Bàn tay tôi đậu khoảng trời xinh xinh
.
Nguyễn Thanh Tâm

1. Chất thơ mang hồn xứ sở

Bàn chân đã đi qua nhiều con đường, mỗi ngày một xa hơn khỏi bản quán của mình. Khoảng trời không xa, mà xa những vùng ký ức đã làm nên xác thân và tâm tính. Nghĩa là một sự tha hóa, một sự mất đi. Trong những ngày tháng lưu đầy, đôi khi thèm đến tê tái một giọng người, nghe nhức nhói một miền Thanh nồng nàn trỗi lên từ ký ức. Ngày về, nối sự đọc vào Nguyễn Anh Nông, cho tương lai đầy vết mỏi mòn bám vào ngày tháng thơ dại trên đất đai cỗi cằn, bao dung bên dòng sông Mạ .

Chất thơ của Nguyễn Anh Nông có nguồn vật liệu dồi dào đến kinh ngạc khai thác từ “Tiểu vùng văn hóa Xứ Thanh” (Ngô Đức Thịnh). Dĩ nhiên, chất sống không phải là chất thơ, nó chỉ là nguyên liệu để chưng cất nên rượu thơ có sức men say lòng. Nhưng, Nguyễn Anh Nông không phải chất rượu ấy, thơ anh là cánh đồng, là ruộng lúa, là gió, nước, men đời ngâm ủ trong năm tháng làm người gắn với Quê Thanh. Chất thơ của Nguyễn Anh Nông, từ Đoản thi tới Trường ca, từ Trường sơn dài rộng đến mai sau hay Bàn tay lá cỏ,… bao trùm một thứ khí hậu thôn dã, một tâm tính thôn dân, một vùng thôn ổ. Trên dòng suy tưởng kiến tạo, Nguyễn Anh Nông xa lạ với chất men tỏa ra từ Tay tiên rót chén rượu đào, mà vạm vỡ những đường cày vỡ đất, rạn giọt mồ hôi trên da thịt trai làng:
Sức rộng vai dài
Bao vướng víu đường vân tay chằng chịt
Xốc ba lô non nước trập trùng xanh
(254)
Nguyễn Anh Nông bị ám ảnh bởi bàn tay! Bàn tay chằng chịt gian nan đường cha ra trận, đường con tha hương, cánh đồng của mẹ, giấc mơ của em, phận người bỡ ngỡ trên bàn chân bùn đất bôn ba,… Chất Thanh không cứ phải là địa danh, là tên đất tên làng, sông Yên, sông Lý, Nam Ngạn, Hàm Rồng, chất Thanh là tâm tính, bản sắc của con người Quê Thanh. Trong thơ, không gì hơn chính là những ứng xử nghệ thuật để hiển hiện điệu hồn, thi cảm lên men từ khí chất bản nguyên:
Kìa trông, con sáo sang sông
Chợt nghe nước xiết va lòng trăng xa
(Đọc bài thơ: Ta ngồi chơi cuộc tình cờ
của Văn Công Hùng, cảm tác)
Chất thơ từ miền Thanh hiện lên ở câu thơ thứ hai. Bao nhiêu vẻ ngang ngạnh, thô tháp, gồ ghề ở bề mặt gợi lên hình hài một kẻ quê vụng về đến mức “Ta như gấu biển chợt sa địa đàng” (Thơ Văn Công Hùng). Đích thực đó là hình tướng của kẻ Thanh. Kẻ xốc ba lô theo trập trùng xanh của non nước, kẻ đã lấy thân mình cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc cũng là kẻ đã ký cược cả đời mình, dắt díu vợ con qua những khúc đời quanh co gai góc. Người Thanh ám ảnh câu “Khu Bốn đẩy ra/ Khu Ba đẩy vào” như định mệnh lưu đầy, nên dường như cái giá phải trả cho sự tha hương không hề nhỏ. Con sáo sang sông còn mong gì nữa, nghĩa là tuột khỏi tay mình tất cả. Có một dáng núi, một mù khơi trong thơ Nguyễn Anh Nông (Buồn), còn có cả một “lòng trăng xa” nghe dòng đời gào xiết qua thương đau. Nơi đáy sâu ấy, cốt tướng của Xứ Thanh có lẽ đã bật khóc. Dường như, ở đây có một sự liên hệ nhỏ đến suy tưởng của G. Jung khi ông đề ra cặp Anima và Animus trong vô thức con người. Hình tướng càng gai góc thì chân cốt càng yếu mềm cũng như ý thức nam tính của con người thích nghi với xã hội lại ẩn sau nó là một thế giới vô thức chứa đầy tâm tính của nữ giới (Anima) .
