Mùi rượu gừng lan nồng hết căn nhà bé nhỏ, vừa định khoe với má chiến tích đá bong thắng thằng Hàn, Đới đã phải dừng lại ngay bậu cửa. Mỗi khi mùi này lan tỏa nghĩa là má lại vừa bị đánh, và má lại thoa rượu vào những vết bầm. Đới tiến tới lại gần má, giật nhẹ chai rượu gừng trên tay má rồi thoa nhẹ lên vết thương hơi sung tấy lên, hằn học:
    – Ổng lại đánh má nữa à? Lại đi đâu rồi?
    – Đừng có gọi ba là ổng. Lần này là tại…
    – Thôi má đừng có tìm lí do nữa đi. Mấy cái lí do ấy chỉ lừa được út em chứ con thừa biết ổng chẳng có lí do gì là lại lôi má ra đánh. Nhỏ con còn tin, giờ con chả tin gì sất.
    Rồi như thấy mắt má chợt hoe đỏ, Đới nhỏ giọng hẳn:
    – Con xin lỗi má. Con sẽ không làm má buồn vì ăn nói không suy nghĩ nữa. 
    Đới chợt nhìn ra ngoài cửa, những nụ hoa mai vừa chớm, mới mấy ngày trước ba nó còn mang về chưng Tết, và nó còn tin, thêm một lần nó tin tưởng, ba nó sẽ thay đổi không để rượu sai khiến nữa. Nhưng có vẻ năm nay lại thêm một năm nó đón Tết buồn. 
    Dường như cứ tết đến là ba nó lại nhậu nhẹt nhiều hơn, ông chẳng có nổi một nghề nghiệp nào ổn định cũng chỉ vì cái tính nhậu của ông. Ngày trước ba nó không nhậu nhiếu thế, Đới còn nhớ khi nó còn nhỏ ông là một người cha rất gương mẫu. Ông học không cao nhưng chân chất hiền lành lại chịu thương chịu khó, thông minh nhưng nhà nghèo nên lớp mười dù có thể học lên tiếp ông vẫn nghỉ ngang để có tiền lo cho hai đứa em gái học đại học. Sau này khi các cô lấy chồng ông mới lấy má, Đới được sinh ra khi ba má cũng đã có tuổi… Ông tốt bụng lại chịu khó nên mau thăng tiến, do học không cao nên chủ yếu làm việc chân tay nhưng cũng được lên chức tổ trưởng của một khu lao động. Đới còn nhớ như in ngày ấy Tết nhà nó nhộn nhịp lắm, ba rất được lòng mọi người làm cùng, nên tết đến người thì cho can dầu, chai mắm, người khá hơn cho tiền bằng cách lì xì Đới, nhà đông nườm nượp khách đến thăm. Cho đến một năm nọ cũng vào những ngày giáp Tết, ba nhận được tiền thưởng và quyết định nghỉ việc cùng lúc… Vì tính cương trực ba đã vô tình làm không hài lòng ông giám… Tết năm đó đi kèm với những khó khăn của người đàn ông thất nghiệp với vợ con nheo nhóc ở nhà, năm ấy cũng không ai ghé nhà Đới chúc Tết nữa vì sợ bị vạ lây. Sau Tết ba cố gắng xin hết việc này tới việc kia nhưng đều bị từ chối, khi nhà vét tới lon gạo cuối cùng cũng là lúc ba đi mượn tiền hai cô để lay lắt sống nhưng khinh anh mình bần hèn hai cô mượn cớ từ chối. Cánh cổng to đùng đóng sập trước mặt người đàn ông tàn tạ.
    – Ba mày suốt ngày nhậu nhẹt vì ông ấy không thể chấp nhận được hiện thực. Cú sốc ấy quá lớn đối với ổng, khi bị bạn bè đồng nghiệp quay lưng chỉ vì bảo vệ họ. Đến cuối cùng người thân cũng quay lưng với ổng, ổng chỉ còn chúng ta thôi.
     Đới biết má nói thế chỉ để Đới thông cảm cho ba, nhưng hạnh phúc đã mất đi kể từ mùa xuân năm ấy, dù Đới có muốn tha thứ nhưng những đòn roi và những giọt nước mắt của má cứ cứa vào tim Đới từng nhát và nay để lại một vết sẹo lồi che lấp hết những điều tốt đẹp.
    Đới nhớ năm nó lên cấp hai, khi nó hí hửng khoe điểm mười cuối cùng của năm trước kì nghỉ tết dài cũng là lúc nó nhận ra ba nó điên cuồng đập phá đồ đạc và má nó ngồi một góc ôm đầu mà khóc. Năm ấy ba nó cũng khóc và đó là giọt nước mắt cuối cùng mà nó thấy từ ông. Đó là năm ông xảy ra chuyện. Tết của những năm sau là những lần cực hình đối với má con nó, vì dường như khi đoạn thời gian ấy nổi lên ba nó lại nốc thật nhiều rượu và đánh má nó . Năm ấy khi Đới cùng má chuẩn bị đi chùa vì nhà Đới vẫn hay đi chùa đầu năm, ba nó lại say xỉn về đến cổng, vừa thấy má con nó chuẩn bị đi đâu lại say xỉn “mày định bỏ tao mà đi à?” rồi lại nọc ra đánh. Kí ức đau đớn ngay ngày đầu năm ấy như lời nguyền cho cả năm đó đầy đau khổ, má nó sau mỗi trận đánh của ba vẫn nhỏ nhẹ với Đới :” Ông sợ cô đơn, sợ mẹ con mình bỏ ổng”.
