Quá nửa đời phiêu bạc, nay tôi về nức nở cùng sông !

Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ nằm bên hữu ngạn, hạ nguồn con sông Ba: làng Phước Nông. Con sông Ba bắt nguồn từ tận đẩu tận đâu, trên một đỉnh núi có tên là Ngọc Rô của dãy trường sơn hùng vĩ. Sông Ba sau khi đã ôm không biết bao nhiêu ngọn đồi, bao nhiêu rặng núi, băng qua bao nhiêu làng mạc, bao nhiêu miền đất thảo nguyên xanh tươi, trù phú…và rồi cuối cùng chảy vào đất Phú trời Yên nó được mang một tên mới là con sông Đà Rằng, dân quê tôi gọi là sông Cái.

Tên sông Đà Rằng có thuyết cho rằng được đọc trại theo tiếng chăm cổ là từ tên Ea Drăng, có nghĩa là con sông lau sậy. Cả tuổi thơ tôi gắn bó với dòng Ea Drăng này nên luôn có một dòng Đà Rằng hiền hòa miên man chảy trong tâm trí tôi.

1. Nơi đó…

Nơi đó, có bãi bồi rộng bao la có từ mấy trăm năm trước và bây giờ là ruộng mía, ruộng dưa, bắp, đậu phộng tươi tốt trồng xen lẫn với dưa, bí, mướp và có những bụi gai, hàng duối với những cây duối to nhô cao, đứng lù lù, trơ trọi khi mùa màng xong. Lũ con nít bọn tôi hay đi bẻ mía trộm khi mía còn trên ruộng và rút mía trộm khi mía đã chặt xuống và gom thành đống, tủ bằng lá mía để chờ đến lượt đạp ở cái che đạp mía bằng gỗ và nhờ sức bò đẩy đi vòng tròn.

Nơi đó, có bãi soi dài ngút mắt. Có những buổi trưa lùa bò qua bãi soi, cát nóng làm phỏng chân. Xen lẫn trong cỏ là những đám ốc sầu với gai nhọn làm chảy máu tôi không biết bao nhiêu lần. Có những ngày đu đuôi bò vượt sông Đà Rằng qua bên kia sông tìm nơi có cỏ non xanh để cho bò được ăn no nê.

Nơi đó, có cồn cát là đụn đất cao ngất, phủ một lớp cát trắng, dày đui gọi là đầu cồn. Cát trắng được gió đưa từ sông Đà Rằng vào, phủ lên trên cồn trắng xoá. Trên cồn cơ man nào là sài hồ, quan âm là hai loại thuốc quý đua nhau mọc. Đầu dưới là đầu cồn Lạc Nghiệp và cồn trên là Đầu Cồn Phước Mỹ. Cồn cát này chạy song song sông Đà Rằng, kéo dài từ đầu thôn Phước Nông tới cuối thôn Phước Mỹ, nó che chắn trọn thôn Lạc Nghiệp. Dải cồn đất cao này ngăn cách sông Đà rằng và đầm Lạc Nghiệp. Đây là nơi chúng tôi nhìn thấy dòng nước nước lụt đầu tiên khi nước sông Ba tràn về bãi soi. Lúc đó trên đầu cồn xuất hiện những đám bọt bọt trắng xóa, tràn từ từ qua chỗ thấp của đầu cồn và chảy vào đầm Lạc Nghiệp rồi tràn xuống bãi soi, qua lũy tre ,vào làng gây ngập lụt…Khoảnh khắc nước sông Ba tung bọt trắng xóa và đổ vào đầm Lạc Nghiệp chúng tôi gọi đó là lúc nước xổ đầu cồn.

Nơi đó, có hình bóng tuổi thơ tôi in trên bãi cát dài bất tận dọc hai bên bờ sông. Vào mùa hè có những ngày tôi và lũ bạn lang thang dọc bờ sông Đà Rằng tìm những hòn sỏi màu để vẽ, lang thang khắp bãi soi tìm ổ chim, hái dưa, tắm sông, bắt dế , hái rau đắng… Có những buổi trốn mình trong những ruộng dâu tằm tìm hái dâu ăn hay đi loanh quanh khắp bãi soi tìm nhổ nhưng cây cỏ lách rồi khoanh lại thành những cái khoanh tròn, dài hơn người! Thời điểm đó, với một thằng bảy, tám tuổi như tôi thì đám dâu dài chừng một kí lô mét là nó đã là dài bất tận.

