Truyện ngắn “Thư gửi mẹ Âu Cơ” của Y Ban đoạt Giải nhất cuộc thi sáng tác trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1989 – 1990. Truyện để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc bởi đề cập tới những những vấn đề gây sự chú ý của dư luận xã hội Việt Nam những năm đầu sau Đổi mới. Nhưng quan trọng hơn hết là sự thành công trong nghệ thuật kể chuyện của Y Ban. “Thư gửi mẹ Âu Cơ” có một kết cấu mới lạ, độc đáo, mang tính sáng tạo cao.

1. Kết cấu cốt truyện

   Truyện ngắn “Thư gửi mẹ Âu Cơ” của Y Ban là câu chuyện về cuộc đời của người con gái từ những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, vô tư đến quá trình thay đổi trong tâm sinh lí lứa tuổi dậy thì rồi nỗi đau về thân phận. Truyện được nhà văn gói ghém tài tình trong phạm vi của một bức thư. Cốt truyện nằm trong sự sắp đặt dưới hình thức như vậy thật sự đem đến những bất ngờ trong tiếp nhận của người đọc.

   Nét đặc sắc về cốt truyện của “Thư gửi mẹ Âu Cơ” thể hiện ở kết cấu truyện trong truyện. Ta cứ ngỡ tác phẩm chỉ giới hạn trong câu chuyện của nhân vật chính – người con. Nhưng câu chuyện về nhân vật chính mà Y Ban kể được lồng trong hai câu chuyện khác (rất nhỏ, rất ngắn). Đó là câu chuyện của hai bà mẹ (mở đầu tác phẩm) và câu chuyện về mẹ Âu Cơ sinh được 50 người con trai, 50 người con gái (ở cuối tác phẩm). Nhưng trung tâm vẫn là câu chuyện của người con. Câu chuyện trung tâm là sự lí giải cụ thể, rõ ràng cho hai câu chuyện kia. Trong câu chuyện của nhân vật chính còn xuất hiện rải rác, đan xen các câu chuyện về hoàn cảnh, nỗi bất hạnh của những cô gái khác (những cô gái có cùng chung cảnh ngộ, ở phòng bệnh nhân cô-vắc, bệnh nhân vô sinh). Cách sắp đặt cốt truyện như thế đem lại cho người đọc một trường liên tưởng phong phú. Nỗi đau mà những người con gái, những người mẹ đang gánh chịu cứ day dứt, triền miên, chưa có lối thoát. Họ cứ vẫn bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn của số phận đàn bà.

   Các tình tiết trong truyện thường được xây dựng theo hướng diễn dịch, nhất là trong cách miêu tả nhân vật. Nhà văn tái hiện số phận và đời sống nội tâm của nhân vật chính theo hướng kể về kết quả trước. Rồi từ đó kể về những nguyên nhân, lí do dẫn đến kết quả đó. Việc kể của tác giả không vì thế mà nhàm chán, nhạt nhẽo. Ngược lại nó đem đến cho người đọc những ấn tượng sâu sắc. Trong truyện, nhà văn lí giải cho tất cả những nỗi đau của nhân vật chính bằng câu hỏi day dứt “Ai dạy cho mày như thế cơ chứ?”. Câu hỏi ấy xuất hiện năm lần. Mỗi lần câu hỏi ấy xuất hiện là một khoảnh khắc cuộc đời của nhân vật được hiện lên. Đồng thời, đó là lúc người con lí giải cho nỗi đau mà cô đang bị dày vò trong thực tại. Cách kể chuyện của Y Ban thật sự có dụng ý nghệ thuật. Mỗi lần câu hỏi ấy được đặt ra, nhà văn như khơi gợi tính tò mò của người đọc. Đọc để đi tìm nguyên nhân nỗi đau của người con. Nhưng khi câu chuyện khép lại, giá trị của cách kết cấu câu hỏi này lại còn được mở rộng ra. Nếu độc giả là một người con – chắc chắc câu hỏi “Ai dạy cho mày như thế cơ chứ?” sẽ mở ra một trường suy nghĩ khác. Nếu độc giả là một người mẹ – chắc chắc câu hỏi ấy sẽ mở ra một trường suy nghĩ khác nữa. Câu hỏi của nhà văn Y Ban vì thế là một câu hỏi gây ra ám ảnh người đọc. Nhà văn buộc người đọc phải vận động tâm hồn để suy nghĩ, nhà văn làm cho tâm hồn người đọc thật sự được sống.

