Nhà cũ – Trần Tú

– Anh nhìn thấy gì qua những thứ đã cũ kỹ, rêu hoen?
Sơn thoạt đưa mắt nhìn viên gạch cũ, rêu mốc trong phòng Thảo, mỉm cười:
– Thì đương nhiên là nhìn thấy một sự đã cũ chứ còn thấy gì!
Đôi mắt Thảo đượm buồn. Tiếng thở dài như muốn giấu kín vào tận sâu nơi đáy lòng:
– Anh nhìn nó giống thứ đáng bỏ đi lắm phải không?
Sơn bối rối:
– À, ý anh không phải thế. Nhưng đây là tất cả chiến lợi phẩm của em trong chuyến về quê vừa rồi à?
Thảo gật đầu, buồn bã:
– Vâng, đó là ký ức của em.
Sơn quen Thảo khi cô vào năm nhất đại học. Đơn giản vì nhà anh kinh doanh phòng trọ. Nhà có sơ sơ tầm chục phòng trọ, loại bình dân, chủ yếu cho sinh viên từ quê lên thuê. Mọi người hay quen miệng tếu táo gọi Sơn là cậu chủ. Vì ngoài việc thu tiền thuê phòng hàng tháng ra, thì mọi việc gần như mẹ phó mặc cho Sơn. Nào lo sửa đường nước, đường điện, kiểm tra cơ sở vật chất của các phòng xem có ổn không. Vì thế Sơn tiếp xúc với nhiều lứa sinh viên, nên cũng phần nào hiểu được tính cách của bọn chúng. Nhiều đứa lúc mới lên trông có vẻ hiền lành, nhút nhát, thế mà chỉ thời gian sau thì chúng quậy tưng bừng như một người khác vậy. Đúng là người ta bảo “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” cấm có sai tí nào. Nhưng dù sao thì cũng vẫn vui, có mấy đứa sinh viên xóm trọ lúc nào cũng nhộn nhịp vui vẻ. Chỉ cần không lố lăng, quậy phá quá là được.
Nhưng, Thảo thì khác. Nói thật, ban đầu Sơn không mấy thiện cảm với Thảo. Mấy đứa con gái khác khi được một cậu chủ đẹp trai, hào hoa như Sơn buông lời trêu đùa, đứa nào đứa nấy cũng cười tít mắt. Sơn cũng vì mấy lời ong bướm ngọt ngào của các nàng mà thấy lòng đầy phấn khích. Ấy vậy mà cái con bé Thảo này lại thật khác.
Sinh viên lên phố học, làm gì có đứa nào không nhuộm tóc, làm kiểu này kiểu nọ nổi loạn một chút, thay đổi một tí cho nó thú vị. Thế mà con bé Thảo không hề làm tóc, mái tóc của nó đen nhánh, luôn được tết khéo léo, hoặc buộc cao gọn gàng. Khuôn mặt xinh nhưng đôi mắt buồn, Thảo ít cười. Nhìn tổng quan gương mặt khá lạnh lùng. Mấy đứa con gái xinh xắn ở dưới quê lên, chỉ thời gian là đứa nào đứa nấy líu ríu người yêu. Vậy mà vẫn thấy Thảo cô đơn lẻ bóng. Nghe mấy đứa con gái xì xào, vì con bé Thảo khó tính quá ấy mà.
Không biết khó tính không nhưng Thảo có vẻ khó gần. Thảo nhỏ nhẹ, lễ phép nhưng ít nói, ít khi buông lời trêu đùa. Cái phòng nó ở luôn ngăn nắp, gọn gàng, đi về đúng giờ, ít khi thấy bạn bè đến chơi. Đôi khi Sơn tò mò liếc trộm qua phòng Thảo. Có lẽ vì là sinh viên mỹ thuật nên trong phòng có khá nhiều tranh, dụng cụ vẽ, có thêm những thứ trông khá hay ho mà Sơn vẫn tặc lưỡi bảo “chắc là đồ cổ”. Nhưng về đời sống cá nhân của Thảo thì không mấy ai rõ, vì Thảo chưa bao giờ kể cho ai ở xóm trọ nghe. Sơn thích cô thật lòng nhưng anh chỉ lặng lẽ bên cô mà chưa bao giờ dám trực diện hỏi Thảo về những vấn đề riêng tư. Thật lòng, có những lúc Sơn không biết phải bắt đầu nói chuyện với cô gái mình đang theo đuổi như thế nào cho thú vị. Như lúc này đây, anh nhìn Thảo đang chăm chú bên giá vẽ, chỉ nhẹ nhàng hỏi:
– Em đang vẽ gì thế?