    Ba nó mỗi khi tỉnh cũng có những lúc muốn bù đắp cho má nhưng dường như ông là một người đàn ông có tâm hồn yếu đuối hơn vẻ bề ngoài, lại gục ngã khi đoạn thời gian ấy quay lại. Lại có năm khi nó học cấp ba, nó cố gắng dành phần thưởng cuối năm để mua được cho nhà một chậu tắc nhỏ và hí hửng để khoe, thế nhưng ngay khi về đến nhà đã bị ba nó đem đập vỡ tan tành kèm theo lời xỉ vả
    – Không đón tết trong cái nhà này!
    Và dường như tết không đến với nhà nó thật, khi thì mọi thứ đồ trang hoàng của má cố gắng Bày lên bị ba nó xé vứt tung tóe cho bằng hết, có bận được cụ đồ tặng câu đối vừa treo trong nhà đã bị ba nói là như giấy thờ rủa ổng. Khi thì Đới được cho nồi thịt kho tàu vì nhà nghèo nên được xã trợ cấp đã bị ông hất tung vì “ nhà thằng này không nghèo đến mức phải ăn xin”…Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Đới mười tám tuổi, những đồng tiền lương Đới cày cục làm thêm lúc rỗi học đưa má sắm tết đã bị ba nó đem ra mua rượu uống sạch và với cái tuổi dường như dễ nổi nóng không kiểm soát được mình lần đầu tiên trong suốt những năm qua nó đứng lên cãi ba nó dù má nó kèo nài ngăn cản:
    – Đúng là con không có tư cách gì nói ba nhưng ba cứ say xỉn như thế thì những sự việc năm đó có thể thay đổi à? Ba mất tất cả nhưng ba còn có gia đình, nếu ba cứ tiếp tục như thế thì cả gia đình ba cũng có thể mất đó. Má vì thương ba mà tha thứ cho ba suốt từng ấy năm, bà có lỗi gì mà ba đánh má? Vì nỗi đau của ba mà ba bắt má phải chịu cùng à? Con biết ba rất đau nhưng nếu ba không chịu vực dậy thì má và con, những hạnh phúc cuối cùng mà ba đang có có mất luôn không?- rồi Đới quay sang má nó – Còn má, má luôn tha thứ cho ba nhưng đó không phải yêu thương nữa mà là không giúp ba nhận ra ba đã sai.
     Rồi Đới quay lưng bước đi khỏi nhà, tất cả những gì ba má nó nghe là cơn gió thoảng qua kèm với lời đứa con trai trước khi bỏ nhà đi “làm ơn hãy suy nghĩ, đừng để mất đứa con trai của ba má”. Sau đó không ai gặp Đới nữa, tết năm đó Đới bỏ nhà ra đi. Bẵng đi dằng dặc cả năm trời Đới về nhà, thực ra khi nó về nó cũng không mong sẽ gặp được điều gì đó thay đổi nhưng ngọn nến lòng vẫn đang le lói trong nó. Nhìn thấy nó tại cổng , người đàn bà còm cõi quăng vội cả chiếc chổi đang quét thóc chạy vội tới đấm thùm thụp vô ngực nó rồi khóc lấy khóc để như vừa trách cứ vừa biết ơn đứa con đã quay về. Nó chưa kịp hỏi ba đâu thì đã thấy bóng một người đàn ông cao lớn vừa bước ra từ nhà tay ôm một thúng thóc lớn “ Má nó, ba đổ thúng này nữa là đầy chum, má coi kiếm chum khác”. Vừa nhìn thấy nó ông đứng sững, lại quay vội trong nhà, nó chạy theo thì thấy ông trốn vào một góc nhà đứng khóc, má nó xuất hiện ngay cạnh nói “ Lúc con đi cả ba và má đều đã suy nghĩ rất nhiều, ba má luôn đợi con về để thấy.”
    Tối giao thừa, ba nó hang hái giúp má con nó trang hoàng lại nhà cửa, lại còn kiếm đâu ra được cây tắc thiệt to về chưng giữa nhà, nó sợ tốn tiền ba nó gạt phắt “ Ba xin làm được công nhân ở nhà máy cuối phố rồi nha”, và như sực nhớ điều gì ông quay qua nó :” Cũng không biết bao lâu ba chưa lì xì cho mày rồi nhỉ, giờ ba lì xì cho mày một lời hứa là ba sẽ trở thành một người chồng người cha thiệt tốt, mày có muốn nhận không?” Nó bật khóc ôm lấy ba nó,  má nó đợi được, và cả nó cũng đã đợi được, một món lì xì khá “hời” khi tết sang.