/

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…
Chắc hẳn trong mỗi người Việt Nam chúng ta khi sinh ra và lớn lên chắc hẳn đều ít nhất một lần trong đời được nghe thấy câu ca dao trên, bởi đại đa số dân ta đều có nguồn gốc xuất sứ từ nông thôn, vì vậy mà món canh rau muống, những quả cà dầm tương giản đơn bình dị trong các bữa cơm sinh hoạt hàng ngày đã trở nên rất đỗi quen thuộc với hết thảy mọi người.
Tôi cũng không là một ngoại lệ khi sinh ra và lớn lên tại một miền quê, mà ở đó tất cả người dân quê tôi đều lấy ruộng đồng, nương, bãi làm kế sinh nhai qua sự luân chuyển của những loại cây trồng bốn mùa gối vụ. Nghề nông vốn rất vất vả mà điều kiện kinh tế lại không lấy gì làm dư giả, bởi lẽ thiên tai luôn phá hoại mùa màn triền miên vì thế mà cái đói, cái nghèo, cứ mãi đeo bám mãi không riêng gì người dân quê tôi mà luôn không buông tha tất cả người làm nông nghiệp trên hầu khắp các vùng miền khác. Chính vì nghèo đói, khi lương thực còn thường xuyên thiếu độ vài ba tháng trong 1 năm như vậy, nên trong các bữa cơm sinh hoạt của gia đình tôi cũng như các gia đình trong xóm làng đều không mấy khi có cá, thịt, khi chỉ quẩn quanh với rau quả trong vườn nhà cùng tương, cà, dưa muối… mà thôi.
Trong số các món ăn hàng ngày đã trở nên thân thiết nhất, và nó đi cùng với hết thảy các thành viên trong gia đình tôi suốt những năm tháng túng đói, khổ sở phải kể tới, đó là món rau muống và món cà muối chua. Với rau muống thì nhà tôi mẹ luôn thả một bè rau nổi trên khoảng ao rộng phía trước nhà để cả nhà lấy đó là nguồn rau ăn hàng ngày. Rau muống bè đó là giống muống tím, khi thân rau có màu tím nhạt, chúng sống rất khỏe, rễ không bám đất mà chỉ vươn lên trên mặt nước bằng việc các rễ cây hút chất dinh dưỡng qua nguồn nước để nuôi thân. Đám rau muống mới đầu mẹ tôi chỉ thả có một khoảng rộng bằng chiếc chiếu, sau chúng lan dần ra kín mặt ao, đến nỗi nhà ăn không xuể, lợn ăn cũng không hết, thi thoảng mẹ còn mang bán để lấy tiền mua sách bút cho anh chị em chúng tôi.
Ngoài đám rau muống bè thả trên mặt ao ra, mấy luống rau muống cạn cũng luôn được mẹ duy trì ở phía sau vườn nhà. Rau muống trồng trên vườn là loại muống trắng, tuy ăn có vẻ nhạt hơn rau muống bè dưới ao nhưng được cái xanh non và mềm mại hơn. Số rau muống trên vườn khi nhà ăn thừa mẹ cũng vẫn hay mang bán vì nếu không muống sẽ già cứng vì quá lứa.
Rau muống nhà trồng luôn thừa thãi như vậy, còn cà thì cũng luôn có sẵn ở trong vườn, bởi khoảng đất nhà tôi khá rộng nên ngoài rau muống, rau gia vị, cây ăn trái… ra thì mẹ tôi cũng luôn dành khoảng 3 luống đất chạy dài để trồng cà. Một nửa diện tích đất mẹ thường trồng cà pháo và nửa còn lại mẹ trồng cà tím theo mùa. Nếu như cà tím chỉ ra trái khoảng mấy tháng trong năm thì những cây cà pháo có hoa quả quanh năm, vì vậy mà nhà tôi chẳng lúc nào mà không có một vại cà muối chua để ăn.
Hầu như suốt những năm tháng ấu thơ sống nơi quê nhà, cho mãi tới tận lúc tôi ra thành phố học đại học, thì trong bữa cơm sinh hoạt mỗi ngày luôn không thể thiếu hoặc món rau muống, hoặc món cà muối. Rau muống là món rau dễ chế biến, khi chỉ cần mang luộc chấm với tương, còn nước luộc rau bỏ vào đó vài quả me, quả sấu là đã tạo thành món canh chua ngọt mát khoái khẩu. Nếu không đúng mùa me, sấu thì có thể vắt chút chanh tươi vào cũng tuyệt ngon. Ngoài luộc, rau muống có thể mang nấu canh xuông, nấu canh với mấy con tôm khô, nêm chút mì chính vào là đã ngon ngọt đến khó quên. Rau muống mang sào tỏi với chút mỡ nước lợn cũng luôn là món ăn rất đưa cơm mà khi xưa tôi vẫn hay đòi mẹ chế biến khi đã ăn canh rau muống nấu, luộc đến ngán rồi.
Với món cà muối chua thì dường như canh rau muống mà thiếu món này sẽ trở nên vô vị, bữa ăn mất ngon. Đúng vậy, rau muống luôn nhất thiết phải đi kèm với cà dầm tương mới hợp khẩu vị, chẳng vậy mà trong các bữa cơm nhà tôi khi xưa hai món này luôn song hành trong mâm. Những quả cà hái ở ngoài vườn vào mẹ đem muối trong vại sành, bên trên nén bằng một phiến đá to, nặng để những quả cà bẹp xuống, không bị thâm. Cà muối chín tới vừa độ thì có thể ăn không kèm với canh rau  vẫn ngon, nhưng khi những quả cà ấy trở nên thật chua thì phải mang dầm tương mới ngon, mới đúng vị. Mẹ tôi là người phụ nữ rất khéo tay nên cung cách dầm cà với tương của mẹ cũng ngon, cũng đặc biệt hơn những thành viên khác trong nhà. Tôi thường thấy, trước bữa ăn khoảng 1 giờ mẹ thường thái đôi, hoặc thái làm tư quả cà, sau đó múc tương vào bát sao cho nước tương ngập xâm xấp những quả cà. Các loại gia vị nêm thêm vào bát cà dầm tương luôn phải có, đó là mì chính, vài nhánh tỏi bằm nhỏ, chút đường kính, và không thể thiếu mấy lát ớt đỏ cay nồng.
Suốt quãng đời tuổi thơ tôi đã bầu bạn cùng đói nghèo thiếu thốn và những bữa cơm mộc mạc giản dị với… canh rau muống, cà dầm tương, và có nhiều khi ăn nhiều đến phát ngán, nhưng chỉ dăm bữa nửa tháng không được ăn lại cảm thấy thèm thuồng một cách lạ thường. Chính vì gắn bó với những món ăn này quá lâu như vậy nên khi dời xa quê nhà lên thành phố tôi luôn nao lòng thèm muốn được ăn món ăn quê dân dã do chính tay mẹ chế biến. Ở thành phố rau muống cũng có nhiều, cà muối chua cũng không thiếu và tôi vẫn luôn thường chế biến món ăn mình yêu thích của một thời gian khó đã qua lâu rồi, nhưng không hiểu sao, dù có làm ngon đến mấy thì nó vẫn không thể sánh bằng sự ngon ngọt đậm đà do bàn tay mẹ làm…
                                                                                                       Trịnh Viết Hiệp
                                                                                                            (Hà Nội)