Trần Thị Kim Thanh

Du Tử Lê là một trong những nhà thơ nổi tiếng ở miền nam trước 1975. Tập thơ đầu tiên của ông trở lại với công chúng trong nước sau 1975 là Giỏ hoa thời mới lớn, gồm 138 bài, được gạn lọc từ những bài thơ từng xuất hiện từ thời kỳ Du Tử Lê mới bắt đầu làm thơ. Trong đó, đa số là các bài thơ đã được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như: Khúc Thụy Du, Tình sầu Du Tử Lê, Kiếp sau, Xin giữ lại đời cho nhau, Về từ vô vọng… với các phụ bản ảnh về tranh sơn dầu, màu nước của tác giả và một số tranh minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương. Nổi tiếng với lĩnh vực thơ tình ở miền Nam từ trước giải phóng, Du Tử Lê còn được xem là một trong những tác giả có thơ được phổ nhạc nhiều nhất. Những bài hát như: Ơn em, Trên ngọn tình sầu (Từ Công Phụng), Khúc Thụy Du (Anh Bằng), Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau, Tình sầu Du Tử Lê (Phạm Duy)… đã đi vào lòng người yêu nhạc nhiều thế hệ. 

 Du Tử Lê là tác giả của 70 cuốn sách. Ông cùng với Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, Tô Thùy Yên… đã tạo ra một không gian lãng mạn, khí khái, nhân văn và giàu suy tưởng đặc thù của khí hậu văn chương miền Nam, một phần không thể không nhắc đến trong nguồn vốn văn chương của dân tộc. Du Tử Lê bày tỏ: “Cái còn lại sau cùng, vĩnh cửu vẫn là dân tộc, là đất nước. Mà, văn hóa nghệ thuật là một phần quan yếu của dân tộc đó. Nên nó sẽ tồn tại, sẽ sống sót đó, dù ở thể trạng nào”.

Tập thơ gói lại rất nhiều sáng tác nổi tiếng của Du Tử Lê: Khúc Thụy Du, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, Ta tiếc thiên đường mới lập xong, Người từ phương Đông qua… và cập nhật sáng tác mới nhất của ông ở thời điểm đó: Nuôi người, trang sách thơm. những biến cố xảy ra trong cuộc sống cá nhân đã tác động mạnh mẽ đến con người, hành động và nhất là tâm lí nhà thơ. Du Tử Lê là một hiện tượng thơ tương đối phức tạp, những đặc trưng cho thi ca của người nghệ sĩ đặc biệt này cho đến nay vẫn còn là một ẩn số. Đương thời, con người Du Tử Lê và những đóng góp của Du Tử Lê về thơ đã chịu không ít sự từ chối, từ phía người đọc và cả giới phê bình thơ. Suốt hai giai đoạn văn học, miền Nam 1954-1975 và hải ngoại, Du Tử Lê đã có những đóng góp trong việc cách tân, thử nghiệm làm mới thi ca qua chính sáng tác của mình, nhưng sự đón nhận hình như không được đồng đều và không được giới làm văn học nói đến một cách công bằng. Trước 1975, ông được giải Văn học nghệ thuật toàn quốc năm 1973 ở bộ môn thơ. Tuy nhiên, tên tuổi của Du Tử Lê không được nhắc nhiều tới. Bộ Văn học miền Nam của Võ Phiến chỉ nhắc qua loa tên tuổi của Du Tử Lê hai lần, trong khi một bài thơ của một nữ sinh đăng báo Tết của trường trung học cao nguyên đã được Võ Phiến ghi nhận như một đóng góp đáng ghi vào văn học sử. Bù lại, từ hai thập niên trở lại đây, đã có những nghiên cứu, trình bày và giới thiệu thơ ông.  

