/

 

  
– Con lên chơi được rồi, quà cáp làm gì cho tốn kém.
   Tôi nhoẻn cười và nắm lấy đôi bàn tay gầy gầy của người. Bỗng ngỡ ngàng vì hình như chạm phải luồng điện. Có lẽ hiểu được, người phụ nữ ôn tồn, ánh mắt trìu mến nhưng đượm buồn:
– Dây chạy thận đấy con ạ!
  Lần đầu tiên gặp mặt, sự ấm áp khiến cho nỗi lo lắng trong tôi dần tan biến. Thay vào đó, tôi tưởng như đã thân thuộc từ rất lâu, tựa hồ duyên tiền kiếp. Và mối nhân duyên ấy trở nên khắng khít hơn khi tôi trở thành con dâu của người.
– Con nhỏ đó mà hên. Mới về mà đã có nhà để ở, còn không phải làm con làm dâu ai nữa.
  Từ lúc cưới anh, ai cũng bảo là tôi có phước bởi vừa được chồng yêu thương lại tránh khỏi cảnh mẹ chồng nàng dâu. Mỗi lần nghe thế, tôi vội vã quay đi giấu vội giọt nước mắt chực trào. Mẹ không ở với vợ chồng tôi mà vào tận Sài Gòn ở nhà anh chị lớn để tiện cho việc điều trị. Làm sao tôi có thể cảm thấy may mắn khi mẹ của mình đang đối diện với bệnh tật, khi cuộc sống của mẹ gắn liền với bệnh viện nhiều hơn ở nhà, khi những lần chạy thận dường như khiến mẹ kiệt sức? Có lẽ người ta không hiểu được: tôi thèm có mẹ bên cạnh như thế nào.
   Khoảng thời gian đầu hôn nhân, những cặp mắt soi mói của người ngoài luôn khiến tôi rơi vào áp lực. Con gái lấy chồng như làm dâu trăm họ quả không sai! Dường như biết được nên những lần gọi điện, sau khi hỏi thăm, mẹ luôn động viên con cứ từ từ tập dần rồi sẽ quen việc, cũng đừng để tâm nhiều tới miệng đời, miễn là gia đình luôn yêu thương con là được. Những lúc ấy, tôi chỉ ứa nước mắt. Nếu như có mẹ ở bên, tôi sẽ dễ dàng hòa nhập nếp sống mới và cũng không phải chạnh lòng bởi những lời dèm pha. Dẫu là ước mơ giản đơn với bao người nhưng đối với tôi lại trở nên quá xa vời. Bởi, bệnh tình của mẹ ngày một nặng dần.
    Hè năm ấy, vợ chồng tôi sắp xếp vào Sài Gòn . Nhìn từ xa, mẹ ngồi trên chiếc ghế đá đã cũ ngóng con, trông mà thương đến lạ! Mẹ gầy hơn, những vết chân chim hằn rõ trên khóe mắt nhưng vẫn không giấu nổi hạnh phúc đong đầy ! Suốt một tuần ấy, anh chị hay đùa rằng vợ chồng thằng bảy vô, mẹ vui hơn và cũng không còn ra ghế đá ngồi thẩn thơ một mình. Nhưng cũng như thường nhật, mỗi tuần mẹ vẫn đều đặn chạy thận ba lần. Nhìn những sợi dây chằng chịt lấy máu ra rồi trả máu về, nhìn đôi mắt nhắm nghiền mỗi khi vết kim trước chưa lành lại phải thêm vết mới khiến tôi không kìm được nước mắt. Thương quá mẹ ơi! Nếu có thể gánh bớt nỗi đau cho mẹ, chúng con cũng cam lòng. Guồng quay của công việc vẫn tiếp diễn, một tuần sau, chúng tôi phải trở về. Để rồi trong giấc mơ, dáng mẹ mòn mỏi chờ con bên chiếc ghế đá, những sợi dây đỏ xoáy vào tâm can. Thổn thức!
