Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) đã sinh ra nhiều nhà thơ tài năng viết về hình ảnh người lính Cụ Hồ – một tượng đài đẹp đẽ và đáng tự hào nhất trong nền thi ca dân tộc. Một Nguyễn Đình Thi nổi tiếng với Lá đỏ trữ tình mà hùng tráng; một Hồng Nguyên với thi phẩm Nhớ tràn đầy niềm yêu đời và lạc quan cách mạng; một Chính Hữu thiết tha, giàu lí tưởng cứu nước qua tác phẩm Đồng chí  bất hủ… Tất cả đã làm nên diện mạo phong phú và độc đáo cho giai đoạn thơ ca một đi không trở lại này. Trong số những gương mặt tiêu biểu ấy, Quang Dũng nổi lên như áng mây xứ Đoài mang dấu ấn riêng, không trộn lẫn, nhất là với bài thơ Tây Tiến. Tây Tiến là một trong những thi phẩm hay nhất, xuất sắc nhất, làm nên tên tuổi của nhà thơ, đồng thời được coi là “đứa con đầu lòng tráng kiện và hào hoa của nền thơ kháng chiến”. Bài thơ được viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh khi Quang Dũng đã rời xa đơn vị Tây Tiến một thời gian để đảm nhận công tác khác. Qua tác phẩm này, hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên với tinh thần bi tráng và vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa đã làm xúc động tâm hồn người đọc suốt bảy thập niên qua kể từ khi tác phẩm được đăng đàn giữa làng thơ nước Việt.

Để đáp ứng yêu cầu đánh Pháp giải phóng Tổ quốc, năm 1947, đoàn quân Tây Tiến được thành lập. Phần lớn các chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến là những thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên từ các trường trung học, đại học xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Phạm vi hoạt động của đoàn quân Tây Tiến rất rộng lớn, thuộc các tỉnh phía Tây Bắc nước ta như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình và kéo dài xuống tận miền Tây của tỉnh Thanh Hóa, có cả địa phận Sầm Nứa của nước bạn Lào. Đoàn quân Tây Tiến có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao sinh lực địch. Dù cuộc sống chiến đấu vô cùng gian nan, vất vả trước những đe dọa của thiên nhiên khắc nghiệt và cuộc kháng chiến đầy hi sinh, gian khổ, nhưng những người lính Tây Tiến vẫn vượt lên tất cả, tràn đầy tinh thần lạc quan, yêu đời và luôn thể hiện lòng quyết tâm xả thân vì nghĩa lớn.

Bi tráng là một thuật ngữ mà nội dung của nó được ghép bởi hai từ “bi” và “tráng”. “Bi” gợi tả nỗi buồn đau, bi ai; còn “tráng” cũng là từ Hán Việt nhưng mang nét nghĩa hùng tráng, hùng dũng, thể hiện vẻ đẹp lí tưởng. Vì vậy, bi tráng vừa mang tính chất bi ai, buồn thương vừa có tính chất hào hùng, tráng khí. Nói cách khác, bi tráng mang nét bi thương nhưng không bi lụy mà ánh lên sự hùng dũng khác thường. Vẻ đẹp bi tráng của người lính trong bài thơ Tây Tiến thể hiện ở việc miêu tả hiện thực cuộc đời chiến đấu của người lính nhưng tác giả không né tránh cái đau thương, sự hi sinh, mất mát mà vẫn toát lên vẻ đẹp hào hùng, tràn đầy khí phách hiên ngang. Có thể nói rằng, sự hào hùng và bi thương là hai khía cạnh song hành, bổ sung cho nhau làm nên vẻ đẹp bi tráng, nhờ đó hình tượng người lính Tây Tiến trở nên sinh động, hấp dẫn và đằm sâu trong lòng bạn đọc từ lúc bài thơ ra đời.