Ngôn từ của Du Tử Lê sắc sảo, thâm trầm nhưng vẫn luôn mềm mại, quyến rũ, đầy tính thơ, mặc những sóng gió tình đời. Tập thơ được đưa đến tay độc giả “Trôi, những ngày neo bão” (phần 1) với “Những con dế nghe kinh”, “Ngồi trong đêm”, “Ngọn nến/tôi/cháy hết vẫn ngậm ngùi”, “Quê hương là người đó”, “Như xa miền yên vui”, “Nuôi người: trang sách thơm”… Quá nhiều những bài thơ của Du Tử Lê trở thành cảm hứng cho các nhạc sĩ chuyển soạn thành ca khúc: “Tôi muốn giấu dòng sông trong mỗi túi” (Trần Dạ Từ chuyển thành ca khúc), “Thiên thần cất tiếng kêu” (đã được tác giả Tú Nguyễn phổ nhạc), “Như vết chàm tôi mang” (Nguyễn Đình Nguyên phổ nhạc), “Giỗ giấc người bất hạnh” (Trần Hữu Trung phổ nhạc), “Khi cuộc tình đã chết” (Phạm Đình Chương phổ nhạc), “Ta tiếc thiên đàng sớm lập xong” (Phạm Gia Cổn và Trầm Tử Thiêng chuyển thành ca khúc), “Pleiku và hoa quỳ” (Đắc Tâm và Nguyên Long soạn thành ca khúc), “Khúc tháng hai” (có tới ba tác giả cùng phổ nhạc là Trần Duy Đức, Song Ngọc và Mai Trường)… Phần 2 : “Người về như bụi” có “Chẳng bao giờ dậy nữa” (Đăng Khánh soạn thành ca khúc), “Một bài thơ nhỏ” (Hoàng Quốc Bảo), “Tôi trôi theo tôi con sông” (Trần Dạ Từ), “Mùa thu và thơ mới ở đường Baker, Costa Mesa cũ” (Đăng Khánh phổ nhạc), “Trong tay thánh nữ có đời tôi” (Trần Duy Đức, Hoàng Thanh Tâm chuyển soạn), “Thương mẹ đã lưng đồi” (Trần Văn Thành, Nguyên Bích phổ nhạc), “Về từ vô vọng” (Hoàng Song Nhi, Ngọc Tiến chuyển thành ca khúc)…

Khi quan niệm tiếng thơ là tiếng nói một thời đại cũng có cái đúng. Với trường hợp thơ Du Tử Lê, hình như Du Tử Lê đã đi chệch ra ngoài quỹ đạo đó. Những biến thiên trong tâm thức con người trong một thời đại li tán, ám ảnh chiến tranh, chia cắt đất nước làm mỗi cá nhân cũng rã rời, hoang hoải đã khiến thơ ca Du Tử Lê luôn là những sầu khúc chát đắng, kể cả những bài thơ “vui” ma quái ám ảnh hơn là những vui tươi rạo rực. Và quả thực, nó “không hợp thời” nếu coi thơ ca văn nghệ là để phục vụ mục đích chính trị. Một trong những bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Du Tử Lê là Ngọn nến/tôi/cháy hết vẫn ngậm ngùi.

1.

“mưa ngồi dây. vươn vai và, bước tới.

mưa hỏi tôi:-liệu có nhớ ai không?

tôi vội đáp:-nhớ tháng, ngày quê, cũ.

khi mẹ tôi góa bụa sớm vô cùng!”

2.

“nắng ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.

nắng hỏi tôi: – liệu có nhớ ra ai?

tôi hỏi lá, lá cười tôi ngu, ngốc!

cuộc tình nào không hứng, nhận chia phôi?

