/

“Đừng tưởng mọi thứ chỉ tồn tại dưới ánh mặt trời.”
  Phân tâm học, với hệ thống vô thức cùng những giấc mơ nằm ở tầng sâu của kết cấu tâm lý con người, là kho tàng trữ bản năng dục vọng sinh vật của con người, có một sức chứa năng lượng tâm lý mãnh liệt, và là hạt nhân kết cấu tâm lý của con người. Tác giả đã sử dụng môtip giấc mơ trong Phân tâm học với nhiều ý nghĩa khác nhau để giải tỏa những ẩn ất trong tâm linh nhân vật. Mà Hoang tâm lại chứa đựng vô vàn những cơn chấn động, chấn động từ vũ trụ, chấn động từ chiến tranh, chấn động tâm lý,… vì thế con người trong cuốn tiểu thuyết này luôn mang những khát khao vô cùng mãnh liệt về tự do và tồn tại. Mới đầu, có thể nghĩ Hoang tâm là một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về chiến trường K, nhưng sau cùng, khi bước qua những ám ảnh, những biến cố trong cuộc đời nhân vật Anh, người đọc sẽ nhận thấy Con Người với những vấn đề thuộc về nhân bản mới chính là vấn đề trọng tâm của tác phẩm. Khi tìm hiểu về vấn đề “Con Người” trong cuốn tiểu thuyết này dưới ánh sáng của Phân tâm học, sẽ thấy được ý nghĩa nhân bản sâu sắc được ẩn chứa trong từng câu chữ, (chưa nói đến bút pháp) mà tác giả đã dụng công kết cấu.
.
Giấc mơ là một biểu hiện của vô thức trong con người, đó là con đường giải tỏa những ham muốn bị dồn nén, thể hiện bản năng hoạt động theo nguyên tác khoái cảm.  Nhân vật Anh trong truyện mang căn bệnh mất ngủ kinh niên với những ám ảnh sâu sắc từ thời chiến. Ám ảnh đó là một vết thương tinh thần mà anh đã cố lãng quên cũng không thể nào quên, cố thoát ra lại càng bị ám ảnh: “Nó ám lấy đầu óc Anh, hễ có dịp là lại hiện về bủa vây, bóp nghẹt lồng ngực tưởng đã bê tông hóa trước vô vàn những biến cố của cuộc đời”. Bị ám ảnh với những nỗi đau, mang những lo âu về thân phận người,… trong Anh luôn có một khát vọng sống mãnh liệt đến từ bản năng sống với giấc mơ có thể ngủ như một người bình thường. Điều này cho thấy, không phải chỉ có những mặc cảm ấu thơ mới tạo ra sự rối loạn tâm sinh lý ở nhân vật, mà cái xã hội nhiễu thương, bấn loạn cũng đã có một tác động lớn đến đời sống con người. Tác giả đã đặt nhân vật Anh với con người cá nhân trong nhiều mối quan hệ với xã hội (đồng đội, đồng nghiệp, học trò, vợ con…), với tự nhiên (những bông hoa Lòng Hào, cành lan, gốc xoài, con mèo…), với tha nhân (Sa Rết, Vu, Son Phấn…) và ở từng thời điểm khác nhau của cuộc đời để có cái nhìn toàn cảnh hơn về con người đối với tha nhân và bản ngã. Cho đến những lo âu của hiện sinh về thân phận người lính nói chung, thân phân người K, số phận con người trong và sau cơn bấn loạn của xã hội,… cuộc đời của người vợ, cô đồng nghiệp, những đứa học trò,… Giấc mơ ấy được diễn tả một cách rõ ràng cụ thể, gắn kết nhiều không gian và thời gian, đồng thời mang tính huyền nhiệm. Ở đặc điểm này còn cho thấy bút pháp điêu luyện của tác giả trong việc xử lý tình huống truyện, sự tinh tế trong cách kết cấu không – thời gian nghệ thuật… mà người viết xin được trình bày ở một tiểu luận khác. Có thể nói, nhân vật trong Hoang tâm đã vượt ra ngoài số phận, bi kịch cá nhân để hướng đến hiện sinh, cất tiếng nói cho một thời kỳ lịch sử nhiều biến động.
.
Có thể thấy, chiến tranh là thứ kinh nghiệm lịch sử vô cùng rộng lớn, ở đó, bản năng sống sinh trưởng và trỗi dậy, nó tăng tốc và ở chừng mực nhất định, nó có ảnh hưởng đến nhân cách và định hướng những thay đổi về cách nhìn của con người về sinh tồn và “mưu cầu” tự do, hạnh phúc: “Đứng trước cái chết, bản năng sinh tồn trỗi dậy, con người ta có thể làm nhiều điều bất thường lắm…” Sau chiến tranh, đó là lúc bản năng chết chiếm ưu thế với những bằng chứng về sự hủy diệt mà không ai chờ đợi, lúc này, có một sự thoái lui về nhiệt huyết sống mà chủ nghĩa lạc quan, chủ nghĩa khoa học, chủ nghĩa duy lý… không thể lý giải một cách đầy đủ được. Giống như Émile Chartier đã từng nói “một người bị xúc cảm chế ngự thì luôn từ chối cả lí lẽ lẫn thuốc an thần”. Nhân vật Anh trong truyện cũng chịu ảnh hưởng của cái nguyên lý ấy. Bản năng sống và bản năng chết trong Anh được phân định một cách rõ ràng giữa các thời kỳ: thời chiến và hậu chiến. Trong thời chiến, Anh là một chàng lính văn khoa đầy lãng mạn, với những ước muốn mạnh mẽ về tự do và chiến thắng và hòa bình, đó cũng là lý tưởng để anh sống và chiến đấu. Nhưng khi chiến tranh qua đi, chỉ còn lại trong Anh những ám ảnh với vô số những vết thương tinh thần không thể nào chữa lành, điều này được thể hiện qua căn bệnh mất ngủ kinh niên mà Anh đang phải chịu đựng và tìm cách thoát ra. Quá rõ ràng rằng Anh đã bị xúc cảm (những xúc cảm có tính ức chế và ám ảnh ) chế ngự. Cùng với đó là sự “bỗ bã” của xã hội hiện đại mà Anh đã và đang chứng kiến, đấy là lúc bản năng chết trong Anh ở thế thắng, và chống chế lại chính bản thân Anh.
