/

Tôi phải định nghĩa như thế nào về ‘‘nhà văn’’,… câu hỏi này khó quá, khi chị hàng xóm bên nhà cười te tua, chỉ trỏ tay mà nhìn vào đống sách vất lộn xộn trên giá, chị – nét mặt lạnh tanh, không cảm xúc: ‘‘ nhà văn là đứa chỉ có ngồi một chỗ và đói thì gặm sách, cắn chữ mà ăn đó sao’’, tôi bực tái mặt, đưa tay sửa lại cặp kính cận to đùng trước mặt rồi im lặng đánh chữ trên máy và chẳng nói gì…

  Ngước nhìn, thời gian đã lên chín giờ và bóng nắng ở ngoài trời đã đổ đầy vào bên trong căn nhà ẩm thấp của người viết văn quèn. Bà chị hàng xóm cũng biến mất, khi chế giễu một kẻ cận chòng mắt như tôi, dù đã đi nhưng tiếng cười the thé và thô lỗ của một mụ đàn bà không chồng, không con ấy vẫn còn nhong nhỏng bên tai tôi như âm thanh của máy cắt lúa.
Tôi ngóc đầu dậy sau một hồi lâu. Hôm nay, trời hưng hửng nắng to hơn ngày qua, cái chăn, cái quần áo để trong nhà dài ngày còn mốc, đem phơi nắng là khô nhanh. Và cứ thế, cũng phải mất nửa khoảng thời gian cho một lần đem sào ra phơi quần áo. ‘‘Trời nhiều nắng, nhiều gió thì mau mau mang ngóng nắng, không mốc mác và bụi bẩn vương vào là hỏng, người ở lâu trong nhà cũng đem ra nên phơi chút nắng cho sáng sủa…’’. Giựt mình bên tai vì tiếng lầm rầm khó nghe của bà chủ nhà, tôi tháo bung chiếc áo cộc đang mặc trên người và đi thẳng về cái giếng khơi, múc mấy gáo nước trong và gục hẳn khuôn mặt mình vào đó thật dài, như chết. ‘‘Nhà văn…. Nhà văn…. Nhà văn không là người cao quý sao, chẳng lẽ chỉ là hư cấu, là kẻ bị dèm pha và là con mọt ăn sách’’. Cơn tức tối trong tôi như điện giật, tôi muốn biện minh và nói sõ sàng, thẳng thừng mà nhìn tròng tròng vào những con mắt ngạo mạn ngoài kia: ‘‘ Tôi là nhà văn mà là một kẻ sáng tạo ra con chữ cho người người lớp già và lớp trẻ đọc để biết. Nhà văn là có tâm tưởng và cảm xúc, không phải là kẻ chỉ biết ngủ gật trên máy tính và đóng cửa ngồi im trong nhà để gặm sách như lũ mọt phá hoại’’. Và, tôi hả dạ cho lời nói sáng suốt, lanh lợi của con người mình.
Trời sập sệ chiều, nắng xắt xéo như muốn vào nhìn chữ. Những con chữ của tôi được đóng góp thành truyện, thành thơ và dịch thuật trên các mặt báo. Những con chữ ra đời, những đứa con tinh thần được dịp tung phá và phát triển ào ào, và các đầu sách của ‘‘ nhà văn’’ là tôi được in ra hàng loạt, tôi thấy khá hay hay cho sự tích luỹ kiến văn uyên thâm của mình trong đời sống. Truyện có, thơ có nhưng chỉ tặng không bán, nên nhà chật ních những giá sách, và mỗi lần góp nhặt con chữ thành tuyển tập tôi lại bứt rứt đầu khi nghĩ đến kinh phí và lợi nhuận, chóng cả mặt vì một chồng sách được ký hợp đồng để xuất bản. ‘‘Nhà văn chỉ được cái tiếng nhưng nghèo và ‘‘Lập thân tối hạ thị văn chương’’ – một ông bạn âu rầu chép miệng nói khi đồng cảm với những người làm nghề văn như tôi. Họ chua chát, chế nhạo. Tôi đau đớn trong cô đơn, cô đơn ngày và đêm trên bàn phím máy tính với những con chữ của mình, các con chữ như cái bóng đêm nơi nấm mồ lạnh tanh bao bọc, con chữ như những ác quỷ hiền lành và có lúc như những cô gái biết khỏa thân mình nõn nà trước một đêm trăng sóng sánh nước và gai góc những tiếng rền rĩ của các con ma nơi đêm hoang lạc. Những con chữ hiển hiện trong đầu của nhà văn là những con chữ được thuê dệt thành một loạt chuyện hư ảo như thật như không, người ta chỉ cần lược đi hay thêm vào là mùi mẫn cho các bạn đọc và nghe rồi.
