/
.
   Mẹ ngồi giã lá trầu đắp vào từng vết bầm nhỏ trên mỗi cánh tay. Mẹ đau nhức, tiếng thở nặng đều đều mệt mỏi của mẹ chìm sâu dần vào mùa đêm gió trở lạnh đầu tháng. Mẹ bải hoải, đôi mắt già yếu đăm đăm nhìn ra ngoài trời tối đen đặc chỉ có nửa vầng trăng non mờ mờ, ảo ảo trên không trong đêm tối quạnh quẽ.
Gió sau vườn thổi xối mạnh, từng vộc lá vàng khô như có một bàn tay to lớn của thiên nhiên nào ném xuống làm rơi những chiếc lá cuối mùa rụng đầy bên thềm vắng. Tôi trở bước vào gian nhà và vội tìm lại chiếc khóa để mở cửa tủ lấy vài bộ quần áo sơ sinh rồi để gọn vào trong một chiếc vali rộng rãi. Tôi đưa mắt nhìn lên chiếc bóng đèn sáng vàng vọt nơi căn nhà ẩm thấp, thềm nhà vẫn đầy mùa lá rụng. Ngồi nghe tiếng thạch sùng kêu trên vách tường cũ mà lòng buồn  thăm thẳm. Ngôi nhà này đã có tuổi rồi? Nó cũng như là một người già quá cố, nằm thu lu co mình vào góc tối lạnh lẽo. Bất giác, tôi thấy sống mũi mình cay cay và con mắt như mọng nước chỉ trực chảy tràn khi mình muốn khóc vỡ òa cái nỗi niềm chua xót của đời ra. Có một khoảng cách gì vô hình nơi đây đang khiến trái tim tôi buồn rũ đến tê tái tâm hồn mình. Thật quá trống vắng! Tôi buông thõng bàn tay, ngồi tựa nhẹ xuống cạnh giường, rồi trút tiếng thở nặng nề:
– Bố đi đò đêm hả… mẹ…? Câu hỏi ngập ngừng như đứt quãng, nó rời rạc mà xa ngái.
Mẹ vẫn ngồi lặng lẽ, mái tóc bà bay cuộn trước gió. Những vết nhăn nheo của sự già nua hiện lên gương mặt mẹ đến thành khắc khổ. Lòng mẹ giờ cũng đau lắm. Mẹ trăn trở lòng mình. Bà đưa tay búi gọn lại mớ tóc rối.
– Ừ…! Chắc bố mày lại đi rồi… Tiếng nói vừa gọn đeo vừa tắt nhanh, rồi tan loãng trong không gian đêm tịch mịch.
Giờ ngoài sân trời vẫn gió và những tiếng lá rơi với một vài tiếng con chim lợn kêu thét nghe như xé vải dọc ngang trời. Đêm ở làng quê buồn đến não nề. Lại có tiếng kèn đưa lại ai oán từ làng của một tang gia người chết, khiến tâm trạng buồn giờ càng buồn hơn. Mẹ chạnh lòng, khi nghĩ đến số phận của người đàn bà làm dâu nơi đây. Đã hơn bốn mươi năm trôi qua rồi, mái tóc mẹ đã chẳng còn xanh, tuổi trẻ mẹ cũng đã qua đi rồi, sức khoẻ lại có yếu hơn. Thời gian đi, mỗi mùa lá rụng đầy sân làm mẹ héo hắt đi như chiếc lá úa trên cây già. Mẹ thêm lẩn thẩn, rồi mắc chứng đãng trí, cứ ra lại vào, quẩn quanh ngồi mãi một chỗ thềm nhà mà nghe lá rơi trong vườn.
Có dịp sáng trở mình thức giấc, tôi còn nằm co mình trong chiếc mềm mỏng, mắt nhắm mắt mở và cảm giác đau đầu khi nghe tiếng chổi quét lá sền sệt trước cửa. Không nhớ là mình còn đi học, đến khi nghe được tiếng ríu ríu của bầy ri chim sẻ thì nắng ngoài trời đã rót vào đầy khuôn mặt tôi sáng lóa. Tôi vội vã choàng dậy và không quên ăn bữa sáng, uống một cốc sữa trắng mát mà mẹ ngày nào cũng dặn dò tôi phải chú ý đến sức khoẻ để học tốt.