   Cái ấn tượng trong kết cấu cốt truyện chính là các tình tiết sắp xếp không theo một trật tự nào. Điều này tạo sự tò mò rất lớn đối với độc giả. Rõ nhất là cái đoạn kể về quá khứ tuổi thơ gắn với những lần chuyển chỗ ở. Kết thúc nỗi đau buồn của đứa con gái lần đầu phát hiện những thay đổi trên cơ thể ở lứa tuổi dậy thì là sự xuất hiện của nhân vật anh “chiều anh ấy đem cơm vào cho con”. Nhân vật anh này là ai? Anh làm gì? Anh có mối quan hệ gì với người con – nhân vật chính? Người đọc phải đọc tiếp để giải tỏa được sự hoài nghi về nhân vật anh? Vì người đọc có thể phỏng đoán đây là một trong những nguyên nhân gây ra nỗi đau hiện tại của con gái. Nhưng thông tin về nhân vật anh lại bị gián đoạn vì tiếp theo sau là đoạn kể về nhân vật người con tại phòng cô-vắc gắn với “cái giống lạc loài sao mà nó dai dẳng thế”. Rồi nhân vật người con nhớ lại “đêm tình yêu” của mình – “đó là đêm thứ năm con bị ốm ở xa cha mẹ”, cũng là lúc lí giải cho đứa con bị coi là “lạc loài” trong bụng của cô. Cách kết cấu tình tiết của Y Ban thật sự khó lường và đầy biến chuyển.

   Có thể nói nhà văn Y Ban kết cấu cốt truyện rất khéo! Đôi khi giữa các tình tiết kể về hiện thực – quá khứ – hiện thực, chẳng cần có dấu hiệu từ ngữ nào để thông báo cho người đọc biết. Dường như nhà văn muốn người đọc phải tập trung cao độ để dõi theo sự phát triển của các tình tiết. Một chút lơ là trong tiếp nhận người đọc có thể bỏ qua những điều thú vị. Đoạn đang kể về “đêm tình yêu” của nhân vật người con, nhà văn kết nó lại bằng nỗi thổn thức “Và những đứa con lạc loài thì hay bị ruồng bỏ…”. Và sau đó, mạch kể quay lại với hiện tại gắn với không gian của phòng cô-vắc. Nhà văn liên kết các tình tiết bằng một dấu chấm lửng (…) đầy dụng ý. Dấu chấm lửng ấy có thể là một khoảng lặng trong tác phẩm, tạo khoảng không cho cảm xúc và suy ngẫm của người đọc.

   Trong kết cấu cốt truyện của “Thư gửi mẹ Âu Cơ”, các tình tiết kết thúc câu chuyện cũng thể hiện sự cách tân trong lối viết truyện ngắn của Y Ban. Với cách viết truyện truyền thống, câu chuyện kết thúc có hậu, trải qua những biến cố của số phận, nhân vật thường sống một cuộc đời viên mãn, hạnh phúc. “Thư gửi mẹ Âu Cơ” của Y Ban không khép lại theo lối ấy. Nhân vật người con chẳng những không được an yên nơi tâm hồn mà ngược lại nỗi đau còn tăng lên đến tận ba lần “Con đau nỗi đau của con, và cũng là nỗi đau của người mẹ”, “Còn một nỗi đau nữa mẹ ơi, là nỗi cô đơn con không thể chia sẻ cùng ai”. Kèm theo đó là một sự chất vấn và lên tiếng đòi hỏi “Nhưng bây giờ thì con đòi hỏi: Mẹ ơi, hãy quan tâm đến chúng con, đến nỗi đau của những cô gái, những bà mẹ”. Kết thúc như thế gieo vào lòng người đọc biết bao ngậm ngùi, xúc cảm. Đồng thời, đó còn là lời cảnh tỉnh cho những người mẹ có những đứa con lầm lỡ – hãy biết tha thứ cho con. Văn chương có sứ mệnh thiêng liêng. Nó giúp con người ta sống cho ra con người, biết yêu thương và tha thứ cho nhau. “Thư gửi mẹ Âu Cơ” của Y Ban chính là một tác phẩm văn chương đã làm được sứ mệnh thiêng liêng ấy!

2. Kết cấu thời gian trần thuật

   Các sự việc trong truyện ngắn truyền thống thường được lắp theo trục thời gian tuyến tính, sự việc xảy ra trước kể trước, sự việc xảy ra sau sẽ kể sau. Trong “Thư gửi mẹ Âu Cơ”, Y Ban đã không kể theo lối ấy. Kết cấu câu chuyện của bà theo lối vòng tròn. Truyện được mở đầu bằng thời điểm hiện tại, trở về quá khứ, rồi kết thúc trong nỗi đau của hiện tại. Đó là việc người con – nhân vật chính chứng kiến câu chuyện về nỗi đau trong thực tại của hai ba mẹ. Bà mẹ thứ nhất là một cô gái mười sáu tuổi (vừa bước vào tuổi dậy thì đã vội làm mẹ) và bà mẹ thứ hai là mẹ của cô gái nhỏ kia. Hiện tại cắt ngang ở đó, trả không gian, thời gian câu chuyện cho những tháng ngày của quá khứ. Quá khứ là trung tâm của câu chuyện. Ở đó, nhà văn đưa người đọc khám phá sâu sắc đời sống của nhân vật chính trong các mối quan hệ với hàng xóm, bạn bè; những hoàn cảnh sống khác nhau; những chuyển biến trong tâm sinh lí đứa con gái đang dậy thì, rồi lí giải nguyên nhân nỗi đau mà nhân vật chính đang bị dày vò. Câu chuyện được kể tập trung trong bối cảnh quá khứ này. Vì quá khứ là nơi chứa đựng những biến chuyển có tác động mạnh tới số phận, tâm lí nhân vật trong hiện tại.

   Kết cấu thời gian còn được thể hiện đặc sắc hơn khi tác giả kể về quá khứ của nỗi nhớ. Nhà văn lại một lần nữa sắp đặt các tình tiết không theo trình tự tuyến tính thời gian. Cuộc đời của nhân vật người con được bắt đầu kể trong thời khắc hiện tại (ở phòng của bệnh nhân cô-vắc, rồi kể tuổi thơ gắn với bệnh viện huyện – nơi cha mẹ làm việc, những lần chuyển nơi sinh sống… rồi quay lại hiện thực nơi phòng của bệnh nhân cô-vắc). Điều này giúp khắc họa sâu sắc đời sống nội tâm của nhân vật chính – quá khứ là một nỗi ám ảnh đeo bám tâm hồn. Cách kể chuyện của Y Ban giúp cho câu chuyện trở nên chân thật hơn. Đồng thời, người đọc có thể hiểu nhiều hơn, sâu sắc hơn về hành động, tính cách, số phận, tâm lí… của nhân vật mà nhà văn không cần phải lí giải, thuyết minh nhiều. Cách kể chuyện mới lạ đem đến cho người đọc những thú vị bất ngờ trong tiếp nhận.

   Cái hay của nhà văn Y Ban là trong những khoảng thời gian khác nhau, người đọc lắng nghe được giọng điệu kể khác nhau. Mỗi giọng kể đều góp phần làm rõ đời sống tâm hồn của nhân vật chính – người con. Điều này nhằm thu hút hứng thú theo dõi của độc giả. Đó là giọng điệu hồn nhiên, vui vẻ khi nhân vật người con kể về “một vùng quê êm ả, trù phú”, “Con chỉ nhớ rằng khi mẹ cõng con đến nơi thì đông vui lắm rồi”, “vui ơi là vui”. Rồi giọng điệu chuyển biến, bỗng trầm xuống và đầy tò mò khi người con kể về những chuyện lẽ ra không nên chứng kiến “con tò mò, con băn khoăn và con không hiểu…”, “Ban đêm, cha mẹ mày có cởi truồng không?”. Khi kể về khoảng thời gian chuyển nhà lên phố, gắn với những thay đổi của đứa con gái tuổi mới lớn, giọng kể có phần trách móc và đau đớn “Nhưng tất cả những cuốn sách ấy đều không dạy con cái lần đầu tiên ấy”, “con xấu hổ trào nước mắt”, “giá như là mẹ, mẹ bảo con và hướng dẫn cho con, con đã không gào lên như thế”…Giọng điệu của khoảng thời gian hiện thực lại đầy bẽ bàng “nhưng sau tất cả những cuộc vui con càng cô đơn hơn”, “mẹ, mẹ có hiểu được con chăng?”. Kết cấu thời gian gắn với những giọng điệu trần thuật đa dạng, đầy cảm xúc đã minh chứng cho lối kể chuyện hấp dẫn của nhà văn Y Ban.

