Thời tiết ở Sài Gòn hay thật, nắng mưa bất chợt. Nắng thấu đến da, mưa thót cả tim.

Nói đến mưa, ai cũng muốn nhắc đến “Tháng Sáu trời mưa” của Nguyên Sa, chẳng hiểu vì sao, cũng có thể là vì bài thơ và bài hát đã được Ngô Thụy Miên phổ nhạc đều hay cả. Còn với tôi, thích nhất là cơn mưa tháng Bảy. Không sụt sùi, da diết như mưa “đặc sản” của Huế, cũng không ào ạt thác đổ như Tây Nguyên, mưa Sài Gòn đi qua đời tôi êm êm, ngọt lịm, cho dù nói đến tháng Bảy, ai cũng muốn nhắc đến sự tích mưa ngâu, mưa của chia ly và gặp gỡ. Do vậy hay chăng mà cảm xúc của người Sài Gòn cũng khang khác, đôi khi lên xuống như con triều vào dịp đầu, gần cuối tháng trước những đổi thay của dòng đời.

Sài Gòn ba trăm năm của thời mang gươm đi mở cõi, rồi Sài Gòn bốn mươi năm, của cái ngày, “vui sao nước mắt lại trào”. Những giọt nước mắt đều mang vị mặn của biển, nhưng niềm vui và nỗi trăn trở thì chẳng giống nhau bao giờ,…

1. Tại Trạm dừng chợ Chiều ở quận vùng ven trên đà đô thị hóa, trong khi chờ chuyến xe buýt đầu tiên của buổi sáng, thật quen thuộc với vài khuôn mặt ngày nào cũng gặp. Mấy cháu học ở Trường Gia Định, chị phụ bán hàng phở ở góc cua đường Trần Não, một chị làm công ở Trường Quốc tế, hay dừng ở Trạm Quận,.. và tôi mới chân ướt chân ráo từ tỉnh lẻ về làm việc ở bên kia sông Sài Gòn. Ngày nào cũng gặp, riết rồi quen. Hôm nào, có việc gì đó, đổi giờ đi làm không gặp nhau trên cùng chuyến xe buýt, thì hôm sau chị bán hàng phở cũng hỏi chị làm công, hôm qua chị không đi làm hã. Hỏi để mà hỏi, như lời chào buổi sáng, người hỏi cũng không cần ai trả lời, rồi cười nói, đủ chuyện trên đời, nhưng chủ yếu là giá cả, đời sống, thu hồi đất, bồi thường. Qua những câu chuyện chắp nhặt từ họ, tôi cũng cảm thấy ấm lòng, thì ra mình cũng còn hạnh phúc hơn biết bao người, đỡ nhớ đến chuyến mưa đêm hôm nào tiễn tôi về thành phố, và như vơi đi sự chờ đợi chuyến xe buýt buổi sáng giờ giấc hay thất thường.

*

Chị làm công ở Trường Quốc tế vốn ở đầu đường Lương Định Của, nhà bị giải tỏa, do không có giấy tờ nên chỉ được hỗ trợ ít tiền, phải về khu Chợ Chiều thuê nhà trọ, cùng chồng và hai con, mỗi người làm một việc để kiếm sống. Sáng nay, chỉ than vãn, gần đến hè rồi, nhà trường cho chị nghỉ hai tháng không lương để giảm chi phí. Chị chép miệng, ước gì ngày nào cũng được làm việc thì sướng biết bao. Xe buýt đến, câu chuyện dừng lại ở đó, và lặp lại, chị xuống Trạm Quận. Hình ảnh bước đi vội vã của chị trong sương sớm, trông thật nhỏ nhoi trên Đại lộ Đông Tây. Tôi chợt nhớ đến buổi tối hôm qua, trên ti vi, nhiều đại biểu phụ nữ yêu cầu sửa luật để họ được cống hiến, được làm việc nhiều hơn, lâu hơn, để bình quyền với nam giới.

Sáng nay, và nhiều sáng nữa, tôi không gặp lại chị làm công ở Trường Quốc tế, không biết chị đã tìm được việc làm trong kỳ hè ở đâu chưa.

*

Ai cũng muốn được làm việc nhiều, chị làm công và cả đại biểu phụ nữ. Một người vì miếng cơm manh áo, còn người khác vì muốn được cống hiến nhiều hơn cho đất nước, không biết ai vinh quang hơn ai, nhưng theo tôi, chắc họ là những người tốt. .. Nghĩ tới điều đó, bất giác tôi lại cười, nhìn lơ đãng, làm anh bán vé xe buýt không biết chuyện gì, cũng cười. Buổi sáng thật đẹp ghê!

