Hằng năm bắt đầu từ tháng 5 âm lịch, khi mà những thửa ruộng ngoài đồng đã đậm một màu xanh rì của mạ non, của cỏ hiện diện khắp nơi. Trên khắp cánh đồng quê tôi gió từng đàn, từng đàn dạo quanh khắp ngỏ nhỏ, gió luồn qua đừng đọt chuối xanh đánh cho te tua cành lá, gió xạc xào trên tán lá me làm rơi rụng từng tốp lá vàng úa li ti xuống sân nhà, gió trườn ra mặt ruộng chạy khắp nơi đẩy những đám mạ non vốn còn mỏng manh yếu đuối phải nằm rạp xuống, từng khoảnh ruộng nhấp nhô như sóng biển ấy là khi mùa gió tây nam đã đến và ở quê tôi được gọi bằng một cái tên rất đặc trưng : mùa gió nam cồ.
Gió mùa tây nam hình thành từ trung tâm áp cao Ấn Độ – Myanmar. Gió mùa tây nam hút gió từ Bắc Ấn Độ Dương qua vịnh Bengan vào Việt Nam. Đầu mùa hạ, khối khí nhiệt đới ẩm từ Bắc Ấn Độ Dương di chuyển theo hướng tây nam xâm nhập trực tiếp và gây mưa lớn cho Đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra khi vượt dãy Trường Sơn còn gây hiệu ứng phơn (foehn) thu thêm nhiệt và đi vào khu vực Miền Trung nơi có dãy Trường Sơn chắn ngang thì hóa gió tây nam. Gió mùa tây nam bắt đầu từ tháng 5 âm lịch và mạnh dần lên đến tháng 7 thì rất mạnh vùng Bình Định-Phú Yên gọi là gió nam cồ.
Về cái tên “nam cồ” chữ cồ nghĩa là giống đực, tức là phái mạnh, người dân quê tôi gọi tên dân dã như vậy để chỉ mức độ mạnh mẽ và hung bạo của gió mùa tây nam. Tháng 5 gió tây nam khi còn yếu thì gọi là “nam mái” hoặc là “nam non”.
Những làn gió ấy cũng đi vào Ca dao :
Gió nam anh chạy buồm mền
Qua sông gãy cột ai đền cho anh”.
Hay trong thơ :
“… Những mùa nam gió thổi suốt đêm ngày
Gió thổi ì ầm đất lở đá bay
Thổi rỗng huếch những đêm trăng lồng lộng
Trời đất say sưa, điên cuồng sự sống…” (Võ Phiến, “Vườn xưa”)
Tôi lớn lên trên vùng Miền Trung đầy nắng gió nên thấu hiểu cái hung bạo của làn gió ấy. Hồi cấp 3 tôi học trường phổ thông trung học cách nhà 8km, đi bằng chiếc xe đạp cà tàng mà ba mẹ mua cho, mỗi mùa gió nam cồ đến là tôi và đám bạn oằn mình trên cái bàn đạp cuối rạp xuống để hạn chế những con gió giật mạnh, lê từng vòng bánh xe, có khi phải xuống xe dắt bộ…đường thì xa, nắng gió cứ như thế tới tấp người lên cả quãng đời niên thiếu, thành kỷ niệm khó phai.
Những trận gió nam cồ thật khóc liệt, gió thổi lên mái tôn đập rầm rầm, gió cuốn những đám lá cây bay lơ lửng, gió phần phật sau hè, gió miên man, liên tục từng hồi không ngớt, gió làm bay bụi mịt mù ngõ đường quê. Gió thổi bay đàn gà con đang chạy theo đuôi mẹ, gió khua leng keng mớ xoong nồi mẹ treo ngoài chái bếp, gió đập ầm ầm vào cánh cửa chưa kịp đóng, gió thổi sạch bóng cái sân không một chút bụi, quần áo mới giặt treo phơi đó đã khô. Những làn môi khô khốc nứt nẻ trong cái gió tróc da, tróc thịt của Miền Trung quê tôi.
Những trận gió cứ ù ù bên tai gào thét làm hàng dừa trước ngõ quằn quại đung đưa, suốt ngày đêm. Gió lùa qua hàng rào bằng cây xanh làm xôn xao đám lá, rít lên từng hồi những thanh âm như chiếc chuông gió lớn treo ngoài ngõ. Gió xô dáng mẹ đi làm đồng về, cứ tay phải giữ chiếc nón kẻo bị bay mất. Những đêm hè nằm nghe gió thổi rần rật bên ngoài vườn lòng chợt bồn chồn không sao ngủ được, như trận cuồng phong quét qua với vận tốc nhanh và mạnh làm hư hao cây trái, gió cứ liên tục không ngừng nghỉ có khi kéo dài đến mấy ngày liên tiếp.
Và gió nam cồ cũng đi qua qua vùng ven biển Miền Trung đầy nắng, khi ấy trên bờ biển cát bay mịt mù đáp vào da thịt nghe đau như bị hàng nghìn mũi kim tiêm, khô rát. Gió bay qua miền hạ cát trắng, gió thêng thang khắp nơi hóa ngàn lời ca réo rắt, gió bay đi tìm chân trời mới, gió đến ve vãn, dật dờ cùng hạt nắng dắt nhau chạy khắp nơi len khắp làng chài, làm rừng phi lao oằn mình vi vút trong hơi nóng hầm hập hanh khô. Con người ta cũng lao xao, xơ xác theo làn gió.
Miền Trung được gọi là miền nắng gió, những trận gió nam cồ là những nốt nhạc cao trào trong bản giao hưởng bốn mùa mà thiên nhiên đã tạo ra. Không hẹn nhưng năm nào gió cũng đến đúng mùa, người dân quê tôi phải gánh gồng chịu đựng, chắc có lẽ vì thế mà cũng rèn luyện nên tính cách người Miền Trung chịu thương, chịu khó, cần cù, nhẫn nại, chân chất như cái nắng cái gió tự muôn đời.
Gió gợi nhớ, gợi thương, gợi kỷ niệm, gió lật tung trang sách học trò, gió thổi bay vành nón mẹ. Gió xua sóng trùng khơi trải rộng mênh mông, xa xa có đàn chim đang ngơ ngẩn rủ nhau tìm nơi trú đậu tránh làn gió khô khan cháy nắng.
Mỗi khi mùa gió nam cồ trở về tôi lại nhớ da diết quê hương, tôi muốn chìm đắm trong khoảng thời gian và không gian của đất trời lúc này, dường như nó có cái gì đó rất riêng, tôi nhớ cái hanh hao khô nóng của miền đất này bởi vì nó là “hương vị” đặc biệt của quê hương!
Trần Văn Hải