/

Mỗi lần nghe lời hát “ Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, tóc trắng mẹ bay như gió, như mây…” lại khiến tôi nhớ về người mẹ hiền của tôi nơi quê nhà Bắc việt thân thương. Mẹ năm nay gần bảy mươi tuổi, mẹ làm cán bộ kỹ thuật ở lâm trường về nghỉ chế độ mất sức đã lâu. Vậy mà nay, sáng nào mẹ cũng  đi ra đồng tay cuốc, tay cày. Rồi về nhà chăm đàn cá dưới ao, bầy gà trong chuồng. Sống bên con cháu những ngày về già. Cuộc đời của mẹ, từ khi tôi lớn lên biết mùi cuộc sống ở đời là bấy nhiêu ngày biết sự buồn vui, vất vả của mẹ.

 Quê tôi vùng chiêm trũng, vào mùa mưa bão là lụt lội. Có năm lụt lớn cả vùng quê ngập trong biển nước. Nước ngập đường đi, nước ngập sân vườn, ngập những bụi tre, gốc mít và nước vào trong nhà ngập cao hơn nền nhà cả mét. Không có chỗ đi lại, anh em tôi ngồi so ro trên chiếc giường kê cao tạm bợ. Đói, nhà không có gì ăn mẹ lội bì bõm ra đê sang làng bên mượn tạm ít gạo và vài quả đu đủ xanh đem về luộc ăn ít một qua bữa. Chiều mưa, gió thổi tốc mái nhà. Bố đi làm xa, mẹ trèo lên rọi lại mái tranh rạ bằng những tàu lá kè mòn vẹt vì gội nắng mưa lâu ngày. Đêm ấy nhà không còn dột ướt nữa mà nghe những tiếng ì oạp đớp nước của cá đi lạc trong nhà, tiếng nhái quẫy đạp lõm bõm gọi bạn tình nơi mé hè. Ánh đèn dầu leo lét không đủ sáng cho căn nhà ngập chìm trong nước lụt. Trong đêm tối vắng lạnh anh em tôi thấy có sự ấm áp bao trùm khi có mẹ ở bên cạnh.
Những ngày nước lụt rút dần, các tàu môn, tàu bạc hà, gốc chuối, gốc sung  mọc trước ngõ, sau vườn được phủ một lớp đất bàng bạc. Cá tôm ở đâu kéo về ở các mương, các vụng nước quanh làng nhiều vô kể. Trong những ngày lụt lội đó tôi nhớ nhất món ăn cá kho lá nghệ của mẹ nấu. Nào cá bống, các diếc, cá mương nhỏ được làm sạch ướp với củ nghệ vàng giả nhỏ cùng mắm muối. Trên cùng rắc lớp lá nghệ xanh ngắt hái ở sau vườn thái chỉ cho vào nồi đất đun trên bếp củi, xung quanh um trấu. Khói bốc cuộn lên quện vào mái tranh, mái rạ. Lan tỏa trong chiều tà một mùi thơm khó tả. Sau này đi ăn cơm ở nhiều quán hàng sang trọng tôi vẫn thường gọi chủ quán làm món ăn trên. Tuy cảm giác không ngon như ăn trong những ngày mưa gió đó nhưng vẫn gợi lại mùi vị và hình bóng mẹ già với làng quê trắng mênh mông nước ngày nào.
Thủa ấy nhà tôi kinh tế khó khăn, thiếu trước hụt sau. Căn nhà trống hơ trống hoác, nhìn trước ngó sau không có vật dụng nào là đáng giá đồng tiền. Mấy người trong gia đình chỉ trông chờ vào gánh cháo lòng mẹ bán ngoài chợ Thượng. Ba anh em chúng tôi gầy yếu, nhỏ con chẳng phụ mẹ được gì nhiều. Những hôm làm hàng mẹ dậy từ ba bốn giờ sáng đạp chiếc xe đạp cà tàng xuống lò mổ lấy hàng. Ngày đông rét buốt, mưa phùn lất phất. Tiếng xe đạp cót két của xích líp do khô dầu mở ngoài đầu ngõ vọng vào là thấy mẹ về. Bàn tay lạnh cóng, đôi môi nhợt nhạt mẹ không tiếng nhỏ tiếng to than phiền gì với con cái. Hôm nào bán hết hàng thì đỡ còn hôm nào bán không hết hàng là hôm đó nhà tôi ăn cháo thay cơm. Dần dần anh em tôi nhìn thấy món cháo lòng là chán ngấy. Bao năm sau mọi người trong nhà tôi đều dị ứng với món ăn này.
