“Hình tượng Godot trong vở kịch Trong khi chờ đợi Godot
của Samuel Beckett từ góc nhìn văn hóa – tôn giáo”
.
Trong vở kịch Trong khi chờ đợi Godot của S. Beckett, cái tên Godot được nhà viết kịch nhắc đến rất nhiều lần qua những cuộc đối thoại của hai nhân vật Estragon và Vladimir. Tuy nhiên cuối cùng Godot lại không xuất hiện như sự mong chờ của Estragon và Vladimir trong tác phẩm cũng như trong sự mong chờ của độc giả. Toàn bộ tác phẩm ngoài việc đợi chờ, không có một điều gì khác phát sinh, vì thế vở kịch khiến cho độc giả liên tưởng đến sự vắng mặt của một Đức Chúa trời trong niềm tin tôn giáo của con người. Cái tên Godot trong tác phẩm mang tính đa nghĩa và tạo cho tác phẩm nhiều nghĩa biểu tượng.
.
src=http://i90.photobucket.com/albums/k241/worldsgreatestsinner/WaitingforGodot_zps0dae4617.jpg
.
Để hiểu tác phẩmcó thể căn cứ vào tên của nhân vật: Godot là biến âm của từ God có nghĩa là Chúa trời, Thượng đế. Điều đó mang lại cách lí giải mới mẻ cho vở kịch. Vở kịch chính là sự phác họa khôi hài về sự chờ đợi vô vọng của con người đối với một Đấng tối cao, một vị Chúa trời. Tác phẩm  thể hiện khát vọng tìm kiếm chân lí, đức tin của con người.
Trong vở kịch, hình tượng Godot được hai nhân vật nhắc đến như một vị Cứu tinh mà khi Godot xuất hiện thì tình trạng của họ sẽ được cải thiện. Theo lời của nhân vật thì lúc Godot đến cũng là lúc họ sẽ được “no bụng” và ngủ trên “đống rơm ấm áp” trong nhà của ông ta. Có nghĩa là Đấng cứu tinh ấy xuất hiện thì họ sẽ rũ bỏ được kiếp sống rách rưới thảm thương của hiện tại và sẽ đi đến một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc. Tình thương của Godot sẽ cứu vớt cuộc đời họ. Nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng của nhân vật Estragon và Vladimir mà thôi. Sở dĩ Godot không đến là vì Đức Chúa ấy cần kéo dài thời gian để thử thách niềm tin của con người. Niềm tin và sự hi vọng là cần thiết để con người tìm đến cái đẹp tuyệt đối mà ở đây Đấng Cứu tinh Godot là biểu tượng của cái đẹp đó.
Có thể nói hình ảnh nhân vật văn học xuất hiện như một Đấng cứu tinh không phải xa lạ với độc giả, Jean Van Jean cũng từng đựơc V. Huygo miêu tả trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” như một Đấng Cứu tinh – một con người mang tấm lòng nhân hậu như Chúa trời, đối lập với tên ác thú Giave – một kẻ tàn ác hơn ma quỷ. Và khoảng cách xa hơn nữa đối với văn chương hiện đại thì hình tượng Đấng cứu tinh chính là các vị thần tiên, các ông bụt trong văn học dân gian đã đem lại hạnh phúc cho những người bất hạnh. Đến thế kỉ XX, chúng ta tưởng rằng: “Thượng đế đã chết” như Nitzcher đã tuyên bố, hay như lời Fitzgerald đã nói: thế ki XX là thế kỉ mà “vị Chúa toàn năng đã chết, chiến tranh đều đã kết thúc, tất cả những hy vọng của con người đều bị lừa đảo”. Nhưng không, thượng đế vẫn tồn tại, con người vẫn còn hi vọng vào một Đấng Cứu tinh xuất hiện – đó là Godot trong kịch của S. Beckett.
Điều đặt ra ở đây là tại sao con người lại mong chờ Đấng Cứu tinh mãnh liệt đến vậy. Sở dĩ lòng tin đó không thể dập tắt vì nó thuộc về tâm linh con người. Từ lâu con người đã sống với một đức tin thiêng liêng.Dù có phải đánh đổi cả cuộc đời để chờ đợi thì con người vẫn không nguôi đi sự chờ đợi, dù mòn mỏi ê chề nhưng họ vẫn chờ đợi. Các nhân vật Estragon và Vladimir trong vở kịch là đại diện cho nhân loại với niềm tin thiêng liêng. Từ đó tác phẩm này đã khích lệ niềm tin và hi vọng của con người. Tác phẩm nhờ đó mà vẫn mang ý nghĩa tích cực.
