Không biết từ lúc nào tôi cứ mặc định mình là trụ cột trong gia đình và cuộc sống tôi chỉ xoay quanh một chữ “tiền”. Nếu chịu suy nghĩ có lẽ đó là lúc tôi nhận ra nhà tôi lâm vào cảnh sa cơ khi ba tôi vì quá tin người mà cho người ta vay một khoản tiền lớn vào những ngày giáp Tết để rồi đó cũng là lần cuối cùng gặp được người ta. Hoặc có lẽ đó là khi mẹ tôi cố vơ vét hết mọi thứ trong nhà chỉ để sắm được vài thứ cho những ngày tết thêm rộn rang và đứa em chỉ vừa trạc tuổi tôi phải ngây thơ nói với mẹ :” Con không thích thịt kho tàu” dù đó là món nó thích nhất để mẹ khỏi buồn khi không thể lo cho nó một cái Tết đủ đầy như người ta.

Tôi sợ Tết, cái sợ của kẻ cô đơn khao khát về nhà khi mải bôn ba ở xứ lạ để kiếm tìm một kế sinh nhai, cái sợ của những kí ức buồn trỗi dậy che lấp đi tất cả những hồi ức đẹp thuở ấu thơ, và bao giờ cũng vậy niềm đau thật nhẹ nhàng nhưng cũng mãnh liệt che lấp cả mọi thứ tuyệt vời. Tôi vẫn còn nhớ như in lần cãi nhau năm ấy của ba mẹ, với ba vì ông sốc khi người ta cho ông thôi việc vì tuổi tác mặc những công sức ông đã đóng góp hàng chục năm qua, với mẹ vì bà lo cho những ngày tới bộn bề không biết vào đâu nhất là khi tết cận kề. Mỗi người một nỗi niềm riêng, họ vịn vào cuộc cãi nhau chỉ để giải tỏa những uất ức mà cuộc đời quăng vào họ chứ tôi biết ba mẹ tôi yêu thương nhau lắm.

Tôi vừa đi làm thêm vừa học đại học vì trong mắt tôi khi ấy chỉ có cánh cửa đại học mới có thể giúp tôi tiến vào ước mơ đổi đời. Suốt bốn năm liền tôi luôn được bằng giỏi, sau khi tốt nghiệp nhờ quá trình thực tập được ấn tượng tốt tôi mau chóng được nhận vào một công ty có tiếng ở trên thành phố lớn. Tôi miệt mài làm việc bất kể ngày đêm, công việc như sinh mệnh, thậm chí trong đầu tôi chỉ là làm việc kiếm tiền để gửi về cho ba mẹ và đứa em nhỏ ở quê. Cứ thế đã không biết bao mùa tết tôi không về. Những năm đầu xa quê, tôi nghe làm Tết được tang lương thế là cứ nán lại làm, khi cứ định về thì việc này việc khác xảy đến, những cơ hội đến liên tục khiến bao kế hoạch về quê dời lại. Năm này bỏ lỡ rồi lại tới năm sau, khi những cánh đào xuân từ từ trổ bông cho đến khi chúng trở thành những thân cây gầy guộc trơ trọi lá cành tôi vẫn là cô gái nhỏ ở một mình trong căn phòng trọ nơi phố thị và ngắm nhìn người về, người trở lại phố. Và những năm sau cứ nối tiếp, tôi cứ mặc định “năm tới mình sẽ về” thế mà ngót nghét đã chục năm tròn.

– Năm nay em lại không về à?

Anh xốc lại vali chuẩn bị về Tết, nhìn tôi chăm chú. Chúng tôi hẹn hò chắc cũng đã gần bốn năm tròn, chúng tôi làm cùng một công ty và ở cùng khu tập thể dành cho nhân viên đến từ thành phố khác.

– Sắp xếp công việc và về nhà ít bữa đi em, vừa thư giãn đầu óc, vừa thăm hai bác và em.

Thật ra lúc đó tôi có hơi giận anh, quen nhau cũng đủ lâu để khiến tôi kể anh nghe tất cả mọi chuyện và hẳn anh cũng biết vì sao tôi cố gắng như thế này, nhưng khi tôi cảm thấy có hơi hướm của một cuộc cãi vã tôi quyết đinh im lặng. Anh xốc lại chiếc xe cũ và nhoẻn cười khi thấy nét mặt tôi trở nên trầm buồn:

– Lên xe đi anh đèo đi mua này hay lắm.