Tôi viết văn đâu phải vì kiếm lời, danh vọng và cái bản mặt ngố như cua càng yếu  hèn của gã quèn viết văn như tôi đâu có gì cho ai phải đáng nể và đáng thêm nhớ, người gần chỉ càng tức ghét vì tính tự kỷ ít giao du bên ngoài của tôi, họ cho rằng ‘‘đó mới là những con người dở hơi nhất thời đại, và điên loạn nhất thời cuộc  khi cứ khư khư ôm bọc sách như nhện mẹ ôm trứng suốt ngày trong tổ’’. Một gã quèn viết văn, một gã quèn xấu xí với cặp kính cận thùng thằng trước mặt, tóc thì lộm xộm, cộng ngắn cộng dài, cứ tua tủa và làm cho bộ mặt của nhà văn càng thêm méo mó, càng đáng nực cười của người bàn dân thiên hạ khi xém xỏ chuyện về thằng cha ngố tàu đó lại biết viết văn hay ra phết.
Người ta đồn nhau thành chuyện và mỗi khi thấy bóng dáng thằng cha ngu đó ló mặt ra khỏi nhà là một dịp thừa cho những mụ đàn bà rảng rang chuyện phiếm. Trông thằng này ngố nhưng được cái nhìn rất mến, gã ấy viết thơ, viết văn độc lắm, đọc là mê là thích liền. Hay, anh chàng này tuy ngố ngố ngây ngây một chút nhưng dễ thương lắm chị em ạ… tiếng cười đùa õng ẹt, các con mắt kì ngộ và háo hức khi cả đống hướng mắt về gã nhà văn đó.
Tôi lui thủi và sống cũng thui thủi một mình, sống không ràng buộc vào ai. Tuy kẻ xa hay kẻ gần có thấy lạ về cách sống kì cục của tôi nhưng tôi luôn tự hào và tự vui cho mình là người đồng tâm cùng cái máy tính cũng biết gõ ra chữ hàng ngày để kiếm sống.
Cái máy tính nằm bất động bên sách và nó cũng giống tôi, một gã nhà văn ngồi bất động, kham khổ từng giây từng phút để sáng tạo ra con chữ, như một người nông dân chăm chỉ lao động trên những thửa ruộng của mình mong ngày thu hoạch lúa chín. Còn tôi, người đời có kẻ chê vẫn gọi là khùng điên ấy, vẫn đủ sức, đủ lòng, đủ kiên nhẫn thách thức với đời với hiện thực: ‘‘Nhà văn là nhà văn, không phải kẻ mù đường mà không nhìn và nghe thấu những nỗi khổ cực của cuộc đời, biết đau, và biết yêu, biết đủ niềm tin để chống chọi những gì là tệ hại, phi lí nhất’’… Và cái máy tính chính là một vật cùng lăn lộn với nhà văn để mưu sinh trong nghiệp. ‘‘Ai dám nói rằng: nhà văn và cái máy tính là hai kẻ ngông cuồng và dở nhất!’’.