.
Tuy nhiên, giống như lý thuyết mà Phân tâm học đưa ra, thì bản năng sống mới chính là phần quyết định bên trong mỗi con người, chính điều này đã đưa đến hành trình với Cửa Núi, hướng đến hiện sinh để khẳng định tự do và tồn tại. Ngoài ra, nhân vật Son Phấn xuất hiện như một vị thần cứu rỗi cho cái linh hồn tưởng chừng như đã mục nát sau hơn 10 năm mất ngủ của anh cũng là một tình tiết có tính ý hướng của tác giả. Thoạt đầu, tưởng như chỉ có cô giúp Anh thoát ra khỏi căn bệnh kỳ quái đó. Nhưng thật ra, khi cô giúp Anh chữa được căn bệnh mất ngủ kinh niên, giúp Anh xóa bỏ sự cô độc tiến tới, thì đó cũng là lúc cô giúp chính mình tìm lại được cái bản năng sống dường như đã chết lịm, khơi gợi mầm dục trong hai con người đã bị bản năng chết kìm hãm từ lâu. Bên cạnh đó, theo Lý luận cách mạng tâm lý của E. Fromm điều đó còn giúp con người nói chung thỏa mãn nhu cầu thiết yếu nhất của nhân tính. Và phương pháp tuyệt diệu nhất mà E. Fromm cùng loài người đã thực nghiệm thành công đó chính là “cùng với tha nhân xây dựng nên một loại quan hệ yêu thương hòa hợp”.
.
Giấc mơ đã bộc lộ thế giới vô thức, mở ra tầng sâu tâm linh của con người với bao nỗi vui buồn và ẩn chứa nhiều khát vọng. Giấc mơ đó cũng đã vẽ nên một khuôn mặt khác của hiện thực bằng màu sắc của sự huyền nhiệm. Cùng với những khát vọng là những hình ảnh mang tính biểu tượng cho sự sống, niềm vui và hạnh phúc. Bông hoa Lòng Hào lúc này trở thành một biểu tượng nghệ thuật xuyên suốt tác phẩm, đại diện cho sức sống mãnh liệt của những thứ mà người ta cứ tưởng chừng như chỉ có thể tồn tại dưới ánh mặt trời. Đó là những điều kỳ diệu phía sau Cửa Núi, sự tồn tại của tộc người La Mã, người Khi, người Mụ… với những công trình kiến trúc và nếp sống mang đậm dấu ấn văn hóa của bộ tộc. Nguyễn Đình Tú đưa người đọc vào thế giới mộng mị huyễn hoặc mà đầy triết lý của anh. Ở thời đại của nghệ thuật mà hầu hết phục vụ mục đích giải trí này, có mấy người trẻ làm được như anh? Hoang tâm thực sự là một tác phẩm văn chương có giá trị sâu sắc về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Nghệ thuật đích thực phải là nghệ thuật như thế, giống như anh đã nói: “Tâm hồn con người ta vốn dĩ là một bãi bờ hoang lạnh, nghệ thuật là những dòng sông chảy qua, để lại bãi bờ đó những thảm phù sa tươi tốt cho nhân cách mọc lên.
.
Chưa đầy 300 trang sách, nhưng những gì mà Hoang tâm chứa đựng còn lớn hơn cả những điều chúng ta đã thấy, từ lịch sử cho đến thực tại, từ vô thức đến hữu thể… Tất cả đều có sức ám ảnh ghê gớm, khiến người đọc cũng như rơi vào cơn mộng mị của nhân vật Anh. Có thể nói, Hoang tâm được tạo ra từ một giấc mơ dài, và hành trình sau Cửa Núi là hành trình của một giấc mơ, giấc mơ khẳng định tồn tại và khao khát tự do. Chính ở điểm này phân tâm học đã gặp gỡ với chủ nghĩa hiện sinh, cuộc gặp gỡ mang đầy tính nhân đạo, để rồi từ đó về sau con người không còn phải “hoang tâm’’. Điều cuối cùng người đọc tìm thấy sau sự kết hợp đó là cái giá trị về Con Người. Cái giá trị ấy không gì khác đó chính là bản năng sống, là sự khẳng định tồn tại và khát khao tự do. Cho nên, nếu hiện sinh là giá trị uyên nguyên làm nền tảng cho các giá trị khác. Sao không thử, dù chỉ một lần, buông bỏ những suy tính luận lý để tự do chọn lựa… Đừng trách tha nhân và cũng không trách bản ngã.
 Trần Thị Ty