Trong Truyện Kiều, có câu thơ: “Hết nạn nọ đến nạn kia, / Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”. Chúng tôi đặt câu hỏi: vậy thì đời nàng Kiều còn có bao nhiêu con số hai nữa. Qua khảo sát, kết quả thật bất ngờ, có rất nhiều con số 2 như vậy. Dưới đây xin liệt kê 49 con số hai liên quan đến nhân vật chính trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

1) Kiều nhiều lần làm thơ nhưng thơ khắc trên da cây thì có đúng 2 lần, một lần là bài tứ tuyệt:

      Rút trâm sẵn giắt mái đầu,

Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần (99-100)

và lần thứ 2 là một bài thơ cổ:

      Lòng thơ lai láng bồi hồi,

Gốc cây lại vạch một bài cổ thi (131-132).

2) Kiều được nói đến làm thơ 11 lần tất cả nhưng nhận đầu đề do người khác ra cho Nàng làm thơ thì chỉ có đúng 2 lần. Lần thứ nhất làm 10 bài thơ do Đạm Tiên ra đề và lần thứ 2 là bài vịnh cái gông do ông quan toà ra.

3-4) Kiều làm gái ở nhà chứa và làm con hầu đều hai lần:

     Hết nạn nọ đến nạn kia,

Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần (2667-2668).

5) Kiều đi tu 2 lần, lần thứ nhất ở Quan Âm Các trong vườn nhà Hoạn Thư (1913-1922) cho đến hết thời gian ở tạm Chiêu Ẩn Am với Giác Duyên và lần thứ hai là sau khi được Giác Duyên vớt lên từ sông Tiền Đường và đem về cùng tu hành ở Thảo Am.

6) Kiều có 2 biệt danh là Hoa Nô và Trạc Tuyền:

      Hoa Nô, truyền dạy đổi tên,

Buồng the, dạy ghép vào phiên thị tì (1743-1744) và:

      Áo xanh đổi lấy cà sa,

Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền (1921-1922).

7) Hai lần suýt bị đánh đòn:

     Phải làm cho biết phép tao!

Chập bì tiên rắp sấn vào ra tay (977-978) và:

     Sở Khanh quát mắng đùng đùng,

Bước vào vừa rắp thị hùng ra tay (1177-1178).

8) Hai lần đi thuyền vượt biển: từ Lâm Tri đi Vô Tích và từ nhà Bạc Bà đi Châu Thai.

9) Hai lần đi ngựa:

    Cùng nhau lẻn bước xuống lầu,

Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn (1117-1118) và:

    Vực ngay lên ngựa tức thì,

Phòng đào viện sách bốn bề lửa dong (1647-1648).

10) Đi xe 2 lần: lần từ Bắc Kinh về Lâm Tri cùng Mã Giám Sinh:

    Đùng đùng gió giục mây vần,

Một xe trong cõi hồng trần như bay (907-908)

và lần đi từ nhà mẹ của Hoạn thư về nhà Hoạn Thư.

11) Kiều thực sự chỉ có 2 chồng là Thúc Sinh và Từ Hải. Kim Trọng không thực sự là chồng vì không chung chăn gối mà chỉ như bạn bầy.

12) Hai lần Kiều lấy chồng hờ: một lần bị gán cho người thổ quan nhưng chưa kịp làm vợ thì Nàng đã nhảy xuống sông Tiền Đường, và với Kim Trọng thì hai người không chung chăn gối.

13) Kiều 2 lần được chuộc ra khỏi thanh lâu. Cả Thúc Sinh và Từ Hải đều chuộc Kiều để lấy làm vợ

14) Kiều 2 lần bị lừa được cưới làm vợ, song thực ra là bị đưa vào lầu xanh bởi Mã Giám Sinh và Bạc Hạnh.

15) Nàng có 2 người em là Vương Quan và Thúy Vân.

16) Hai lần chạy trốn. Lần đầu chạy trốn cùng Sở Khanh từ nhà Tú Bà, lần sau chạy trốn khỏi nhà Hoạn Thư.

17) Kiều ăn cắp hai lần. Lần thứ nhất ăn cắp con dao ở trú phường tức nhà trọ:

    Trên yên sẵn có con dao,

Giấu cầm nàng đã gói vào chéo khăn (799-800)

và lần thứ 2 là ăn trộm chuông vàng khánh bạc của nhà Hoạn Thư:

Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân,

    Bên mình giắt để hộ thân (2024-2025).

