nhạc Bolero rộ lên trong nước, các ca sĩ thường làm mới lối hát để cho khác hơn các anh chị đi trước nhằm tránh mang tiếng bắt chước, vì có nhiều cuộc thi ca nhạc các giám khảo thường hay bắt lỗi thí sinh: là giọng của em sao giống Mạnh Quỳnh, Phi Nhung,….như vậy là không được, dễ bị đánh rớt lắm. Giám khảo yêu cầu thí sinh phải hát khác và mới hơn. Cái này hơi bị khó ! Trừ trường hợp thí sinh cố bắt chước giọng điệu ca sĩ nào đó, nhưng nếu đó là giọng ca bẩm sinh của thí sinh thì sao?(người giống người, giọng giống giọng là bình thường). Hay ở cuộc thi hát nhạc trẻ cũng vậy, qua một vòng thi hát thì giám khảo cố moi ra cho được cái lỗi hát không mới và hát giống ca sĩ này nọ, nên nhạc ngày nay đôi khi nghe rối bù cào là không phải lỗi ở các thí sinh mà còn ở giám khảo thích làm mới và khuyến khích các thí sinh, họ làm cho thí sinh sợ rớt nên tìm đủ mọi chiêu trò mới mẻ để thể hiện cho có phong cách riêng thì mới lấy lòng được giám khảo (…).

Những năm gần đây, các ca sĩ lão luyện của dòng nhạc trữ tình Bolero từ hải ngoại trở về sinh hoạt văn nghệ như: Danh ca Phương Dung, Họa My, Giao Linh….đã định hình lại dòng nhạc Bolero theo phong cách cổ điển khi tuổi trẻ hát và nghe dòng nhạc bình dân này ngày một nhiều.

Nếu cái đà đổi mới áp dụng vào nhạc Trịnh Công Sơn thì ông Trịnh có thể kiện ra tòa: vì ca sĩ Nguyễn Chánh Tín chỉ mới phiu một chút “luyến” mà ông đã gọi lại nhắc nhở là nhạc của ông không nên hát luyến láy tùy tiện. Trịnh Công Sơn viết nhạc là để nói lên cái tôi của ông, nên nhạc của ông thường không có luyến láy ở cuối mỗi câu nhạc, vì luyến láy có thể là sự điệu đà không tự nhiên, không hợp với tâm tư tình cảm sâu kín của ông, vì ông viết cho ông, không viết theo đơn đặt hàng.

Mỗi thể loại âm nhạc đều có cách phối khí phối âm khác nhau, chị Khánh Ly hát nhạc Trịnh thường thì đệm bằng hai cây guitar thùng, tiếng đàn mộc trung thực và gần gũi với giọng ca mộc và đục của chị Khánh Ly, người nghe cảm sâu ở tiếng hát rất nhiều vì không bị chi phối quá nhiều tiếng nhạc réo rắc của loại nhạc cụ điện tử. Ngày nay người ca sĩ hát thường nhờ vào công nghệ âm thanh giúp tiếng ca của ca sĩ trở nên tốt và hay hơn, dù kỹ xảo âm thanh có là đỉnh cao thì không thể tạo ra cung bậc tình cảm của người ca sĩ một cách chân thật nhất, vì người nghe rất thính tai và nhạy cảm, họ biết chắt lọc cái nào thật cái nào giả, nếu có hay thì chỉ hay về phần hòa âm kỹ thuật, chưa hẳn hay ở giọng ca tự nhiên và truyền cảm.

Cuối cùng theo thiển ý: Người hát nhạc Trịnh không nên lạm dụng kỹ thuật thanh nhạc quá mức, không phiu bay luyến láy như ở các dòng nhạc khác, hát tự sự và đặt hết tình cảm vào bài hát. Nếu làm mới cho có tính trẻ trung thời đại thì cũng tùy bài và ít thôi, thì sẽ dễ dàng chạm đến tâm tư tình cảm của người nghe, và chắc chắn sẽ không thua chị Khánh Ly, sẽ thay thế ngôi vị của chị là điều tất nhiên trong nay mai. Và ông Trịnh Công Sơn cũng không phải nhắc nhở như ông đã nhắc nhở danh ca Nguyễn Chánh Tín – nam ca sĩ đã một thời làm rung động trái tim người nghe qua dòng nhạc trữ tình của Sài Gòn./.

Phan Thanh Tâm