Đối diện với hiện thực và với nhu cầu cần phản ánh rõ nét, chân xác hiện thực, Du Tử Lê đã đưa ngôn ngữ thơ trở về gần gũi với đời thường, với các sự vật và hệ thống hình ảnh mang tính trần trụi, thô nhám. Toàn bộ bài thơ không được nhà văn viết hoa đầu câu, bên cạnh đó giữa các câu có những dấu chấm, phẩy ngẫu nhiên. Những câu hỏi tu từ không có lời đáp “liệu có nhớ ai không?”, “liệu có nhớ ra ai?”. Câu hỏi không lời đáp nhưng tác giả rất mong nhận được câu trả lời, trong lòng cứ cảm thấy day dứt, khát khao tìm đến một cái gì đó. Nhà thơ cảm thấy thiếu một cái gì đó và muốn được đền đáp. Bằng phép sử dụng từ “mưa” để hàm ý, ám chỉ về một người nào đó, chẳng hạn như một cô gái, một cô người yêu có nhớ đến ông không? Mưa, nắng mà lại biết vươn vai và bước tới, những thứ vô tri, vô giác mà lại có những hành động của con người. Đó cũng chứng tỏ về một thời gian cứ âm thầm và lặng lẽ trôi, đến khi bừng tỉnh thì lại giống như một con người vào buổi sớm mai. Hình ảnh” nhớ tháng, ngày quê, cũ” chỉ về những kỉ niệm, những cuộc hẹn, những ngày quê nhưng trong đó cũng muốn chứng tỏ rằng những cái vấn vương của tác giả với những thứ đã trôi qua. Tác giả đặt các dấu chấm thang ở cuối câu nhằm nhấn mạnh và khẳng định một vấn đề được ông đặt ra. Hình ảnh chiếc lá cũng biết “cười” và chỉ vào ông là “ngu, ngốc”. Ông cũng tự nhận ra mình thật là ngốc nghếch khi cứ liên tục, dồn dập nhớ đến người khác mà mong rằng người ấy cũng phải nhớ đến mình.  Những từ lạ “hứng” và “nhận””mà để ông dùng chỉ về một cuộc tình, một thứ tình yêu thiêng liêng như rằng ông cảm thấy bất lực, buồn chán với cuộc đời và buông xuôi tất cả. Câu hỏi cuối đoạn như để tác giả hỏi lại cả quá trình, cả cuộc đời ông đã cho và nhận được gì. Dù chỉ hai đoạn đầu nhưng những thủ pháp “lạ hóa””được nhà thơ sử dụng khá nhiều.

3.

“đêm ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.

đêm hỏi tôi:-trăng sáng ở trong lòng?

tôi im lặng nghe nỗi buồn vô hạn

giữa hư không: huyền thoại đã chôn xong

4.

biển ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.

biển hỏi tôi:-nước rút tự bao giờ?

tôi sửa giọng, bảo thủy thần đã đến.

những đường cong viền lửa nấu, nung thơ.”