Nơi đó, ngoài con sông Đà Rằng mênh mông, bát ngát ra còn có nhiều đầm, vũng nằm rải rác như: đầm Lạc Nghiệp, vũng Một, vũng Giữa, vũng Tre…Trên các đầm vũng này hợp tác xã trồng rau muống. Sâu dưới nước những vũng, đầm này là rong dâu, rong ta, rong nhớt…mọc um tùm đến nỗi đi dưới nước bị rong trói chân. Trên bờ là những đám cỏ tây dài ngút mắt. Xa xa, lác đác vài cái chòi làm bằng lá để che mưa che nắng và để cho những người làm soi ngã lưng khi mệt.

2. Hồi đó…

Hồi đó, chúng tôi cả trai gái cùng nhau đi chăn bò, hái rau, hái củi và rủ nhau chơi u mọi, kéo co..Khát nước thì ra sông lựa chỗ nước trong mà khum uống. Đứa nào kĩ hơn thì moi cái giếng, tát hết nước đi rồi chờ nước mạch ra rồi khum xuống uống. Chơi đã rồi thì cùng nhau kéo ra sông, cởi trần truồng, tồng ngồng tắm sông và cùng nô đùa, nghịch nước rồi tối về ngủ không một chút mộng mị.

Hồi đó, có những trưa tròn bóng cùng lũ bạn xuống sông, xuống vũng tắm thì hay cút sâu xuống đáy sông và mở mắt ra xem có gì dưới đó. Tắm xong lên bờ đứa nào hai mắt cũng đỏ hoe. Vào mùa hè nước sông Ba cạn, các ao đầm thành vũng nước tù cạn nước, rong mọc đầy. Thường nhất là rong dâu và rong ta và rong nhớt. Mùa hè là mùa rong dâu ra bông, kết trái nếu xuống nước tắm thì sẽ rất ngứa. Biết tắm là ngứa nhưng chúng tôi vẫn tắm. Cứ mỗi lần tắm xong là nó ngứa, nổi mụt giề giề nên ngồi cùng nhau mà gãi gọi là cùng nhau đánh đàn. Nếu lúc trời nắng nóng thì cởi hết đồ ra nằm lăn vài vòng trên bãi cát nóng là nó hết còn không thì phải chạy nhanh ra sông Đà Rằng tắm hay về nhà tắm nước giếng mới nhanh hết ngứa!

Hồi đó, có những buổi chiều lộng gió tôi nằm trên bãi cát trắng tinh ven sông ngắm nhìn mây trời lảng đãng trôi, nghe con chim chiền chiện hót, nhìn con chim bói cá săn mồi, nghe tiếng con chim cuốc kêu, tiếng dế vang vang. Xa xa, đâu đó trên Lạc Nghiệp hay dưới Phú Nông từng làn khói mỏng từ những đám đốt rác un muỗi nhà ai nhẹ nhàng bay lên không trung vào những buổi chiều tà.

Hồi đó, có những ngày ngồi học mà bụng đói meo, trông cho nhanh hết tiết cuối để về nhà ăn cơm. Thế nhưng ra tới con mương là quên cả đói, gởi cặp sách cho bạn, nhảy ùm xuống con mương tắm, thả trôi theo dòng nước, gần tới nhà mới leo lên đi về nhà. Có những chiều mê mải chạy cả cây số để tìm bắt chim dẽ, cum núm… hay xúm nhau vào bắt cá khi đám ruộng gặt còn chưa xong, cá dồn lại đủm lúa nhỏ còn lại và sau đó tập trung nơi cầu Khum, đứng trên cầu nhảy xuống dòng mương trong vắt để tắm gội. Có những buổi trưa ra mương trầm mình dưới dòng nước mương để mò cua, mò cá…Dòng nước trên con mương trong xanh, mát rượi luôn đầy ắp nước này cũng là nước từ con sông Đà Rằng được đưa về bỡi con đập Đồng Cam để tưới mát cho cánh đồng lúa Tuy Hòa bát ngát.

Hồi đó, cứ hè về là lùa bò ra sông Đà Rằng chận, rồi đi hái rau đắng về phơi khô, đốt thành than đen để dành nấu cơm, nấu chè nấu cháo. Cơm rau đắng, chè, xôi nấu bằng nước rau đắng rất ngon, rất thơm. Cũng là tên rau đắng nhưng rau đắng của quê tôi khác với rau đắng làm rau ăn hay nấu canh trong miền Nam.