Ngày tôi vào trường đi học xa nhà, con lợn nhỏ trong chuồng đang nuôi và bầy gà mái đẻ mà hàng ngày mẹ ra sức băm rau rải lúa cho ăn. Được mẹ nhốt vào chiếc rọ tre đem ra chợ bán. Thằng Dủng em út tôi ngơ ngác chạy theo giữ chiếc rọ tre hỏi mẹ sao lại đem con gà mái mơ hoa của nó đi đâu. Mẹ dỗ mãi nó mới cho đi. Bán lợn, bán gà là bán hết vật nuôi trong chuồng, tết không có gì nhòm ngó nhưng ánh mắt mẹ vui lắm. Mẹ còn bảo tôi cố gắng lên con, nhà mình nghèo chỉ có học sau này may ra bay xa. Thoát khỏi nếp tranh nghèo, đời mẹ sao cũng được. Rồi mẹ cười, niềm vui lan tỏa như nắng ấm ngày đông. Cầm số tiền từ đôi bàn tay gầy gò, chai sạn của mẹ đưa. Tôi nhét cẩn thận vào chiếc ba lô đã cũ từ thời còn trong chiến trường của bố để vào trường.
Tôi có biết đâu mình đi học lại thêm phần gánh nặng cho mẹ. Hằng ngày ngoài giờ lo hàng quán ở chợ mẹ còn làm thêm bao việc. Trồng cà, trồng rau, làm thuê mướn cho các nhà trong làng để dành dụm từng đồng tiền lo ăn học cho anh em chúng tôi từng đứa, từng đứa một nối tiếp nhau học tập trên giảng đường. Anh em tôi học tập cũng khá có lẽ do thừa hưởng được gen thông minh từ mẹ. Mặc dù nhà nghèo, cuộc sống khó khăn nhưng mẹ rất lạc quan hay đọc ca dao tục ngữ, truyện kiều cho các con nghe. Những đêm hè trăng sáng, gió nồm nam thổi xào xạc trên các ngọn cây mát rười rượi. Cả nhà trải chiếc chiếu cói ra sân hóng mát, mẹ kể bao nhiêu là truyện cổ để giấc ngủ hằng đêm tôi hay mơ về cô Tấm với quả thị thơm, chàng Thạch Sanh có tài gương cung bắn đại bàng cứu công chúa đẹp xinh.
Có lần mà đến giờ tôi còn nhớ mãi, việc ấy như vết thương lòng sau bao năm không mờ vết sẹo trong sâu thẳm tâm trí tôi. Năm ấy vì phải lo tiền ăn học cho anh em tôi. Nhà không còn thứ gì để bán, sổ lương hưu trí của mẹ đã cầm cố cho người khác. Mẹ có vay cô giáo ở làng một khoản tiền lãi nhỏ. Đến ngày chưa có trả, đúng hôm ba mươi tết. Đêm khuya cô đến nói những lời mắng nhiếc với mẹ rồi cô đi khi năm mới chỉ còn ít phút nữa là gõ cửa. Giao thừa ngoài kia hàng xóm rội tiếng nói cười chúc tụng năm mới. Còn nhà tôi im lặng, vắng ngắt, chỉ nghe tiếng thút thít nhỏ nhoi của mẹ. Đêm giao thừa mưa phùn lất phất, rét cắt da thịt, trời tối như mực bao phủ một nổi buồn lên nhà tôi. Vậy là hết không khí của một cái tết nghèo nơi miền quê hoang vắng. Thời gian sau mẹ ốm, mẹ xanh và gầy. Bố về chăm mẹ ít ngày rồi bố đi làm để phụ mẹ lo trang trải cuộc sống. Cậu của mẹ ở xa lắm, mãi Hà Nội về thăm chị có thốt lên: Sao đời chị tôi vất vã quá. Nỗi lo cơm áo khiến chị tôi già và khác xưa nhiều rồi. Sau đó cậu đưa cho mẹ tiền triệu để mẹ thuốc thang cho lành bệnh. Nghe cậu nói mẹ im lặng, chỉ những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt gầy gò và đen đúa của mẹ…
Rồi thời gian dần trôi. Ngày tôi ra trường cầm quyết định tuyển dụng đi làm, cách đây hơn hai mươi năm trời, mẹ nói: Đời mẹ chưa bao giờ vui như lúc này. Cầm vàng còn sợ vàng rơi, cầm được quyết định tuyển dụng là đời ấm no. Đi làm con lo ăn ở với đồng nghiệp cho phải đạo và công tác tốt nghe con.
Nối tiếp theo tôi, lần lượt các em tôi ra trường đều có công ăn việc làm. Ổn định gia đình riêng. Mẹ có dâu, có rể. Sổ lương của mẹ sau bao ngày cầm cố đi xa nay đã quay về. Giờ cuộc sống của mẹ ổn định và có phần dư dả  nhưng mẹ vẫn tằn tiện dành dụm từng đồng tiền cho con, cho cháu. Hoặc chiều sở thích xê dịch của bố tôi. Đó là đôi năm ông lại xách ba lô nam tiến một chuyến để thăm lại chiến khu mà quân đoàn 10 của ông thời trai trẻ quần nhau với giặc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thăm lại những đồng đội một thời lính chiến, nằm hầm xông pha đánh trận dưới mưa bom, bão đạn đâu quản ngại sự sống và cái chết.
 Tết này tôi đưa các con về thăm mẹ, hưởng cái tết lành lạnh có nhang trầm thoảng hương, có nụ đào phơn phớt hồng và có tiếng cười nói đủ đầy của mẹ con, của bà cháu. Bù cho cái tết nghèo năm nào mẹ nhé.
                                                                                                  Nguyễn Thành Vân