Không phải Nguyễn Anh Nông không có khả năng trau chuốt. Hãy đọc Bàn tay lá cỏ và Những tháng năm ở rừng để thấy anh cũng duyên dáng, cũng mượt mà. Nhưng, càng đi xa, ký ức quê mẹ, cái chân chất hồn quê Thanh lại lần hồi trở lại. Chỉ những ai đã thấm cái giọng Thanh, lối tư duy và cảm xúc của người quê Thanh mới thấy Nguyễn Anh Nông đang chắt lòng tìm về với cái lẽ dung dị, tự nhiên như cỏ giả, đất đai, bờ thửa:
Em nghiêng nón đợi
Chung chiêng ánh trời
Em nhoẻn miệng cười
Anh ngây dáng đá
(Em II)
Khởi thủy là lời. Lời quê ấy là thứ vốn liếng, thứ ký ức ắp đầy trong Anh Nông. Tiếng Thanh thật quê mùa, ấy thế mà cứ mỗi lần bước lên xe ô tô rời khỏi phố thị này, tự nhiên như không tôi lại cất lời quê. Gặp người Quê Thanh, không nhủ mà thành, bụng nghĩ, miệng thốt lời đất đai miền cằn cỗi, vụng về.
Thơ Nguyễn Anh Nông có cái vụng về như chính người Thanh vậy. Thật khó để tìm thấy trong âm sắc người Thanh nét mềm mại xứ Bắc, cái thỏ thẻ ngọt lành xứ Huế. Lời Thanh cứ như nhịp tầu gõ vào đường ray, cứ như dòng sông Mã không bao giờ chịu lắng xuống để trong. Cái gấp, cái vội hằn lên trong chính âm vực chẳng bao giờ đủ Đầu – Đệm – Chính – Cuối và sai thanh điệu. Cái chuẩn của tiếng Thanh với người Thanh xem ra dễ trở thành lệch chuẩn với xứ người. Ấy vậy mà cứ muốn được về để nghe, để nói, để va đập với biết bao gàn bướng, ương ngạnh, róng riết đến thô bạo của Xứ Thanh. Không khéo léo là hệ quả của việc lời nói khiếm khuyết những sắc điệu mềm mượt quy định bởi thanh điệu, âm vực, tiết điệu, cả cách ví von, lúng liếng, thỏ thẻ làm duyên làm dáng cũng thật hiếm trong chuỗi lời của người Thanh.
Nguyễn Anh Nông có cái hồn nhiên rất cần cho thơ. Phẩm tính ấy khó kiếm giữa cuộc đời này. Hồn nhiên nhưng không buông tuồng, dễ dãi, không suồng sã, nông cạn. Cái hồn nhiên của Anh Nông là một lựa chọn, sự trở về sau nhiều cân nhắc, sau nhiều ngẫm ngợi. Đó là chất sống lắng lại trên bước tha hương của phận người mà Nguyễn Anh Nông đã nhận ra. Làm láng giềng xứ người, làm thân đất khách, ba chốn bốn nơi mới hiểu nước nguồn quê mẹ bao dung ngần nào. Va xiết đời mình vào guồng quay nghiệt ngã của thời gian, lăn lóc trong cơn bão nhân sinh, ở nửa cuối của chặng đường làm người, bao hào nhoáng mạ trên lớp thân thể đại diện được Nguyễn Anh Nông – hay đúng hơn đã được cuộc đời cạo gột, rũ bỏ. Chỉ còn lại cái lõi rắn chắc, bất biến là một đứa con của ruộng đồng, sông biển và núi rừng xứ Thanh:
Bếp đâu nổi lửa hừng than
Cây lim, cây nghiến miên man nỗi niềm
(Trường Sơn)