Trước hết, chúng ta hãy nói về khí phách hiên ngang, tinh thần lạc quan trước khó khăn gian khổ mà người lính Tây Tiến phải vượt qua. Trên cái nền của bức tranh thiên nhiên miền Tây hoang dã, hiểm trở và khắc nghiệt, luôn luôn ẩn chứa bao tai ương có thể đe dọa đến tính mạng con người. Cuộc hành quân qua đèo cao vực thẳm của người lính quả thật đã làm cho người đọc cảm giác âu lo, khắc khoải đến rợn người: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Suốt cuộc hành quân gian lao ấy, cảnh sốt rét, bệnh tật vẫn luôn rình rập khiến cho đoàn binh Tây Tiến “không mọc tóc” giống như một đoàn nhà sư giữa chốn thâm sơn cùng cốc: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Dữ dội và khốc liệt là thế, nhưng vượt qua tất cả, người lính Tây Tiến vẫn dấn thân, bất chấp hiểm nguy, vượt qua núi cao vực sâu, thú dữ và cả bệnh tật để hiên ngang sống mái với kẻ thù. Núi càng cao thì khẩu súng chạm vào trời xanh mà “ngửi” với khúc ca hùng tráng “đèo cao thì mặc đèo cao/ trèo lên đến đỉnh ta cao hơn đèo”. Ngay cả khi không bước nổi nữa vì dãi dầu mưa nắng, người lính vẫn để lại một hình ảnh bi hùng thấm đẫm chất sử thi: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời/ Chiều chiều oai linh thác gẫm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”. Chính tinh thần yêu nước, lí tưởng chiến đấu luôn ngời sáng trong tâm hồn, người lính đã bất chấp sự sống và tuổi trẻ của bản thân mình để sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc. Có gì đẹp hơn khi Tổ quốc lâm nguy mà được làm người chiến sĩ đi đầu, thắp sáng niềm tin nơi con tim căm hờn rực lửa, chẳng tiếc máu xương, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng như thuở nào Kinh Kha dấn bước sang Tần: “Gió hiu hiu hề, sông Dịch lạnh ghê/ Tráng sĩ một đi không trở về”.

Sự hào hùng là thế, nhưng hiện thực khốc liệt của cuộc kháng chiến dường như đã mách bảo với trái tim nhà thơ Quang Dũng rằng, những mất mát, hi sinh là không thể tránh khỏi. Bằng cái nhìn hiện thực nhưng tràn đầy cảm hứng lãng mạn, tác giả Tây Tiến đã phác họa chân dung người lính thật ấn tượng. Từ sự hi sinh đầy bi hùng ở phần đầu bài thơ khi người lính “dãi dầu không bước nữa/ gục lên súng mũ bỏ quên đời” cho đến hình dáng bên ngoài ngang tàng, lẫm liệt. Phần lớn những người lính Tây Tiến hành quân thật gian khổ lại thêm những cơn sốt rét rừng làm cho da họ xanh xao màu lá, đầu trọc như các nhà sư khất thực. Quả thật, cái bi và cái tráng, sự đau thương và vẻ đẹp hào hùng đan cài vào nhau, tan loãng trong nhau để dựng lên một tượng đài cao đẹp về lòng quả cảm. Đọc bài thơ Tây Tiến, nỗi đau xa xót đến với người đọc chính là hình ảnh những nấm mồ viễn xứ nằm dọc theo biên giới Việt – Lào, không tuổi tên, chất chứa bi thương nơi chiến trường hun hút:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

       Cảm tưởng rằng, ta chưa kịp lau dòng nước mắt khi bắt gặp hình ảnh những nấm mồ rải rác dọc biên cương, đã chợt tuôn dòng lệ thảm khi hiểu được hoàn cảnh hi sinh của người lính Tây Tiến trong buổi tiễn các anh trở về với đất. Giữa chốn biên thùy xa xôi, làm gì có hòm quách, chiếu vải để liệm rồi chôn như cuộc sống bình thường. Chiếc áo người lính mặc lúc hành quân thấm đẫm mồ hôi và máu cũng chính là chiếc áo quan vĩnh viễn theo anh. Tuy cái bi thương đau xót xé lòng ẩn hiện trong khổ thơ, song người đọc vẫn nhận ra khúc tráng ca vang lên qua tiếng gầm thét của dòng sông Mã “độc hành” đang dữ dội băng qua núi cao, vực thẳm làm rung chuyển cả không gian núi rừng.  Dòng sông Mã “gầm lên khúc độc hành” hay đó chính là tiếng thét căm hờn, nỗi niềm ai oán của cả một dân tộc sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”!