Lại là tác giả mượn những hình ảnh của thiên nhiên, đất trời. Mới vừa “nắng” thì lại “đêm” rồi “biển”, những trạng thái trong con người ông cửa bấn loạn, cứ lộn xộn và không yên bao giờ. Con người ông chắc hẳn cảm thấy rất bức rứt, khó khăn khi những nỗi nhớ cứ liên tục ùa về. Hình ảnh “lạ hóa” – “trăng sáng ở trong lòng”, trong lòng làm gì có trăng nhỉ? Nhưng chính tác giả đã tạo ra cho mình hình ảnh trăng. “Trăng” đây là gì? Chắc có lẽ đó là trái tim của ông, tình cảm của ông không bao giờ phai, không bao giờ dứt. Hơn thế nữa, tình yêu và nỗi nhớ người yêu của ông lúc nào cũng rạo rực, cháy bổng. Và rồi câu trả lời bằng cách im lặng, ông chôn cất nỗi buồn vô hạn vào hư không. Chỉ có những gì đã mất đi, đã chết mới được chôn cất nhưng chính ông lại mang nỗi buồn, nỗi nhớ của bản thân ông xuống chôn cất. Bên cạnh đó, biển – một hiện tượng của thiên nhiên mà ở đây đặc trưng biển phải có nước. Nhưng tại sao? Cả một biển cả mênh mông mà không biết “nước rút từ bao giờ?”. Hình thức luận được tác giả diễn tả một cách tinh tế vô cùng như “tôi sửa giọng”,” bào thủy thần đã đến”. Lạ hóa trong hình ảnh “những đường cong viền lửa nấu, nung thơ.. “Đường cong” ở đây là gì? Nó mang ý nghĩa gì? Một nỗi khao khát tận cùng, ông cảm thấy nhớ nhung, khó chịu và phải mang nó lên “nấu” mà đã nấu và nung thì phải cần có thời gian. Ở ông có một sự kiếm tìm, một khát khao gì đấy hay là nỗi nhớ quá da diết, tột bậc, tình yêu vô hạn làm cho nhà thơ phải làm một điều gí đó để giải bày và chứng tỏ. Cái tôi hiện đại không bằng lòng với những ước lệ, nó đòi hỏi đi sâu vào nội tâm, phân tích, mổ xẻ cảm giác, trạng thái phức tạp của con người cá nhân. Do đó, ngôn ngữ thơ ca của ông cũng đa dạng, phức tạp như chính bản thân cuộc sống vốn đã nhiều mâu thuẫn. Trong thơ mình, Du Tử Lê đã làm một cuộc cách tân ngôn ngữ. Cách tân ở đây không phải là sử dụng một hệ thống ngôn từ mới toanh, lạ lẫm. Đổi mới ngôn ngữ ở Du Tử Lê trước hết là ở sự xâm lăng của hệ thống ngôn ngữ có thể biểu đạt một cách sâu xa nhất phần bản thể của con người hiện sinh trước cuộc đời. Cũng chính vì thế, nhà thơ lại viết tiếp:

5.

“núi nghiêm mặt. vươn vai và, bước tới.

núi hỏi tôi: – hồn, vía ở nơi nào?

tôi những muốn hỏi người đi suốt kiếp?

nhưng, con đường lại chỉ những vì sao!

6.

đời ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.

đời hỏi tôi được bao phút an, vui?

tôi ngoảnh lại. thấy người còn đứng đó!

ngọn nến / tôi / cháy hết vẫn ngậm ngùi.”

7.

đất ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.

đất hỏi tôi: – nguồn gốc những ân tình?

tôi hỏi mắt. mắt nhìn tay bươi cỏ,

tìm chỗ nằm chung một cõi: tôi / em.

Ngoài ra, nhà thơ cũng tiếp tục mượn hình ảnh “núi nghiêm mặt” để nói về những điều ray rứt trong lòng. Núi mà lại nghiêm mặt, mượn trạng thái của con người để chỉ sự vật nhưng lại nói về chính con người, chính bản thân ông. Bên cạnh đó, dồn dập là các câu hỏi tu từ, ông cứ như “hồn, vía ở nơi nào?”; bản thân ông cũng không thể hiểu nổi chính mình. Ông muốn tìm người cùng với ông đi đến trọn đời, trọn kiếp, đi đến cuối con đường nhưng tình cảnh khá éo le. Từ “nhưng” được ông sử dụng thủ pháp lạ hóa, đột nhiên đầu câu lại có từ “nhưng” và “những vì sao” – đây không phải là vì sao trên trời mà đây chính là những câu hỏi, những ẩn ức của ông, những thứ ông chưa làm được hoặc chưa làm trọn vẹn.