– Em đang chuẩn bị cho bài thi tốt nghiệp.
– Hình như em đang phác thảo một ngôi nhà phải không?
– Vâng. Đó là một ngôi nhà cũ.
– Ừ. “Nhà cũ” cái tên hay quá. Nhà ở dưới quê của em đó à? Sơn buột miệng hỏi.
– Vâng…
Thảo do dự, có nên kể với Sơn về những chuyện đã qua không. Mắt cô chạm phải cái nhìn ấm áp của Sơn. Có lẽ với cô thì anh vẫn luôn là người con trai lịch sự và tinh tế nhất. Anh luôn biết kiềm chế sự nóng lòng, không vồ vập, không khiến Thảo cảm thấy khó chịu mỗi khi chuyện trò. Ánh mắt Sơn vẫn luôn nhìn Thảo với vẻ chờ đợi. Và anh cũng không cần Thảo phải trả lời những câu hỏi của mình.
Ngày nhỏ Thảo vốn là một đứa trẻ hay cười. Những ngày thơ ấu vẫn luôn hiện về rõ nét trong tâm trí cô. Mỗi ngày, sáng ra Thảo tung tăng đến trường, chiều về lại ríu rít bên bố mẹ nơi đồng làng. Ngày cứ yên bình trôi qua. Ngôi nhà nhỏ ba gian, xây bằng gạch nung thủ công, lợp mái ngói nung luôn ngập tràn tiếng cười. Thảo chẳng nhớ rõ căn nhà được xây năm nào, chỉ biết nền nhà láng bê tông đã nhẵn thứn bởi bước chân người, trên tường từng mảng vôi vữa đã bong tróc quá nửa để lộ tường gạch. Bức tường phía sau nhà không được trát vôi vữa, quanh năm ẩm ướt, từng viên gạch phủ lên mình manh áo rêu xanh mướt, còn mái ngói đã chuyển sang màu nâu trầm, hoen ố. Trong ngôi nhà ấy có nụ cười hiền hậu của bà cùng những lời răn dạy, có tiếng cười giòn tan của bố mỗi khi Thảo đi học về và khoe những điểm mười đỏ chót. Mỗi buổi trưa hè lại có tiếng hát ru hời của bà mênh mang như cổ tích. Có những cử chỉ ân cần mà mẹ dành cho bố. Có những bữa ăn ấm cúng, vui vẻ tiếng nói cười sau những lo toan vất vả thường nhật. Ngỡ tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi. Nhưng…
Năm đó, một trận lũ càn quét, làng bị vỡ đê. Thế là bao nhiêu vốn liếng đổ vào hồ cá của bố mẹ Thảo mất trắng. Lũ đi, mặt nước trở lại hiền hoà, nhưng khuôn mặt người lại đau đáu bao nỗi lo toan. Thảo thấy bố thở dài đều hơn, bố mẹ cũng thường xuyên cãi vã. Không khí trong nhà bỗng trở nên ngột ngạt và căng thẳng. Một ngày nọ, khi Thảo đi học về, mẹ ôm Thảo vào lòng thủ thỉ: “Con gái, nếu mẹ đến một nơi thật xa và phải lâu nữa con mới gặp lại mẹ thì con có nhớ mẹ không?”. Nghe mẹ nói vậy Thảo bỗng sợ hãi, nó bật khóc: “Con nhớ mẹ lắm, con không cho mẹ đi đâu đâu”. Mẹ hôn lên trán Thảo thì thầm: “Mẹ cũng thế, mẹ không muốn xa con đâu. Nhưng khi lớn lên, con sẽ hiểu cho mẹ. Vì tương lai mẹ nhất định phải đi con à”.