   Mẹ về! Cả nhà chộn rộn hẳn lên. Sáng hôm đó, tôi dậy thật sớm ra ngồi trước cửa trông mẹ tựa như ngày nhỏ vẫn hay chờ quà bánh mỗi bận mẹ tôi đi chợ về. Chiếc taxi dừng lại, anh năm Thành đỡ mẹ xuống, tôi líu ríu chạy ra, hàng xóm cũng chạy đến. Mẹ bảo mẹ nhớ nhà quá nên nằng nặc đòi về cho bằng được. Nhưng bác sĩ chỉ cho vài ngày thôi. Nghe tin mẹ về, tám đứa con đều có mặt đầy đủ: nào con cháu, dâu rể. Ngôi nhà thường nhật im ắng bỗng chốc rộn rã tiếng cười. Mẹ sờ đứa này một ít, nắn đứa nọ một tẹo, thơm hết cháu này đến cháu kia, khuôn mặt người bỗng hồng hào lạ thường! Tranh thủ lúc mẹ vào buồng nghỉ, tôi cũng vào theo. Hai mẹ con thủ thỉ đủ thứ chuyện. Mẹ bảo rằng mẹ  không có ơn sinh thành dưỡng dục nhưng lại có thêm một đứa con gái luôn bên cạnh, chăm sóc con trai mẹ. Đó là mẹ đã lời quá nhiều rồi. Và lúc nào mẹ cũng thương yêu tôi bởi đơn giản vì mẹ là mẹ của con. Tôi vòng tay ôm lấy người. Cái mùi nồng ấm toát ra từ mẹ vô cùng dễ chịu khiến tôi ngủ say lúc nào không hay. Chỉ nhớ đôi bàn tay gầy gò, xương xương ấy chốc chốc vuốt ve bàn tay tôi đầy yêu thương, ấm áp!
    Mẹ về rồi mẹ đi. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc. Chiếc xe mang theo những giọt nước mắt và cả một miền nhớ thương. Mẹ nhớ nhà, nhớ quê, nhớ con và nhớ cả những câu chuyện bên gốc sung già cùng bà con lối xóm. Mái tóc điểm trắng phảng phất tựa hơi sương, mất hút giữa dòng xe nườm nượp. Người ở lại, lòng nặng trĩu, chỉ cầu mong cho mẹ được bình an.
  Vài tháng sau, mẹ về! Mẹ lại về! Chúng tôi đều ra ngoài cửa chờ mẹ. Không ai nói với ai một câu nào. Mưa rơi rả rích, cơn gió nhẹ thoáng qua nhưng cũng lạnh đến nao lòng. Từng chiếc lá chao nghiêng lãnh đạm. Chiếc xe trờ tới. Người ta đưa mẹ vào nhà. Mẹ nằm đó. Lặng im. Lạnh lẽo. Tôi không tin đó là sự thật. Cầu trời đây chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ thôi!
   Tiễn mẹ đi, Tây Sơn mưa tầm tã. Mưa của trời hay nước mắt của người. Chiếc áo tang quyện cả bùn đất. Chúng con trở thành những đứa trẻ mồ côi. Rồi đây, khi đứa cháu ra đời biết tìm nơi đâu có hình bóng nội? Cô em gái nhỏ hạnh phúc có vẹn tròn trong lễ vu quy? Bóng cha già lặng lẽ sớm khuya, thắp nén hương có gọi về được chăng miền kí ức? Thảng thốt như mới chỉ hôm qua, mẹ còn dặn con đi làm xa nên cẩn thận; mẹ còn nhắc ăn uống đúng giờ giấc và mặc thêm áo kẻo lạnh lúc đông về. Mẹ ơi! Từng lời mẹ dặn con sẽ khắc ghi, luôn cố gắng làm trọn đạo như mẹ đã từng sống, luôn cố gắng yêu thương chân thành tất cả và sẽ xem gia đình như ruột thịt chính mình. Bởi, mẹ đã cho con hiểu rằng, con không phải là con dâu mà là con của mẹ.
                                                         ĐÀO THỊ THANH THỦY