Bên cạnh đó, hình ảnh lạ hóa “đời ngồi dậy” – ở đây là cuộc đời, có lẽ sau khi trải qua các biến cố, khó khăn trong cuộc sống và tình yêu thì nhà thơ chợt nhận ra và bừng tỉnh lại cuộc đời mình. Ông đã trải qua những khoảng thời gian của cuộc đời, ông hứng chịu tất cả hỉ, nộ, ái, ố của cuộc sống. Ông chợt nhận ra đã bao phút mình được an, vui, chợt nhận ra thì ông đã gần như đi hết hai phần ba cuộc đời. Nhưng khi nhìn lại, có một điều làm ông cảm thấy hối tiếc và đau khổ vì người vẫn đứng đó. Người ấy vẫn trông chờ ông nhưng ông cứ mãi kiếm tìm ở một nơi nào đó, ông cứ mãi đi tìm trong không gian vô hạn. Cuối cùng, ông lại cảm thấy dù không còn gì nữa nhưng ông vẫn ngâm ngùi. Nhà thơ đã rất khéo trong việc sử dụng các hình tượng biểu trưng nhằm tạo hàm ý về một cái gì đó, ông làm cho người đọc phải lo lắng và suy nghĩ theo dòng suy nghĩ của ông. Thêm vào đó , hình ảnh “đất ngồi dậy” và đất hỏi “nguồn gốc những ân tình. Trong sâu thẳm trái tim mỗi người, ai cũng sẽ có một tình yêu bất diệt, những cuộc tình, những cuộc hẹn, những lần gặp gỡ không bao giờ phai. Nhưng chính nhà thơ, chính ông là người trải qua cuộc tình này mà ông lại hỏi nguồn gốc từ đâu? Cũng chính vì điều đó cho ta thấy rằng nhà thơ rất khéo léo khi mượn các hình ảnh để nói về mình.

Những từ ngữ này được thể hiện theo hình thức ám dụ – một đặc điểm của thơ tượng trựng. Các từ ngữ dùng để chỉ người nhưng ông đã dùng nó để chỉ các sự vật. Ý nghĩa của các câu thơ phụ thuộc vào kinh nghiệm và sự lĩnh hội của người đọc. Rất nhiều câu thơ đa nghĩa và tạo cho người đọc cảm giác cứ đau khổ cùng tác giả. “tôi hỏi mắt. mắt nhìn tay bươi cỏ,”- và rồi chuyện gì đến cũng phải đến, đến một lúc ông phải chấp nhận tất cả, một lúc nào đó ông đành buông xuôi mọi thứ. Cứ để mọi việc âm thầm và lặng lẽ trôi. Nhưng rồi cuối cùng, khát khao sâu thẳm dù có chuyện gì xảy đến đi nữa thì ông cũng chỉ muốn “tìm chỗ nằm chung một cõi: tôi / em.”.

Những cô đơn, bơ vơ, ngậm ngùi, lẻ loi, yếu đuối, lênh đênh, xấu xa, tro tàn lửa lụi, buồn thiu thiu, ủy mị, não nùng, lướt thướt, xót xa, héo hắt, quạnh hiu, tiêu điều, u uất, điêu tàn, tức tưởi, ê chề, nức nở, thảng thốt, hoang vắng, thê thảm, nhọc nhằn, cỗi cằn, sụt sùi, chênh vênh, tuyệt vọng, khốn khổ, ảo não, thảm đạm, thổn thức, nhão nhoẹt, nỉ non, lắt lay, lêu đêu… cứ bám riết tâm trí người đọc. Việc thay đổi nhịp đã quen – nghĩa là đều, chẵn và cân đối bằng cách sử dụng các dấu có sẵn như phảy, chấm, để tạo cho lục bát những “nhịp lẻ, nhịp chỏi” khác thường và bất thường khiến thơ lục bát Du Tử Lê mang một diện mạo mới. Các dấu / : – ( ) của Du Tử Lê là một thử thách cho người đọc. Người đọc có thể hiểu đúng, có thể hiểu sai ý đồ tác giả nhưng rõ ràng với cách sử dụng dấu câu để chia nhịp như vậy, Du Tử Lê bắt buộc độc giả phải tư duy khi đọc thơ ông chứ không chỉ thưởng ngoạn theo lẽ thông thường. Chủ trương cắt vụn câu thơ ra như vậy mang đến sự đứt gẫy về nhịp điệu, đem đến cảm giác bất trắc, xáo trộn cho người đọc khi chứng kiến cuộc sống, tình yêu hiện lên qua trang thơ Du Tử Lê. Và rõ ràng, thơ Du Tử Lê đầy những buồn bã, hoài nghi, đầy những dự cảm tiêu điều về cuộc sống, về tương lai. Sự đứt gãy, xáo trộn nhịp thơ càng đẩy cảm giác bất trắc lên đến đỉnh điểm. Người đọc cảm thấy bứt rứt, khó chịu, thậm chí ngạt thở khi dõi theo trang thơ Lê.

