Và rồi tôi cũng đặt bút viết lên, những nghĩ suy gom nhặt vụn vỡ của mình tích góp bấy lâu nay. Sau SEAGAME 30 đầy sôi động.

Chiến tích của hai đội tuyển bóng đá nam, nữ làm người hâm mộ sống trong men say chiến thắng. Từ cái cảm xúc nhìn những nữ chiến binh áo đỏ, nhỏ con đứng trên bục danh dự nâng cao tấm huy chương vàng danh giá, hát vang quốc ca Tổ Quốc mình. Đã khiến tôi liên tưởng đến “Oanh CTĐ”, người nữ cán bộ hội như chiếc cầu nối đến với những mảnh đời bất hạnh.

Chị là phó ban tuyên truyền của Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Nghệ An, một đơn vị hành chính sự nghiệp làm công tác nhân đạo phi lợi nhuận, nên cán bộ công nhân viên không gắn bó, không nhiệt tâm rất khó làm.

Nguyễn Thị Kim Oanh quê huyện miền núi Anh Sơn, Nghệ An. Nơi có động Kim Nhan nổi tiếng đẹp, điệp trùng núi đá vôi, hang động trông như Vịnh Hạ Long trên cạn. Nơi đã đi vào sử sách dân tộc, của chủ tướng Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn: “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” (Nguyền Trãi). Có nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt – Lào rộng gần 7ha với trên 11 ngàn ngôi mộ. Hàng năm vào mùa tri ân tháng 7, Oanh thường về quê vận động cộng đồng, bạn bè, người thân dâng hương hoa, làm lễ cầu siêu cho các Anh Hùng Liệt Sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc.

Hôm rồi ngồi xôi sáng, nước chè chát quán vỉa hè cùng bạn hữu cơ quan (tôi làm bảo vệ ở hội CTĐ Nghệ An). Nghe họ trạu chuyện: “Chị Oanh “cay thóc” rứa mà giỏi, giỏi nhất cơ quan chú nờ, năm ni chị vượt chỉ tiêu vận động quỹ nhân đạo cao nhất rồi nì. Hơn 500 triệu/30 triệu đồng kế hoạch giao, chớ ít mô !”.

Không tin ở tai mình, gặp Oanh, tôi hỏi nhưng cháu chỉ cười rồi lảng sang chuyện khác.

Miên man nghĩ, miên man so sánh (biết là khập khiễng) nhưng bằng nghị lực Oanh đã vượt chỉ tiêu vận động khá cao. Nó na ná chiến tích mà các cô gái vàng của chúng ta vừa tái lập tại Đại hội Thể dục thể thao Đông Nam Á SEAGAME 30 được chăng ?!

Với dáng hình khiêm tốn, Kim Oanh không ăn diện, không trau tria. Đến cái xe máy đi làm Oanh cũng dùng chiếc wave công vụ có từ đời tám hoánh cuối thế kỷ 20, nhưng cháu có sức hút kỳ lạ, quy tụ được nhiều người. Hoàn cảnh gia đình không khá giả, bố Oanh là bộ đội đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đạn bom gian lao đã làm ông mòn sức trước tuổi. Nhà có 5 mặt con, chị gái đầu của Oanh là sản phẩm của ông bà ở Vĩ tuyến 17 khi bà vào thăm chồng ở đặc khu Vĩnh Linh – Quảng Trị năm 1964.

Học hết lớp 9, Oanh xin nghỉ dở chừng vì hoàn cảnh gia đình, ba năm sau xin học lại hết đại học. Ra trường chị về công tác tại hội Chữ Thập Đỏ Nghệ An tháng 10 năm 2002.

Kỷ niệm đầu tiên và nhớ nhất của Kim Oanh là cuối năm 2003 ngày áp tết mưa lạnh, cơ quan đi kiểm tra dự án hỗ trợ lợn giống cho các gia đình khó khăn.

– “Bên nồi cám lợn lẹt xẹt sôi, trong căn bếp lụp xụp chị Tâm đang ngồi đun cám, do củi không nhóm vì que trong que ngoài, khói mù bếp.