   Thời gian trần thuật trong “Thư gửi mẹ Âu Cơ” của Y Ban có sự đan xen, lồng ghép của thời gian hiện tại, quá khứ, hiện tại… Nhưng khoảng thời gian được kể tập trung nhất chính là khoảng thời gian của quá khứ (của tuổi thơ, tuổi dậy thì, những phút giây trong phòng cô-vắc, phòng vô sinh). Khoảng thời gian hiện tại được kể gọn gàng hơn, chủ yếu khai thác những trăn trở, ngậm ngùi, thổn thức trong đời sống nội tâm của nhân vật người con. Từ đó, ta thấy cách kết cấu thời gian trần thuật của Y Ban hoàn toàn không ngẫu nhiên mà là một kì công nghệ thuật, thể hiện một tài năng trong đổi mới cách viết truyện ngắn hiện đại.

3. Kết cấu điểm nhìn trần thuật

   Trong truyện, người trần thuật thường đứng ở ngôi thứ ba số ít và biết hết mọi chuyện. Nhưng trong “Thư gửi mẹ Âu Cơ”, người kể chuyện cũng chính là nhân vật. Kết cấu điểm nhìn trần thuật của Y Ban có sự lồng ghép của ngôi kể thứ nhất (khi người con kể về câu chuyện cuộc đời mình) và ngôi kể thứ ba (khi người con kể về câu chuyện của những người khác – những cô gái trong phòng cô-vắc và phòng vô sinh). Cách lồng ghép điểm nhìn trần thuật như thế vừa giúp nhân vật dễ bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ vừa giúp người đọc hứng thú.

    Điểm nhìn trần thuật của Y Ban trong truyện thay đổi liên tục. Từ điểm nhìn hiện tại chuyển sang điểm nhìn quá khứ rồi quay lại điểm nhìn hiện tại. Có khi điểm nhìn của nhân vật người con chiếm dung lượng nhiều (khi kể về quá khứ tuổi thơ). Có khi điểm nhìn được liên tục trao cho các nhân vật khác. Đoạn nhân vật người con kể về mình khi ở phòng cô-vắc, tuy không dài nhưng người đọc khám phá được sự đa dạng trong điểm nhìn trần thuật. Mỗi điểm nhìn gắn với một nhân vật khác nhau. Điểm nhìn của người con gắn với sự bối rối, bất ngờ và nỗi đau tột cùng “Uất ức trào lên nghẹn cổ”. Còn điểm nhìn của người y tá lại gắn với trò đùa ác độc, coi thường, dè bĩu, chà đạp lên nghịch cảnh của người khác “Nào, cô khai thật đi. Mấy lần? Cô và anh ta đã ngủ với nhau mấy lần?”. Điểm nhìn của người bác sĩ thì lại được trần thuật qua giọng kể từ tốn “Chúng tôi xin lỗi cô…Cô hãy bình tâm…”. Người mẹ thì lại bịa ra một nguyên cớ nhằm giảm tội cho người con. Nhưng chính lời nói dối của người mẹ “càng làm cho người ta dè bỉu thêm’. Còn với điểm nhìn của những bệnh nhân bị vô sinh, họ nhìn, họ nghĩ một cách cay nghiệt “người chính chuyên hẳn hoi thì trời không ban cho lấy một mụn, kẻ lả lơi thì lại mau mắn”. Có thể thấy kết cấu điểm nhìn trần thuật trong “Thư gửi mẹ Âu Cơ” rất độc đáo. Nhà văn giúp người đọc cảm nhận được cái nhìn đa chiều của con người trước một vấn đề của cuộc sống. Chỉ là sự việc cô gái đến phòng phá thai mà có hơn ba bốn cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau – hầu hết là tiêu cực, ác ý. Cách kết cấu điểm nhìn trần thuật như thế tạo cho câu chuyện tính sinh động, hấp dẫn và lại rất đời. Cũng nhờ vậy mà nhà văn đã phơi bày được số phận éo le, bất hạnh của nhân vật chính. Đồng thời khơi gợi nhiều suy nghĩ và lòng cảm thương nơi độc giả.