Sân nhà tôi chỉ bé, vậy mà chứa kín mít đủ những loài chim bay ở khắp bốn phương về. Chúng dùng mỏ bóc vỏ hạt thóc, vỏ ngô nếp mà ăn. Tôi không thích gì những lũ chim phá hoại. Cũng có dạo, hồi bé thấy lũ chim chích sà xuống đậu ở sân mổ thóc, tôi cầm gậy xua đuổi chúng bay đi, tiếng chim kêu thất thanh vì sợ hãi.
Bố tôi, ông cũng không thích việc mẹ tôi làm là quá thừa thãi: “Đi nuôi những lũ chim giời, ăn cho no béo rồi bảo nhau vỗ cánh bay đi”.
Bố đay nghiến mẹ tệ bạc trong hơi men của chất rượu say, ông phá tan đi bầu không khí vốn vắng lặng của mẹ. Tiếng chim kêu làm tôi sợ. Tôi sợ nỗi đau lại khơi dậy trong lòng mẹ, sợ cái âm vang khóc của một con bé gào thét lên khi nó nhìn thấy mẹ ngất xỉu bên thềm, và sợ phải thấy một gương mặt hung dữ của người đàn ông lạnh lùng cầm trong tay cái roi mây. Ông lấy hết sức lực khoẻ mạnh của mình để ném tất cả mọi thứ ra sân, sao xua đuổi cho kì được lũ chim giời mà bỏ đi. Tiếng chim làm ông nhức óc và tê dại…
  Mẹ giờ không còn minh mẫn để nhớ lại cái chuyện xưa đã xa lắc một thời ấy… Nhưng những chấn thương có màu thâm tím trên cánh tay, đôi má của mẹ lại khiến lòng tôi đau đáu một nỗi niềm chua xót dai dẳng. Bà vừa thay lại lá thuốc đắp lên tay, vừa ngượng nghịu vẻ mặt vui của con nít như thể chẳng biết cái đau thể xác là gì. Và cũng không thể nhớ cái vết bầm đau đó từ đâu mà có nữa. Nước mắt mẹ cũng rơi, giống như là khi người ta nhỏ mấy giọt nước thôi. Nó vô cảm lắm!
Tôi để gọn chiếc vali ở cuối giường, bước chân ra ô cửa, nhìn lên trời cao nghĩ mông lung. Các vì sao đêm nay đã tắt hết, khoảng trời rộng chỉ màu u tối, không thấy rõ trăng sáng, chỉ lờ mờ chút sang sáng ở cuối chân trời. Mùi hương hoa cau trong vườn tỏa ngát, quện trong gió quê man mát. Thứ hương hoa thơm nồng mà dịu dịu ấy luôn làm thổn thức trái tim tuổi thanh xuân tôi mỗi khi nhớ lại thời thơ ấu của mình. Vườn cau từ ngày mẹ trồng khi tôi tuổi lên mười mà giờ đã trổ bắp ra buồng mới. Tôi đứng lặng thinh, nhìn từng chùm hoa thả rơi rơi và lá khô rụng lác đác xuống mặt sân, nghe có gì đó như là xa lạ quá.
Tôi nhớ trước kia, ngõ nhà còn có một cái lỗ nhỏ chỉ vừa đủ một người đi qua, xung quanh có nhiều bụi mây gai tủa kín mắt. Những hôm chưa thấy mẹ đi chợ về, thấy đói bụng, tôi lại trốn bố chui qua cái lỗ ngõ nhỏ đó, sang tận nhà con bé hàng xóm rồi rủ nó đi vặt quả cơm ăn cho no. Ăn chỉ thấy chát, thấy đắng và đen sì lưỡi chứ có no gì đâu.
Có ngày đứa con nhỏ khóc vì bố đánh mẹ. Người mẹ tím bầm. Tôi cuống cuồng ba chân bốn cẳng chạy cho nhanh qua cái ngõ nhỏ hàng rào gai để sang nhà vợ chồng bác Tư, xin bác cứu mẹ. Vợ  chồng bác nhìn con bé xây xát da thịt, đầu rối như tổ quạ thì hốt hoảng chạy sang nhà. Mẹ ở trạm xá chưa được một ngày thì lại về đi làm, vết thương chưa khỏi và cơ thể mẹ còn ốm yếu. Tôi còn nhỏ chỉ biết khóc và giận bố, sao ông có thể đối xử như vậy với người vợ của mình.