Cháu thấy thế cúi xuống dục củi cho nhóm, nhìn mặt mới biết – chị Tâm mù cả hai mắt, cháu thương thắt lòng và nước mắt cháu cứ thế rơi lên tấm vai gầy của chị, cháu ôm chầm lấy chị Tâm mà thổn thức: “Chị ơi ! đã tật nguyền chị lại còn phải nuôi em… chị khổ quá!?”

Kể đến đây Oanh quay mặt đi, lau vội 2 dòng nước mắt lên ống tay áo rồi kể tiếp: “Về cơ quan cháu viết bài kêu gọi gửi báo Nghệ An, nhờ bài báo mà Mặt Trận Tổ Quốc xã, huyện đã kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ làm cho hai chị em được căn nhà ấm áp tình cộng đồng”.

Những ngày bão lụt, những đêm mưa rừng đi cứu trợ miền tây xa xôi. Thân gái dặm trường lại hay say xe, nhưng Kim Oanh và chị em cơ quan hội động viên nhau hết lòng vì công việc.

Công tác tuyên truyền, một công việc phải đi trước về sau. Chuyến đi lên mien Tây xứ Nghệ mà tôi được tham gia là một ví dụ.

Keng Đu là xã cuối cùng của huyện miền núi Kỳ Sơn giáp biên với Lào. Quanh năm mây phủ khiến núi bạc trắng đầu. Xã nằm lọt thỏm ở giữa, dưới chân núi, sông Nậm Mộ rì rào chảy, vượt đèo Pu Luôm xe chúng tôi lên Cổng Trời Huồi Lê, xa xa bên kia vành đai biên giới là cổng trời Huồi Ling. Trên đỉnh núi mà vẫn có bản làng sinh sống. Cuộc sống nhờ vào nương rẫy hái lượm.

Phiên chợ Tà Cạ lèo tèo, vài quầy tạp hóa, gùi măng rau, lồng gà ri, rọ chó cúc.v.v…

Thấy xe qua, cả bản tò mò đứng nhìn, trong đám có cậu bé chừng mươi  tuổi, rét vậy mà phong phanh, khuôn mặt dị dạng. Ngước đôi mắt buồn chờ đợi…

Thấy thế trưởng đoàn cho xe dừng lại, người sữa, người kẹo xuống tặng các cháu. Riêng Oanh! Chị ào xuống cởi phăng chiếc áo phao đang mặc, khoác lên người thằng bé, làm nó từ ngỡ ngàng đến xúc động đưa tay dụi mắt ! Có ai đó trong xe sụt sùi khóc.

Để vào được trung tâm hành chính xã, đoàn công tác: “Tết Vì Người Nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, phải vượt hơn 80km đường đèo dốc, suối khe, đôi lúc xe và người như “cân đẩu vân” trong sương mây.

Xã có 4000 nhân khẩu, đa phần người dân tộc H’Mông, Khơ Mú, Tày Hạy… Bản làng đậu cheo leo trên vách núi. Từ 90% hộ nghèo Keng Đu phấn đấu giảm xuống còn gần 50% so với trước.

Đường xa, xe xóc nhưng đến trụ sở xã là xuống, xắn tay vào ngay công việc. Họ không những đem quà tết, chăn len, áo ấm, sách vở cho học sinh, người nghèo. Mà còn tổ chức đêm giao lưu văn nghệ kết hợp tặng quà các đối tượng chính sách.

Sân khấu được nhanh chóng dựng bên hàng rào đá, đỏ tươi màu hoa trạng nguyên của trường tiểu học. Văn nghệ chào mừng được các diễn viên của đoàn xã, bộ đội đồn biên phòng, cô trò Keng Đu và các tình nguyện viên câu lạc bộ “Máu Sống Thành Vinh” trình diễn.

Nhân dân các bản xa như Huồi Puôn, Huồi Lê, Kẹo Sơn.v.v… mang gùi đi cả chập chiều để tối giao lưu với bộ đội và đoàn công tác, đêm ngủ lại tại ủy ban xã để sớm mai nhận quà tết.

