Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài. Ông làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc; nhưng thành tựu thơ ca vẫn là tiêu biểu nhất. Trong số các thi sĩ hàng đầu của nền thơ chống Pháp, người ta nhớ đến Quang Dũng với một phong cách thơ lãng mạn, hào hoa bên cạnh dấu ấn cổ điển, đồng thời là tác giả đã làm nên những tác phẩm để đời: Đôi mắt người Sơn Tây, Đường mưa chiều số 5, Tây TiếnTây Tiến là một trong những bài thơ hay nhất của đời thơ Quang Dũng, đồng thời được xem là thi phẩm xuất sắc của thơ ca viết về người lính chống Pháp. Bài thơ được viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh khi ông đã xa đơn vị Tây Tiến một thời gian. Ngoài giá trị về nội dung tư tưởng, Tây Tiến còn đạt được những phẩm chất đặc sắc về mặt nghệ thuật, trở thành đỉnh cao trong hành trình của thơ hiện đại Việt Nam.

Thơ ca là đôi cánh thiên thần bay trên những mảng màu của hiện thực đời sống. Với Quang Dũng, điều đó càng đúng, ít nhất là ở bài thơ Tây Tiến này. Có thể nói, sự thành công về mặt nghệ thuật của thi phẩm trước hết chính là sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn. Bút pháp hiện thực giúp người đọc thấy được không gian núi rừng hùng vĩ, đời sống chiến đấu gian khổ và ác liệt mà người lính Tây Tiến phải trải qua. Bút pháp lãng mạn tô đậm thêm cái phi thường, dữ dội cũng như sự mĩ lệ, nên thơ của bức tranh thiên nhiên rừng núi; đồng thời nhận ra vẻ đẹp bi tráng, sự lãng mạn, hào hoa của hình tượng người lính Tây Tiến trong cuộc trường chinh cứu nước vĩ đại.

Qua ngòi bút của Quang Dũng, thiên nhiên miền Tây với núi cao, vực sâu đầy gian khổ và nguy hiểm đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm hồn người đọc khi tiếp cận với bài thơ Tây Tiến. Tuy nhiên, hiện thực khốc liệt ấy đã được bút pháp lãng mạn nhà thơ đẩy lên thành cái tuyệt đối, tuyệt mĩ. Núi cao sừng sững “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” chạm vào cả mây bay khi mũi súng người lính “ngửi trời” nơi tầng không heo hút. Đường dốc quanh co, khúc khuỷu khi ngước nhìn lên; thăm thẳm vực sâu khi nhìn xuống trong thế đối lập càng tô đậm hơn những vất vả, gian lao mà con người phải vượt qua. Nhưng cũng trên cái nền của hiện thực đời sống chiến đấu, Quang Dũng đã dựng lên một thiên nhiên bằng những câu thơ tuyệt bút:

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

      Ba câu đầu là cảnh vật hùng vĩ có sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn; nhưng đến câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” lại thuần khiết là âm điệu của tâm hồn, là cánh thơ bay với đôi cánh của cảm hứng lãng mạn. Cộng hưởng lại, người đọc nhận ra một hồn thơ Quang Dũng thật tài hoa, nó là tiếng vọng phát ra từ chính sự chiêm cảm hiện thực, đồng thời được chưng cất và xây nên từ ước mơ và niềm khát vọng vô cùng. Miêu tả cảnh vật mà dựng được ý chí, tư thế của con người, thấy được chiều kích ngang tầm vũ trụ của người lính Tây Tiến. Xưa Phạm Ngũ Lão dùng bút pháp lãng mạn phác họa chân dung người lính đời Trần “cầm ngang ngọn giáo giữ non sông đã mấy thu”, nay Quang Dũng đưa người lính Tây Tiến lên cao ngàn thước, giữa “heo hút cồn mây” mà chạm mũi súng vào khoảng không xanh thẳm trong một khí thế uy nghi, lừng lẫy ngất trời.