Đọc Nguyễn Anh Nông có hai cảm thức xảy ra ngược chiều nhau: thứ nhất thấy thơ Nguyễn Anh Nông nhiều vật liệu, còn thô mộc, ít được trau chuốt, dũa mài, lắm khi thơ chỉ là sự nôm na đến mức khó chịu. Hệ luận sau cảm thức này dĩ nhiên là sự phủ nhận chất thơ của Nguyễn Anh Nông. Cái lõi quê ấy cứ rắn đặc, gồ ghề, trơ lụi không chịu ngấm bám bất kỳ thứ thuốc mạ nào, nên kém hào nhoáng, không trơn bóng, mềm mại. Đánh giá này có thể đến từ chặng đầu của quá trình đọc Nguyễn Anh Nông. Đó là ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào thi giới, khi tiếp xúc kẻ đại diện của Nguyễn Anh Nông trong biệt quốc của mình. Dĩ nhiên, ấn tượng ban đầu vô cùng quan trọng. Tôi chắc rằng, đã có người khó chịu mà buông rơi những vần thơ ấy, hoặc chí ít không đủ kiên nhẫn để kiếm tìm thứ “bụi quý” trong ngổn ngang đất cát, trong bề bộn những thứ ít có giá trị. Không thể trách sự đọc. Có chăng, lỗi là ở thơ Nguyễn Anh Nông không có được vẻ hào nhoáng cuốn hút tha nhân. Thơ Nguyễn Anh Nông giống như bản mệnh của kẻ quê Thanh. Cảm thức này sẽ dần vợi đi nếu sự đọc đủ kiên nhẫn tìm trong đất đai chữ nghĩa những vỉa quặng, những bụi, những hương lộ ra từ lõi trầm, từ mạch khoáng, từ lắng đọng. Đọc nhiều lần từ Bàn tay lá cỏ (I, II – 1993, 1995), Kỵ sĩ ngựa gỗ (1998), Mây bay (2000) đến Những tháng năm ở rừng (2005), Trường Sơn (2009), Lững thững xanh (2010), Gửi Bill Gates và Trời xanh (2011), Hà Nội và em (2011), Trò chuyện cùng cha con cu Lập Sơn & Lập Thành (2012),… người ta mới nhận ra không phải Nguyễn Anh Nông khó nhuộm mà chính anh đã chủ động gột đi trên hình hài sự hào nhoáng, cuốn hút của lớp men thứ cấp. Đây là điểm yếu hay điểm mạnh của Nguyễn Anh Nông ? Tôi cho rằng đó là một sự lựa chọn khôn ngoan, nghĩa là một thế mạnh của tác giả. Lựa chọn, đúng hơn là cố thủ lấy hồn cốt của xứ quê là một cách “phòng vệ” (có thể cực đoan) trước sự tha hóa của cõi người. Với một thể loại súc tích, kiệm lời, cần nhiều yếu tố nhịp điệu, nhạc tính và thi ảnh như thơ, cái làm nên chất thơ trong thi giới Nguyễn Anh Nông cũng phải là thứ hồn cốt đã được thăng hoa, tinh lọc chứ không đơn giản chỉ là tập kết tất cả vật liệu của xứ sở về trong biệt quốc. Trong một quy trình có tính biện chứng, chất quê cần phải được tôi luyện để không thể phai nhạt nhưng lại cần thích ứng với những hình thái mới, những điệu thức mới để tồn tại hài hòa. Những câu thơ đọng lại của Nguyễn Anh Nông là những câu thi sĩ làm được điều đó. Đặt trong bối cảnh của sự đọc, nét quê mùa, vụng về của chữ nghĩa, những ví von liên tưởng như bật lên từ cuộc đời người nông dân quê Thanh đôi khi làm ta bật cười, có lúc khó chịu, nhưng khi xếp lại những tập thơ ấy lại cứ thấy thao thức bởi chính phần máu thịt trong mình chẳng chịu ngủ yên:
Bước tuổi tác thập thững làng xóm rộng
Tre và dừa vỗ nắng ngắm theo đi
(Ngày đầu xuân, tảo mộ)