Hồi đó, có thằng tôi, là thằng Khờ Ang luôn đầu trần, da đen nhẻm, chân mang dép mo cau, mo măng hay ngồi vắt vẻo trên lưng bò, trên cổ bò. Có tới hơn 50 anh em đã từng chăn bò và từng toàn là cái thứ bợm bãi, lì lượm, hoang lung, đi phá làng phá xóm nhưng cái mặt lúc nào cũng lịt lịt mỗi khi có ai nói động tới. Tụi con gái hái rau thì mặc quần lò xo thun lên tới đầu gối, ngày ngày đi hái rau heo, lượm củi.

Hồi đó, có những chiếc ghe kinh căng buồm lướt ào ào ngược con nước trên sông Ba để chở muối, gạo lên miền cao đổi lấy sắn bắp và các loại lâm sản khác. Hồi đó, ghe cũng chở hàng ngược xuôi trên sông để đem buôn bán các chợ phiên Phong Niên, Bầu Đục bên bờ bắc sông Đà Rằng hay chợ Mỹ Thạnh, Phú Thứ, Phú Nhiêu bên mạn nam. Những lão ngư phủ chiều chiều ra sông đánh lưới, thả lờ, thả nhá, quăng chài. Những bè củi trôi về xuôi vào những buổi chiều ta hay đêm tối mà người dân đi hái củi tận trên Đồng me, núi Mái nhà trở về. Có tiếng tiếng hú nhau gọi đò, gọi nhau văng vẳng trong đêm.

Hồi đó, có những ngày hè gió nam cồ thổi mạnh ào ào. Lũ chúng tôi đầu đội mũ lát đi chăn bò, nếu lỡ không may bị gió nam hất tung mũ lát cuốn đi là phải rượt theo tới cả cây số mới bắt được. Có những cơn nam cồ làm cát bắn vào người rát rạt, chân tay như có hàng trăm mũi kim chích vào da thịt đau điếng. Những cơn nam ngoài bãi soi làm lũ trẻ chúng tôi té ngã nháo nhào và phải đi thụt lùi để tránh cát bắn vào mặt, vào mắt.

Hồi đó, có những mùa lụt thật vui, thật thích mà không phải sợ những cơn lũ như bây giờ. Chúng ta cứ đánh đồng lũ và lụt. Ngày xưa nói lũ lụt là ý nói lụt thôi. Giống như nói dìa lo cơm nước thì ý nói là lo cơm thôi. Ngày nay không còn lụt mà đa số là lũ nên nguy hiểm, chứ ngày xưa lũ lụt có ai sợ đâu. Nước sông Đà rằng muôn đời vẫn hiền hòa dù cho khi lũ lụt xảy ra. Bây giờ có thêm từ xả lũ nên mới trở nên đáng sợ.

Hồi đó, chúng tôi vẫn hay canh để xem những dòng nước đầu tiên xổ đầu cồn mỗi khi mùa nước lớn về. Khi nước xổ đầu cồn xong là bắt đầu tiến vào đầm Lạc Nghiệp, chảy xuống vũng Giữa rồi từ từ dâng lên tràn lan, lênh láng khắp bãi soi. Nước từ từ dần lớn lên cho đến khi vào đến đầu con kiệt vào xóm. Thời gian nước lớn có khi mất hai, ba ngày nên người ta có thời gian mà chuẩn bị cho thóc lúa, mùa màng, trâu bò… thế nên chẳng nguy hiểm gì nhiều. Khi nước ngập cao lên gần đến đầu dốc của con kiệt thì chúng tôi vẫn đứng đó xem, lấy cây cắm cọc hay vẽ cái mức để theo dõi nước lên cho tới khi nước đóng bực mới lật đật chạy về nhà. Khái niệm nước đóng bực chắc có lẽ chỉ có ở quê tôi. Khi nước lụt dâng lên cao đến đầu dốc của con kiệt mà vẫn chưa tràn qua cái bực luỹ tre để vào làng thì gọi là nước đóng bực.Những trận lụt nhỏ thì nước chỉ ở ngoài bãi soi chứ chưa dâng lên tới bực của luỹ tre. Bằng cách theo dõi mức nước lên và thời gian nhanh hay chậm để nước đóng bực là chúng tôi biết nước vô làng hay không vô làng. Nếu nước đóng bực nhanh thì khả năng vô làng là cao.