Đâu chỉ tuyệt đối hóa cái hùng vĩ, dữ dội bằng bút pháp lãng mạn trong miêu tả thiên nhiên miền Tây tráng lệ, trong cảm quan của mình, Quang Dũng nhìn thiên nhiên bằng con mắt của một thi sĩ tài hoa và giàu cảm xúc. Một loài hoa nở trong đêm hơi sương, những mái nhà thấp thoáng trong làn mưa nhẹ và “hồn lau” trôi dạt nẻo bến bờ…, tất cả trở thành một vùng ký ức nên thơ, êm dịu. Nếu đoạn thơ đầu thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội và khắc nghiệt bao nhiêu, thì càng về sau lại trở nên hiền hòa, êm đềm và thơ mộng bấy nhiêu. Vẫn là thiên nhiên miền Tây đó thôi, nhưng trong buổi chiều sương ở Châu Mộc, cảnh sông nước hiện ra thật đẹp và lãng mạn qua cái nhìn tinh tế và tài hoa của tác giả:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

       Ở đây, bút pháp hiện thực giúp cho người đọc thấy được bức tranh thiên nhiên chiều sương thơ mộng ở một địa danh cụ thể là Châu Mộc, nhưng hình ảnh “hồn lau” trôi dạt lại là cái ảo, cái huyền hồ của tâm cảm thi nhân qua hồi ức nhớ thương. Miền Tây Bắc nước ta, do điều kiện tự nhiên, thác lũ là là hình ảnh có thực, nhưng “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” là vẻ đẹp được sinh thành từ bút pháp lãng mạn mà nhà thơ gợi ra. Nước lũ ào ào cuộn chảy, loài hoa mong manh trôi giữa dòng nước ấy nhưng chỉ thấy “đong đưa”, trôi nhẹ nhàng quả là sự kỳ diệu của tâm hồn. Có người bảo miêu tả như thế cho phù hợp với dáng người trên con thuyền độc mộc cũng rất mảnh mai, duyên dáng. Dù sao đi nữa, nó cũng là thi ảnh bật ra giữa giây phút mộng mơ của cõi lòng nhớ nhung mãnh liệt. Vì vậy, nhìn tổng thể về mặt bút pháp miêu tả bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Tây Tiến, ta có thể nhận thấy có một sự đối lập trong sự hài hòa qua cách nhìn, cách cảm của thi nhân: vừa gân guốc, táo bạo song lại rất mềm mại, trữ tình. Đó chính là nghệ thuật đối lập trong sự thống nhất của bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn.

Sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn tiếp tục được nhà thơ Quang Dũng sử dụng rất thành công khi xây dựng hình tượng người lính Tây Tiến với tinh thần bi tráng và vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa. Có thể nói rằng, ở đoạn thơ đầu, chân dung ngưới lính Tây Tiến đã xuất hiện thấp thoáng qua nỗi nhớ của nhà thơ trên cái nền của bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Đó là phút dãi dầu nắng mưa, gian lao và vất vả đến nỗi: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quê đời”. Đó là thời khắc của đêm liên hoan văn nghệ nơi bản làng xa xôi trong điệu khèn, tiếng hát, “đuốc hoa” rực sáng nơi “doanh trại” khi đoàn quân Tây Tiến dừng chân. Những người lính yêu đời, trẻ trung và lãng mạn hiện lên thật đẹp qua cảm giác ngỡ ngàng và đắm say: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em, xiêm áo tự bao giờ”. Đó là cảnh vượt thác ở Châu Mộc trong một buổi chiều sương, xuôi dòng nước lũ “hoa đong đưa”. Tuy nhiên, phải đến đoạn thơ thứ ba với các dòng thơ khắc họa chân dung người lính Tây Tiến, ta mới thấy đầy đủ nhất, sinh động nhất hình tượng người lính qua sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn tài hoa của nhà thơ Quang Dũng:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

       Trước hết, về hình dáng bên ngoài của người lính Tây Tiến, lâu nay cũng có không ít tranh luận diễn ra. Có người bảo “hình ảnh đoàn binh không mọc tóc” là do người lính tự cạo trọc đầu để hành quân cho thuận tiện, nhưng cũng có ý kiến bảo là vì sốt rét rừng nên tóc rụng nhiều dẫn đến trọc đầu. Dù cho cách hiểu nào thì câu thơ cũng bắt đầu từ một hiện thực gian khổ, vất vả mà đoàn quân Tây Tiến phải trải qua, tất nhiên lý do sốt rét rụng tóc vẫn được nhiều người đồng tình hơn cả. Nhưng qua cách miêu tả của nhà thơ, cả “đoàn binh không mọc tóc” thì đã được bút pháp lãng mạn chắp cánh, thành ra rất ấn tượng, khó quên. Đầu trọc cộng với cái dáng vẻ bên ngoài “quân xanh màu lá dữ oai hùm” đã đẩy hình tượng lên một đỉnh điểm khác thường, làm nổi bật chân dung người lính. “Quân xanh màu lá” vừa miêu tả những cành lá ngụy trang trên bước đường hành quân, vừa gợi được nét vẻ xanh xao của thiếu thốn, ốm đau và sốt rét gây ra. Tất cả điều ấy bắt nguồn từ một thực tế gian khổ và đầy vất vả mà người chiến sĩ Tây Tiến phải trải qua trong cuộc đời chiến đấu. Điều thú vị là trên cái nền của hiện thực gian lao ấy, Quang Dũng đã nâng đỡ và chắp cánh bằng bút pháp lãng mạn, thành ra người lính Tây Tiến trở thành một đoàn binh anh hùng, lẫm liệt. “Xanh màu lá” mà vẫn “dữ oai hùm” với một tư thế hiên ngang, bất khuất.