Nếu so với cái khéo léo, mịn màng, tinh tế trong chất thơ Xứ Bắc, có lẽ sự đọc phải gạn đi hơn 80 % những đất cát, sỏi đá để chiêu lấy phần còn lại là thứ quặng quý làm nên giá trị của Nguyễn Anh Nông. Kỳ thực, không phải cái khéo, cái mịn màng nào cũng quý, cũng là giá trị. Có những cái khéo quá, mịn quá, sàng đãi đôi lần đã trôi tuột đi, chẳng đọng lại gì giữa đôi tay nhiều trắc ẩn. Sáng tạo thi ca và nghệ thuật, cái đích cuối cùng phải là giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật. Đó là những giá trị có tác dụng lay động lòng người, cảm hóa, thanh lọc hoặc gây nên những rung chấn trong mỹ cảm, tinh thần của chủ thể tiếp nhận. Ngay cả cái xấu, cái ác cũng là đối tượng của nghệ thuật khi từ đó hướng đến Chân – Thiện – Mỹ. Cái thô mộc, gồ ghề của nghệ thuật khác sự thô mộc gồ ghề của vật liệu. C. Lévi Strauss đã nói rất đúng, ngôn ngữ nghệ thuật là thứ ngôn ngữ được cất cánh bay lên trên ngôn ngữ đời thường. 80% thơ Nguyễn Anh Nông vẫn nằm ở thế dự phóng, tiềm năng, chỉ một phần ít thôi như đã nói “cất cánh bay lên” thành nghệ thuật. Điều đó với một thi nghiệp đã quý giá vô cùng và không phải ai cũng có may mắn sở hữu.
2. Giọt nước và ngọn nguồn gió mưa hay bụi quý từ thể loại
Đọc thơ là kiếm tìm nghĩa lý trong sự hiện hữu của thi sĩ. Ngôn ngữ thơ cho thấy công phu “uẩn nhưỡng tâm tư”, “thôi xao từ điệu”, biểu hiện nhận thức, thái độ, tình cảm và ứng xử nghệ thuật của chủ thể trong tương quan chằng chịt với các điều kiện sống của anh ta. Nói tóm lại, ngôn ngữ thơ chính là bản thể nghệ thuật của thi sĩ. Trong ý niệm đó, đọc Nguyễn Anh Nông là đọc nghĩa lý của sự hiện hữu từ ngôn ngữ thơ.
Thơ ngắn của Nguyễn Anh Nông có hình thức khá giống với haiku của Nhật. Đặc trưng của thể thơ này là thiên về biểu tứ. Bài thơ là hình hài cô đọng nhất gói trọn một tứ thơ. Sự tinh giản đến mức tối đa về chữ đặt ra yêu cầu phải có tứ thơ thật sáng, thật chụm:
Ven sườn núi
Những đóa hoa tím dại
Nở nụ đời khiêm cung
(Matsuo Basho)
Đặc tính của haiku, hai câu và ba câu là nét ưu thắng về mặt tứ. Ngôn từ, thi ảnh để biểu đạt tứ phải là sản phẩm của một cơ chế “tuyển lựa” và “kết hợp” (R. Jakovson) thật minh nhiệm. Hầu như không có sự diễn giải, chỉ có niềm an nhiên giữa tịch lặng để cảm biết về sự sống lay động trong những khoảnh khắc vi diệu của thời gian. Với thể thơ rất kiệm lời này, tư duy và mỹ cảm trong tổ chức tứ thơ (cấu tứ) gần như trùng khít với bài thơ. Nghĩa là bài thơ chỉ là sự hiện hình của chất thơ trong mỹ cảm và tư duy ở dạng uyên nguyên nhất. Cần một sự im lặng để chất thơ lan tỏa. Im lặng là điểm hội tụ của ưu tư, suy nghiệm – tư tưởng. Martin Heidegger từng nói: “Hữu thể của hiện thể bao hàm trong ưu tư” . Nơi ấy, tính thể của sự sống hiện lên diệu kỳ trong mỗi “sát na”.