Nước lụt chảy mạnh kèm theo những đám bọt trắng xoá tụ thành từng mảng trôi đi như tảng băng trôi. Vì là nước lụt tự nhiên nên kèm theo củi rều trôi theo dòng nước rất nhiều. Các anh lớn hơn thì hay bơi ra hái củi rều, chúng tôi nhỏ thì ra gần mép nước vớt. Sau này lớn hơn chút nữa tôi cũng hay bơi ra vớt củi rều và đôi khi lượm được vài khúc cũi to bằng cái mình, dài hai, ba mét. Một số nhà có ghe kinh thì chống ghe ra hái củi. Nhiều khi mải chơi thì trên nước vào trong làng hồi nào không hay vì trên kiệt trên bị bứt bờ, nước tràn làng và bao vây chúng tôi giữa khu đất thổ sau làng. Cả lũ phải nhanh chân lội qua mấy đám ruộng gò chạy về nhà trước khi nước dâng lên ngập các ngả đường đi trong làng. Nước lụt vào làng, tràn vào ruộng, qua bờ lô và chảy xuống dây rộc phía dưới rồi chảy đi miết ra biển. Năm nào mưa lũ kéo dài vài ngày thì nước cũng dâng cao vào sân nhà chứ ít khi vào nhà. Thời gain từ khi lụt cho tới khi rút là ba bốn ngày, có khi là cả tuần. Những ngày nước lụt rút xuống xuống là khoảng thời chuỗi ngày dài vui vô tận. Nào là đóng bè chuối chống đi khắp nơi, nào là thả lờ, đom đó, đánh lưới, thả nhá, giăng câu… Khi nước rút ra khỏi làng sẽ để lại một lớp phù sa dày cả gang tay. Năm nào có lũ vào là mùa sau cây cối sẽ tưới tốt lắm. Những ngày sau đó nữa thì chúng tôi đi lượm củi rều còn vướng trên cây, trên bụi tre…Nước rút ra hết thì ra sông bắt cá, hái rau muống, lượm củi, lượm trái tràm về để dành xào ăn. Hồi đó, chúng tôi vẫn được người lớn nhắc rằng: Nước lụt hay nước lớn là nước nguồn, nước bạc rất độc. Thế nhưng chúng tôi vẫn cứ tắm, vẫn cứ bơi lội tung tăng khi có nước lụt về mà cũng chẳng đau bệnh hay ảnh hưởng gì. Hàng năm, cứ qua 23 tháng 10 âm lịch thì chấm dứt mọi lụt lội, mưa bão và bà con nông dân bắt đầu sạ ruộng vụ đông xuân.

Hồi đó, cá trên sông Đà Rằng và các sông nhỏ, nhánh nhỏ của nó là nhiều vô kể. Cá tập trung vô những hối nước, chỗ nước đưng. Đứng trên bờ thấy cá tung tăng bơi lội dưới sông. Có những mùa hè khi cơn mưa giông đầu mùa trút xuống thì cá rô, cá lóc nhảy cả lên bờ, bò lê, lóc trên những đám cỏ. Cá cũng có nhiều chủng loại cá, từ cá diếc, cá rô, cá sặc, cá trê, cá sảnh, thát lát, cá bống, cá nhét, cá trắng lúi…đến tôm, lươn, rắn, cá chạch và có cả những con rái cá. Một số loài cá mà hầu như bây giờ ít gặp như cá bống mú, cá bống tượng, cá chốt, cá mã, cá phá, chình…Hồi đó, chỉ cần kéo cái bò, thả vài cái lờ, đơm hai cái đó, cắm chừng đôi ba chục cái cần câu, quăng năm ba lần chài… là có cá cho cả nhà ăn vài bữa. Còn nếu thả lưới xuống sông hay kéo trủ là cá dính nhiều, gỡ mỏi cả tay. Vào những mùa hè nước rặt, chúng tôi thường kéo nhau xách nôm ra sông ụp nôm. Những chỗ cạn thì dùng cái rổ xảo, rổ thưa hay thúng đi ủi cá.(Ủi cá là cứ lấy cái rổ xảo ra sông, đặt nó xuống nước và nằm dài đẩy cho cái rổ đi, trong lúc đẩy đi thì nhổm nhổm cho miệng rổ hở hở lên trên mặt đất xíu. Đẩy đi được vài vòng thì bất ngờ đè miệng rổ xuống sát đất và đẩy nhanh lên bờ. Cá, tôm bị nhốt vào trong rổ, chỉ cần giở rổ lên và bắt). Tôm tép thì dùng cái nhủi để đi nhủi bắt. Mùa lụt xong sông sạch các bụi cây điên điển, rau muống… thì đem trủ ra kéo.