Có được vẻ đẹp bi tráng qua hình tượng người lính Tây Tiến là nhờ vào cảm hứng và bút pháp lãng mạn của nhà thơ Quang Dũng. Từng là người tham gia đoàn quân Tây Tiến, hiểu được những gian khổ, hi sinh và cả khát vọng hiến dâng mãnh liệt của “những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng”, nên khi viết về hình tượng người lính, tác giả đã hướng đến những cái cao cả, hào hùng, tinh thần sẵn sàng xả thân cho lí tưởng. Chính cảm hứng và bút pháp lãng mạn đã tạo nên sắc thái bi tráng, kết đọng thành vẻ đẹp mang đậm chất sử thi và lưu dấu sâu đậm trong tâm hồn người đọc.

Chúng ta đều biết, bài thơ Tây Tiến được nhà thơ Quang Dũng viết ra bằng nỗi nhớ thiết tha về đơn vị cũ. Nơi đó, có những người đồng chí, đồng đội một thời gắn bó, sống và chiến đấu cho lí tưởng cao đẹp. Họ là những chàng trai xuất thân nơi chốn Hà thành phồn hoa đô hội, cộng vào đó là vẻ đẹp sáng trong nơi tâm hồn lãng mạn, yêu đời của tuổi mới đôi mươi. Quang Dũng xây dựng hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa cũng chính là phác họa tâm hồn mình một thời trai trẻ. Chính trên cái nền của cảm hứng lãng mạn, qua cái tôi tràn đầy nhớ thương mà hình tượng người lính hiện lên thật hào hoa, lãng mạn. Nỗi “nhớ chơi vơi” về núi rừng vừa hùng vĩ, dữ dội; vừa thơ mộng, trữ tình đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào thi ảnh:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

        Các tên riêng Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát… vang lên ở khổ thơ đầu gợi tả được những không gian xa xôi, heo hút, đồng thời cũng thấy được vẻ bí hiểm và gợi trí tò mò cho biết bao chàng trai vừa xếp bút nghiêng lên đường tranh đấu. Thiên nhiên xa lạ, hoang vắng nhưng để lại bao nhiêu nét đẹp nên thơ khiến cho tâm hồn người lính cũng phảng phất một chút khói sương và phiêu du cùng với vẻ đẹp núi rừng thơ mộng. Có sương dày đặc như chôn lấp cả đoàn quân ở Sài Khao thì cũng có một đêm hơi sương nơi Mường Lát đẹp đến mê hồn. Hình ảnh những đóa hoa nở trong đêm hơi sương mà đoàn quân Tây Tiến bắt gặp khi đi ngang qua đã làm nên vẻ đẹp trữ tình hiếm có. Quang Dũng lãng mạn, hào hoa nên ông phả vào thơ mình bằng cái nhìn của người lính lại càng thêm đẹp. Ôi thiên nhiên miền Tây đã rung cảm biết bao trái tim của những “tráng sĩ hề” “ra đi đầu không ngoảnh lại”. Thiên nhiên ở đây khắc nghiệt nhưng qua cái nhìn của những người lính trẻ lại trở nên thơ mộng vô cùng. Người lính có thể say máu với quân thù nhưng cũng có thể yêu thương và nâng niu một loài hoa đẹp, một bông hoa nở trong đêm hơi sương giữa núi rừng hoang vắng. Có lúc phải vượt qua những ngọn núi cao ngàn thước, để rồi khi xuống được gần bản làng, người lính Tây Tiến thấy tâm hồn mình thật trong sáng, ta như bắt gặp nụ cười rạng rỡ khuất sau làn mưa nhẹ ở Pha Luông xinh đẹp, nên thơ. Hùng vĩ và trữ tình, khốc liệt và êm đềm như đan cài vào nhau tạo nên chất lãng mạn, hào hoa trong tâm hồn người lính. “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” là một câu thơ giàu sức sáng tạo, trữ tình và bay bổng nhờ các thanh bằng (B) liên tiếp nhau, lại được nhìn qua lăng kính tâm hồn vô cùng lãng mạn của một người lính Tây Tiến – nhà thơ Quang Dũng.

Sau một chặng đường hành quân gian nan vất vả, sự kết đọng của tình người vẫn làm cho tâm hồn người lính luyến lưu, trìu mến. Bữa cơm nếp xôi bâng khuâng bốc khói nơi quê em Mai Châu đã khiến cho tâm hồn người lính Tây Tiến không bao giờ quên được. Nó là bữa cơm  ấm áp tình quân dân mà cũng là tiếng lòng mến thương ngân nga nơi trái tim người lính trẻ. Vượt qua bao nhiêu ghềnh thác, núi cao, vực sâu, về đến bản mường thì niềm vui như vỡ òa ra khi được nhìn những cô gái trẻ nuôi quân qua những nắm xôi nghĩa tình thương nhớ. Có lẽ đâu chỉ Quang Dũng rung động mà chính nhà thơ đã nói hộ dùm chút tâm hồn xuyến xao lãng mạn của tất cả, dù một khoảnh khắc ngắn ngủi mà mênh mang nỗi nhớ suốt đời. Nỗi nhớ ấy nồng nàn mãnh liệt để rồi cất lên thành lời thơ tha thiết ân tình: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.

Vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của hình tượng người lính Tây Tiến được tác giả Quang Dũng tiếp tục phác họa qua đêm liên hoan văn nghệ và một cuộc vượt thác trong buổi chiều sương Châu Mộc. Phải nói đây là đoạn thơ tuyệt hay trong bài thơ Tây Tiến. Trong thơ có họa, có nhạc, có thiên nhiên thơ mộng và vẻ đẹp của tâm hồn con người như thăng hoa bay bổng. Đêm liên hoan văn nghệ bừng lên giữa ánh đuốc sáng lung linh qua lăng kính nhớ thương của nhà thơ nên tràn đầy lãng mạn. Hình ảnh những bó “đuốc hoa” thắp sáng giữa núi rừng trong đêm hơi sương hòa trong điệu nhạc núi rừng của đồng bao miền Tây nghe sao mà tha thiết quá. Tiếng khèn réo rắt như mời gọi, luyến thương khiến cho tâm hồn người lính trẻ bồi hồi, xao xuyến. Dáng vẻ e ấp của những nàng thiếu nữ trong điệu múa, lời ca rạo rực khiến cho tâm hồn người lính ngỡ ngàng, mê đắm tưởng chừng như âm nhạc khắp nơi trên trần gian đang về ngự ở Viên Chăn. Hai tiếng “kìa em” vang lên trong sự ngỡ ngàng, mê đắm và say lòng đến không thể nào cưỡng được. Đó là điệu hồn, điệu tình của những chàng trai Hà thành lần đầu nghe được âm nhạc của núi rừng mộc mạc, đơn sơ mà lắng đọng bao tâm tình, cất cao biết bao khát vọng về tình yêu và hạnh phúc. Thật vậy, cảm xúc đích thực, tiếng lòng du dương chỉ được cất lên khi trái tim đã chạm đến bến bờ của thanh âm tình tự, giao duyên mà người lính Tây Tiến mộng mơ, lãng mạn bắt gặp trong đời. Đêm liên hoan văn nghệ nơi biên cương xa xôi đã hóa thành đêm “xây hồn thơ” mơ mộng, hân hoan đầy ắp nghĩa tình quân dân ấm áp. Vâng, chỉ có cái nhìn của nỗi nhớ đến thảng thốt nghẹn lòng, nhà thơ Quang Dũng mới có thể viết được những câu thơ gan ruột, hay đến tuyệt diệu về vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến đến thế.

Sau đêm liên hoan văn nghệ, như để bổ sung thêm vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của người lính Tây Tiến trước bức tranh thiên nhiên và con người miền Tây Bắc, Quang Dũng đã chọn khung cảnh một buổi chiều sương nơi Châu Mộc để nhắc nhớ, gợi về nét đẹp nên thơ làm xao xuyến hồn người. Từ điểm nhìn rất lãng mạn, một buổi chiều êm nhẹ như nhung được mở ra, khói sương bảng lảng, những bè lau trôi dạt khắp nẻo sông về trong mênh mang huyền ảo. Thơ Quang Dũng đoạn này đẹp như một bức tranh cổ điển. Cảnh vật bất giác như bỗng nhòe đi do cách dùng từ ngữ  khá mới mẻ và như có linh hồn của tác giả. Vẻ đẹp của “hồn lau” trong một buổi chiều sương qua cái nhìn của người lính Tây Tiến đã làm cho cảnh vật thơ mộng đến nao lòng:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

       Phải nói rằng, bốn câu thơ trên chữ nào cũng hay, chữ nào cũng gợi. Sau vẻ đẹp của “hồn lau” trôi dạt là bóng dáng con người duyên dáng, uyển chuyển trên con thuyền độc mộc “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Bút pháp lãng mạn của Quang Dũng đến đây đã phát huy tác dụng tuyệt vời, làm cho cái thực hóa thành cái ảo, cái phi lí cũng trở thành cái hữu lí qua cái nhìn mộng mơ và say đắm của hồn người. Hình ảnh “hoa đong đưa” trên dòng nước lũ đã ảo hóa dòng sông đang cuộn chảy để người đọc đắm hồn nhìn theo bóng dáng con thuyền mềm mại lướt đi giữa sóng nước mênh mang giữa một buổi chiều sương Châu Mộc.