Haiku vốn là thể thơ truyền thống của xứ sở Phù Tang. Mỹ học haiku đề cao chất sabi (cô tịch, cổ kính và u huyền), đồng thời haiku được quy ước bởi những đề tài theo mùa, theo tháng và quý ngữ. Chính sự ước lệ về thi đề, thi ảnh, kết hợp với quý ngữ và chất sabi nên haiku dù rất kiệm lời (17 chữ) nhưng uyên súc, uẩn nhưỡng. Thơ ngắn, ba câu hiện đại dù hình thức khá giống haiku Nhật nhưng do giải trừ các ước lệ, quý ngữ, sabi nên sự uẩn súc cũng theo đó mà phai nhạt, đặc biệt là chất sabi. Thơ ngắn của Nguyễn Anh Nông về hình thức khá giống haiku, cũng 17 chữ, bố cục 5/7/5, có khi anh đoạn thủ, đoạn vĩ để hiện hình dưới dạng 4/7/4, 4/7/5, 5/7/4,… Nhưng cảm nhận rất rõ xác thân ấy nhưng hồn vía khác. Nguyễn Anh Nông không gọi là haiku cũng là một ý thức rất rõ của anh về sáng tạo thể loại của mình. Đơn giản, đó là thơ ngắn. Thơ ngắn, hai câu, ba câu, haiku có thế mạnh thiên về biểu tứ. Tứ thơ là hạt nhân, dồn chứa năng lượng thơ của các thể thơ này. Khi thiên về biểu tứ, ý tình trong thơ cần phải thật sáng, cô đọng và tập trung (chụm). Tính chất uẩn nhưỡng, uyên súc của các thể thơ này không cho phép sự tản mát về ý tình, sự dàn trải lan man về thể điệu. Tất cả phải được “thôi xao” đến mức tinh diệu để chỉ trong một lượng vật chất rất nhỏ mà sức công phá thật lớn:
Chiếc lá nặng nề
Buông xuôi về với đất
Trong một ngày lặng gió
(Nozawa Boncho ? – 1714)
Chẳng tại gió, ấy là vô thường. Vô thường là chân hình của hóa sinh. Thấu đạt lẽ ấy sẽ tránh những vọng động khởi sinh từ vô minh, tham – sân – si. Im lặng quy theo vô thường là minh triết tối thượng của Thiền (Zen) mà chỉ những bậc thiền giả vĩ đại, nhờ công phu thiền định mới có thể chứng ngộ . Thơ ngắn của Nguyễn Anh Nông dứt khoát không phải là một thực thể chân truyền của dòng phái haiku Phù Tang. Thơ ngắn của Anh Nông là sự chắt lọc những kinh nghiệm sống, những đúc kết của con người đang vật lộn giữa khổ ải của đời. Tuy nhiên, trong dạng thức tối giản này, Nguyễn Anh Nông đã biết tiết chế tối đa những vọng động để lắng lấy cái phần vi diệu nhất:
Người đi theo bóng núi
Khuất chìm năm tháng xa
Sim mua tím sớm chiều
(211)
Thơ ngắn hiện hình rõ nhất tư duy thơ, mỹ cảm và năng lực kiến tạo thi ảnh, ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Anh Nông. Anh khá nhạy bén với bản chất của các hiện tượng, luận ngay được tính chất của sự vật, sự việc. Sự trải nghiệm đã hun đúc cho anh đôi mắt và cảm quan nhìn đời trong ý nghĩa nhân sinh phổ quát, không bị kẹt bởi hiện tượng. Đó cũng là một dạng thái của bản thể nhận thức được quy luật – cái lẽ thường của sự sống. Nhưng khác với trình độ nhậm vận của thiền giả, Nguyễn Anh Nông giải trừ chất sabi, gia tăng tính chất tếu táo, hài hước với hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu đời thường. Lối ví von, liên tưởng khá hồn hậu khởi xuất từ tâm tính con người lao động, của một kẻ đi ra từ đồng ruộng, lớn lên cùng giọt mồ hôi và bao buồn vui cay đắng mưu sinh đã trở thành một lợi thế để Nguyễn Anh Nông tung tẩy trong cách diễn đạt những cảm nghiệm của mình:
Ngỡ đời suôn sẻ mãi
Gió bay gặp tường cao, núi dựng
Loay xoay vòng trời hẹp
(5)
Không có quý ngữ, cũng chẳng có biểu tượng ước lệ, thơ ngắn của Nguyễn Anh Nông là khoảnh khắc thức nhận của người đi nhiều, trải lắm, lắng đọng trong những lời giản dị, chân thành. Tri thức trong thơ Nguyễn Anh Nông gắn với làng quê, đồng bãi, dòng sông, vợ chồng, con cái, cha mẹ, bạn bè, đồng đội, tha hương, phiêu dạt, đất khách,… Nguyễn Anh Nông hồn nhiên, thuần phác, cứ vục vào quê mà múc, đổ tràn những không gian Thanh lên ngày tháng tha hương của mình. Cuộc sống quê Thanh tự nó ít chất thơ. Có lẽ đó là cảm nhận của riêng tôi. Cái khó nghèo của đời, cái cỗi cằn của đất, cái nắng gió của trời,… khiến người ta ít mơ mộng.