18) Kiều nói dối 2 lần: Lần thứ nhất nói dối Giác Duyên:

        Gạn gùng ngành ngọn cho tường,

Lạ lùng nàng hãy tìm đường nói quanh (2043-2042)

và lần thứ hai nói dối Kim Trọng:

    Một phen tri kỷ cùng nhau,

Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa (3213-3214),

mà thực ra là đã đánh đàn cho Thúc Sinh, Hoạn Thư và Hồ Tôn Hiến nghe. Khi ra đi Nàng đã:

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai (556)

và Nàng đã bội thề mà về sau còn dối Kim Trọng.

19) Kiều đã có hai lần liên quan đến hối lộ. Lần thứ nhất là bán mình lấy tiền để hối lộ chuộc cha:

    Quyết tình nàng mới hạ tình,

Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha! (605-606).

Lần thứ hai là nhận hối lộ của Hồ Tôn Hiến:

    Lại riêng một lễ với nàng,

Hai tên thể nữ, ngọc vàng nhìn cân (2459-2460).

20) Có 2 ân nhân mà Nàng trả ơn là mụ Quản Gia và vải Giác Duyên.

21) Nhờ hai người là sư Tam Hợp và vải Giác Duyên mà Kiều thoát chết khi tự tử ở sông Tiền Đường. Sư Tam Hợp bảo Giác Duyên đóng bè lau vớt Kiều:

    Giác duyên dù nhớ nghĩa nhau,

Tiền đường thả một bè lau vớt người (2691-2692),

 và nhờ đó mà Giác Duyên nghe theo đã:

     Thuê năm ngư phủ hai người,

Đóng thuyền chực bến kết chài giăng sông (2699-2700),

và kết quả là nàng được ngư phủ vớt lên thuyền cứu sống.

22) Như vậy, lại cũng hai ngư phủ đã kết chài giăng sông chờ sẵn để cứu vớt Nàng.

23) Kiều có 2 ân nhân mà Nàng quên trả ơn hoặc không có điều kiện để trả ơn đó là lại già họ Chung và ả Mã Kiều.

24) Kiều ra tòa 2 lần. Lần thứ nhất:

    Cùng nhau theo gót sai nha,

Song song vào trước sân hoa lạy quỳ (1407-1408)

và lần thứ 2 với tư cách quan tòa:

    Trướng hùm mở giữa trung quân,

Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi (2315-2316).

25) Kiều dầm nước 2 lần:

     Buồng the phải buổi thong dong,

Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa (1309-1310) và:

    Trên mui lướt mướt áo là,

Tuy dầm hơi nước, chưa lòa bóng gương (2707-2708).

26) Hai lần Kiều ngắm trăng:

    Một mình lặng ngắm bóng nga,

Rộn đường gần với nỗi xa bời bời (177-178) và:

    Dặm khuya ngất tạnh mù khơi,

Thấy trăng mà thẹn những lời non sông (915-916).

27) Kiều có 2 thầy tướng số xem hậu vận:

    Nhớ từ năm hãy thơ ngây,

Có người tướng sĩ đoán ngay một lời

    Anh hoa phát tiết ra ngoài,

Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa (413-416) và:

    Nhớ ngày hành cước phương xa,

Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri,

    Bảo cho hội ngộ chi kỳ,

Năm nay là một nữa thì năm năm (2405-2408).

(Đạm Tiên là hồn ma báo mộng Kiều, không tính)

28) Hai lần Kiều cắt tóc thề:

    Tiên thề cùng thảo một chương,

Tóc mây một món, dao vàng chia đôi (447-448)

và lần chờ Thúc Sinh đang về thăm Hoạn Thư:

    Tóc thề đã chấm ngang vai,

Nào lời non nước nào lời sắt son (1631-1632).

29) Mấy ai trên đời khi còn sống có hai bàn thờ như Kiều, một ở nhà Thúc Ông:

    Sang nhà cha tới trung đường,

Linh sàng bài vị thờ Nàng ở trên (1673-1674)

và một ở sông Tiền Đường:

    Chiêu hồn thiết vị lễ thường,

Giải oan lập một đàn tràng bên sông (2967-2968).

30) Hai lần Kiều được nhắc tới là đánh đàn cho ngưòi tình Thúc Sinh nghe:

    Khi hương sớm khi trà trưa,

Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn (1297-1298) và lần Kiều đánh đàn cho cả Hoạn Thư cùng Thúc Sinh nghe:

    Nàng đà tán hoán tê mê,

Vâng lời ra trước bình the vặn đàn (1851-1852).

