Dường cũng đã lâu, Hiệp chưa về thăm gia đình. Cuộc sống cứ hối hả trôi đi, làm người ta phải lao theo không biết khi nào ngừng, nghỉ. Anh ra trạm cũng khá trưa, để đón chuyến xe buýt hơi vãn khách vào giờ này, vì Hiệp nghĩ, buổi trưa nắng nóng mà ngồi xe buýt máy lạnh thì thật thú vị, khoan khoái…
        Dù trên xe rất ít khách, nhưng tài xế bắt buộc phải khởi hành. Xe từ trạm ra đường lớn cũng dừng lại đón khách thêm, nên lát sau xe đã đông nghẹt người. Hiệp lên xe sớm nên có chỗ ngồi thoải mái, chẳng bù cho khách lên sau phải đứng hàng dãy, tay bám vào thành ghế hoặc những chiếc vòng nhựa lớn lủng lẳng phía trên …Xe vừa dừng, một cụ già tóc bạc trắng, dáng điệu mệt mỏi, uể oải bước lên. Hiệp ngồi gần cửa ra vào, nên anh đứng dậy nhường chỗ cho cụ. Ông cụ gật đầu tỏ ý cảm ơn. Mọi người chung quanh nhìn anh bằng đôi mắt thiện cảm. Một ông hơi đứng tuổi, vai quàng một túi xách lớn, tay cầm mấy vỉ dây chuyền, bông tai, nhẫn… giả. Ông oang oang nói thật to, cốt để cả xe cùng nghe:
      –  “Hàng bằng bạc thật 100% thưa bà con cô bác. Đi xa về nhà mua mấy thứ cho em nhỏ, con nhỏ, cháu nhỏ nó vui, nó mừng…”. Ông cầm một sợi dây mẫu, bật quẹt lên để thử, sau đó, ông chà đi chà lại sợi dây chuyền trên một một cái móc sắt mà ông móc lên nóc xe, rồi ông cầm thỏi nam châm dí vào sợi dây chuyền, để chứng tỏ “nó” không phải bằng sắt. Xong, ông đi lần từ đầu tới cuối xe, tay giơ hàng ra sát mặt khách, thậm chí ông còn bảo khách cứ cầm xem thoải mái, rồi bỏ vào lòng khách một số hàng… Hiệp không quan tâm mấy những mặt hàng của phụ nữ, anh nghĩ, em gái mình đã lớn rồi, đâu thích mấy hàng trang sức rẻ tiền này. Còn mẹ, chắc lại càng không thích đeo chúng cho vướng víu, khó chịu. Lác đác có vài khách mua. Ông bán hàng thu tiền, giao hàng rồi canh xe vừa dừng, ông nhảy xuống xe để tìm xe khác rồi lên bán hàng tiếp. Hiệp nghĩ, ông này bán hàng vừa không tốn tiền vé xe (họ cho đi quá giang vài đoạn), vừa không tốn thuế má, chi phí mặt bằng, nhân viên… ông chỉ tốn chút công sức quảng cáo và mời khách mua thôi, một ngày ông lên, xuống cả trăm chuyến như vậy, tính ra ông buôn bán cũng được lắm!
