Bạn đến nhà mời dự đám cưới con gái, ra về còn bá vai bá cổ: ông nhất định phải có mặt để mừng cho gia đình mình gỡ được quả bom nổ chậm. Tôi cười: mừng quá đi chứ vì ông sắp… mất người, mất của! Nhưng xét cho cùng chàng rể là kẻ ăn cắp lịch sự nhất trần gian. Ai đời giữa ban ngày ban mặt nó vào nhà chào hỏi làm quen lễ phép vâng vâng dạ dạ. Vợ chồng vui vẻ mời cơm, mời nước, rồi như bị thôi miên gọi con gái ra trân trọng trao tận tay nó kèm theo nào tiền nào vàng, nào xe, nào giấy tờ nhà đất… lại cảm ơn chân thành và chúc nó thượng lộ bình an. Vậy là nó ung dung mang người mang của ra đi ngay trước mặt! Nhưng kì lạ nhất là người mất của sẽ rất vui mừng khi không phải nhận lại những gì đã được công khai đưa ra khỏi nhà!

– Vợ tôi than: mới đầu mùa cưới mà tuần này nhà mình nhận đến bốn cái thiệp lại cùng ngày cùng giờ chưa biết tính thế nào đây.

– Các thầy bây giờ coi ngày hay thật, chín mươi chín phần trăm ngày tốt đều rơi đúng vào thứ bảy, chủ nhật. Thi thoảng cũng có đám cưới tổ chức vào các ngày trong tuần nhưng cũng chỉ vì lí do không thuê được nhà hàng…Thôi thì chỗ nào thân tình cố gắng đi, còn lại gởi cũng được.

– Tất nhiên là thế, nhưng em thấy bây giờ người ta hay mời tràn lan, bất kể thân sơ, đã nhận thiệp không đi cũng dở mà đi thì…

– Ở chỗ anh còn có chuyện buồn cười hơn nữa. Một xếp ở tít tận đẩu tận đâu cho người xuống cơ quan lấy bảng lương của cán bộ viên chức rồi dùng phần mềm lọc từ tổ trưởng hất lên chuyển tên luôn vào thiệp, xong gói cả kiện nhờ văn thư đơn vị phát hộ như các cửa hàng mới mở phát tờ rơi quảng cáo“không cần biết anh là ai, không cần biết anh từ đâu…”

– Đám cưới là chuyện gia đình không phải là công tác xã hội, mời mọc nhau nên đến tận nhà, trừ trường hợp bất khả kháng, kiểu mời thiếu tôn trọng nhau như thế tốt nhất là không nên đi.

–  Không đi thì cũng nhiều chuyện phức tạp đấy, xếp mà…

–  Thật chẳng ra làm sao!

–  Có đám cưới nghe nói mời khách rất đông nhưng gia chủ quá chi li đặt tiệc có hạn khiến những người đến muộn không có chỗ ngồi đành phải ra về… Lại cũng có đám, khách đến dự chỉ quá nửa, không biết cả người mời và người được mời nghĩ gì khi nhìn những dãy bàn trống trơn?

–  Đấy là do mời tràn lan, cứ nghĩ mời càng đông càng thể hiện đẳng cấp hay còn lí do nào khác?! À mà bạn anh mời là anh phải đi đấy nhé! Em đi dự ở đám khác…

Là chỗ thân tình nên dù cách trở đò giang tôi cũng phải xuất quân một chuyến. Vợ chu đáo: phong bì em đã chuẩn bị, anh nên rủ thêm vài người thuê taxi đi cho tiện, bạn bè lâu ngày gặp nhau lỡ có vượt nồng độ cồn cho phép cũng đỡ lo. Lời vợ dặn trước lúc đi xa đã làm nức lòng Kinh Kha tráng sĩ. Kể ra làm đàn ông trong trường hợp này cũng sướng thật, đi ăn uống mà được vợ cấp giấy thông hành không quy định thời gian, lại cấp cả kinh phí và không yêu cầu phải lập hồ sơ chứng từ quyết toán vậy không sướng sao được (thế mà có người bảo khổ, tôi cũng chưa hiểu vì sao). Đàn ông đi đám cưới không cần sửa soạn gì, quần áo đi làm thế nào thì cứ thế ấy mà đi, lại không quá lăn tăn về tiền bạc (dù không dư giả gì) vì luôn nghĩ đơn giản rằng: thay vì bỏ tiền túi ra mời anh em nhậu thì đây là nhậu hợp tác xã thuê bao trọn gói: bia vô tư, mồi vô tư, có ca nhạc phục vụ, chung quanh lại toàn chị em xinh đẹp ngời ngời. Thế thì còn gì bằng! Còn phụ nữ đi đám cưới là nhiêu khê lắm: phải dậy từ tờ mờ sáng lo son phấn, tóc tai, tân trang nội ngoại thất rồi thì váy vớ, giày dép, túi xách, vòng đeo tay, vòng đeo chân, đeo tai, đeo cổ kèm theo các phụ kiện chống xuống cấp hiện đại của thời công nghệ 4.0 cốt để cho mọi thứ cần nhô ra thì phải được nhô ra cả trước lẫn sau sao cho bằng chị bằng em. Thua mấy em Tây đã đành vì nó vốn thuộc dòng giống ngoại bang to cao phồn thực, chứ với chị em cùng nòi giống con Rồng cháu Tiên mà phải chịu lép thì tủi thân lắm!

