KINH NGHIỆM DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN ĐỐI VỚI HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ

Trần Nguyễn Khánh Phong

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng dạy học ở các
trường miền núi có học sinh dân tộc thiểu số theo học sẽ có nhiều thách thức khác nhau
cho từng bộ môn. Trong đó, đối với bộ môn Ngữ văn, thách thức đầu tiên chính là hàng
rào ngôn ngữ – tiếng phổ thông/tiếng dân tộc, tiếng Việt vẫn là sự thách đố đối với các
em học sinh dân tộc thiểu số.
Trước thực trạng này, người giáo viên đứng lớp cần có những giải pháp gì để
các em học sinh dễ dàng tiếp thu bài học, bài giảng? Và người giáo viên đỡ phải mất
thời gian trong việc soạn giảng của mình. Thiết nghĩ, người đứng lớp cần có những kinh
nghiệm dạy và học môn Ngữ văn đối với học sinh dân tộc thiểu số sau đây:
– Nắm đặc điểm của địa phương: Một dân tộc được xác định bởi ba yếu tố là văn
hóa, ngôn ngữ và lãnh thổ. Trong cùng một địa phương có thể có nhiều dân tộc cùng
sinh sống, tồn tại, nói bằng nhiều ngôn ngữ, phương ngữ, thổ ngữ khác nhau… Nếu
người giáo viên dạy Ngữ văn biết vận dụng sự hiểu biết của mình về các yếu tố này sẽ
có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng phương pháp dạy học lồng ghép song ngữ
tiếng Việt – tiếng dân tộc thiểu số một cách thuần thục thì sẽ dễ dàng trong việc dạy và
có hiệu quả hơn.
Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được tám bộ chương trình cho
tám thứ tiếng dân tộc thiểu số vào giảng dạy các trường Tiểu học và THPT Nội trú,
đồng thời Bộ cũng chỉ đạo biên soạn được hàng trăm đầu sách song ngữ với nội dung
kiến thức địa phương để sử dụng trong nhà trường, các loại từ điển, so sánh, đối chiếu
các ngôn ngữ Dân tộc – Việt, các sổ tay phương ngữ Việt – Dân tộc dùng cho học sinh
tiểu học. Hiện đã có 25 tỉnh dạy tiếng dân tộc trong chương trình tiểu học.
Trên cơ sở đó, giáo viên dạy Ngữ văn có thể tham khảo các cuốn sách song ngữ
Việt/dân tộc thiểu số về kiến thức địa phương để vận dụng vào hoàn cảnh từng bài học,
bài giảng.
– Triển khai các phương pháp dạy học phù hợp: Trong tất cả các môn học mỗi
môn có tính đặc thù riêng, học sinh và người dạy có những cách truyền đạt và tiếp cận
khác nhau. Riêng môn Ngữ văn là có dạy cả văn học, làm văn và tiếng Việt. Do đó
người dạy môn Ngữ văn luôn đòi hỏi kĩ thuật, kĩ năng sử dụng phương pháp nghiệp vụ
sư phạm của người đứng lớp. Và việc dạy và học cho học sinh là người dân tộc thiểu số
thì người dạy cần sử dụng các phương pháp dạy học đặc thù theo từng sở trường của cá
nhân.
+ Phương pháp đặc thù tộc người: Học sinh miền núi thì lối tư duy, tiếp nhận
kiến thức bài giảng sẽ khác với học sinh người Việt. Sự khác nhau này được biểu hiện ở
cách dùng từ, đặt câu, phát âm… do đó, người dạy tối thiểu lắm thì có thể vận dụng một
số từ vựng cơ bản của ngữ vựng tiếng dân tộc thiểu số ứng với tiếng Việt như: đất nước,
Tổ quốc, biên cương, quân thù, thái bình… để giảng nghĩa cho các em.
Hoặc trong giờ làm văn, học sinh thường thể hiện đặc tính ngôn ngữ của mình
qua các bài làm văn, học sinh phát âm sai dấu thì thể hiện sự sai lỗi chính tả trên bài
làm. Trong trường hợp này, giáo viên sẽ chữa lỗi chính tả cho học sinh, phải uốn nắn
cho các em cách phát âm chuẩn rồi mới chữa lỗi chính tả ở bài làm văn.