        Khách trên xe lên, xuống liên tục, Hiệp lại có chỗ ngồi mới. Anh tựa đầu vào thành xe, mắt nhắm lại, tinh thần hết sức thư thái. Hôm nay chủ nhật, cộng thêm ngày lễ được nghỉ bù, Hiệp về thăm gia đình ít hôm rồi lại về thành phố. Hiệp đang học Đại học năm cuối, chi phí ăn ở, thuê nhà thành phố cũng khá tốn kém. Anh đi dạy thêm vài nơi nên cũng đủ trang trải cho việc học. Cha Hiệp đã mất, mẹ anh cũng già yếu, các anh chị ở riêng, ai lo nhà nấy, còn hai em cũng đang đi học, nên Hiệp không muốn mẹ phải lo thêm cho mình. Anh mong sao mau ra trường, có công việc tốt, thu nhập khá để phụ giúp mẹ lo cho hai em thành tài. Từ nhỏ đến giờ, không biết có phải cái tên cũng ảnh hưởng rất lớn đến con người ta hay không, mà Hiệp lúc nào cũng quan tâm, giúp đỡ mọi người. Bạn bè hay gọi anh là “hiệp sĩ”. Có lần, đang ngồi uống nước trong quán gần trường, Thành, bạn cùng lớp anh bị một nhóm thanh niên lạ mặt bao vây. Hiệp chỉ hiểu loáng thoáng, Thành đang quen một bạn gái là người yêu của tên kiếm chuyện kia. Đôi bên nói chuyện qua lại, rồi đánh nhau. Thành đơn thân, cô thế, trong khi bọn kia tới bốn đứa. Hiệp không cần suy xét gì nữa, anh lấy điện thoại gọi ngay cho cảnh sát 113. Mấy tên kia thấy Hiệp gọi điện, nhào tới đánh luôn anh. Hiệp phải dùng ghế, chống trả quyết liệt để giải nguy cho mình và bạn, nhưng cuối cùng, cả hai cũng bị đánh đau nhừ tử, nằm bò lê ra đất. Đúng lúc đó, công an kéo tới, bắt cả bọn về đồn. Hiệp và Thành phải đi bệnh viện. Cũng may, cả hai chỉ bị thương sơ sài, nhưng nhờ vậy mà tiếng đồn về chàng “hiệp sĩ” lại lan ra khắp trường. Thành biết ơn, nên kết làm bạn thân với Hiệp. Các bạn khác cũng thân thiết, ngưỡng mộ anh, cả thầy cô cũng chú ý  đến Hiệp nhiều hơn!
        Có lần, đêm khuya về nhà, Hiệp trông thấy một chiếc xe máy văng ra đường, cô gái nằm bất tỉnh, cô bạn đứng bên không biết xoay sở ra sao. Thì ra, bọn cướp giật dây chuyền rồi đá vào xe để nạn nhân không thể tri hô, truy đuổi chúng. Hiệp ngoắc tắc-xi để chở cô gái đi bệnh viện nhưng không xe nào chịu dừng, có lẽ họ sợ “vạ lây” hoặc “xui xẻo”(?). Giận quá, Hiệp ra đứng giữa đường, hai tay dang rộng, xe tắc-xi thấy anh “liều mạng” thế đành phải dừng lại. Hiệp bế cô gái lên xe nằm ngay ngắn, xong anh bảo cô bạn ngồi vào cùng. Nhưng cô còn vướng chiếc xe máy, nên sau đó, tất cả thống nhất, cô bạn chạy xe theo chiếc tăc-xi đến bệnh viện cũng gần đấy. Tính Hiệp là thế, chàng “hiệp sĩ” như Lục vân Tiên nghĩa hiệp, cứ có cơ hội là anh lại giúp đỡ mọi người, bất kể mình có ra sao!