Hồi đó, nơi bờ sông quê tôi có hai cái miễu: Miễu Lớn và miễu Nhỏ. Miễu lớn tthuộc làng Phú Nông thờ ông và miễu Nhỏ thuộc làng Phước Nông thờ bà và gọi chung là miễu Sông Thờ. Những cây bàng cổ thụ quanh miễu là cái mốc cho chúng tôi xác định các vị trí. Khi đi chăn bò chúng tôi cũng thường leo lên những cây cao để nhìn về phía biển, ngắm cầu Đà Rằng, núi Nhạn hay nhìn lên núi Mái nhà. Hai cái miễu này bị dòng nước lụt ăn sâu vào nên đã sập và không còn vết tích.

Miễu linh chẳng dám đến gần
Đứng xa mà vái, thánh thần chứng tri (Ca dao)

Hồi đó, mỗi khi có việc đi ngang qua miễu chúng tôi không dám đi thẳng người, phải cúi người xuống để đi qua. Các chủ ghe, chủ xuồng đi ngang qua miễu dưới nước cũng khum người vái thánh thần, cầu cho thánh thần phù hộ rồi mới đi tiếp. Dân quê tôi vẫn hay nói “linh như miễu” để nói cho những việc gì mới nói, mới nghĩ tới là xảy ra ngay.

Hồi đó, trên dòng sông Đà Rằng có những bền đò ngang như bến đò Phong Niên, bến đò Lò Giấy…

… Nhớ xưa những buổi hội hè
Dân hai bên bến tụ về bán buôn
Những khi văn nghệ, hát tuồng
Kẻ qua, người lại đò luôn đầy người…
Thời ấy giờ đã xa rồi .
Bến xưa giờ đã là nơi hoang tàn..
Chiều tà vừa chớm đông sang,
Ngồi trên bến vắng lòng man mác buồn .
Từng cơn gió lạnh qua truông,
Đò xưa mất dấu, dòng tuôn lạnh lùng.
Bỗng dưng thấy nhớ vô cùng
Những ngày xưa cũ…ngàn trùng đã xa…

3. Và hiện giờ…

Từ khi những hồ thuỷ điện mọc lên trên thượng nguồn sông Ba thì sông Đà Rằng của tôi cũng chết từ đó. Sự xuất hiện ồ ạt của thủy điện, đã và đang bức tử dòng sông Đà Rằng yêu dấu. Các thủy điện đã làm sông Ba khô cạn nhanh chóng trong những năm gần đây. Các thủy điện An Khê, Kanak thì lấy nước sông Ba rồi xả về sông Côn chảy về Bình Định nên sông Ba càng thiếu nước trầm trọng hơn. Nguồn nước sông Ba bị cạn kiệt, cộng với sự xả thải của các nhà máy chế biến phía thượng nguồn đã khiến tình trạng ô nhiễm trên sông càng trở nên trầm trọng, cá tôm hầu như không còn. Nạn chặt phá rừng cũng diễn ra ồ ạt, làm nguồn nước dự trữ không có. Các vũng, đầm ngày xưa giờ khô cạn hết vì bị gió và lũ đem cát về san bằng. Giếng nước vào mùa hè cũng khô cạn. Sông Ba bị khô cạn nước nhưng lại gây lũ rất hung hăng, nguy hiểm trong mùa mưa mỗi khi các nhà máy thuỷ điện xả lũ.

Nước sông Đà Rằng khô cạn, nguồn nước ngầm bị mất đi vào mùa hè sẽ có nguy cơ bị nước biển tràn vào gây ngập mặn cho thành phố Tuy Hoà và các vùng lân cận.