Không chỉ giúp người đọc thấy được chân dung bên ngoài, nhà thơ Quang Dũng, với ngòi bút được chắp cánh bởi một nguồn cảm hứng lãng mạn, người lính Tây Tiến hiện lên qua nét vẽ tâm hồn thật độc đáo và hào hoa. Hình ảnh “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” gợi được nỗi nhớ xa xăm, da diết đến quặn lòng. Có lẽ vì cảm thức được không gian cách xa dịu vợi, nên mỗi lần hướng về quê cũ, người lính phải dõi cái nhìn thật xa, đăm đăm mới mong thỏa được nỗi niềm thương nhớ. Bên này biên giới Việt – Lào, muốn mơ về Hà Nội để gặp được “dáng kiều thơm” của một thời kỷ niệm, người lính phải thao thức bồn chồn, phải lắng sâu biết bao nỗi niềm yêu ái. Chính bút pháp lãng mạn đã làm cho những câu thơ trên đi vào bất tử, và hình tượng người lính Tây Tiến thấm đẫm vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa. Chính điều này mà một thời người ta đã phê phán Quang Dũng là tiểu tư sản, là mơ mộng viễn vông, là “anh hùng nửa vời”. Nhưng quả thật, nếu người lính không có những phút giây sống thật với lòng mình, bản thân nhà thơ không “bay” lên bằng đôi cánh của tâm hồn mơ mộng, làm sao có thể chịu được nỗi mất mát, tang thương trong phút giờ sinh tử:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

       Đoạn thơ diễn tả một hiện thực mà bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng xảy ra, đó là sự hi sinh quả cảm của người lính. Ở đây, Quang Dũng, bằng chính sự trải nghiệm của đời mình, ông đã thủ thỉ cùng người đọc về sự mất mát: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Câu thơ thuần tả và kể mà thấm sâu và trĩu nặng nỗi buồn. Những nấm mồ “viễn xứ” dù chỉ “rải rác” nhưng đã phản ánh được sự thật đau lòng. Bút pháp hiện thực không cần dụng công vẫn đủ khiến tâm hồn ta tê tái. Sao lại né tránh hiện thực? Quang Dũng không làm thế và cũng không nỡ làm thế! Có điều trên cái nền của hiện thực bi thương ấy, tác giả đã biết kết hợp với bút pháp lãng mạn để nâng cao vẻ đẹp hình tượng người lính anh hùng. Sự hi sinh của người chiến sĩ Tây Tiến nhờ thế không còn gợi sự bi quan, ảm đạm mà ánh lên khát vọng hiến dâng, sống và chiến đấu trọn đời cho lí tưởng “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Lãng mạn và bi tráng nhất là hình tượng dòng dông Mã “gầm lên khúc độc hành” như một niềm bi ai dữ dội và hoành tráng. Đó là tiếng thét hờn căm, là nỗi đau bi tráng, là tiếng gọi gào của rừng núi tiễn các anh về với đất mẹ ngoan cường: “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Dường như “khúc quân hành” của người lính đã hóa thân vào tiếng “gầm thét” của dòng sông Mã bất tử và trường tồn mãi với muôn đời. Quả vậy, có thể xem những câu trên trong bài Tây Tiến là minh họa sinh động nhất cho đặc trưng của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn tiêu biểu của thơ Việt Nam từ 1945 – 1975.

Bài thơ Tây Tiến, nhìn nhận trên bình diện bút pháp nghệ thuật, là một thành công lớn của nhà thơ Quang Dũng. Trong giai đoạn đầu của nền thơ cách mạng cũng như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này, bút pháp hiện thực vẫn chi phối hầu hết các sáng tác. Đồng chí của Chính Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên… viết về người lính thời kỳ chống Pháp, từ lý tưởng chiến đấu đến khát vọng hiến dâng vẫn không khác gì người lính Tây Tiến. Nhưng phải đến Quang Dũng, người đọc mới thấy được vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của người lính được tung tẩy dưới ngòi bút của thi nhân lãng mạn bậc thầy. Một bữa cơm nếp ở quê em Mai Châu sao mà nên thơ đến thế: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Một đêm văn nghệ ấm áp tình quân dân hồn nhiên, tươi tắn trong điệu khèn và khúc hát đắm say: “Khèn lên man điệu nàng e ấp/ Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”. Một cuộc vượt thác trong buổi chiều sương ở Châu Mộc tình tứ và nên thơ: “Có nhớ dáng người trên độc mộc/ trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Có lẽ, chính trên cái nền của cảm xúc “nhớ chơi vơi” về cảnh vật và con người miền Tây một trời kỷ niệm đã chi phối bút pháp và cảm hứng sáng tạo của Quang Dũng, giúp cho điệu hồn ông có được những câu thơ tài hoa và vi diệu đến không ngờ.