Thật khó và chưa hẳn đã trúng khi đứng từ haiku để luận về giá trị thơ ngắn của Nguyễn Anh Nông. Việc làm đó, đôi khi lại tố cáo một sự bảo thủ hay sự chật hẹp của các khuôn thước giá trị. Phải thừa nhận, thơ Nguyễn Anh Nông, không chỉ ở thơ ngắn, cái thô mộc, vật liệu, nôm na có phần trội lên, nó làm khuất lấp, thậm chí che hết những hạt “bụi quý” vương trong thế giới ngổn ngang của anh. Như anh đã từng thú nhận, “Nhà mượn, người không mượn”, “Dù lồng đời chật chội/Vẫn hót tiếng riêng mình”. Cái riêng của anh chính ở chỗ anh không cố chạy theo một thứ ánh sáng được hắt lên từ thần tượng nào. Sự đọc có lẽ phải cần mẫn như Giăng Samet, người cựu binh khốn khổ của trung đoàn thuộc địa thứ Hai mươi bảy. Đó là sự ứng xử mà hẳn Pautopxky trong vai trò một nhà văn có tuổi đã ý thức được:
“Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm – tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng” .
Bụi quý thường không nhiều và đồng thời phải ý thức một cách nghiêm túc rằng, giữa cuộc đời đầy rác rong của chúng ta, hy vọng kiếm được một kho tàng là điều cũng hiếm như bụi quý. Đấy là còn chưa kể đến biết bao trang sức, giả kim đánh lừa con người trong ngổn ngang, lẫn lộn bao giá trị. Hiểu điều đó, người ta hẳn sẽ trân trọng những hạt bụi quý của Nguyễn Anh Nông:
Mây bay, ừ nhỉ ? mây bay!
Khát khao tôi ngửa bàn tay hứng trời
Mưa rơi
Từng giọt mưa rơi
Bàn tay tôi đậu khoảng trời xinh xinh
Ngắm nhìn giọt nước lung linh
Mà sao thấy cả bóng hình nước non
– Ô hay, giọt nước con con
Mà như tích tụ ngọn nguồn gió mưa
(Giọt nước)
Với thơ, cái hay và cái tiêu biểu rất khác nhau. Cũng như có nhà thơ có nghề, chắc tay và thi sĩ thiên bẩm. Nổi lên khá rõ trong thơ Nguyễn Anh Nông có lẽ là cái thô mộc, nôm na (dù rất đáng quý) chưa siêu thoát để thành thơ. Nhưng, cái hay của anh cũng có thể điểm được để không đến nỗi không dám sánh với các thi gia khác trong trường văn trận bút. Bài Giọt nước ở trên là số ít mang được cái hay của thơ Nguyễn Anh Nông. Theo tôi, gia tài đời thơ không cần nhiều, chỉ cần đôi bài neo vào tâm trí nhân gian thế là đã đủ cho một thi kiếp. Tương tự thế, có lắm nhà thơ chắc tay, viết rất có nghề, đọc thơ của họ thấy ổn lắm, nhưng để tạo nên một rung chấn trong tâm thức sự đọc thì hẳn mất khá nhiều công để đãi lọc. Thơ hay như luồng điện thế, không chờ ta phải suy luận, phải truy vấn xem nó được viết từ tâm thức nào, lý thuyết nào, Tây hay Tàu,… Hay nghĩa là giá trị, tác động tự nhiên vào tâm thức, vào trực cảm của người đọc, gợi dậy từng vùng mỹ cảm, khơi dẫn những miền không gian tinh thần và trí tưởng, suy tư và cảm giác. Người ta nhắc nhiều đến hai câu cuối của bài Giọt nước âu cũng là lẽ thường, bởi nó hay. Nhưng vừa hay, vừa tiêu biểu cho Nguyễn Anh Nông theo tôi lại là hai câu trên: Khát khao tôi ngửa bàn tay hứng trời và Bàn tay tôi đậu khoảng trời xinh xinh. Đó là những câu thơ làm sáng tập thơ và đáng giá cho bất kỳ nhà kim thuật nào ao ước. Cái hay trước hết chưa cần lý giải. Sự lý giải sẽ bổ sung làm đầy đặn thêm cảm giác. Cái hay đem đến khoái cảm thẩm mỹ tức thời, đôi khi rất phi logic. Sự diễn giải luôn dừng lại ở cái hay, cái có vấn đề, có nghĩa lý. Với thơ và thưởng thức thơ, cái có ý nghĩa lại là cái đôi khi nằm ngoài lý trí thuần túy. Hegel đã phân chiết một cách chi li hơn khi ông cho rằng đối tượng của thơ không phải là con người mà là những xung động của tinh thần. Ngược lại, để hình dung về sự tiêu biểu rất cần phải mô tả và lý giải. Chất ngang tàng với tâm thức ngửa tay hứng trời; ôm mộng cưới trăng vàng của gã trai quê chính là nét tiêu biểu của thơ Nguyễn Anh Nông. Thật lý thú, khi tôi hình dung hai bàn tay gầy gộc, thô sần đang bụm lại để hứng giọt nước trời, chứa ngọn nguồn gió mưa thể hiện sự tinh tế hiếm có, cái biệt lệ chỉ có thể trỗi dậy trong tận cùng tâm thức hay nói như G. Jung là trong cấu trúc tâm lý vô thức của con người. Bàn tay tôi đậu khoảng trời xinh xinh có được phẩm tính ấy, đặc biệt là ở từ “đậu”. Giọt mưa có lẽ chưa tan, còn nguyên trong “lòng tay” nâng niu. Trên vòng sáng của mình, giọt nước diệu kỳ mới lấp lánh những ngọn nguồn gió mưa và khoảng trời xinh xinh mới lẫn vào trong đáy mắt.
Bụi quý không có nhiều, những câu thơ hay và tiêu biểu cũng không phải là thứ sẵn có trong thi trình của một thi sĩ. Nguyễn Anh Nông còn có đôi câu, đôi hình ảnh khác khá ám ảnh:
Chiều đi sao em không tới
Nắng buồn nắng đọng lưng nương
(Buồn)
Câu đầu thường tình không có gì đáng nói, ai cũng có thể viết được. Nhưng câu thứ hai thì khác. Những ai đã từng ngắm sự cô độc của ngọn núi trong một chiều biên ải, trong ngày nắng tắt trên một đỉnh mù khơi mới hiểu cái buồn của hạt nắng đọng lại trong thung khe, trong nương đồi. Cứ thà đổ hết vào chiều để ngả sang đêm, đằng này, vương vấn gì, mòn mỏi nữa, hạt nắng đọng lưng nương là nỗi buồn không tắt trên ngày đời đã lụi. Chẳng phải Nguyễn Anh Nông đã từng lặng lẽ bao chiều như thế trên ải Bắc ư? Sự họa điệu của tâm trạng, xúc cảm với thiên nhiên trong một khoảnh khắc tinh tế chính là bụi quý mà ở đây Nguyễn Anh Nông đã chạm được vào.