        Một ông lớn tuổi bước lên xe, tay ôm cây đàn guitar, lủng lẳng một chiếc nón vải bạc thếch dắt ngang thắt lưng, mọi người hiểu ngay ông đi đàn dạo kiếm tiền. Dáng người gầy gò, thấp bé, cặp mắt của ông dường như đã bị mù, vì nhìn vào người ta chỉ còn thấy hai hốc mắt sâu hoắm, đỏ tía, mờ đục…Ông chỉnh lại dây, đàn rồi hát. Tiếng đàn rất to, thì ra ông đã xài điện bình, cái bình điện (nối với đàn) được ông giấu trong chiếc bọc vải đeo trên lưng nên không ai chú ý. Bài hát trữ tình, nổi tiếng một thời làm cả xe như tỉnh hẳn, ai cũng chăm chú nhìn vào ông. Giọng ông ngọt ngào, trầm ấm, khá điêu luyện. Có vẻ như một thời xa xưa nào đấy ông đã từng làm ca sĩ xuất hiện trước đám đông, nên bây giờ ông tỏ ra rất dạn dĩ. Hiệp vốn rất thích đàn guitar, thưở nhỏ, anh thường học lóm từ bạn bè. Khi lớn hơn, anh học đàn ở trung tâm văn hóa quận. Ai đàn giỏi anh cũng ngưỡng mộ, yêu thích. Hôm nay, chứng kiến một người mù nhưng “ngón đàn” rất hay đã khiến Hiệp cảm phục. Anh móc túi lấy tờ hai chục ngàn cầm tay, xem như đãi ông ta một dĩa cơm vậy. Chung quanh, hành khách đều lấy tiền ra bỏ vào chiếc nón. Người bỏ vào một ngàn, hai ngàn, có người móc ra tờ năm trăm đồng…Ai cho bao nhiêu …tùy hỉ! Có người ngồi quá xa, họ đưa tờ tiền về phía ông, Hiệp phải đứng lên, thu tiền của khách từ đầu xe đến cuối xe, xong anh bỏ vào chiếc nón. Ông “mù”, không hiểu bằng cách nào có thể thấy được cử chỉ “nghĩa hiệp” ấy, và tấm lòng “thơm thảo” của mọi người, mà ông vừa hát vừa gật gật đầu lia lịa…tỏ ý cảm ơn ! Có lẽ, chỉ có Hiệp là …sang nhất, khi cho ông tờ hai chục ngàn. Anh vừa dạy học xong buổi sáng cho con bé, bà chủ nhà đưa anh tiền lương vì hôm nay cũng vừa hết tháng. Hiệp nghĩ, ông “mù” kia không còn khả năng lao động, nhưng vẫn ráng sức kiếm tiền, anh may mắn còn tuổi trẻ, còn đầy đủ giác quan, tứ chi…nên anh thấy cần phải hào hiệp một chút với người kém may mắn hơn mình! Nếu giàu có hơn, có lẽ anh sẽ cho ông nhiều hơn thế! Số tiền lương lãnh được chỉ hơn một triệu đồng, tuy ít ỏi nhưng Hiệp rất vui vì lát nữa đây, anh có thể mua thêm vài thứ cho mẹ, cho em gái, em trai. Chợ gần nhà anh bán đồ rất rẻ so với thành phố, Hiệp tính mua cho mẹ một bộ quần áo, có lẽ đồ của mẹ đã cũ hết, mà tính mẹ lại rất tiết kiệm, chẳng bao giờ mẹ mua đồ dùng cho bản thân, lúc nào mẹ cũng “cắc củm”, dành dụm từng đồng lo cho các con. Hiệp sẽ mua thêm một ít thức ăn ngon. Cả nhà hay tin Hiệp về sẽ rất vui, các anh chị cũng sẽ đến, tụ tập thăm em xa nhà đã lâu…Nghĩ đến đây, Hiệp mỉm cười. Ông mù đã xuống xe từ nãy. Hôm nay chủ nhật, có lẽ ông sẽ kiếm được nhiều tiền vì khách về tỉnh đông hơn ngày thường.
        Xe dừng ngay thị xã, Hiệp khoan khoái bước xuống, hành khách cũng lục tục xuống xe gần hết. Hiệp giơ hai tay lên, ưỡn ngực hít thở không khí “quê nhà”. Bỗng anh giật mình, đưa tay sờ vào túi quần phía sau. Chiếc bóp (ví) đã bay mất tự lúc nào. Hiệp cố nghĩ, hay có lẽ lúc anh đứng lên thu tiền giúp ông mù, kẻ nào đấy đã lợi dụng sơ hở, móc túi lấy mất bóp tiền của anh. Tiu nghỉu, buồn bã, Hiệp lững thững bước đi. Ôi, cuộc đời sao khó lường, kẻ gian, người ngay đủ cả… Vừa mới làm ơn cho người này, lại bị người khác lấy mất của mình. Thôi thì, đành phải về thăm mẹ, thăm em, với một chiếc túi xách cũ kĩ, trong có vài bộ quần áo cáu bẩn mà anh chưa kịp giặt mấy hôm nay!…