2. Có việc đi quận Một, ra khỏi trường, tôi lên xe buýt để về Bến Thành, rồi lại tiếp tục lên xe buýt để về quận Hai. Chiều xuống dần, thành phố đang bật đèn làm đẹp những con đường huyết mạch. Nhìn từ phía Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng, dòng sông Sài Gòn như đang lơ đãng, lững lờ trôi. Phía bên kia là những bảng pa – nô đủ kích cỡ quảng cáo các kiểu cho khu đô thị quận Hai. Cả khúc sông như bức tranh loang lổ đủ sắc màu phản chiếu, của sắc nắng chiều, của đèn các loại soi xuống mặt nước, rồi hắt lên trên bầu trời xanh.

Xe qua cầu Thủ Thiêm, nhìn ven sông, những cây dừa nước vẫn còn náu mình ở lại, chờ ngày giải tỏa làm mặt bằng, nhường chỗ cho những loài cây cao quý hơn, đài các hơn. Lại phía bên kia nhìn từ quận Hai, tòa nhà Bitexco cao ngất ngưởng, khoe dáng hình búp sen he hé, mà chẳng biết khi nào nở rộ. Bà cụ ngồi bên tôi trầm ngâm, ngân ngấn giọt nước bên khóe mắt, chẳng kịp chảy xuống má đã vội khô. Giọt nước mắt, nhưng lại khô, nghe “buồn cười” nhưng quả thật là vậy. Xe ôm cua rẽ trái qua Lương Định Của, gương mặt bà như thất thần khi nhìn đống bê tông đổ nát bên đường, bên cạnh bức tranh “Cô bé đang ngủ bình yên” của một họa sĩ nước ngoài[1]. Một khoảng thời gian ngắn từ đây về đến Chợ Chiều, nơi tôi phải bước xuống xe về nhà, cả quãng đời cơ cực của bà như hiện ra mồn một…

Nghe bà nói, quê ở miền Tây, rồi trôi theo con nước về đây tự khi nào. Quận Hai trước đây hẻo lánh lắm, đò ngang cách trở nên dẫu cho cách Sài Gòn chỉ mấy con sào mà sao như xa ngái. Con cái chẳng được học hành mấy, nhà lại gần bến phà nên các cháu đều buôn bán nhỏ lẻ phía bên phà quận Hai, hồi ấy là huyện Thủ Đức. Rồi Thủ Đức tách ra thành ba đơn vị hành chính, rồi quy hoạch khu đô thị mới bên kia sông Sài Gòn, và nhà bà bị giải tỏa, đền bù nhận được cũng chẳng là bao do không có giấy tờ gì cả. Mà trong nhà có ai được học hành gì đâu, mà biết, những giấy với tờ.

Nắng cuối chiều chiếu yếu ớt từng vệt hắt vào khuôn mặt bà cụ, làm hằn lên vết nhăn và cả giọt nước mắt khô khốc trên má. Tôi bước xuống xe mà người như bị hẫng. Quay lưng nhìn lại chỉ còn cơn lốc bụi mù, xa dần, xa dần…

3. Tôi biết bài hát “Vàm Cỏ Đông” của nhạc sĩ Trương Quang Lục trước khi đến với bài thơ cùng tên của nhà thơ Hoài Vũ. Từ Nhà máy Xupe – Phốt phát Lâm Thao Phú Thọ, bài hát đã vượt bao dòng sông, rặng núi, qua bao bom đạn để đến được với vùng đất Long An xinh đẹp, để cho ai đó biết yêu thêm quê hương đất nước của mình.

Cũng như bao thanh niên khác sau năm bảy lăm, tôi đến với bài hát qua cảm nhận ca từ giàu hình ảnh và giai điệu sâu lắng, và cứ thắc mắc mãi, tại sao lại: “Ơi Vàm Cỏ Đông! Ơi con sông. Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng”? Như vậy, còn có dòng sông nào đổi thay dòng chảy nữa hay sao?

Câu chuyện ngày nào tưởng chừng như đi vào lãng quên. Nhiều chục năm sau, tôi có dịp về Sài Gòn làm việc, rồi định cư hẳn luôn. Nhà gần sông Giồng, ngày nào cũng có việc đi qua đi lại, tôi mới để ý có lúc đám lục bình trôi vây kín chân cầu. Rồi cũng có khi nước chảy ngược dòng từ hướng sông Sài Gòn đổ vào theo con nước lớn. Ra thế, mới biết, ông Hoài Vũ lại là nhà thiên văn học kiêm nhà thơ…