Bên cạnh thành công về mặt bút pháp, giọng điệu nghệ thuật cũng phản ánh vẻ đẹp riêng của bài thơ Tây Tiến. Chúng ta đều biết, tác phẩm văn học như là một “kết cấu các giọng điệu” (M.B. Khravchenko). Với tác phẩm thơ, chính giọng điệu lại càng định hướng cho người đọc tiếp cận nội dung tư tưởng. Nắm trúng giọng điệu thơ, tức là ta đã tìm ra chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn bước vào thi phẩm. Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng chỉ với 34 câu thơ, được chia thành bốn đoạn, nhưng lại giàu sắc thái giọng điệu trên cái nền chính là giọng điệu nhớ thương tha thiết, bồi hồi về không gian núi rừng miền Tây hùng vĩ, thơ mộng và cuộc hành quân của binh đoàn Tây Tiến.

Hai câu thơ đầu mở ra một giọng điệu, đó là nỗi tha thiết, bồi hồi qua nỗi nhớ của chủ thể trữ tình tác giả:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

      Hai từ “xa rồi” chùng xuống trong nỗi mất mát, hụt hẫng. Thán từ “ơi!” với dấu chấm cảm (!) dội vào lòng người một nỗi nhớ thương tha thiết. Cụm từ “nhớ chơi vơi” như cụ thể hóa, định dạng cho nỗi nhớ nhung vốn dĩ vô hình. Từ “chơi vơi” với thanh âm ngân dài  như nỗi hoài vọng, xót xa không dứt. Quả thế, chính tất cả các kỹ thuật thơ ấy đã góp phần tạo nên một giọng điệu chung đi xuyên suốt bài thơ. Từ giọng điệu thiết tha, bồi hồi lan tỏa từ đầu tác phẩm, tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể mà Quang Dũng có một giọng điệu riêng phù hợp. Vì vậy có thể nói rằng, Tây Tiến là bài thơ đa sắc thái về giọng điệu nhưng vẫn nằm trong một điệu tình chung của cảm xúc nhớ thương.

Nỗi nhớ đầu tiên là khung cảnh núi rừng miền Tây và hình ảnh người lính Tây Tiến hành quân trên cái nền của không gian hùng vĩ, dữ dội và nên thơ ấy. Cảm xúc tự nhiên dào dạt, nhà thơ không kìm nén được lòng mình, những câu thơ vào bài ngân nga một niềm tưởng vọng. Biết là không thể quay ngược về kỷ niệm nên giọng thơ càng tha thiết đến nghẹn ngào. Tây Tiến “xa rồi”, tất cả chỉ còn trong hoài vọng, nên mỗi ngọn núi, đèo cao, vực sâu, thác dữ… được nhà thơ miêu tả như có linh hồn và thổn thức đến khắc khoải. Làn sương dày đặc như chôn lấp cả đoàn quân mỏi mệt ở Sài Khao hiện về trong ký ức rưng rưng: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”. Cánh hoa mỏng manh hé nở trong đêm hơi sương ở Mường Lát vẫn dường như đang lan tỏa chút lạnh vào hồn người thương nhớ: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Âm “ơi” vẫn ngân dài ám ảnh đến da diết, ngay cả phút hành quân gian khổ nhất của người lính Tây Tiến: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Quả vậy, trong đoạn thơ đầu, giọng điệu bồi hồi, tha thiết như một dòng suối mát lành phả vào tâm hồn tác giả, tự nó cất lên thành tiếng, thành lời để khắc họa một bức tranh thiên nhiên miền Tây hoang vu, hùng vĩ và cũng không kém phần thơ mộng, trữ tình. Giọng điều ấy càng da diết hơn ở cuối đoạn khi nhà thơ nhớ về một khung cảnh thanh bình, ấm áp tình quân dân giữa mùa nếp xôi ở Mai Châu quê em xinh đẹp: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.