31) Kiều cũng đánh đàn cho tình địch Hoạn Thư nghe đúng 2 lần, lần nói trên và lần:

    Lĩnh lời nàng mới lựa dây,

Nỉ non thánh thót dễ say lòng người (1779-1780).

32) Kiều đánh đàn cả thảy 8 lần nhưng chỉ có đúng 2 lần đánh cho Kim Trọng nghe được Nguyễn Du tả thật rõ và tỉ mỉ từ câu 463 đến câu 496 và 3192 – 3214.

33) Kiều nhận 2 kỉ vật của Kim Trọng. Đó là một đôi xuyến vàng và một vuông khăn là:

    Vội về thêm lấy của nhà,

Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông (317-318).

34) Kiều trao lại cho Vân hai kỉ vật đó là:

    Chiếc thoa với bức tờ mây,

Duyên này thì giữ vật này của chung

35) Hai lần Nguyễn Du cho thấy hành động thắp hương của Kiều:

    Đã không kẻ đoái người hoài,

Sẵn đây ta thắp một vài nén hương (91-92) và:

    Nén hương đến trước phật đài,

Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân (1639-1640).

36) Hai lần Kiều bị mắc mưu, một lần bởi Sở Khanh và một lần bởi Hồ Tôn Hiến.

37) Kiều chỉ có đúng 2 lần là có người hầu. Lần ở Quan Âm Các và lần Hồ Tôn Hiến lễ riêng cho Nàng.

38) Và lạ thay, mỗi lần như vậy cũng chỉ có đúng 2 người hầu. Đó là lần ở Quan Âm Các:

    Sớm khuya tính đủ dầu đèn,

Xuân, Thu cắt sẵn hai tên hương trà (1923-1924).

39) Và lần sau là :

    Lại riêng một lễ với nàng,

Hai tên thể nữ ngọc vàng nghìn cân (2459-2460).

40) Hai người chủ mưu bắt cóc Kiều là mẹ con Hoạn Thư.

41) Số người được chọn giao nhiệm vụ và thực hiện việc bắt cóc Kiều cũng là 2, đó là Khuyển và Ưng:

    Sửa sang buồm gió lèo mây,

Khuyển Ưng lại chọn một bầy côn quang (1623-1624).

42) Ngay cả số lựa chọn án phạt cho Nàng ở tòa cũng là 2:

Có hai đường ấy muốn sao mặc mình,

    Một là cứ phép gia hình,

Hai là lại cứ lầu xanh phó về (1418-1420).

43) Hai lần Kiều muốn tự tử nhưng lại thôi. Lần thứ nhất là sau khi bán mình chuộc cha và trước khi lên đường về Lâm Tri cùng Mã Giám Sinh:

Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh,

    Nghĩ đi nghĩ lại một mình,

Một mình thì chớ hai tình thì sao (858-860)

và lần thứ 2 là khi sắp chia tay Thúc Sinh ở Quan Âm Các:

Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao,

    Cũng liều một giọt mưa rào,

Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay,

    Xót vì cầm đã bén dây,

Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta. (1960-1964)

44) Cuộc đời Kiều buồn triền miên, Nàng khóc nhiều lần song cũng có hai lần ta thấy Nàng cười. Lần thứ nhất :

    Biết bao bướm lả ong lơi,

Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm (1229-1230) và lần thứ hai là cười hả hê cùng Từ Hải:

    Cùng nhau trông mặt cả cười,

Dan tay về chốn trướng mai tự tình (2283-2284).

45) Đúng 2 lần Kiều không mảnh vải trên cơ thể. Lần thứ nhất là khi Nàng thất thân với Mã Giám Sinh và hắn để Nàng nằm trơ:

    Tiếc thay một đóa trà mi,

Con ong đã tỏ đường đi lối về!

    Một cơn mưa gió nặng nề,

Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương.

    Đêm xuân một giấc mơ màng,

Đuốc hoa để đó mặc Nàng nằm trơ (845-850).

Lần thứ hai là khi Nàng tắm:

    Rõ màu trong ngọc trắng ngà,

Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên (1311-1312).

46) Trong đời con gái của mình Thúy Kiều hai lần vượt hàng rào lễ giáo phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân” để đến với tình yêu. Lần thứ nhất là tại vườn nhà mình Nàng đã nhận lời tỏ tình của Kim Trọng:

    Rằng: “trong buổi mới lạ lùng,

Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang!

    Đã lòng quân tử đa mang

Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung” (439-452),

mặc dù ngay trước đó nàng cũng biết rằng như thế là vượt hàng rào lễ giáo:

   Dù khi lá thắm chỉ hồng,

Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

    Nặng lòng xót liễu vì hoa,

Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa ( 333-336).