Anh chở tôi đi dạo chợ, chợ vào ngày sắp tết rộn rã lắm, cứ như khi sắc xuân còn chưa đến thì không khí đã tràn ngập các khu chợ rồi vậy. Mọi thứ từ bánh kẹo, mứt quả cho tôi các mâm cúng hay cả chợ hoa tạo nên một màu huyền ảo khiến tôi nhớ về gia đình da diết. Ngày tôi còn bé mẹ vẫn hay dẫn tôi đi dạo chợ thế này và tôi sẽ mặc sức đòi mẹ mua cho mình mứt táo tàu tôi thích và thể nào cũng thòm them bởi những hũ chum ruột đỏ lè ngọt xớt.Ba sẽ luôn đèo tôi sau yên xe để dẫn tôi đi dạo chợ hoa và bao giờ cũng sẽ sắm được một chậu tắc nhỏ, để lên yên sau xe đạp, ba dắt xe, tôi vịn chậu tắc cứ thế hai cha con đi cả một quãng đường xa về không biết mệt mỏi. Em tôi sẽ luôn đòi lì xì tôi dù chúng tôi ngang tuổi nhau và bao giờ cũng sụ một đống khi tôi không chịu và sẽ cười thật tươi quên ngay vừa dỗi khi tôi nhường nó miếng mứt dừa mẹ vừa cho.

– Em về nhà nhé? Năm nay hãy coi như một ngoại lệ mà về.

Anh làm tôi bừng tỉnh cơn suy nghĩ và nhen nhóm một cơn lửa giận. Cảm giác của tôi lúc ấy như thương nhau đã lâu nhưng kì thực anh không hiểu cho mình, đâu ai muốn ở lại một thành phố cô đơn? Nhất là khi gia đình luôn là chỗ dựa và là động lực khiến tôi miệt mài kiếm tiền như thế này. Từ những lời khuyên nhỏ chúng tôi chợt cãi nhau to, tôi chỉ còn nhớ lời cuối cùng anh đã rất nặng lời với tôi:

– Những năm đầu em còn phải gây dựng nhiều thứ nên không về nhà được, giờ mọi thứ đã ổn đinh,sao em phải vì dăm ba đồng lương tiếc phép không chịu về. Em nghĩ tiền quan trọng nhưng nó có mua được phút giây ở cạnh gia đình không? Em cứ nghĩ năm sau, rồi năm sau nữa, tuổi tác hai bác đã cao liệu có chờ em được mãi không? Em đừng lấy lí do là vì gia đình nữa, nếu vì gia đình thì khi mọi thứ đã ổn định sao em không nghĩ tới họ?

Khi tôi bừng tỉnh cũng là lúc những cơn gió se lạnh của buổi đầu đông thổi vào từng cơn một. Anh chưa bao giờ nặng lời với tôi nhưng đúng là năm nào anh cũng khuyên tôi về Tết, có lẽ những năm đầu quen nhau anh thấu hiểu tôi cần chứng minh mình với cấp trên nên kiên trì làm việc nhưng những năm sau anh dần cảm thấy tôi đã quên mất đi lí do ban đầu là vì gia đình mà chỉ còn lại trong tâm trí là lối sống của một con thiêu thân điên cuồng tới chết. Kì thực năm nào tôi cũng nhớ gia đình, nhớ nồi thịt kho tàu nhỏ xíu nhưng làm ngon miệng cả nhà, nhớ chậu tắc ba để giữa nhà gắn mấy cái phong bì đo đỏ vào đúng giao thừa ba sẽ lấy xuống lì xì cho chị em tôi. Lối sống đô thị đẫ cuốn lấy tôi vào guồng quay của nó lúc nào tôi không biết, và tôi đã u mê để nó cám dỗ đến độ không rứt ra được. Tôi cũng chợt nhớ lại từ rât lâu rồi ba mẹ luôn hỏi tôi có về nhà không, cứ hỏi tôi hoài nhưng khi công việc ngập đầu và uất ức bản thân trỗi dậy tôi đã nạt… và kể từ ấy ba mẹ không gọi tôi nữa, chỉ thi thoảng hỏi tôi ăn uống thế nào, có gì khó không, dặn dò đủ thứ. Tôi luôn có cảm giác vào những đêm giao thừa khi gia đình nhỏ gọi tôi chúc tết, họ luôn muốn hỏi tôi có về không nhưng chần chừ vì sợ tôi buồn lòng.

– Năm nay con về sớm, ba mẹ coi nấu thịt kho tàu và bắt bé em ra bến xe đón con nha.

Vừa nghe điện thoại tôi xong, mẹ lập tức cắt ngang, khi gọi lại nhỏ em nghe máy bảo mẹ tự nhiên bật khóc rồi mau chóng quẩy cái giỏ ra chợ ngay tắp lự. Ba cười khề khà nói chêm vô:

– Mày coi về sớm sớm rồi đi chợ mua tắc với ba, chứ con bé em năm nào cũng chọn phải cây xấu, không tinh được như mày.

Nhỏ em tôi như vừa cằn nhằn ba xong, vừa quay qua nói thật khẽ với tôi:

– Chị biết không, em biết chị vất vả kiếm tiền ở xa nhưng thứ gia đình mình cần nhất luôn là một bữa cơm sum họp cả gia đình. Ít nhất là vào ngày tết.

Đột nhiên nó trưởng thành từ lúc tôi cũng không còn nhớ rõ nữa… Nghĩ sao tôi bấm máy gọi cho anh:

– Anh này, anh có muốn về quê ăn tết cùng em không?

Phía đầu dây bên kia tôi nghe rất rõ một tràng cười đẩy sảng khoái.