Vẫn trên cái nền của cảm xúc hoài niệm qua giọng thơ bồi hồi, tha thiết, nhưng đến đoạn thơ thứ hai khi nhà thơ nhớ về một đêm văn nghệ lãng mạn và hào hoa trên nước bạn Lào, giọng điệu trở nên vui tươi, hồn nhiên hẳn lên. Chập chùng tiếng nhạc, điệu khèn trong ánh lửa hồng rực sáng của “đuốc hoa”, những nàng thiếu nữ tròn trăng yểu điệu, e ấp múa hát say mê khiến cho người lính như trôi vào cõi thần tiên huyền nhiệm. Hào hứng và lãng mạn, âm điệu câu thơ bay vút giữa lòng người ấm nồng tình quân dân cá nước. Quang Dũng cũng như phần lớn người lính Tây Tiến vốn xuất thân nơi chốn phồn hoa, tuổi trẻ nhiều ước mơ, hoài bão, vượt qua bao nhiêu hiểm trở, thác ghềnh mới có được một đêm liên hoan văn nghệ vui tươi, hào hứng. Vì thế, tất cả tan hòa trong nhau, sum vầy và mê đắm. Những câu thơ vũ điệu sắc màu hòa trong nhịp điệu của tiếng nhạc lòng cất lên thành ra có cảm tưởng như muôn ngàn âm thanh trên khắp trần gian bay về hạ giới, đậu xuống giữa lòng Viên Chăn “xây hồn thơ”. Chất lãng mạn, hào hoa trong cảm hứng nội dung hòa điệu với giọng thơ mang lại cho người đọc biết bao nỗi niềm cảm xúc khó quên, ngân nga điệu lòng đồng cảm của nhà thơ Quang Dũng.

Trong dòng cảm xúc nghẹn trào thương nhớ về đoàn quân Tây Tiến, niềm vui sum vầy trong đêm liên hoan văn nghệ đã mang lại một giọng điệu hồn nhiên, tươi trẻ; nhưng khi hồi ức về cảnh sông nước miền Tây qua cuộc phân li “người đi Châu Mộc chiều sương ấy”, Quang Dũng lại khéo tạo ra một chất giọng bâng khuâng, man mác nỗi niềm, dù cả hai khổ thơ này đều nằm trong cùng nội dung cảm hứng hoài niệm, một vương vấn của tấc lòng nhớ nhung tha thiết. Sự đa dạng về giọng thơ đã tạo nên tính hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Vì vậy, phát hiện được chất giọng chính là góp phần giải mã nội dung tư tưởng thơ, cảm được điệu hồn và cảm hứng mà nhà thơ hướng đến. Hội ngộ rồi chia li, giờ đây đã thực sự xa đoàn quân Tây Tiến, qua hồi ức của mình, làm sao tác giả không rưng rưng nỗi “nhớ chơi vơi” về cảnh sông nước miền Tây mênh mang, xao xuyến: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bên bờ/ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Các câu thơ cứ luyến láy vào nhau trong cách hiệp vần “ấy – thấy”; cấu trúc trùng điệp của phép lặp cú pháp: “Có thấy hồn lau…”, “Có thấy dáng người…” càng tạo thêm nỗi buồn man mác của một chuyến rời xa. Ôi Châu Mộc! Ôi chiều sương! Ôi dáng người trên độc mộc!… Tất cả cứ nhạt nhòa trong sương khói, càng kiếm tìm, khao khát, nhớ nhung càng bâng khuâng và man mác một nỗi buồn của hồn thơ đa cảm.