Cùng với đêm văn nghệ và cảnh sông nước miền Tây trong bồi hồi thương nhớ, vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của người lính Tây Tiến qua nỗi nhớ về không gian hậu phương hiện lên cũng thật đẹp và nên thơ. Nơi đó là thủ đô hoa lệ một thời gắn bó yêu thương. Nơi ấy bâng khuâng nỗi niềm ngày chia tay lên đường tranh đấu: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Đất nước – Nguyễn Đình Thi). Dường như trong tâm thức của những người lính trẻ, vẻ đẹp của những “dáng kiều thơm” trở thành nỗi ám ảnh không nguôi. Giữa cái bi hùng của cơn sốt rừng già, tóc rụng và làn da xanh xám, giấc mơ lãng mạn về một chân trời kỷ niệm xưa là động lực giúp cho người lính vượt qua muôn vàn thử thách, gian lao: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Quả vậy, những câu thơ thấm đẫm cảm xúc trữ tình trên đây có lẽ cũng bắt nguồn từ điệu hồn lãng mạn, cái nhìn mộng mơ qua lăng kính của nỗi nhớ thương đang tràn ngập trong lòng thi nhân với biết bao bồi hồi, tưởng tiếc. Vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của người lính Tây Tiến thực sự là một phát hiện mới mẻ và độc đáo của nhà thơ Quang Dũng khi viết về hình tượng người lính Cụ Hồ trong giai đoạn thơ ca chống Pháp 1946 – 1954 mà không phải tác giả nào cũng có được.

Cuối cùng, xin được nói đến nghệ thuật xây dựng hình tượng người lính Tây Tiến. Công bằng mà nói, Tây Tiến không những hấp dẫn và thú vị người đọc nhờ vào nội dung tư tưởng của thi phẩm mà còn kết đọng được nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc. Bằng bút pháp tả thực kết hợp hài hòa với bút pháp lãng mạn, Quang Dũng đã thành công khi khắc họa được tinh thần bi tráng và vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của người lính. Bút pháp tả thực giúp cho nhà thơ Quang Dũng không né tránh hiện thực, biết bám sát vào đời sống chiến đấu gian khổ, hi sinh của người lính để dựng lên một tượng đài bất tử về anh bộ đội Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Hơn thế nữa, với một cảm quan lãng mạn của một nghệ sĩ lớn, Quang Dũng nhìn hiện thực qua lăng kính tâm hồn từ nỗi nhớ cách xa đơn vị cùng biết bao nỗi niềm riêng tư sâu kín. Chính điều đó đã giúp cho tác giả có được những câu thơ hay, giàu sức gợi, phản ánh được vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hoa của người lính Tây Tiến.

Bên cạnh sự thành công về mặt bút pháp, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã sử dụng khá thành công các thủ pháp nghệ thuật khác. Việc sử dụng một lượng lớn các từ ngữ Hán Việt, từ ngữ chỉ địa danh cũng đã có tác dụng tạo nên vẻ đẹp cổ kính và giàu chất thơ. Ngoài ra, phép nói giảm, nói tránh trong nghệ thuật xây dựng hình tượng đã phần nào làm giảm nhẹ nỗi đau mất mát, hi sinh trong lòng bạn đọc. Nhờ thế, tinh thần bi tráng đi liền với chất giọng bi hùng; vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa hòa trong giọng điệu thiết tha, sâu lắng đã góp phần làm nên thành công về mặt nghệ thuật khi xây dựng hình tượng người lính Tây Tiến.

Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng là một đỉnh cao của thơ ca chống Pháp. Thi phẩm đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến bằng vẻ đẹp bi tráng và thấm đẫm chất lãng mạn, hào hoa. Đó là những người con ưu tú của nước Việt mến yêu, những tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm. Cũng qua tác phẩm này, sự tài hoa của nhà thơ Quang Dũng đã được khẳng định, đồng thời sẽ mãi khắc sâu trong lòng nhiều thế hệ độc giả hôm nay và cả mai sau.

                                                                                                                               LÊ THÀNH VĂN