Đến đây, có thể gạn lại đôi dòng để nói về nguyên cớ khiến những vần thơ của Nguyễn Anh Nông đậu lại trong ký ức nhân gian. Đó chính là sự tu sức của hình ảnh để trở thành biểu tượng. Trong quan niệm đơn giản nhất, biểu tượng chính là hình ảnh, hình tượng giàu giá trị biểu trưng, có tính tượng trưng cao, xuất hiện với tần suất lớn, ám ảnh trong thi cảm nhà thơ. Biểu tượng khiến cho mạch thơ kín đáo, ý tình sâu sắc hơn, cho thấy bề sâu của xúc cảm, suy tưởng khởi sinh từ một nền tảng văn hóa sâu dày của chủ thể sáng tạo. Biểu tượng còn là một trong những nhân tố tạo nên tính đa nghĩa, tính mơ hồ, tính liên/xuyên văn hóa của thơ. Thơ khác vè, diễn ca cũng bởi có sự hiện diện của biểu tượng. Những câu thơ đã dẫn của Nguyễn Anh Nông và một vài câu khác, có thể nhận thấy đôi lần hình ảnh thơ đã được thi sĩ dụng công nung luyện thành biểu tượng hoặc chí ít là sự thành công trong các thủ pháp hàm ẩn. Ở bài Giọt nước là Giọt nước, khoảng trời, ngọn nguồn gió mưa và bàn tay. Vượt lên tính chất tương đồng của các thực thể được định danh thay thế trong ẩn dụ, đó là một hệ biểu tượng hàm nghĩa sâu xa chính ở khả năng tượng trưng. Các chỉ dấu vừa nêu có thể đem đến nhận thức về vũ trụ, về cuộc đời, con người, cũng có thể là một lát cắt qua khoảng trời, sự lắng đọng qua giọt nước, gió mưa hay sự vần vụ của vũ trụ, bàn tay chắc hẳn là con người, là nhân sinh với những khát khao đầy nhân bản. Nếu không có sự nối kết với truyền thống dân gian, rất có thể những chỉ dấu vừa nêu trong bài Giọt nước chỉ là ẩn dụ. Nhưng khi ta hiểu rằng, trong ký ức cư dân nông nghiệp, giọt nước, khoảng trời, ngọn nguồn gió mưa và bàn tay là những hằng số văn hóa. Ký ức của cộng đồng và cá nhân, trong lịch sử lâu dài của sự ám chỉ, ví von, hình tượng hóa những tương đồng, khiến cho ẩn dụ đã trở thành biểu tượng.
3. Kết luận
Hạo Nhiên Nghiêm Toản khi bàn về Thơ mới trong cuốn Văn học sử trích yếu đã cho rằng hãy để “giai tác bệnh vực thi nhân” . Sự đọc dẫu có được thỏa thuận bằng suy tưởng, kiến tạo nào cũng không thể cất dựng trên những điều vô thực. Theo cách ví von của Nghiêm Toản, phải dọn đi thứ có dại che lấp cả chồi lan. Trong tình thế của thơ ca Việt Nam đương đại, đó là công việc không hề đơn giản, thậm chí là bất khả thi. Một vài chồi lan hé sáng trong vườn thơ Nguyễn Anh Nông bởi thế thật đáng quý, đáng nâng niu.
Một vài hạt bụi quý không bảo chứng cho Nguyễn Anh Nông là thi sĩ thiên bẩm. Nhưng, chí ít cũng đủ cho Nguyễn Anh Nông hiện hữu trong cuộc đời với tư cách là một nhà thơ. Không gì có thể thay thế được những giai tác trong việc kiến tạo và định vị một thi kiếp. Qua những nâng niu của lòng tay (sự đọc), hy vọng những vần thơ trên sẽ vương lại vĩ thanh trong lòng nhân gian. Sự đọc rồi lại sẽ ruổi rong qua những chân trời với nhiều “thỏa thuận”. Trên bước chân ấy, miền Thanh vẫn hằn lên những ứng xử khu biệt. Để kết thúc cho một lần đến và thỏa thuận của mình với chữ nghĩa mang cốt hồn người Thanh, xin được nhắc lại lời GS Ngô Đức Thịnh khi nghiên cứu về Tiểu vùng văn hóa Xứ Thanh: “Với miền Trung, Xứ Thanh như là sự mở đầu, trước nhất cho một mô hình hệ sinh thái kết hợp chặt chẽ giữa đồng bằng, rừng núi và biển cả. Thanh Hóa chưa được coi là Tứ trấn nội Kinh như Kinh Bắc, Sơn Nam, nhưng cũng không phải là vùng trại xa xôi như Xứ Nghệ. Tính trung gian chuyển tiếp không chỉ trên bình diện môi trường địa lý tự nhiên mà cả về phương diện lịch sử và văn hóa, khiến người ta coi Thanh Hóa lúc thì nhập vào Bắc Bộ, lúc thì nhập vào Trung Bộ. Đó chính là tính cách của một vùng mang tính chuyển tiếp văn hóa, từ đó tạo nên tất cả những gì gọi là nét riêng của Xứ Thanh” .

N.T.T