Qua bài thơ trên, ta thấy được tính chất tĩnh tại của ngôn từ đã bị Du Tử Lê phá vỡ. Ẩn trong từng con chữ tưởng như vô hại kia là những thất vọng, buồn bã, chán nản về cuộc đời, về một tương lai mờ mịt không đích đến. Người thi sĩ chưa tìm được điểm tựa cho tinh thần của mình. Chỗ dựa mỏng manh là tình yêu với Em cũng không lấy gì đảm bảo. Tìm đến tình yêu để mong cứu rỗi, mong giải thoát tâm hồn mình. Nhưng rốt lại, tất cả đều là hư vô, ảo ảnh. Những tác động đó, có lẽ là nguyên nhân giải thích cho một mật độ dày đặc những ngôn từ “đen” xuất hiện trong thơ ca Du Tử Lê.

Theo Du Tử Lê: “Khi một dấu gạch chéo được đặt sau một chữ nào đó, điều ấy, có nghĩa chữ đó có thể di chuyển theo hai chiều thuận nghịch (Freely two way direction.) Và nó cũng có nghĩa chữ này tuy ở vị trí bị kẹt giữa hai chữ khác, nhưng nó vẫn có nhiệm vụ (hay tự do) xô đẩy chữ đứng trước nó và luôn cả chữ đứng sau nó nữa… Khi một chữ hay nhiều chữ bị đặt giữa hai dấu slash / gạch chéo, điều đó có nghĩa người đọc có thể di chuyển một chữ, một nhóm chữ theo bất cứ chiều nào họ muốn. Nói khác đi, người đọc, có thể thay đổi vị trí đầu tiên của chữ (hay nhóm chữ) đó, tùy theo ý thích của họ” (Một vài nỗ lực…). Dấu / còn được Du Tử Lê thử nghiệm ở nhiều thể loại khác, để ngắt, đổi vị trí các chữ trong câu để có thể có nhiều cách đọc ngược xuôi. Thơ là một văn bản, một toàn thể, do đó có thể tạo thành với ý, nhạc tính và cả thị giác. Những thử nghiệm của Du Tử Lê nhằm cải đổi chân điệu (âm-điệu, pied rythmique) và số tiếng (âm tiết, chân tiếng, pied-mot) trong câu ở thơ cũ vốn đều đặn, nhất định, nay sẽ biến đổi khiến thơ có nét bất ngời và mới! Xưa nay vần cho âm-điệu, nhưng âm điệu có thể có mà không hẳn cần đến vần, âm điệu sẽ tự do, đa dạng.  

Du Tử Lê đã rất dụng công trong việc đổi mới nghệ thuật thơ ca, đặc biệt trong việc thay đổi nhịp điệu thơ lục bát. Tuy nhiên những cách tân của ông có tồn tại với thời gian hay không, hay lại chìm dần vào quên lãng thì vẫn cần phải có thêm thời gian và cả chính sự tiếp nhận từ phía đọc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Dân (2012), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, NXB Khoa học xã hội.
  2. Ngô Hương Giang (2013), Hiện tượng luận về văn học, NXB Hội nhà văn.
  3. Phạm Ngọc Hiền (2018), Tiếp cận tác phẩm văn chương từ góc độ thi pháp học, NXB tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Phạm Ngọc Hiền (2018), Thi pháp học, NXB tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Phương Lựu (2005), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, NXB Đại học sư phạm Hà Nội.
  6. Lê Thành Trị (1974), Hiện tượng luận về hiện sinh, NXB Bộ văn hóa giáo dục và Thanh niên.