Thảo vẫn nhớ mãi cái buổi sáng mùa xuân ấy. Dưới cơn mưa phùn lâm thâm, Thảo chỉ biết khóc, nó muốn chạy theo chiếc ô-tô kia để giữ mẹ lại nhưng không thể. Nó vẫn thường hỏi bố: “Bố ơi, khi nào mẹ sẽ về?”. Mỗi khi thế bố lại cười nhạt một cái mà rằng: “Sắp rồi con à!”. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác đã bao lần nhất là dịp cuối năm Thảo đều chạy ra đầu làng ngóng trông, chờ đợi những chuyến xe, lỡ đâu mẹ về. Nhưng hy vọng ngày càng trở nên vô vọng. Thảo thu mình lại với những mong ngóng mòn mỏi, với những tủi thân, ấm ức. Cho đến một ngày nó không còn muốn hỏi bố khi nào mẹ sẽ về nữa. Và nó cũng không ra đầu làng để đợi chờ mỗi chuyến xe.
Căn nhà cũ ngày càng xuống cấp, sau mỗi cơn mưa rào là lại dột ướt già nửa. Bố không có ý định sửa. Không lâu sau bố xây một ngôi nhà mới sát mặt đường, ngôi nhà cũ thọt lỏm vào phía trong. Bố muốn phá ngôi nhà cũ đi cho gọn gàng. Thế nhưng, bà nội nhất quyết không nghe, bà muốn sống ở ngôi nhà cũ đến cuối đời. Thảo mừng thầm trong lòng. Hai căn nhà đứng gần nhau. Ngôi nhà mới hiện đại, rộng rãi và tiện nghi. Căn nhà cũ rêu mốc, xiêu vẹo. Thoạt nhìn, ngôi nhà mới rất đẹp, rất vững chãi. Thế nhưng chẳng hiểu sao mỗi khi bước vào ngôi nhà ấy, nhìn bức tường sơn trắng toát Thảo luôn thấy cảm giác sợ hãi, lạnh lẽo và cô đơn. Nó lại về nhà cũ, lặng nhìn những viên gạch mốc rêu xanh, nhìn mái ngói hoen ố mà lòng mường tượng về quá khứ vui vẻ, lòng bỗng thấy ấm áp trở lại.
Từ ngày mẹ đi, Thảo thấy bố khác lắm. Bố không còn quan tâm Thảo nhiều như trước, bố hay nhậu nhẹt, say xỉn hơn. Bố còn hay chửi thề nữa, mỗi lời chửi thề đều ít nhiều liên quan đến mẹ. Khi ấy, Thảo chỉ đứng lặng lẽ trong xó nhà, cố kìm nén không để tiếng nấc trong lòng phát ra thành tiếng, nhưng nước mắt chỉ trực trào ra. Nghĩ đến mẹ mà lòng Thảo bao mâu thuẫn. Người ta bảo nhà mới bố xây bằng tiền mẹ gửi về. Rằng mẹ giờ đã là vợ bé của một ông Đài Loan giàu có. Nó không tin, không muốn nghe, nó vẫn rất yêu mẹ. Nhưng vì sao mẹ lại đi mãi mà không trở về. Nó không trả lời được.
Thảo vào đại học, bà cũng đã mất, bố cưới vợ khác. Nó không trách bố, vì bố cũng đã chờ đợi quá lâu. Với nó, căn nhà cũ chính là chỗ dựa tinh thần duy nhất. Những lúc thấy mất phương hướng, thấy tâm hồn trống rỗng, thấy cô đơn và tủi hờn Thảo sẽ về ngôi nhà cũ ấy rồi gục mặt khóc hồi lâu. Thời gian sẽ lại lặng lẽ trôi đi và cuộc sống vẫn tiếp diễn.
Một ngày nọ, Thảo bất chợt thấy tấm ảnh mẹ cười thật tươi bên một người đàn ông được chia sẻ trên phây búc. Tim nó nhói đau, mẹ đã bảo sẽ không bao giờ bỏ rơi Thảo cơ mà. Mọi món quà, tiền mẹ gửi về nó cũng không cần nữa, nó chỉ cần mẹ thôi. Hãy trả lại mẹ như những ngày xưa cũ. Thảo òa khóc nức nở.
