/

    Theo chủ trương của Bộ Giáo dục, kể từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, số môn thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ nhiều hơn. Chỉ còn lại môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Để giải đáp những băn khoăn của thí sinh về đề thi Ngữ văn, Bộ đã công bố đề thi minh họa. Trong đề thi này, có nhiều điểm mới so với các đề thi trước đây. Tuy nhiên, cũng gây không ít băn khoăn cho giáo viên và học sinh.

 

    1. Đề thi minh họa vẫn tiếp tục kết cấu quen thuộc, gồm hai phần: Đọc hiểu và Làm văn. Chỉ khác là, đề minh họa không có câu nghị luận xã hội (3 điểm) như trước đây. Thay vào đó là một câu yêu cầu thực hành viết đoạn văn (2 điểm). Câu này được hiểu là nội dung nối dài của phần Đọc hiểu. Theo tôi, không nên đặt tên cho hai phần này là Đọc hiểu và Làm văn mà chỉ nên ghi là câu 1 và câu 2. Trong câu 1 có cả phần Đọc hiểu (3 điểm) và viết đoạn văn (2 điểm). Sau khi đọc hiểu, học sinh viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ của mình về vấn đề vừa đọc. Làm như vậy, sẽ có sự liền mạch, không bị đứt quãng. Các đề thi trước đây cũng đã làm theo cách này.
   2. Phần viết đoạn văn yêu cầu: Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu…. Câu này có phần dễ dãi. Theo tôi, nên kèm thêm một số điều kiện về hình thức. Ví dụ, hãy viết một đoạn văn theo cấu trúc diễn dịch / quy nạp / tổng phân hợp…  Hãy viết một đoạn văn có sử dụng ít nhất ba phương thức biểu đạt… Đây cũng là cơ hội để kiểm tra các kiến thức, kỹ năng về tiếng Việt và Làm văn của học sinh.
    3. Ở phần làm văn nghị luận, học sinh đã  tiếp cận hai phong cách ngôn ngữ là phong cách nghị luận và phong cách nghệ thuật. Vậy, phần đọc hiểu nên đưa ra các đoạn văn thuộc các phong cách khác như phong cách khoa học / hành chính – công vụ / báo chí – truyền thông… Có như vậy, học sinh mới thấy việc học Ngữ văn là thiết thực, có giúp ích cho cuộc sống. Từ đó, học sinh cũng như giáo viên thoát ra khỏi tháp ngà văn chương để quan tâm tới những vấn đề thời sự nhiều hơn.
    4. Ở phần Làm văn, đề thi minh họa yêu cầu học sinh Phân tích vẻ đẹp hào hùng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Dạng câu hỏi này đã quá cũ kỹ, nhàm chán, chỉ khuyến khích học sinh học vẹt và vay cóp tài liệu. Để tránh tình trạng đó, nên giới hạn vấn đề trong một đoạn thơ, một khía cạnh nhỏ. Hoặc yêu cầu học sinh phân tích hình ảnh người lính để minh họa cho một nhận định nào đó. Trong tương lai, đề thi nên mạnh dạn yêu cầu phân tích những tác phẩm không có trong sách giáo khoa. Học sinh sẽ vận dụng các kỹ năng phân tích tác phẩm đã học trong nhà trường để phân tích những tác phẩm mới lạ. Có như vậy mới đánh giá đúng năng lực cảm thụ nghệ thuật của học sinh.
    5. Trước đây, trong các đề thi Ngữ văn thường có sự lựa chọn phân tích một tác phẩm thơ hoặc một tác phẩm văn xuôi. Nay, cũng nên tiếp tục duy trì hình thức này. Học sinh sẽ được chọn phân tích một tác phẩm mà mình có hứng thú cảm nhận. Nếu đề thi chỉ ra một tác phẩm thuộc dạng khó đọc, khó cảm thì e rằng sẽ có nhiều học sinh bị dị ứng, làm bài không tốt. Trước đây, nếu học sinh làm bài không tốt phần nghị luận văn học thì còn có thể kiếm điểm ở phần nghị luận xã hội. Nay, phần nghị luận xã hội không còn thì sẽ khó khăn cho học sinh.
    Trên đây là một vài góp ý nhỏ về đề thi minh họa của Bộ Giáo dục. Đề thi này chỉ thích ứng cho thời điểm môn Ngữ văn còn thi theo hình thức tự luận. Nếu trong tương lai, môn Việt văn cũng thi trắc nghiệm như Anh văn thì dĩ nhiên, dạng đề này chỉ còn là kỷ niệm của một thời lãng mạn…
Phạm Ngọc Hiền