Chuyện diễn ra ngày ngày, và hình ảnh của bố nạt nộ, tiếng bát đĩa rơi loảng xoảng trong căn nhà dần dần trở lên quen thuộc. Người ta tập quen dần cái cảnh sống không vui ấy như đã quen phải gồng mình ra mà lao động cực nhọc để sống trong cảnh nghèo khổ bấy lâu nay.
Chưa bao giờ, tôi hỏi mẹ về chuỗi nỗi đau trong lòng ấy. Thà cứ để nó tan dần vào da thịt, và trôi tuột vào nước mắt mình; rồi một ngày kia người ta lại nhận thấy nó trở lại lành lặn, được hàn gắn như chưa từng bị rách, bị vỡ, bị tổn thương.
Mẹ quên hay mẹ không muốn nhớ đến nó. Câu nói của bà cụ hàng xóm, vô tình rót vào tai mẹ những cơn đau gặm nhấm trong cơ thể. Mẹ đã cố chôn sâu nó trong lòng để yên ổn, thế mà nó cứ hành hạ trong tim gan mẹ đau nhức.
Và khi tôi bị mấy đứa bạn học cùng lớp trêu chọc, giật tóc: “Vì mày là cục đất không động”. Tiếng cười nhạo còn văng vẳng bên tai tôi suốt con đường dài về tới nhà. Tôi không khóc òa, nước mắt rớt xuống mang tai thấy lành lạnh, xuống môi thấy mằn mặn, nó tê tái nhức nhói trong ruột gan tôi. “Tôi là kẻ câm lặng”.
Tôi biến mình trở thành kẻ tự ti từ khi nào? Vì những lời ác độc của bố ư? Vì những vết bầm thương của mẹ ư? Hay vì những tiếng chim ri kêu thảng thốt khi mỗi lần bố quăng ném mọi thứ trong nhà để đuổi lũ chim giời đi? Vì điều gì? Tôi tràn trề nước mắt trong mỗi đêm thức trắng. Không ngủ được.
Nỗi đau thì cứ vẫn mãi là nỗi đau. Tại sao người ta lại muốn quên đi để bắt mình mạnh mẽ, vui vẻ trong một khuôn mặt giả tạo khi mà cả tâm hồn và trái tim mình đã bị nhuốm đau khổ rồi.
Mẹ có hạnh phúc không? Tôi có hạnh phúc không? Thời thơ ấu của tôi đã trôi đi rồi. Những cánh nhạn cuối chân trời mà tôi vẫn hằng mong ước được một lần là con chim khoẻ mạnh có đôi cánh bay giữa vùng trời tự do của quê hương mình. Mong ước có nụ cười rất hiền của bố để thay thế những giọt nước mắt đau đớn ấy của mẹ.
Ngày còn bé, bố tôi có khi nào thương đến đứa con bé bỏng đâu. Ông dường như bỏ mặc sự sống, lấy cái bản tính của Chí Phèo để uống cho thật say để quên đi nỗi nghèo khốn, nhục nhã của đời ông. Con bé từ khi biết cảm nhận thì bộ óc của nó đã nhồi nhét đủ hình ảnh về gia cảnh nó đang sống. Những điệu cười hợm hĩnh, những con mắt ráo hoảnh nhìn xiên xéo về nó, cái con bé kỳ cục đó “vừa nghèo lại vừa lếch thếch xấu xí”. Nghe người ta nhạo báng, tôi thường bỏ nhà đi bụi, đi đâu cũng chẳng nhớ, lúc đói quá không chịu được thì tìm nhặt đồ rác vất ở lề đường mà ăn. Sáng ra, khi người người đi qua, họ thấy một con bé gầy nhom đang nằm chết đói ra ở cổng chợ. Họ thương tình cho nó ăn và hỏi han con bé đủ thứ chuyện. “Nhà cháu ở đâu? Sao lại bỏ nhà đi? Bố mẹ cháu mất rồi à? Hay dì không thương cháu?”… Tôi không biết trả lời sao với ngàn ngàn câu hỏi cứ rối vò như một mối bòng bong ấy. Chỉ khi cái bóng đen chểnh choảng lù lù kia xuất hiện tới từ ở cuối góc chợ đi ra thì người ta mới bỏ đi hết, vì không chịu nổi được mùi của kẻ nghiện rượu nặng. Tôi tái mép đi, vì sợ sệt, tim như muốn xổ ra khỏi lồng ngực, và một cánh tay đàn ông lôi mạnh tôi ra khỏi đám người thành phố lạ lẫm ấy.