    Nhà văn đã sử dụng lối kể chuyện đồng hiện trong điểm nhìn của nhân vật người con. Trong nhận thức mơ hồ, giọng điệu đầy đau đớn, người con kể về sự đối lập trong suy nghĩ của mẹ. Người con nhận thấy rất rõ sự vô lí và bất công khi cô so sánh những đứa con của mẹ (trong đó có cô) và đứa con của cô. Một bên là “cái giống lạc loài”, một bên là không lạc loài. Cái ranh giới mong manh khi bị xem là giống lạc loài và không lạc loài được đánh dấu bằng đường biên của “hôn nhân”. Còn nữa. Đoạn kể trước khi ra viện, trong cái nhìn của người con, người đọc thấy hiện lên hai điều đối nghịch nhau rất rõ. Trong khi người con đang mang một nỗi đau rất lớn “những giọt nước mắt chảy dài xuống chiếu rồi rơi xuống đất. Đất mẹ có thấm nỗi đau của con hay không, con không biết”. Thì người mẹ lại giục con mình đánh son phấn để che đi cái ngoại hình đau đớn của một người mẹ “hụt”. Những sự tương phản trong suy nghĩ, hành động được diễn ra trong cùng một điểm nhìn trần thuật có tác dụng đối sánh, tô đậm nghịch cảnh của nhân vật người con.

    Một kết thúc không có hậu được nhà văn Y Ban kết cấu cho “Thư gửi mẹ Âu Cơ”. Câu chuyện khép lại nhưng những câu hỏi mà người con đặt ra cho người mẹ lại là một nỗi ám ảnh khó phai mờ nơi tâm hồn người đọc “Nhưng có đêm nào mẹ tỉnh dậy vì nỗi đau của mẹ không ?… Mẹ, mẹ có hiểu con không?”. Người mẹ sẽ trả lời câu hỏi của con gái mình ra sao? Làm sao để giải tỏa nỗi đau tinh thần đang bám siết lấy nhân vật người con. Nhà văn không kể tiếp. Dường như Y Ban trao quyền trần thuật tiếp câu chuyện cho người đọc. Mỗi người đọc sẽ viết tiếp cho nhân vật một cái kết. Cái kết ấy mang đậm điểm nhìn trần thuật của cá nhân người đọc. Cách kể chuyện của Y Ban thật sự khiến người đọc day dứt và ám ảnh. Nhưng thể hiện rất rõ đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật – khi tác phẩm kết thúc là lúc cuộc sống của nó mới thật sự bắt đầu.

   “Thư gửi mẹ Âu Cơ” không có những mâu thuẫn, xung đột gay gắt, dữ dội nhưng câu chuyện không vì thế mà kém phần hấp dẫn. Số phận của cô gái hai mươi bốn tuổi hiện lên đầy ám ảnh. Cô mang một thân phận “không chồng mà chửa” và bị đối xử tàn nhẫn. Trong lúc rơi vào hoàn cảnh bất hạnh, cô không nhận được hành động tử tế, thái độ cảm thông, cái nhìn an ủi. Trái lại, cái cô nhận chính là sự khinh bỉ, hằn học, đay nghiến.

   Truyện neo đậu nơi trái tim người đọc không chỉ bởi chiều sâu tư tưởng mà còn ở nghệ thuật kể chuyện độc đáo của nhà văn. Y Ban đã thoát ra cách kể chuyện dễ dài, bình thường, hướng ngòi bút đến kết cấu sáng tạo, nhiều tình tiết hấp dẫn. Kết thúc truyện là nỗi ám ảnh người đọc, mở ra nhiều suy tưởng cho người đọc về thân phận con người trong cuộc đời – nhất là người đàn bà. “Thư gửi mẹ Âu Cơ” là một câu chuyện đáng để đọc trong đời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Huy Bắc, Cốt truyện trong văn tự sự, https://dienbd.violet.vn, ngày 30/08/2014.

2. Hồng Diệu, Lê Ngọc Tú (biên soạn), Truyện ngắn đoạt giải Nhất Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1957-1997), NXB Văn học, 1998.

3. Phạm Ngọc Hiền, Thi pháp học, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019

4. Trần Ngọc Hiếu – Lý Thị Nhàn, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ

https://huongthoigian82.blogspot.com/, ngày 20/10/2011