Trong lịch sử tôn giáo, con người (ở đây cụ thể là dân tộc Do thái – dân của Chúa lựa chọn) phải chờ đợi cả một thời gian kéo dài suốt thời Cựu ước cho đến thời Tân ước mới được đón nhận sự giáng sinh của Đức Chúa để cứu độ họ. Và để đón nhận hồng phúc Chúa giáng trần thì con người phải trải qua một thời gian thanh luyện tâm hồn lâu dài. Thiên Chúa đòi hỏi con người phải có một tấm áo tinh tuyền của trái tim trong sạch thì mới đón nhận được sự viếng thăm Đức Chúa như lời Kinh thánh đã ghi chép: “Phúc thay ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được thấy mặt Đức Chúa trời” (Tám mối phúc thật – Tân ước)
          Trong vở kịch này, mỗi nhân vật đều có cử động, nhưng không hành động thực sự theo ý nghĩa của hành động kịch, (do tính chất phá huỷ hành động của Kịch phi lí). Như vậy con người ở đây đã không có một hành động nào để có thể được Đức Chúa công nhận và ghé thăm họ. Trong Kinh thánh, thánh Phaolo đã từng nói: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”, đức tin phải đi kèm với hành động. Trong vở kịch, nhân vật chỉ có đức tin (tin là có Godot và Godot sẽ đến) nhưng họ lại thiếu việc làm – thiếu một hành động bày tỏ đức tin. Hành động nói lên niềm tin – tuyên xưng đức tin về sự tồn tại của Godot mà nhân vật phát ngôn cũng phi lí, không rõ ràng (do tính chất phá huỷ ngôn ngữ của Kịch phi lí), vì thế họ thiếu một trong hai điều kiện (đức tin và việc làm) mà Đức Chúa yêu cầu, điều tất yếu là họ chưa xứng đáng được Godot ghé thăm. Có phải vì lí do này mà Godot không đến?
Lí giải việc Godot vắng mặt còn phức tạp hơn nhiều nếu soi chiếu vào Kinh thánh. Tại sao Godot không đến? phải chăng vì tội lỗi của con người quá nhiều. Vết nhơ tội lỗi của con người được cảm nhận qua hình ảnh Estragon và Vladimir với bộ đồ rách rưới, hôi thối và bẩn thỉu trong tác phẩm. Và tội lỗi khủng khiếp nhất là con người phản lại lời Chúa dạy. Đức Chúa dạy con người phải yêu thương nhau nhưng con người lại áp bức bóc lột lẫn nhau. Trong vở kịch này, S. Beckett đã thể hiện tội lỗi đó qua sự nhục mạ của Pozzo đối với Lucky, sự tàn ác của ông chủ đối với đầy tớ, sự vô tình của con người thời đại hàng hoá. Như vậy, Đức Chúa không còn tồn tại được trong xã hội thiếu tình yêu thương như xã hội hiện đại, xã hội đầy những con người tha hoá đạo đức.
Lí do mà lòng từ tâm của Godot không thể tồn tại cũng như việc Godot không đến bắt nguồn từ thực trạng xã hội hiện đại. Trong xã hội khánh kiệt về đạo đức và tình thương thì lòng từ tâm của Godot đem lại hạnh phúc sung sướng với chăn ấm nệm êm cho con người mà Estragon và Vladimir đã tưởng tượng ra sẽ không thể xuất hiện. Con người trở nên xa lạ và không thể hiểu được nhau. Bởi lẽ đối thoại rời rạc trong vở kịch hết sức rối về cấu trúc và không thể hiện tính logic về mặt ý nghĩa nên dù có trò truyện cùng nhau nhưng con người vẫn không thể hiểu được nhau, đó là bi kịch của ngôn ngữ thời hiện đại, khi con người trở nên xa lạ trong mối quan hệ với cộng đồng, mỗi cá nhân không còn thời gian để bồi đắp, chia sẻ tình cảm với cộng đồng mà nếu có thì cũng đã biến thành một quan hệ giao tiếp mang tính hình thức.
Trong vở Trong khi chờ Godot, sự chờ đợi Godot giống như chờ đợi một nhân vật vô hình. Tác phẩm dùng cốt truyện và nhân vật phi lí như vậy đã thể hiện bi kịch của nhân loại. Con người ngoài việc đợi chờ vô vọng thì không còn con đường nào khác; con người đã không thể biết được về vận mệnh của mình, không thể suy tư về tất cả những thứ quanh mình, cho nên, ngoài việc đợi chờ và hành động vô nghĩa như vậy thì không biết làm gì khác. Tác phẩm không có nội dung cụ thể nhưng lại gợi mở nhiều tầng ý nghĩa. Phải chăng sự đợi chờ mù quáng và vô vọng chính là nội dung vởb kịch và ý nghĩa sâu xa của nó chính là sự vô nghĩa của bao nhiêu lần đợi chờ của con người trong cuộc sống. Nhan đề của tác phẩm đã thể hiện một triết lí chua chát: Cuộc sống của con người chỉ là một chuỗi chờ đợi vô vọng, mọi công phu chỉ là dã tràng xe cát mà thôi. Thân phận con người thật bi thảm.
 Tác phẩm vẽ nên sự chờ đợi thảm hại và vô vọng của con người về một Đấng cứu thế. Godot không chỉ là biểu tượng cho niềm tin tôn giáo mà còn là biểu tượng cho mọi thứ tín ngưỡng, mọi lí thuyết huyễn hoặc con người. Những lí thuyết mà con người đã, đang và sẽ tự huyễn hoặc chính mình. Nếu hiểu vở kịch theo ý nghĩa này thì vở kịch trở thành vở kịch tượng trưng cho triết học Hiện sinh phi lí. Con người dù biết sự chờ đợi phi lí và vô vọng nhưng vẫn chờ đợi và nếu thiếu niềm tin thì cuộc sống con người sẽ trở nên vô nghĩa. Niềm tin và hi vọng sẽ giúp cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn, cho dù nó chỉ đóng vai trò là điểm tựa tinh thần để tồn tại.
Nguyễn Thị Kim Hồng
(GV Đại học Tây Nguyên)
 
 src=http://sieuthi1phantram.vn/upload/img/PR0134547_2-cho%20doi%20godot.png

.