“A, cái con ranh con. Mày bỏ nhà đi đâu? Về nhanh. Ông cho mày một trận”… Tôi mếu máo mặt, khóc không ra hơi tiếng. Tiếng quát dữ và gằn gắt lên như tiếng quạ mổ trong đêm khiến tôi kinh hãi. Bố vung bàn tay, giáng những cái tát thật mạnh như trời giáng vào mặt tôi. “Về nhanh… nhãi con… ai xúi mày bỏ đi…”. Bố hét lên dữ tợn trong cơn say. Sau lần ấy, tôi bỏ học hẳn. Ngồi lu thu trong nhà, rồi sinh ra mặc cảm, chán ghét mọi thứ. Tôi bỏ học từ khi mười hai, đi theo mấy cánh chị lên Sài Gòn mưu sinh kiếm sống. “Đất ở phố phồn hoa dễ sống hơn. Người nhà quê nghèo khó như tôi, có tiền nhiều thì sống sẽ tốt”.
Tôi bỏ mảnh đất quê cằn cỗi, tôi bỏ cả thời thơ ấu đau khổ của mình ở lại. Mẹ giữ tôi, níu kéo lại khi chuyến tàu sắp sửa chạy. Tôi bật khóc, không ghìm nổi được cơn xúc động của mình, hai tay vùng vằng và giựt mạnh ra khỏi bàn tay mẹ.
“Mày không được đi, ở nhà chớ con. Mày đi rồi, mẹ không sống nổi đâu con”.
“Con xin mẹ tha thứ. Con phải đi. Con đi kiếm được nhiều tiền sẽ về mẹ ạ…”. Tôi nói mà như đang khóc, nấc nghẹn lên trong cái cổ họng bé xíu.
                                             *
                                          *    *
  Bây giờ đã tròn gần mười năm rồi. Mười năm tôi sống xa quê, khi về lại thấy mình đã khác, làng quê tôi sống cũng khác đi. Cái ngõ lỗ nhỏ sau vườn, giờ mọc kín thành hàng rào kiên cố vững chắc. Và tôi, cho dù có cố muốn tìm lại một ký ức nhỏ nhoi cho mình cũng không được nữa rồi… Tôi ngừng khóc, khi nhìn mẹ đau đớn vì cái sẹo trên đầu. Cái vết thẹo lan rộng đến chân tóc, mẹ luôn đội chiếc khăn mỏng để che giấu nó đi. Cái vết sẹo đó là do đâu? Tôi giận mình, thù ghét chính bản thân mình. Từng đấy chuỗi nỗi đau tôi đã gieo xuống lòng mẹ, từng đấy đau khổ mẹ đã nhận lại đắng cay gửi vào bóng tối đơn lẻ một mình. Mẹ khóc. Khóc nhiều! Bà đã sống đủ khổ rồi. Bà không còn nhớ gì hết, ngay cả tên mình cũng không biết. Điều đau đớn lại gây tổn thương đến con người ta thế. Yêu thương rồi thù hận, hai cái đó luôn tồn tại song hành lĩnh hội trong tâm trí con người, chẳng thể vứt bỏ được.
Trải qua một cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người chồng bội bạc, tôi không mấy tin vào yêu thương, cũng chẳng khao khát được hạnh phúc. “Chấm dứt. Chấm dứt cả nỗi đau giằng xé này trong tôi”. Khi giữa bố và mẹ nó có hiềm hích thì đứa con phải chịu tổn thương nhất. Tôi đã nghĩ đến, ngày sinh con ra: “Nó sẽ là một đứa bé không mang họ cha, không biết cha và không có cha nó ẵm bồng, chăm sóc”. Tôi nên dừng lại cuộc hôn nhân này hay tiếp tục đây, sự phản bội của người chồng – tôi hết mực yêu thương, giống như vết dao cứa sâu trong tim tôi. Anh đã van xin, đã quỳ lạy, xin tôi tha thứ. “Vì chúng ta còn có con. Anh xin em, anh xin em hãy nghĩ lại. Anh ân hận lắm. Tha thứ cho anh. Một lần, một lần thôi em”.