Tây Tiến, như chúng ta biết, là bài thơ hay một cách trọn vẹn, không có câu thơ non lép. Tuy nhiên, đoạn thơ để lại ấn tượng sâu đậm nhất là đoạn khắc họa chân dung người lính Tây Tiến. Từ dáng vẻ bên ngoài đến tâm hồn, khát vọng hiến dâng cũng như sự hi sinh anh dũng, tất cả đều hiện lên một vẻ đẹp bi tráng. Ngoài nội dung thơ, giọng điệu nghệ thuật của đoạn thơ này có một giá trị hết sức độc đáo, gợi ra trong lòng người đọc một cảm xúc lớn lao, khó phai mờ trong tâm trí. Chính giọng điệu bi hùng, trang trọng đã tô điểm thêm bức chân dung người lính Tây Tiến. “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm” là hai câu thơ khẳng định hình dáng kỳ lạ từ hiện thực gian khổ của cuộc trường chinh cứu nước mà người lính trải qua. Có điều cách viết, cách miêu tả chân dung ở đây thật khác thường. Chất giọng hùng hồn vang lên đã xua tan đi dáng vẻ xanh xao, bệnh tật. Đặc biệt, qua hình ảnh những nấm mồ “rải rác biên cương” mà những người lính xa xứ nằm lại đã gợi lên trong trái tim người đọc bao nỗi buồn thương về sự mất mát, hi sinh, là tiếng kêu xót xa, đứt ruột. Có điều, nhờ cách nói trang trọng qua giọng điệu và việc sử dụng các từ ngữ Hán Việt đúng lúc đúng chỗ: “biên cương”, “viễn xứ”, “chiến trường”, “độc hành”… đã nâng hình tượng người lính Tây Tiến lên thành vẻ đẹp bi tráng, hào hùng. Cùng với chiếc “áo bào” tiễn đưa các anh vào lòng đất mẹ, Quang Dũng cũng đã đắp “nấm mộ ngôn từ” một cách trang trọng nhất, thiêng liêng nhất với tất cả sự cung kính của mình để bất tử hóa hình tượng người lính Tây Tiến. Khúc “độc hành” của dòng sống Mã “gầm thét” qua núi đồi, lũng sâu lúc các anh nằm lại đã trở thành giọng điệu bi thiết, hùng tráng đầy uất ức hờn căm mãi mãi đi vào bất tử. Sông Mã trở thành dòng sông oai linh âm vang lời nguyền cứu nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Lời nguyền ấy sang sảng như lời Hịch cứu nước của Người trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Vì vậy, có thể xem giọng điệu bi hùng, trang trọng là âm hưởng chủ đạo của đoạn thơ này, nhờ đó góp phần khắc họa sâu sắc hơn hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng như ca khúc “Đoàn vệ quốc quân” hùng tráng một thời của Phan Huỳnh Điểu: “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi/ Nào có sá chi đâu ngày trở về/ Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi, ra đi thà chết chớ lui”.

Kết thúc bài thơ Tây Tiến là giọng điệu tin yêu, da diết trong lời ước hẹn trở về. Bốn câu thơ kết bài khép lại mà mở ra mênh mang muôn ngàn khát vọng. Không hẹn ước trong cuộc chia phôi của đường xa vạn dặm, song trái tim những chàng trai “chưa trắng nợ anh hùng” vẫn không nguôi nỗi nhớ về Tây Tiến. Chính chất giọng tin yêu một cách trầm lắng là lời nguyền son sắt và thủy chung rất mực của người lính Tây Tiến anh hùng. Tây Tiến nhờ thế trở thành thi phẩm đẹp về tư tưởng, giàu giá trị nghệ thuật, trong đó giọng điệu đóng một vai trò không nhỏ.

Ngoài sự đa sắc thái về giọng điệu, tài năng sử dụng ngôn ngữ của tác giả đã đưa Tây Tiến vượt lên để trở thành một đỉnh cao chói lọi, ngời sáng trên thi đàn dân tộc. Tây Tiến ra đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp và nền thơ cách mạng Việt Nam hãy còn non trẻ, song bằng vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ, tác phẩm hội tụ rất nhiều yếu tố đan xen nhau thông qua bút pháp, giọng điệu và các đặc điểm nghệ thuật khác nên khó thể tách bạch từng yếu tố nhỏ để xem xét, đánh giá. Ở đây, chỉ phân tích hai phương diện nghệ thuật tiêu biểu là ngôn ngữ đậm chất hội họa và nhạc tính của bài thơ.

Chúng ta đều biết, một tác phẩm văn học bao giờ cũng lấy ngôn ngữ làm chất liệu, phương tiện để chuyển tải tư tưởng, cảm xúc. Vì vậy, ngôn ngữ trở thành yếu tố thứ nhất cực kỳ quan trọng để đánh giá sự thành công tác phẩm đó. Với thơ ca, trong điều kiện hàm súc của “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời), ngôn ngữ lại càng mang nét đặc thù hơn nữa, trở thành kiểu ngôn ngữ nghệ thuật “cao cấp” mà ở đó mỗi âm, mỗi chữ ngân vang như chuông vàng khánh ngọc, “đúc thành huân chương” (Pautôpxki), nó cô đọng và sáng lên lấp lánh khác thường so với ngôn ngữ đời sống hằng ngày.

Nhà thơ Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc. Chính sự đa năng của một tâm hồn tài hoa và lãng mạn, nên thơ ông mang đậm màu sắc hội họa và nhạc tính đan tràn, khiến ta đọc thơ mà cứ như mắt mình đang xem tranh và miệng thì “ngậm nhạc” (chữ dùng của Xuân Diệu). Vì vậy, dù Quang Dũng viết thơ không nhiều, chỉ với tập thơ Mây đầu ô nhưng người đọc không thể nào quên được ông qua nhiều thi phẩm nổi tiếng, trong đó Tây Tiến nổi lên như đóa mây giữa tầng không xanh thẳm, lung linh màu sắc và đẹp rạng rỡ bằng chính chất liệu ngôn ngữ mà yếu tố hội họa và nhạc tính là hai nét đặc sắc nhất.

Vẻ đẹp hội họa qua ngôn ngữ nghệ thuật của bài thơ Tây Tiến hiện lên thật đậm nét. Bài thơ có cả thảy 34 câu, cấu trúc thành bốn đoạn thơ, nhưng ngay từ đoạn đầu, người đọc đã nhận ra bức tranh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, dữ dội và đẹp một cách mê hồn qua nỗi nhớ của nhà thơ. Trong ngôn ngữ thơ Tây Tiến, ta như thấy cả nét cọ vẽ chồng lên của một họa sĩ tài hoa đang đắm chìm giữa màn sương dày đặc muốn nuốt cả đoàn quân. Con mắt tinh tường, cái nhìn từng trải và đặc biệt là khả năng huy động một đội quân ngôn ngữ sáng lấp lánh tụ về để vẽ nên sắc núi, mây trời, vực sâu, dốc cao sừng sững bằng những tính từ, từ láy đạt hiệu quả hết sức cao độ: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”… Từ đường nét, màu sắc, ánh sáng, vẻ thâm nghiêm của núi cao, rừng thẳm quả thật phải đến đây người ta mới hình dung đầy đủ về một Tây Bắc oai linh và hùng vĩ khác thường:

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

     Bốn câu thơ trên chỉ là những nét vẽ tiêu biểu qua ngôn từ nghệ thuật để dựng lên một không gian tráng lệ, hùng thiêng, thâm nghiêm, cao cả. Vẽ núi ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống; rồi đường dốc quanh co, khúc khuỷu và thăm thẳm vực sâu; nếu là hội họa, người họa sĩ phải cần lắm những sắc màu, bố cục, đường nét phối tạo. Nhưng với Quang Dũng, chỉ chừng ấy ngắn gọn một số câu thơ, đã vẽ ra trước mắt chúng ta một chân trời núi, một chân trời mây và cả ngàn sương như chôn lấp cả đoàn quân ra trận. Sự đối lập qua các từ ngữ nghệ thuật chính là những mảng màu tối – sáng, trắng – đen của hội họa giúp cho bức tranh thiên nhiên giàu tính tạo hình, vừa gân guốc vừa mềm mại. Sau một chặng đường hành quân gian khổ ở đỉnh cao “súng ngửi trời”, Quang Dũng đột ngột chuyển sang “gam màu lạnh” bởi ngôn ngữ chùng xuống bằng các thanh bằng (B) liên tiếp để phác họa một thiên nhiên miền Tây thơ mộng và trữ tình, xao xuyến tâm hồn những người lính trẻ khi nhìn những đóa hoa vừa nở trong đêm hơi sương hay mái nhà thấp thoáng trong làn mưa ở Pha Luông êm nhẹ: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Phải nói sắc màu hội họa của ngôn ngữ thơ Tây Tiến đẹp một cách lãng mạn và mê đắm trong đoạn thơ tiếp theo chính là đã dựng lên cảnh vật và con người miền Tây qua một buổi chiều sương Châu Mộc. Châu Mộc nên thơ, quyến rũ và man mác u hoài bởi những sắc màu xám tối được vẽ nên bằng ngôn ngữ của cảm xúc nhớ thương đong đầy, da diết.  Sự bật thốt tự nhiên khi nỗi niềm trào dâng qua ngòi bút nên tất cả cứ hiện ra như những họa tiết sống động đời thường. Chiều sương ấy trên dòng thác lũ, những “hồn lau” trôi dạt bến bờ, hoa đong đưa xuôi theo con thuyền độc mộc với dáng người con gái mềm mại vượt thác mãi mãi là ký ức đẹp đẽ không thể mờ phai. Quang Dũng quả thật rất tài tình trong nghệ thuật dựng cảnh, dựng người bằng cái hồn của ngôn ngữ thơ phiêu linh, bay bổng: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

Bây giờ nói đến nhạc tính của bài thơ Tây Tiến. Chính sự đa thanh, đa giọng điệu đã làm cho bài thơ có được một nhạc tính phong phú, trong đó sự trầm hùng là chủ đạo. Tây Tiến khi trắc trở, lúc dịu êm; khi chất ngất vút cao, lúc trữ tình tha thiết. Đó là âm điệu của nhạc tính thơ cổ điển giàu sắc thái lãng mạn. Thể thơ bảy chữ phảng phất hơi hướng thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tản Đà, Xuân Diệu… đã hòa phối cùng cảm hứng hiện thực và lãng mạn về cuộc kháng chiến đã tạo ra một Quang Dũng vừa kế thừa nhạc tính của âm điệu thơ xưa, vừa cách tân làm mới thơ hiện đại. Chúng ta đọc thơ giai đoạn chống Pháp, có được mấy bài  mà nhạc tính vừa cổ điển lại vừa tân kỳ như Tây Tiến. Chính kỹ thuật vận dụng ngôn ngữ thơ qua việc sử dụng, phối hợp các thanh bằng, trắc; tận dụng triệt để các từ láy, các thủ pháp đối lập… làm cho bài thơ rất giàu nhạc tính. Đây là nhạc tính hùng tráng trong cuộc hành quân của người lính khi vượt qua đèo cao, vựa thẳm: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Các thanh trắc đi liền nhau và chiếm số lượng lớn, các từ láy tạo hình kết hợp với thủ pháp đối lập đã vẽ ra một địa hình hiểm trở, dữ dội để người lính vượt qua đến “heo hút cồn mây” mà đưa khẩu súng “ngửi” cả trời xanh. Quả vậy, chất bi tráng của hình tượng hòa quyện với nhạc điệu trầm hùng đã làm nên vẻ đẹp thơ hiếm thấy vậy.

Có lúc như để cân bằng, đồng thời chắp thêm đôi cánh cho hình tượng người lính lãng mạn, hào hoa, Quang Dũng tạo ra nhạc điệu dặt dìu, êm ái, lửng lơ bằng sự phối hợp nhiều thanh bằng (B) đi liền nhau trong một câu thơ nhằm tạo âm hưởng về sự thanh bình, mơ mộng. Đây là sự chiêm cảm hồn nhiên của người lính trước những cánh hoa nở về đêm trên đường hành quân: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Câu thơ bảy tiếng mà đã có sáu tiếng thuộc thanh bằng, chỉ một tiếng là trắc, nhờ thế nhạc điệu của câu thơ là tiếng nhạc lòng ngân nga, vui sướng mà người lính sau một chặng đường hành quân mỏi mệt nay được ngắm một cánh hoa rừng xinh đẹp như thơ. Đọc đến đây, ta chạnh nhớ câu thơ cuối bài tả cảnh hương hoa nhài vương vấn trong đêm của Xuân Diệu: “Và hương bay, thì hoa tưởng hoa bay” (Hoa đêm). Hay sự hào hứng, bình yên giữa một vùng mưa bay dịu nhẹ khi nhìn thấy thấp thoáng những mái nhà ở Pha Luông lúc người lính dừng chân: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Nhạc điệu, hơi thơ hào hùng và bi tráng nhất của bài Tây Tiến nằm ở đoạn cuối bài. Với thể thơ bảy chữ phảng phất thể thơ trường thiên cổ điển, nhưng nhịp điệu “hành” đến Tây Tiến đã được Quang Dũng cách tân hơn rất nhiều, nó không còn màu sắc “Tống biệt hành” của Thâm Tâm hay “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính nữa. Từ nỗi bi thương, mất mát lớn lao trước sự hi sinh của người lính Tây Tiến đã dội lại tâm hồn thi nhân mà cất cao điệu nhạc bi hùng, dồn dập, gầm thét. Âm hưởng cổ điển từ thể thơ, hình tượng, từ ngữ hòa cùng điệu nhạc bi ai của lòng người đưa tiễn đã tạo nên nhạc điệu trầm hùng – nhạc điệu chính của đoạn thơ Tây Tiến đầy chất bi tráng: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Tóm lại, nhắc đến thơ ca giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chúng ta không thể nào quên nhà thơ Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến xuất sắc. Thi phẩm đã đạt được những phẩm chất nghệ thuật vô cũng hấp dẫn, góp phần khẳng định tài năng của Quang Dũng, một trong những đỉnh cao của tháp ngà thi ca hiện đại Việt Nam. Sở dĩ tác phẩm có được sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc suốt hơn nửa thế kỷ qua và có lẽ sẽ dài lâu hơn nữa là bởi Tây Tiến không chỉ thành công ở nội dung tư tưởng mà cả ở nghệ thuật đa dạng, đặc sắc của một nghệ sĩ đa tài – một chiến sĩ Tây Tiến suốt đời trọn đạo với Tổ quốc, nhân dân và tình yêu thi ca bất diệt.

                                                                                                                                LÊ THÀNH VĂN