Đám cưới mời mười một giờ, nhưng đến mười hai giờ khách mới lục tục kéo đến. Khi khách đã hòm hòm, thức ăn mới được dọn ra cùng lúc MC giới thiệu chương trình lễ cưới, nhưng ở xa chỉ nghe loáng thoáng… Đã gần mười hai giờ rưỡi, ai cũng đói bụng nên chỉ mời nhau lúc đầu cho phải phép rồi cứ thế mà chiến đấu. Bàn tôi ngồi mười người, có hai cô nữ. Một trong hai cô rất nhiệt tình dùng ngay đũa mình đang ăn gắp cho mọi người hết món này đến món khác, thậm chí dùng cả tay không xé thịt gà, bóc tôm mời mọc tận nơi, xong lau tay vào tấm khăn trải bàn… có anh lén gắp bỏ ra ngoài. Tôi cũng được cô gắp cho miếng thịt gà bự chảng nhưng mấy hôm nay bị đau răng, tiến thoái lưỡng nan đành học tập làm theo anh bên cạnh! Đang tự diễn biến tự chuyển hóa, bỗng có ai đó vỗ vai… thì ra là anh bạn học thời xa vắng. Mới vào tiệc mà mặt anh này đã đỏ au, nói cười ha hả: Nào… mời cả bàn trăm phần trăm nhé: một, hai, ba zô…ô! hai ba uống! Mọi người chưa kịp nhấp môi thì anh đã cạn ly rồi đứng chờ với tinh thần  “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, khi từng người uống xong anh mới chịu bắt tay rung lắc nhiệt tình rồi tất bật sang bàn khác (kiểu này là lấy của làng ve gái đây!). Riêng tôi, vì là chỗ quen biết nên trước khi rời bàn anh khuyến mãi thêm cái ôm thắm thiết và hậu quả của sự thắm thiết đó là mặt tôi bóng nhẫy dầu mỡ và nồng nàn hương vị chua cay của tương ớt xì dầu, cũng may là anh không son phấn gì! Trong một buổi tiệc chỉ cần năm sáu chiến hữu đến giao lưu văn hóa văn nghệ như thế rồi cả bàn lại phải xử lí nội bộ, cùng nhau đồng khởi tiến lên chiến sĩ đồng bào… thì việc quên đường về là chuyện đương nhiên. Văn hóa nâng ly của xứ sở cường quốc rượu bia có thể thấy rõ ngay trong một tiệc cưới tầm tầm như thế này.

Không khí đám cưới mỗi lúc một náo nhiệt, bia rượu khiến người ta bỗng trở nên gần gũi thân tình… tiếng cụng ly, tiếng zô…ô! zô…ô! khắp nơi. Tất cả sự e ngại lúc đầu biến mất, mọi người thi nhau lên sân khấu: kẻ hát, người nhảy, nào cần gì phải đúng điệu, đúng nhịp, chỉ cần được lắc lư, được gào lên cho hả hơi bia rượu là ok! Trong cái âm thanh hỗn tạp ấy tôi vẫn nghe được loáng thoáng tiếng hát của một cô gái… Lỡ mai em chết anh có buồn không…sao anh không đến khi em còn sống... Khi cô kết thúc, mọi người vỗ tay ầm ầm… Tiếp tục là một giọng ca nam, anh nầy hát bài gì tôi quên mất tên chỉ nhớ trong bài hát có câu: ước gì nhà mình chung vách hai đứa mình khoét vách chui qua … Lại vỗ tay, lại zô…ô! zô…ô! chúc mừng ca sĩ! Sân khấu vẫn tiếp tục sôi động với đủ loại nhạc, đủ loại giọng ca đến từ ba miền đất nước và đủ các kiểu nhảy… Già, trẻ, béo, gầy đều hăng hái ra sới… không sao, đây không phải là cuộc thi tìm kiếm tài năng, miễn vui là được. Nghệ thuật khởi thủy vốn cũng để chỉ giải trí thôi mà. Người hát cứ hát, người nhảy cứ nhảy, người uống cứ uống… và toilet chật kín cả người! Tiệc đã trôi đi quá nửa thời gian thì có nhiều cô xiêm y lộng lẫy mới bắt đầu đến và đang loay hoay tìm chỗ… Rải rác cũng đã có khách ăn uống no say ra về dù trên bàn còn đầy thức ăn và những lon bia khui dở. Thật khổ cho các cô, phí công trang điểm suốt cả buổi sáng không biết để ai ngắm và với tình hình này, chắc chưa kịp ăn gì đã phải đứng dậy để nhà hàng còn dọn dẹp chuẩn bị cho bữa tiệc chiều vì đây đang là mùa cưới…

Tiệc tan thì đã gần hai giờ chiều. Lúc ra khỏi nhà hàng trong khi đứng trước cổng đợi taxi tôi gặp mấy cháu nhỏ còm cõi chìa ra những tập vé số, cạnh đấy là người phụ nữ lem luốc đầu bù tóc rối bế con ngồi bên vệ đường và trước mặt là chiếc nón rách ngửa ra… Chợt trong đầu tôi thoáng hiện những bộ xiêm y rực rỡ, những khuôn mặt hồng hào béo tốt viên mãn, những đĩa thức ăn đặc sản còn nguyên chưa hề đụng đũa và những nồi lẩu cá hồi đầy ắp vẫn đang sôi sùng sục khi các bàn tiệc đã không còn một bóng người…