+ Phương pháp bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ: là điều cần thiết trong dạy học
môn Ngữ văn. Giáo viên phải am hiểu văn hóa dân gian và ngôn ngữ của tộc người mà
mình đang dạy. Có sự so sánh nét tương đồng và dị biệt giữa văn hóa các tộc người với
người Việt. Phải khơi dậy, tôn trọng các giá trị văn hóa dân tộc. Song song với việc tăng
cường truyền đạt tiếng Việt, kiến thức văn hóa bằng tiếng Việt là khuyến khích bảo tồn,
phát huy các giá trị bản sắc dân tộc.
– Người dạy môn Ngữ văn phải biết gắn bó, đam mê với nghề nghiệp công việc
được phân công cả trên mặt vật chất lẫn tinh thần. Giáo viên là người tạo hứng thú cho
học sinh thông qua việc chuyển tải và làm hấp dẫn thêm về nội dung hay nghệ thuật của
tác phẩm văn học. Ví như người giáo viên phải biết nắm bắt được vốn ham hiểu biết của
học sinh mà có thể lồng ghép việc giảng nghĩa một số từ khó hiểu từ tiếng Việt và tiếng
dân tộc thiểu số và ngược lại. Ở đây chúng tôi xin dẫn chứng trường hợp tiếng Tà ôi:
“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi” (Quả cau = Pinăng), “Thầy bói xem voi” (Voi =
Achiềng, Ngà voi = Paló Achiềng)… Vậy thì qua môi trường giáo dục cho chúng ta
thấy rõ ràng đây là cơ hội tốt nhất để các em học sinh Tà ôi có thêm vốn ngôn ngữ trong
đời sống giao tiếp của mình. Và việc tạo nên một đời sống ngôn ngữ phong phú trong
cộng đồng cư dân Tà ôi không ai khác chính là những giáo viên.
– Trong quá trình dạy học, giáo viên tránh độc thoại một mình trong suốt tiết dạy
mà phải có sự phối kết hợp giữa người dạy và người học. Học sinh dân tộc thiểu số thì
quá ư là rụt rè trong việc phát biểu ý kiến hay đứng dậy đọc bài. Cho nên, giáo viên cần
phải là người đồng cảm, trân trọng, chia sẻ, động viên những cảm nhận, rung động
trong việc học của các em. Nếu học sinh trả lời không chính xác thì thường rất xấu hổ,
bạn cười… thì giáo viên phải ghi nhận ý kiến, sau đó cùng phân tích để các em hiểu ra
vấn đề, tránh tuyệt đối không dùng lời lẽ chỉ trích, trách cứ… làm các em mất tự tin cho
những lần sau.
– Thỉnh thoảng giáo viên cần tạo không khí gây cười, vỗ về, an ủi để giải tỏa
căng thắng cho học sinh. Làm được như vậy học sinh sẽ thấy tiết học qua nhanh và cảm
thấy thích học môn Ngữ văn hơn, đó là lợi thế để lôi cuốn các em duy trì sĩ số cao ở lớp.
– Học môn Ngữ văn được tốt thì người dạy phải bị thêm nhiều tranh ảnh, đồ
dùng dạy học liên quan để cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn đang học, các câu nói nổi
tiếng của các nhà văn, nhà thơ cũng được đưa vào bài giảng để xem đó là chiếc cầu nối
giữa các em học sinh thông qua giáo viên đến các nhà văn. Ứng dụng công nghệ thông
tin để học sinh nhìn rõ hình ảnh, mặt chữ nhưng cũng không nên quá lạm dụng công
nghệ thông tin vì sẽ gây cho học sinh sự chây lười trong đọc sách.
– Môn Ngữ văn trong nhà trường có vai trò đặc biệt trong việc hình thành nhân
cách và kỹ năng sống cho học sinh. Vì vậy, đối với học sinh dân tộc thiểu số, người giáo
viên đứng lớp cần nêu những gương tốt, hình tượng nhân vật có đạo đức, lối sống nhân
hậu, …trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam để đối sánh với kho tàng truyện cổ tích
các dân tộc thiểu số khác.
