Dường như những thi sĩ khi sáng tác đều có thơ nói về trăng (ít nhất là một  bài thơ hay một lần trong thơ nhắc đến trăng). Hình ảnh trăng đi vào thơ ca đã trở nên quen thuộc, trở thành cái đẹp, cái cao thượng trong tâm hồn. Trong thơ Hồ Chủ tịch, chúng ta tìm thấy có nhiều bài thơ (không kể Thư Trung thu gửi các cháu thiếu nhi) có hình ảnh trăng xuất hiện. Đó là những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù và những bài thơ làm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. 

      Trong thơ Bác, chúng ta thấy sự xuất hiện của ánh trăng thật phong phú, đầy màu sắc, sinh động. Hầu hết những bài thơ của Người có hình ảnh trăng đều là những bài thơ đặc sắc.  Trước tiên, chúng ta tìm hiểu trăng trong thơ Người trong tập thơ Nhật ký trong tù.

       Trăng chính là bạn thơ, là nguồn cảm hứng sáng tác và là tri kỷ của Bác:

        “Trong tù không rượu cũng không hoa

        Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

        Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

        Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

                                      (Ngắm trăng)

        Ở đây, trăng và người thật đồng điệu, có sự tương quan khắng khít. Nhưng với tâm trạng của người mất tự do, buồn cho niềm khát vọng chưa thành, Bác bày tỏ tâm sự: 

        “Trăng gió đêm Thu gợn vẻ sầu

         Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt

         Lòng theo vời vợi mảnh trăng Thu”

                                         (Trăng thu)

        Bác coi trăng như là hình ảnh lý tưởng để vươn tới. Lúc bị lính áp giải, tay chân bị xiềng xích, tưởng không còn để ý gì được đến thiên nhêin, vậy mà bằng những rung cảm thật nhạy bén của tâm hồn người nghệ sĩ, Bác Hồ vẫn có cái nhìn mới, đẹp đẽ về trăng:

       “Gà gáy một lần đêm chữa tan

       Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn”

                                              (Giải đi sớm)

       Một đêm lạnh trằn trọc, không ngủ được, Người thấy:

       “Khóm chuối trăng soi càng thấy lạnh”

                                                (Đêm lạnh)

       Cảm nhận của Bác thật chính xác, độc đáo. Ai đã từng thức nhìn khóm chuối đêm trăng thanh đầm đìa sương lạnh cũng đều phải thừa nhận đó là một câu thơ tinh tế, sống động mà rất gợi tả. 

       Một lần khác, Bác bỗng thấy:

       “Trên trời trăng lướt giữa làn mây”

                                        (Đêm thu)

       Giữa bốn phía xà lim lạnh lẽo, đau đớn, Hồ Chí Minh, nhà thơ chỉ biết bầu bạn với trăng và mượn trăng để giãi bày tình cảm, xoa dịu nỗi niềm. Trăng trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh là biểu hiện của khát khao vươn tới tự do, tự tại, bay khắp thế gian để tỏa sáng.

       Với Bác, những năm tháng sống ở Việt Bắc là những năm tháng có nhiều kỷ niệm đẹp về trăng.

      “Tiếng suối trong như tiếng hát xa

       Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

       Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

       Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

                               (Cảnh khuya)

       Bác và trăng quyện hòa vào nhau, hư mà thực. Bài thơ đẹp như một bức tranh, vừa giàu hình ảnh vừa giàu âm thanh, trong sáng và thanh cao vô cùng, tạo cho người đọc những cảm xúc thẩm mỹ dạt dào, sảng khoái.

       Có một điều đặc biệt là những bài thơ trăng được Bác sáng tác trong hai năm: năm 1948 và năm 1949, mặc dù đang chiến tranh nhưng trăng ở trong thơ Người vẫn đầy ấp thơ mộng. Đó là vào dịp rằm tháng Giêng, trăng hiện lên lồng lộng. Rằm xuân, sông xuân và trời xuân lồng vào nhau tràn đầy thuyền trăng:

        “Rằm xuân lồng lộng trăng soi

        Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

        Giữa dòng bàn bạc việc quân

        Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”

                                         (Rằm tháng giêng)   

      Đó còn là lúc trăng vấn vít, làm thi vị thêm “việc quân”, mở ra cảm xúc bồi hồi trước tin thắng trận:

      “Trăng vào cửa sổ đòi thơ

      Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau.

      Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu

      Ấy tin thắng trận Liên khu báo về.”

                                (Tin thắng trận)

      Hoặc trong bài Đối trăng, hình ảnh trăng cũng quấn quýt bên Bác trong niềm vui chiến thắng sau một trận chiến:

      “Ngoài sân trăng rọi cây sân

       Ánh trăng nhích bóng cây gần trước song

       Việc quân, việc nước bàn xong

       Gối khuya ngon giấc bên song trăng dòm”

       “Trăng rọi cây sân”, “Ánh trăng nhích bóng cây”, cách dung từ ngữ của Bác thật đắt. Sự quan sát của Người thật tỷ mỉ, ý thơ bút gợi nhiều liên tưởng.

       Và đây nữa, ánh trăng xuất hiện thật đẹp, lãng mạn trong bài Đi thuyền trên sông Đáy:

      “Dòng sông lặng ngắt như tờ

      Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo”

      Giữa “Bốn bề khung cảnh vắng teo, chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan”, Bác để cho trăng hiện ra thật động. Sao thì cứ muốn đưa thuyền chạy nhanh, mà thuyền thì cứ muốn đợi chờ trăng theo. Cái lô gích trong đời sống với lô gích trong hình tượng thơ vun vén cho nhau, làm giàu trí tưởng tượng của người đọc. 

        Có thể thấy, qua những bài thơ viết về ánh trăng của Bác, chúng ta cảm nhận: Bác Hồ là người rất yêu phong cảnh, mến thiên nhiên, đặc biệt là trăng. Trăng trong thơ của Hồ Chí Minh có những sắc thái mới mẻ, không giống như trăng trong thưa xưa và trăng gắn với nội dung quan điểm thẩm mỹ mang tính khoa học, cách mạng của Người. Trăng là một hình tượng có ý nghĩa quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang và trong sự nghiệp sáng tác văn chương của Bác.