Một sáng sớm như vậy, khi nước dâng lên các điểm thấp ven sông Sài Gòn. Tôi lên xe buýt khi chưa tỏ mặt người. Chuyến xe đầu tiên trong ngày, hầu như là những khuôn mặt quen thuộc cần đi sớm để tiếp tục chuyển sang tuyến khác: đi khám bệnh, bán bánh mì, vé số, xây dựng,… Đến đoạn hai bên cầu Ông Tranh, mặt đường đã sũng nước. Xe ôm cua rẽ ngoặt sang trái từ hướng Trần Não về khu Thảo Điền, dừng điểm đậu ở ngã ba Quốc Hương, bên cạnh những vựa bôn – sai cây cảnh. Lác đác vài người lên xe, còn lại bên dưới là chiếc xe lăn của người đàn ông đứng tuổi vẫn chưa có cách nào lên được. Thường là chú bán vé sẽ tìm cách giúp đỡ cho những hành khách đặc biệt như vậy, nhưng nhìn mãi chẳng thấy đâu. Chắc là ngại ướt chân hay sao đây. Tiện thể ngồi gần cửa, cậu thanh niên bước vội xuống, gồng hai tay đưa chiếc xe lăn lên bậc, còn tôi phụ kéo lên sàn xe. Tài xế xe buýt lại sang số, chuẩn bị rồ ga, còn cậu thanh niên đang rướn người, đưa chân ướt sũng chuẩn bị lại bước lên bậc. Xe vừa chuyển bánh thì có ai la to, còn có người, còn có người! Thắng kít đột ngột, chú tài xế hét lên, làm gì mà lớ ngớ đứng dưới đó chẳng chịu lên xe. Cậu thanh niên đang xắn quần ướt sũng nhảy lên xe, khuôn mặt thộn ra đờ đẫn chẳng hiểu vì sao.

Cả xe lặng im, chú bán vé lặng thinh và cả tôi cũng vậy. Chẳng ai có lỗi trong chuyện này cả, vì chú tiếp viên bận bán vé, cậu thanh niên bận đưa người khuyết tật lên xe, tôi thì bận phụ kéo bánh xe lên; còn chú tài xế thì lo việc điều khiển chuyến xe khỏi bị trễ theo hành trình. Vậy thì chỉ còn biết quy kết cho chiếc xe có lỗi thôi, lỗi không có thiết bị để người đàn ông tật nguyền có thể tự lên xe được, để anh thanh niên khỏi phải nhảy xuống biển nước lúc triều cường đang lên, để bị ướt, để lên xe chậm, để bị la.

Tiếng rú ga như tiếng cười ngạo nghễ “khặc khặc khặc”, rồi xe lướt vội qua cầu Sài Gòn. Tôi lặng người vào ước mơ đơn giản như câu chuyện tưởng chừng như “đang giỡn”, đang đùa với các số phận vừa rồi. Mong sao, các xe đều được trang bị gắn bệ nâng hạ tự động dành cho người khuyết tật khi sử dụng xe lăn, để khỏi bị tiếng chê trách của người đời, vậy thôi!

4. Mới sáng, trời đã rửa mặt rồi. Đường sá ướt nhẹp, loang loáng mặt nước ở vài chỗ trũng. Hơn sáu giờ, trời vừa tỏ mặt người, qua đoạn Trường Công nghiệp Bốn chợ Gò Vấp vốn là điểm thường xuyên bị kẹt xe, song vẫn còn vắng vẻ lắm. Rải rác vài người dọn hàng ra, xe cộ các loại cùng chiều, cũng như ngược chiều đều thưa thớt.

Đến ngã tư chợ Hạnh Thông Tây thì gặp đèn đỏ chắn lối. Xe dừng lại. Bên phải từ phía đường Lê Văn Thọ, một chiếc xe máy chở rau củ các loại chất đầy trên ba sọt to cao ngất ngưởng, vội thẳng qua đường Quang Trung ôm cua rẽ trái về hướng ngã Năm siêu thị Văn Lang. Có lẽ do ngoặt gấp hay sao mà cả ba sọt rau đều rớt xuống phía tay trái người chạy xe. Dòng người tập thể dục buổi sáng trai trẻ có, vừa vừa có vẫn đều đặn thản nhiên đi qua. Bỗng có hai cụ già dừng lại, phụ giúp người chở rau sắp xếp các sọt lại. Đèn xanh bật sáng, xe lại tiếp tục chuyến hành trình. Tôi chẳng còn đủ thời gian để kịp nhìn khuôn mặt của những người bên đường, nhưng chắc chắn, họ là những người hạnh phúc trong sáng nay, vì giúp được người và được người giúp, được làm công việc bình thường của những con người không tầm thường tí nào cả. Gió vẫn thổi những mảnh mưa vụn yếu ớt vào bên hông xe.