– Người dạy môn Ngữ văn cho đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số không nhất
thiết phải dùng các từ ngữ hoa mĩ, quá xa rời các em như: ngày lễ thì có người lại dùng
từ là nhật lễ, ngày lễ lớn của đất nước thay vì là quốc lễ, sáng tạo ra một sản phẩm gì đó
thì có người lại dùng thành từ điển chế, ….điều này khiến học sinh khó nhớ từ vững và
lại không thích học.
– Giáo viên đứng lớp không chỉ riêng môn Ngữ văn mà tất cả các môn khác đều
có thể và cần phải duy trì vai trò, tư cách người tham dự – chia sẻ của mình trong mỗi
giờ học. Riêng đối với giáo viên Ngữ văn, vai trò và tư cách này sẽ có đặc điểm riêng.
Khi lên lớp, cùng với học sinh, giáo viên sẽ tham gia vào một số trò chơi về kiến thức
văn học, tìm ý nghĩa văn bản với đầy đủ rung động văn học.
Nói chung, những ai đã từng đứng lớp học sinh dân tộc thiểu số thì mới hiểu cái
khó khăn của việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh, dạy và học môn Ngữ văn
lại càng khó khăn hơn vì vậy kinh nghiệm dạy học không nên lạm dụng phương pháp
đổi mới “Lấy học sinh làm trung tâm” mà nên kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp.
Trong dạy và học Ngữ văn thì việc ứng dụng công nghệ thông tin gặp rất nhiều khó
khăn so với các môn khác vì tính đặc thù của môn Ngữ văn là vừa cụ thể, vừa trừu
tượng. Với các văn bản nhật dụng, những giờ dạy thực hành, việc ứng dụng dạy học
bằng giáo án điện tử đã khó thì với những giờ dạy văn biểu cảm, đây lại là vấn đề nan
giải hơn vì sử dụng phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin thì những văn bản biểu
cảm rất khó dạy, giờ học trở nên xơ cứng bởi đòi hỏi của phương pháp này là cụ thể,
súc tích hoàn toàn trái ngược với cảm thụ thơ ca. Xác suất thành công của những giờ
dạy này thường là rất thấp.
Dạy học môn Ngữ văn trước yêu cầu đổi mới đã được các nhà giáo dục, đội ngũ
quản lí, đội ngũ giáo viên băn khoăn, trăn trở suy nghĩ càng lên cấp học cao thì sức ì của
giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học càng lớn. Đến những năm cuối cấp
THPT, giáo viên bị áp lực chuẩn bị cho học sinh tham dự các kì thi quan trọng như tốt
nghiệp, tuyển sinh, việc dạy học theo kiểu cung cấp sẵn, áp đặt kiến thức càng phổ biến.
Dạy văn rất khó, mỗi tác phẩm văn học là một thực thể duy nhất, một sáng tạo
không lặp lại. Vậy làm thế nào để tìm được phương pháp dạy học vừa phù hợp hơn với
tác phẩm cụ thể, lại vừa tạo ra được năng lực cảm thụ tác phẩm văn học nói chung cho
học sinh dân tộc thiểu số.
Có nhiều giáo viên đã có những thành công ít hoặc nhiều trong việc khái quát
thành một phương pháp chung, triển khai thành công vào thực tế thì còn nhiều khó
khăn. Nếu giáo viên có cảm thụ văn học tốt, đem cảm thụ tinh tế của mình mà giảng cho
học sinh dân tộc thiếu số thì học sinh rất thích.
Để dạy học môn Ngữ văn cho học sinh dân tộc có hiệu quả thì giáo viên sẽ có
nhận thức chung về các phương pháp với việc triển khai chúng trong thực tế, khoảng
cách được thu hẹp đến đâu phụ thuộc vào sự vận dụng của giáo viên và học sinh. Việc
có chương trình và sách giáo khoa chưa đủ mà giáo viên phải biết được tiếng dân tộc.
Hơn nữa trong mỗi lớp lại có học sinh thuộc nhiều dân tộc nên nếu giảng chung cho cả
lớp nghe như ở miền xuôi thì không thể được. Việc dạy và học cho học sinh mới chỉ đạt
ở mức giao tiếp đơn giản. Trong khi đó, trình độ giáo viên ở các trường có học sinh dân
tộc còn rất hạn chế, việc “theo” được chương trình và sách giáo khoa mới là hết sức
khó khăn. Dạy học sinh dân tộc thiểu số khó ở chỗ các em không nắm vững tiếng Việt.