Tại sao khi mắc lỗi, ai cũng tự phủ nhận mình là kẻ ngu ngốc như thế. Tôi không cao thượng, không đủ dũng cảm để chịu đựng cái đau đang hành hạ trong ngũ lục tạng thể xác, tâm can mình. Nhiều đêm khóc ướt gối, tôi không tài nào chợp mắt nổi bởi tiếng ân ái của chồng và người tình còn ấm ứ bên tai mình. Đau nhói! Hình ảnh của người đàn ông mạnh mẽ lại quỳ gối van lơn khẩn khiết trước mặt tôi, khiến tim tôi chai sạn dần vì tổn thương ghê gớm. Tôi nghĩ đến bố, rồi ghê sợ. Hai người đàn ông này đã tạo lên vết cắt  vô hình trong tâm tưởng tôi.
Sau đêm thứ ba, tôi bỏ ngôi nhà cùng chung sống với người đàn ông của tôi, trở về sống bên mẹ. Nằm thao thức mãi cũng chẳng tài nào ngủ được, người tôi xanh xao và gầy đi hẳn. Mẹ đâm ra lo sợ. Bà thương tôi nhiều, có lúc ôm tôi mà khóc rưng rức, có khi vỗ về chăm chút tôi như ngày còn bé bỏng. Tôi thủ thỉ với mẹ bao điều: Nói chuyện ngày sinh của con tôi, và tôi sẽ là  bà  mẹ  hạnh phúc nhất khi con chào đời cất tiếng khóc đầu tiên. Mẹ nghe xong, cười tủm tỉm, gật gật đầu, bà đưa bàn tay già vuốt mái tóc tôi sang một bên, nhìn ngắm tôi như ngày thuở đầu. Có lẽ, mẹ đã  tìm thấy nét đẹp trẻ trung thời thiếu nữ của mẹ trong tôi. Nhiều vết sẹo trên gương mặt mẹ giờ đã thành vết thẹo lồi lõm, và những chấm đồi mồi của tuổi già càng khiến con tim tôi se thắt lại. Tôi khóc, đưa tay ôm chặt lấy mẹ, khóc thút thít trên đôi vai gầy của mẹ như còn bé thơ. Số phận của hai người đàn bà, từng làm vợ, làm mẹ thật đau khổ quá!
Bà giờ không còn cảm nhận được cái đau tâm trí là thế nào? Mẹ thấy nhức thì kêu, chứ có nhớ gì mỗi lần bố đánh mẹ. Cái đau quá đã làm con người ta bị mất trí, bị ảo giác đi rồi, và cứ sống trong cái hạnh phúc ảo tưởng của một người điên.
                                                 *
                                             *    *
    Mẹ đi tha thẩn bước vào nhà, một tay vịn vào cánh cửa như để lấy điểm tựa cho khỏi ngã, lưng mẹ đã như còng xuống. Tiếng bước chân đi nghe nặng nề. Bà gọi tôi vào nhà cho đỡ lạnh, đêm khuya càng không tốt cho một bà mẹ mang bầu. Mẹ để gọn lại những chiếc rổ mới đan, bó lại những cái chổi nếp cho gọn vào gánh hàng. Tôi thương mẹ, giọng bùi ngùi:
– Sao mẹ vẫn còn đi chợ? Nhỡ tối, mẹ không về, con lại buồn lắm!
Mẹ lẩm cẩm nói nhỏ:
– Không đi chợ bán thì không có quà cho cô đâu. – Mẹ tôi cười như chẳng để ý nỗi đau trong cuộc đời mẹ. Mẹ không còn trí nhớ, vẫn cứ nghĩ là ngày mai khi trở dậy mình phải đem ra chợ bán.
    Và cái cổng nhà cũng chẳng bao giờ mẹ khóa cả, chỉ là buộc bằng dây rơm và khép lại thôi. Vì mẹ sợ bố sẽ đứng bên ngoài lạnh, rồi bỏ đi ra sông ở lều ông Năm mất. Mẹ sợ, tôi trở về không thấy mẹ sẽ rất buồn.
Trời ơi, sao mẹ vẫn nhớ đến bố, người đàn ông từng làm mẹ khổ cả cuộc đời.
Tiếng lá vẫn rơi đều đều trên mái nhà…