Lần thứ hai là vào ngày cả nhà họ Vương đi dự lễ sinh nhật bên ngoại chỉ có Kiều ở nhà, Nàng đã sang nhà ở với chàng Kim đến tận chiều và khi thấy cha mẹ còn giở tiệc chưa về thì Nàng đã:

    Cửa ngoài vội rủ rèm the,

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình (431-432)

để lại sang với người yêu.

47) Là tình địch của Kiều, nhưng Hoạn Thư đã khen Nàng hai lần. Lần thứ nhất ở Quan Âm Các:

    Khen rằng:”bút pháp đã tinh,

So vào với thiếp Lan Đình nào thua.

    Tiếc thay lưu lạc giang hồ,

Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài” (1987-1990). Lần thứ hai lời khen của Hoạn thư cao tới mức đáng kinh ngạc:

Rằng:”Tài nên trọng, mà tình nên thương!

    Ví chăng có số giàu sang,

Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên!” (1900-1902).

Cũng phải nói thêm rằng còn có hai lần khác (lại vẫn là 2!) Hoạn Thư tỏ ý nể và khen tài của Kiều, nhưng ở mức độ thấp hơn. Đó là sau khi nghe Kiều đánh đàn lần đầu:

    Lĩnh lời, nàng mới lựa dây,

Nỉ non thánh thót dễ say lòng người.

    Tiểu thư ý cũng thương tài,

Khuôn uy dường có bớt vài bốn phân (1779-1782)

và khi bắt Kiều đánh đàn cho Thúc Sinh cùng nghe:

    Rằng: “Hoa Nô đủ mọi tài,

Bản đàn thử giạo một bài chàng nghe!” (1849-1850).

48) Thúy Kiều hai lần chủ động tìm đến với Kim Trọng: Lần thứ nhất:

    Thì trân thức thức sẵn bày,

Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường,

    Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng,

 Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông (367-380),

và lần thứ 2:

    Cửa ngoài vội rủ rèm the,

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình (431-432).

49) Kiều tự tử hai lần, nhưng cũng may là đều được cứu sống. Lần thứ nhất:

    Sợ gan nát ngọc liều hoa!

Mụ còn trông mặt, nàng đà quá tay,

    Thương ôi tài sắc bậc này,

Một dao oan nghiệp, dứt dây phong trần! (983-986)

và lần thứ hai là khi Nàng nhảy xuống sông Tiền Đường:

    Trông vời con nước mênh mông,

Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang (2635-2636).

Còn một lần nàng gieo đầu bên cạnh Từ Hải và phục xuống thì không rõ là Nàng có thực sự có hành động tự tử hay không (2529-2536).

Với sự say mê thơ của Nguyễn Du và với lòng ngưỡng mộ vô cùng đối với đại thi hào, chúng tôi đã đọc thuộc lòng chuyện Kiều, suy ngẫm và muốn đưa ra kết luận rằng Kiều chỉ yêu đúng hai người. Trong trái tim Nàng thực sự chỉ có Kim Trọng và Thúc Sinh. Ngoài ra Nàng không hề yêu ai, ngay cả Từ Hải Nàng cũng không yêu. Đối với Nàng, Từ Hải là vị anh hùng, là người chồng che chở cho Nàng và cho Nàng hưởng phú quí và danh vọng, vì thế Nàng quí trọng, trông chờ và biết ơn. Điểm cuối cùng này chúng tôi không thể chứng minh nếu chỉ trích dẫn vài ba câu, vả lại chúng tôi cũng muốn dành cơ hội cho những độc giả quan tâm tự tìm đọc lại những đoạn thơ hay tuyệt vời về Thúy Kiều-Kim Trọng-Thúc Sinh-Từ Hải. Cuối cùng người viết bài này cũng thừa nhận rằng có những điểm thống kê kể trên có thể gây tranh luận. Ví dụ, để gắn với số 2, chúng tôi đã chia 6 đời chồng của Kiều thành ba cặp: hai chồng thực sự, hai chồng hờ và hai chồng lừa đảo cưới Nàng nhưng không để làm vợ mà là đem và bán vào thanh lâu. Nếu khắt khe, có thể phải xóa bớt một vài điểm có thể gây ra tranh cãi, ngược lại thống kê trên vẫn có thể nối dài thêm vài điểm. Chúng tôi xin dừng lại ở mức 49 con số hai với nàng Kiều.

Nguyễn Huy Tiêu, Nguyễn Huy Việt