Giáo viên phải diễn giải rất lâu, rất kỹ, thậm chí dạy tăng giờ. Các em có thể dùng từ
theo cô giáo, nhưng lại không hiểu nghĩa của từ.
Tiếng Việt đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội ta nói chung cũng
như trong nhà trường nói riêng. Tiếng Việt đã trở thành một tiếng nói hoàn thiện, đáp
ứng mọi nhu cầu giao tiếp và thẩm mĩ của xã hội. Nhờ tiếng Việt, các dân tộc ít người
có điều kiện tiếp xúc và nhanh chóng tiếp thu được các thành tựu văn hóa khoa học kĩ
thuật ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tiếng Việt còn gắn với những tác phẩm văn
học nổi tiếng của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm… Nắm
tiếng Việt các dân tộc anh em có điều kiện tiếp thu được những tinh hoa của các nhà
văn hóa lớn đó.
Về mặt ngôn ngữ, chắc chắn trong quá trình tiếp xúc giữa các tiếng dân tộc với
tiếng Việt, tiếng nói của tất cả các dân tộc (kể cả tiếng Việt) sẽ giàu có hơn về từ ngữ,
linh hoạt, khoa học hơn về các quy tắc ngữ pháp… Học sinh được giáo viên hướng dẫn
sẽ hình thành kiến thức mới trên cơ sở SGK và vốn hiểu biết trực tiếp và gián tiếp của
bản thân mình.
Chúng ta phải xem lại cách dạy văn trong nhà trường phổ thông của chúng ta,
không nên dạy như cũ, bởi vì dạy như cũ thì không những chỉ việc dạy văn không hay
mà sự đào tạo cũng không hay. Vì vậy, dứt khoát chúng ta phải có cách dạy khác, phải
dạy cho học sinh biết suy nghĩ, suy nghĩ bằng trí óc của mình và diễn tả sự suy nghĩ đó
theo cách của mình thế nào cho tốt. Vậy thì, cách đổi mới phương pháp dạy học, kĩ
năng đối với giáo viên Ngữ văn ở trường phổ thông miền núi là phải gần gũi với các em
học sinh và có thể dùng bản ngữ để giảng nghĩa một số từ khó hiểu trong sách Ngữ văn
để giúp các em nhận nghĩa một cách nhanh chóng. Phương pháp dạy tiếng Việt cho học
sinh dân tộc thiểu số và để giảng dạy học sinh dân tộc thiểu số đạt hiệu quả thì người
giáo viên ở đây phải có được những ưu điểm sau:
+ Giảng từ từ, lời lẽ rành mạch, rõ ràng.
+ Đưa ra khái niệm nào phải giải thích khái niệm đó, trong phân tích còn cần
phải lấy dẫn chứng cụ thể, dễ hiểu để chứng minh.
+ Hiểu tâm lý và phong tục tập quán dân tộc.
+ Nhiều giáo viên là người Việt đã biết tiếng dân tộc nên những khái niệm trừu
tượng giải thích bằng tiếng Việt khó hiểu thì chuyển sang dùng tiếng dân tộc.
Hy vọng rằng những ý kiến nhỏ trên đây góp phần nào đó vào việc đổi mới
phương pháp và kỹ năng dạy học môn Ngữ văn cho các trường vùng dân tộc thiểu số và
miền núi.

.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Trí Dõi (2003), Chính sách ngôn ngữ văn hóa dân tộc ở Việt Nam, Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội.
2. Phạm Toàn, Nguyễn Trường (1978), Phương pháp dạy tiếng Việt cho học sinh dân
tộc, Nxb Giáo dục.
3. Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm, Khoa Ngữ văn (2002), Văn học – ngôn ngữ
những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Thuận Hóa, Huế.
4. Lê A, Mông Ký Slay, Đào Nam Sơn, Đào Ngọc (1993), Phương pháp dạy tiếng Việt
cho học sinh dân tộc ở trường tiểu học, Hà Nội.
5. Nguyễn Trí, Nguyễn Trọng Hoàn, Đinh Thái Hương (2001), Một số vấn đề đổi mới
phương pháp dạy học Văn – Tiếng Việt, Nxb Giáo dục.