Còn tôi cũng chỉ biết ngoái nhìn lơ đãng, cố ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ giữa đời thường…

Chiều lại về trên tuyến xe muộn lúc sáng. Đón ở Bạch Đằng, rồi xe rẽ tiếp ngã tư Hàng Xanh. Hành khách trên xe chủ yếu là học sinh Trường Gia Định, sinh viên Trường Giao thông và khách lỡ chuyến đi về xa lộ Hà Nội để tiếp tục tìm tuyến xe khác. Có người mẹ với đứa con nhỏ, từ lúc lên xe cứ hỏi cô tiếp viên nhờ hướng dẫn xe về ngã ba Tân Vạn. Chú lái xe thì nhiệt tình nói, cứ xuống Trạm Văn Thánh cho có ghế ngồi, rồi đón tiếp xe 150 là đến nơi ngay thôi mà.

Qua cầu Điện Biên Phủ, đến trạm, chẳng hiểu thế nào, cô bán vé lại hướng dẫn cho hai mẹ con đón xe 604. Xe vừa chuyển bánh, có lẽ do sực nhớ nên cô hét toáng lên, cho em xuống, cho em xuống xe, rồi chạy vội lại Trạm nói vói, xe 150, 150 nhen chứ chẳng phải 604 đâu, em nhầm, em nhầm… Lên xe thở hổn hển, mồ hôi dính vào tóc, ướt cả mắt, nhưng nhìn khuôn mặt, tôi cảm thấy niềm vui như thể chưa bao giừ được vui đến vậy. Tôi cũng vui, và cả xe chắc ai nấy cũng đều cảm thấy vui lây…

*

Từ miền quê lúa vàng như trải thảm, về Sài Gòn chẳng được bao năm, nhưng tôi may mắn được chứng kiến bao điều diệu kỳ của thành phố này. Nếu trước đây có dịp đi ngang qua những dòng kênh đen, mấy ai dám hít thở tròn căng, thì bây giờ, mỗi khi nhìn ánh đèn đêm soi xuống kênh Thị Nghè, rồi chợt thấy những nụ hôn vội vàng của đôi bạn trẻ bên hàng cây, sao đẹp đẽ và đáng yêu đến thế! Những chiếc cầu, những con đường như làm cho thành phố xích lại gần nhau hơn với bè bạn. Và có ai hỏi, loài cây, hoa cảnh nào ghi dấu ấn ở thành phố này thì tôi trả lời ngay, hàng me xanh chắc chẳng ai lại không đồng tình, và còn nữa, hoa Hoàng Anh vàng rực rỡ quanh năm…

Dẫu cho còn bao điều chưa đẹp, nhưng sao trong tôi, từ dáng đi xiêu vẹo của người làm công mất việc, nét mặt ngơ ngác của chàng thanh niên bên Thảo Điền, đến nụ cười rung rinh của cụ già bên ngã tư. Rồi bước chân chạy vội của cô tiếp viên xe buýt tưởng chừng như đang hối thúc mọi người nhanh chân đến với cái tốt bằng những điều đơn giản giữa đời thường, để thành phố mình ngày càng đáng yêu hơn trong mắt bè bạn, để mãi mãi cứ như thể “vui sao nước mắt lại trào” trong ngày vui vỡ òa khi chiến tranh chấm dứt.

Bài hát nào nghe quen quen đang phát trên loa công cộng, như nói giúp với ai những điều thầm kín nhất: “Sài Gòn mưa trưa, nắng sớm. Tìm cho ra ngôi quán êm. Hẹn nhau ngôi xanh như lá. Hẹn nhau trong nắng mượt mà”[2]. Vâng, tôi đã bắt gặp được ngôi quán thân quen, khuôn mặt thân thương của mình để hòa với niềm vui của cả người dân thành phố.

Rồi Sài Gòn vừa qua cơn đại dịch, để trở lại trạng thái “bình thường mới” với bao bộn bề trước mắt, nhưng nhộn nhip hơn, vui hơn, bắt nhịp cái hối hả của ngày nào …

Ánh đèn đã sáng rực trên cầu Sài Gòn. Nhìn về hướng đường Trần Não – Lương Định Của, phố Đông đang chuyển mình, đợi chờ đón chào ngày mới.

Và từng mảnh vụn vỡ vụn của cuộc đời như thể rơi tõm xuống dòng sông…

Sài Gòn, 2010 – 2021

[1] Bức tranh “Cô bé đang ngủ bình yên” của Seth theo đường dẫn:

http://nld.com.vn/dia-phuong/dep-va-chua-dep-20110711111626127.htm

[2] Lời bài hát: “Tình ca phố” của nhạc sĩ Quốc Bảo.