Người ngoài, ai cũng cười khẩy rồi bảo nhà Thảo có người đi nước ngoài nên sướng thật đấy, nhà cao cửa rộng, lại có tiền nữa còn gì bằng. Cứ thế mà sống rủng rỉnh đến hết đời, việc gì mà phải suy nghĩ nhiều cho nhức cái đầu. Thế nhưng Thảo thấy điều ấy như những nhát dao đâm vào ngực mình ngột ngạt và đau đớn. Nhà đẹp và tiền nhiều có ý nghĩa gì khi trong đó thiếu vắng tình thương của con người. Cũng chẳng rõ từ bao giờ Thảo thấy sợ những thứ hào nhoáng và lộng lẫy. Những thứ ấy cứ như thể được tô vẽ để đánh lừa người khác, và con người ta có thực sự hạnh phúc nếu chỉ có mẽ bề ngoài thôi không. Thảo nói, đôi mắt cô nhìn thật sâu vào mắt Sơn như muốn dò hỏi. Sơn bỗng thấy một chút bối rối, anh ngập ngừng nói:
– Hôm nào, Thảo cho anh về thăm ngôi nhà cũ ấy được không?
Thảo lắc đầu, đôi mắt em buồn xa xăm, tay nâng viên gạch rêu xanh ở trên bàn mà nói:
– Căn nhà cũ chỉ còn lại thế này thôi. Sơn thảng thốt:
– Chuyện gì đã xảy ra thế?
“Mảnh đất có ngôi nhà cũ bố đã bán cho chủ mới. Hôm vừa rồi, em về quê và họ đã phá nó đi để xây một ngôi nhà mới. Nhà cũ đã bị san bằng sạch sẽ em tìm mãi mới thấy mấy viên gạch rêu xanh này. Bố bán mảnh đất đó đi không một chút do dự. Có lẽ khi chán ghét một thứ gì đó người ta chỉ muốn vĩnh viễn những thứ thuộc về nó không bao giờ xuất hiện trước mắt nữa”. Nước mắt cứ thế lăn dài trên má Thảo.
Sơn run run lấy tay gạt vội từng giọt nước mắt hãy còn nóng hổi. Thảo không phải một cô gái lạnh lùng như anh vẫn từng nghĩ. Và không phải thứ gì cũ kỹ cũng đáng bị bỏ đi. Như viên gạch cũ kia trong nó ẩn chứa bao nhiêu câu chuyện của quá khứ.
Cả đêm Sơn trằn trọc, anh không thể nào ngủ được. Hình ảnh về Thảo và căn nhà cũ cứ chờn vờn nơi tâm trí anh. Nỗi cô đơn của Thảo làm sao mà anh hiểu được. Suốt bốn năm qua, Sơn luôn lặng lẽ theo sau Thảo như một cái bóng. Vậy mà phải đến hôm nay anh mới biết thêm một chút về cô. Làm sao để con người ta mở lòng với nhau hơn. Cũng giống như tình cảm mà anh dành cho Thảo, liệu cô có cảm nhận được không.
Sáng hôm sau. Khi bình minh vừa ló rạng. Sơn hồi hộp cầm một cuốn sổ vẽ trên tay, chạy nhanh xuống phòng Thảo. Nháy mắt, mỉm cười thật tươi: “Ở đó có một chuyện tình, em xem đi rồi sẽ hiểu”.
Thảo lật từng trang giấy, cô kinh ngạc với những bức ký hoạ. Một chàng trai luôn lặng lẽ theo sau một cô gái, nhìn cô từ phía xa. Cuối cuốn sổ là mấy dòng chữ nắn nót:
“Anh không phải là một chàng trai chỉ biết bông đùa. Anh cũng không phải chỉ là một thầy giáo dạy toán với những con số khô khan đâu. Anh cũng biết vẽ và anh tin anh biết cách để yêu một ai đó. Nếu có thể anh hy vọng mình sẽ là ngôi nhà cũ trong trái tim em. Ở đó có kỷ niệm, có tình yêu và có nụ cười của em. Anh yêu em!”.

Trần Tú

Vannghemoi.com.vn − 20:26, ngày 30/04/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền