Đang nghỉ trưa bỗng chuông điện thoại reo… Số lạ! nếu không có việc gấp ít ai gọi điện thoại giữa trưa hoặc giữa đêm…
     – A lô! Xin lỗi ai gọi đấy?
     – Hòa đây! Hòa em của anh Thái đây!
     – A Hòa! Mình mất điện thoại nên… Hòa đang ở đâu?
     – Đang đứng trước cổng nhà ông đây.

    Tôi và Hòa học phổ thông cùng nhau, anh Thái học trên chúng tôi mấy lớp. Anh thấy mặt trời trước nên khôn trước, thuở chúng tôi chưa biết gì, xem tụi con gái cùng lớp chỉ là những đứa bạn tóc dài trong đội quân chơi bi đánh đáo thì anh đã biết thư từ yêu đương hẹn hò hoa thơm bướm lượn. Phải thừa nhận, trong đám bạn cùng lứa ở quê, anh Thái vượt trội hẳn: đẹp trai, học giỏi, đàn hay… thành ra lúc nào cũng có các em xinh đẹp vây quanh làm khối anh ghen tị. Đấy là nói lúc trước, chứ khi tôi dậy thì một phát thành công, rũ bùn đứng dậy sáng lòa thì anh phải lập tức nhường ngôi Nam vương xóm lại cho thằng đàn em… Nhưng đó là chuyện của ngày xửa ngày xưa, thuở trời đất nổi cơn gió bụi, làng quê còn đang thời kì nhà tranh vách đất đèn dầu tù mù, chưa kịp tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc… Sau này, khi anh rời quê đi đại học rồi vào Tây nguyên lập nghiệp thì tôi và Hòa mới tốt nghiệp phổ thông. Ra đi anh để lại rất nhiều di sản hoang mang mọi nhẽ… Tiếc là tôi và Hòa không dám và không thể kế thừa những gì mà người đi trước để lại! Khi tôi tiếp tục khăn gói lên kinh kì kiếm thêm dăm chữ lận lưng làm vốn thì Hòa vẫn sống ở quê và bắt đầu đi làm kiếm tiền vì thấy cái sự học mông lung quá. Nó lí sự: mày đi học cuối cùng cũng chỉ để kiếm tiền, vậy sao không kiếm tiền ngay từ bây giờ như tao đây, lại được tự do muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ chả phải lệ thuộc vào ai, làm công ăn lương như anh Thái nhà tao đấy, bữa đói bữa no, vợ con nheo nhóc… Vậy mà không ngờ sự đời run rủi thế nào, mấy năm sau tôi cũng đi Tây… nguyên và bất ngờ hơn nữa khi lại làm việc cùng chỗ với anh Thái. Tính ra anh đã đi làm hơn sáu năm nhưng vẫn ở nhà tập thể, xe đạp cũng không có mà đi trong khi thằng em ở quê nhà cửa đàng hoàng, xe máy chạy vèo vèo… Ngẫm ra thằng Hòa thức thời, khôn ngoan trước tuổi.

      Trong cơ quan chỉ có tôi và anh Thái là người đồng hương, bước đầu lạ nước lạ cái, tôi đã được anh giúp đỡ rất nhiều từ trong quan hệ đến công việc. Thú thật, hồi còn ở quê tôi chỉ chơi thân với Hòa chứ anh Thái thuộc lứa đàn anh nên ít gần, nhưng giờ đây thì ngược lại. Vợ con anh cũng coi tôi như người nhà. Chị Hoa vợ anh ngày trước là hoa khôi của cơ quan, mê anh vì anh đẹp trai hiền lành tốt bụng và kết thúc mối tình của đôi trai tài gái sắc ấy là một đám cưới tuy đơn sơ chỉ có bánh kẹo và nước ngọt nhưng ấm áp tình người. Năm sau anh chị có đứa con trai đầu lòng (đặt tên là Chung) và khi tôi vào công tác anh chị cũng vừa có cháu gái thứ hai (đặt tên là Thủy). Như vậy là đủ nếp tẻ. Vui đấy, hạnh phúc đấy nhưng cũng phải lo toan vất vả lắm. Thời ấy, một thân một mình như tôi mà lo không xong, huống hồ… Tôi ở tập thể cũng gần phòng anh, thấy ngoài giờ làm việc, vợ chồng anh tranh thủ ra mảnh đất trống phía sau cuốc đất trồng rau nuôi lợn, nuôi gà… nuôi con! Bàn tay thư sinh trắng trẻo ngày nào dìu dặt trên phím đàn giờ cũng phải băm bèo thái rau nên đen nhẻm chai sạn. Bấy giờ mọi người ở cơ quan hầu hết đều như thế, chỉ có tôi chẳng phải lo cho ai nên còn nhởn nhơ dù chẳng biết hương vị tô phở nó ra thế nào! Nhờ cần cù chắt bóp nên khi thằng Chung vào lớp một thì anh chị cũng đã kịp dành dụm mua được miếng đất nho nhỏ gần cơ quan và cũng làm cái gọi là nhà cho có chốn riêng tư đi về. Mừng cho gia đình, như vậy là anh chị đã có thể yên tâm làm việc, dần dần rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy, sông có khúc, người có lúc…

          Thời kì đổi mới anh em trong cơ quan bung ra làm đủ thứ, đời sống nhiều gia đình dần khá lên riêng anh vẫn vậy, hình như ở con người anh không có máu kinh doanh buôn bán ngại xông pha và cứ thế anh tụt dần về phía sau… Vợ anh thấy thiên hạ ăn nên làm ra ầm ầm mà anh thì cứ bình chân như vại ngày hai buổi cần mẫn đi về, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào mấy đồng lương, con cái ngày càng lớn, nhà cửa thì lụp xụp nên sốt ruột úp mở thúc giục anh tìm việc làm thêm. Anh bảo: để từ từ rồi tính… Nói thế cho yên lòng vợ nhưng thật ra anh Thái chẳng biết phải làm gì. Người ta bảo có gan làm giàu mà anh chưa làm thì đã sợ thất bại thành ra cứ lần lữa… Một lần thằng Chung xin tiền mẹ đi học thêm, anh đang ngồi chơi đàn gần đấy, chị bảo nó: hỏi ba con kìa… thấy anh vẫn cứ mải mê liền nói to: anh có nghe không đấy? Chuyện đàn ca sáo thổi thôi dẹp qua một bên. Đàn địch có ra cơm ra cháo gì đâu! Người ta nói lấy chồng là tìm chỗ dựa, nhưng số tôi lại dựa trúng gốc cây mục…! Anh buông đàn lẳng lặng ra ngoài và buồn suốt mấy ngày, không ngờ vợ mình dạo nầy thay đổi nhiều quá!Tại sao con người được sinh ra rồi cả đời chỉ quẩn quanh với chuyện cái ăn cái mặc và sau đó lần lượt theo nhau về với đất? Mà gia đình anh đâu đã đến nỗi nào? Hình như không mấy ai bằng lòng với hiện tại của họ, dù hiện tại ấy đã là mơ ước của nhiều người. Cuối cùng thì anh chỉ biết tự trách mình… Anh nghiệm ra, những người thành công trong đời khi họ biết thay đổi để thích nghi, còn anh vừa nhút nhát vừa sĩ diện mà kiểu người như thế thì rất khó xông pha nơi thương trường…

     Đang bế tắc thì ngôi nhà gia đình anh đang ở “trúng” quy hoạch mở đường nên được đền bù một khoản tiền kha khá, anh vừa mua được miếng đất rộng hơn vừa xây được ngôi nhà rộng rãi khang trang, còn dư chút ít đủ mua chiếc xe máy bãi của Nhật. Anh em trong cơ quan đến mừng nhà mới đùa: thánh nhân đãi… hiền sĩ! Bởi vì anh chẳng phải chạy xuôi chạy ngược vậy mà đùng một cái có tất. Dĩ nhiên là anh Thái rất vui vì trước đây có nằm mơ cũng không thể thấy được và nghĩ rằng vợ mình cũng sẽ bớt cạnh khóe chồng về chuyện cơm áo. Hôm về nhà mới anh định treo các loại giấy khen, bằng khen thì chị Hoa liền bảo: anh bỏ mấy cái phiếu bé ngoan ấy vào trong rương cất cho kĩ mà làm vốn! Thì ra trong mắt vợ anh chỉ là kẻ sống ảo, kẻ mộng du giữa đời thực.

     Chuyện lục đục trong gia đình anh, ở cơ quan ít người biết vì anh kín tiếng kể cả thằng em đồng hương. Duy có một lần đến chỗ tôi chơi, anh em ngồi uống với nhau, được vài ly anh bảo: chắc chú cũng nghe loáng thoáng về chuyện gia đình anh. Tuy không ầm ĩ, nhưng lại rất trầm trọng vì đó là sự bất đồng trong quan điểm sống. Mà bất đồng trong quan điểm sống tức là đổ vỡ từ gốc. Chị muốn anh phải xông xáo năng động trong chuyện làm ăn, buôn bán nhưng tính anh từ xưa nay chú biết rồi đấy, giờ bỗng dưng nhảy ra hoa tay múa chân thấy nó thế nào. Anh biết đấy là nhược điểm của mình nên đã cố chu toàn việc nhà chăm sóc con cái. Đàn ông khi đã chấp nhận lui về phía sau là đã buồn tủi lắm rồi, nhưng với chị như thế là chưa đủ. Rất nhiều lần vợ chồng xích mích chị đều chủ động đề nghị li dị và đã mấy lần viết đơn nhưng anh không đồng ý vì nghĩ đến hai đứa con. Người lớn quả thật ích kỉ khi chỉ muốn nhanh chóng giải quyết những nỗi bực tức của mình mà không nghĩ đến những tổn thương mà họ gây ra cho những đứa trẻ. Sau li hôn, người lớn sẽ có thể được giải thoát về mặt tinh thần, nhưng còn những đứa con của họ? Liệu rằng thời gian có thể làm lành những vết sẹo trong tâm hồn trẻ thơ? Chính vì quá thương con nên vợ có nói gì anh cũng cố nhẫn nhục chịu đựng, nếu không tất cả sẽ đổ vỡ tan tành. Người ta có thể cho anh là kẻ hèn nhát không có bản lĩnh đàn ông… Kệ, vì con anh có thể chấp nhận tất cả.

     Thời gian cứ thế trôi đi… rồi cả con bé Thủy cũng vào đại học, anh nhớ các con vô cùng nên mỗi khi có ai nhắc đến chúng là anh rơm rớm nước mắt. Từ khi hai đứa đi học, đêm đêm anh vẫn hay vào phòng chúng lau chùi, quét dọn rồi bật đèn lên như chúng vẫn đang ở nhà. Giờ, anh cũng sắp hưu và đau ốm luôn, có điều anh không hề kêu ca, nhăn nhó mà tự mình luyện tập, chống chọi. Nhiều đêm đau quá anh trở dậy ngồi thiền và hầu như không ngủ. Mọi người trong cơ quan thấy anh ngày càng gầy hai mắt trũng sâu giục anh đi khám bệnh, anh bảo mình chỉ mất ngủ thôi, ngủ được là khỏe ngay! Nhưng khi không thể chịu đựng nỗi những cơn đau quặn thắt buộc phải đi khám và anh được thông báo: ung thư đại tràng giai đoạn cuối! Thần chết đã gõ cửa… Biết anh bị bịnh nặng, tôi gọi điện báo tin cho Hòa và thường xuyên đến thăm nom, giúp anh vài việc lặt vặt vì thấy chị Hoa chỉ tất tả lo chuyện sang tên nhà đất, tài sản. Nhìn anh nằm đó im lìm, nhỏ thó, lọt thỏm giữa đống chăn nệm mà rưng rưng xót thương cho một kiếp người! Một lần tôi đến, vừa ngồi xuống bên cạnh, anh ra dấu cho tôi xoay anh nằm nghiêng hướng ra cửa… thì ra anh đang ngóng hai đứa con. Mỗi lần nghe tiếng xe chạy qua nhà là anh như muốn nhổm dậy rồi lại thất vọng nằm im, cứ thế cho đến khi mệt lử thở dốc… Tôi hỏi chị Hoa sao mấy đứa chưa về, chị bảo: tụi nhỏ còn bận công chuyện làm ăn chưa về được, lúc nào đến đó hẵng hay! Và như thế anh đã một mình âm thầm chống chọi với những cơn đau khủng khiếp của căn bệnh ung thư trong những giờ phút cuối. Rồi một đêm kia, khi mọi người đang yên giấc, anh đã lặng lẽ ra đi và thân thể anh gần như quay nghiêng trong nỗ lực cuối cùng cố nhìn ra phía cửa…

     Đám tang anh được cơ quan đứng ra lo liệu, những người thân ở quê cũng đã có mặt từ mấy hôm trước khi biết anh không thể qua khỏi. Hai đứa con anh thì cho đến tận lúc khâm liệm chúng nó mới về nhìn mặt ba lần cuối. Nhiều người trách chúng sao quá vô tâm mải mê chuyện làm ăn không về chăm bố, nhưng tôi biết ở nơi xa kia chắc anh đang rơm rớm nước mắt và sẵn sàng thông cảm, tha thứ cho những đứa con rất mực yêu thương của mình. Tròn một trăm ngày sau khi anh mất, chị Hoa vội vã bán nhà vào thành phố sống với con, để anh nằm lại cô đơn, lạnh lẽo giữa bao la đất trời Tây nguyên bụi đỏ sương mù…

     Trưa nay Hòa đến tìm tôi là đúng vào dịp mãn tang anh Thái. Chúng tôi chuẩn bị mọi thứ rồi ra thăm mộ để ngày mai Hòa về quê ngay cho kịp làm giỗ. Mộ anh nằm lẫn giữa bao nhiêu ngôi mộ mới nên phải loay hoay một lúc chúng tôi mới tìm ra. Vì đã lâu không có người thăm nom chăm sóc nên cỏ dại mọc lấn vào phần mộ và gạch đá cũng đã lên màu rêu phong hoang phế… Buổi chiều trong nghĩa trang vắng lặng, chỉ có âm thanh rầu rĩ oán than muôn đời của những loài giun dế và tiếng cỏ lau xào xạc u hoài khi một cơn gió nhẹ thoảng qua… Trên tấm bia mộ, lờ mờ sau làn khói hương hiện ra một khuôn mặt nhân hậu với nụ cười hiền nhưng đôi mắt phảng phất buồn như vẫn đau đáu về một phương trời xa…