Trên lưu vực sông Ba hiện có chín nhà máy thủy điện, gồm: Kanak, An Khê, Đắk Rông, Ayun Thượng, Sông Ba Thượng, Ayun Hạ, Ea Krông Hơnang, Sông Ba Hạ, Sông Hinh và không biết sẽ có thêm bao nhiêu cái nữa sẽ xây dựng thêm. Có chín cái thủy điện đồng nghĩa với có chín cái hồ chứa bạc ngàn nước. Sông Đà Rằng của tôi ngày xưa giờ như người già khô máu, gân cốt lòi ra, trơ xương ra, khô đét và nằm ráng thở những hơi cuối cùng trong cơn hấp hối, giãy chết. Con sông thơ mộng, hùng vĩ, tráng lệ ngày nào giờ như là một con kênh và rất có thể sẽ thành một con mương nhỏ nhoi, nghèo nàn, cù lần và hèn mọn khi hè về. Rặt nước ló cồn, bây giờ ra sông tìm hoài chẳng thấy sông đâu, chỉ thấy miên man những cồn đất nổi lên xa tít mãi và từng đàn bò đang gặm cỏ trên lòng dòng sông xưa.

4. Thay lời kết

Cả tuổi thơ của tôi sống ở làng, tôi chưa bao giờ thấy sông Đà Rằng giận hờn hay hung dữ với người làng bao giờ. Tôi khẳng định luôn: mọi sinh hoạt trong đời sống, sản xuất, văn hóa và tâm linh của con người sống dọc hai bên bờ sông Đà Rằng đều có liên quan tới dòng sông thân yêu này. Tôi chỉ thấy sông Đà Rằng luôn ban ơn cho con người một cách vô tư và không hề có bất kỳ điều kiện nào đối với con người.

Hồi trước kia, cứ mỗi lần về thăm quê là tôi tranh thủ ra thăm bãi soi, thăm sông Đà Rằng để nhìn dòng sông đẹp đẽ, thơ mộng trôi xuôi về biển, nhìn xuống cầu Đà Rằng, nhìn núi Nhạn mờ ảo xa xa, nhìn lên núi Mái nhà tít tận phía trên kia.

Tôi nửa hờn, nửa lẩy xen lẫn bất mãn nên những năm gần đây ít ra thăm sông nữa. Thỉnh thoảng về quê thăm nhà khi ngang qua cầu Đà Rằng tôi trộm nhìn sông Đà Rằng chút xíu thôi vì giờ đây sông đã quá đỗi xa lạ đối với tôi. Những hẹn hò của tôi và sông cũng dần khép lại, thưa thớt đi. Đôi khi về quê tôi cũng có ra soi thăm sông Đà Rằng nhưng chỉ đứng ngó nó từ xa. Những lúc đó thôi thường miên man về một dòng sông Đà Rằng xưa: một dòng Đà Rằng tràn trề nước, bát ngát đôi bờ với với bãi cát trắng tinh trải dài với hằng hà sa số miểng sành vỡ, hòn sạn, hòn son…Một dòng sông với đôi bờ cơ man nào là rau đắng, um tùm với những bụi cây nghể, đám cỏ, lau sậy và hàng ngàn cây điên điển trổ bông vàng óng. Một dòng sông với cơ man nào là cá và các loài chim, cò vẫn về đây kiếm ăn để rồi chiều chiều hàng đàn dài bay về tổ ấm.

Ai cũng nói, cũng nghĩ cuộc sống này là cõi tạm, đời này là vô thường…nhưng lại làm điều bất thường, làm trái với lẽ tự nhiên chứ không nghĩ tới cái lẽ thường tình là thuận theo tự nhiên. Vì nghĩ cuộc đời này là cõi tạm, là vô thường nên cái gì cũng cứ tạm bợ, cứ theo cái lợi ích trước mắt chứ không nghĩ tới cảm nhận của thiên nhiên, của môi trường, của vạn vật xung quanh, không nghĩ tới một chiến lược lâu dài, bền vững. Một số người chỉ vì chút lợi lộc nhỏ của đời này mà cứ vô tư thẳng tay tàn phá thiên nhiên, săn bắt vô tội vạ, đuổi cùng, giết tận từ chim chóc cho tới thú rừng mà không nghĩ tới việc tạo lập một môi trường sống tốt đẹp cho con cháu muôn đời về sau.

Tận trong sâu thẳm trái tim mình, tôi có một mong ước, một ước ao: đó là mong ước, ước ao một ngày nào đó con sông Đà Rằng của tôi được trả lại như xưa, trở lại cái vốn dĩ trăm ngàn đời nay nó từng có, vốn có. Nếu được như vậy trước khi tôi nhắm mắt xuôi tay thì dẫu sau này có xuống mười tám tầng địa ngục tôi cũng cam lòng!

Sài Gòn, mùa hạ 2021. Huỳnh Khang.