Không khí thật ấm cúng, vui vẻ. Cái rét lạnh cóng của miền sơn cước như tan đi trong đêm lửa trại, nhảy sạp, tà áo thổ cẩm hòa lẫn, sắc áo Chữ Thập Đỏ, màu xanh của tình nguyện viên, lẫn màu xanh áo lính.

Bữa cơm chiều cũng thật đặc trưng con nhà nghèo: rượu cần, xôi típ, thịt lợn luộc nấu nướng xong rải trên lá chuối rừng làm mâm, chấm muối xúp trộn cay thóc của đồng bào. Thế mà vui không muốn xa miền biên ải.

Oanh hỏi tôi: “Chú có thấy mệt không ? Mệt nhưng lạ và vui chú à. Cháu say xe thế mà giờ tỉnh queo!”

Còn bao nhiêu chuyện muốn viết về Oanh, về những con người của tập thể luôn đổi mới tư duy, bảo vệ sự sống và hành động vì nhân đạo này.

Nhóm: “Nồi Cháo Yêu Thương Thành Vinh” do chị sáng lập đến nay trọn ba mùa gió Lào thổi, với hơn 10 thành viên. Họ là tập hợp của những công chức, người về hưu, cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, anh lái xe tải, chị bán cá, bán rau cổng chợ chiều, chú lái xe ôm bến xe Vinh.v.v… được thành lập tháng 11 năm 2017.

Đến tháng 12 năm 2019: Đúng 101 thứ bảy, 101 tuần lễ, 600 “Nồi Cháo Yêu Thương Thành Vinh” đỏ lửa. Với hơn 101 ngàn suất cháo đầy đủ dinh dưỡng trao cho những bệnh nhân lao phổi tại bệnh viện Lao – bệnh phổi Nghi Vạn và bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, kèm theo lời chúc bệnh nhân sớm bình phục sức khỏe.

Chị cùng nhóm còn kêu gọi những lá lành giúp những mảnh đời bất hạnh vá víu những nghèo khó, đơn côi như cụ Hồ Viết Tuất ở phường Hưng Bình. Ông bà Nguyễn Đức Hoàng, Hoàng Thị Báu xã Nghi Vạn, Nghi Lộc không nơi nương tựa. Cháu Trần Minh Trang bị ngưng tim sống thực vật ở phường Vinh Tân.v.v.

Trong chuỗi hoạt động nổi bật của hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Nghệ An những năm qua. Phải kể đến đêm giao lưu: “Ân Tình Xứ Nghệ” được tổ chức hoành tráng tại nhà hát lớn Thủ đô Hà Nội. Sự kiện được lãnh đạo hội, ban tuyên truyền chuẩn bị chu đáo, tổ chức thành công. Hội đã kêu gọi tài trợ được 5 tỷ 2 về ngân sách.

Ngạn ngữ có câu: “Bé hạt tiêu”, dân cá gỗ bờ tui gọi là “Cay thóc” (quả cay bé giống hạt thóc). Không dễ để người có hoàn cảnh như chị, nhà cửa chưa ổn, vợ chồng con cái đang đi ở trọ, chồng xuất ngũ về làm công việc tự do. Mưa lũ về cả nhà lại dắt díu nhau sơ tán.

Ấy vậy mà bao nhiêu việc công, tư chị làm ngon ơ. Chỉ nghĩ thôi đã thấy bộn bề: hơn 101 ngàn suất cháo ấy kèm theo bao nhiêu thứ phải lo. Thế nhưng chẳng ngại đường xá xa xôi, lây nhiễm… vì họ có trái tim nhân hậu rộng mở, vì bệnh nhân đang chờ họ mỗi chiều thứ 7. Nếu không có nghị lực vượt khó và tự nguyện cống hiến!?!

Với tôi là người Cựu Chiến Binh đã từng đi qua chiến tranh. Những việc làm thiện nguyện của Kim Oanh. Tôi nể phục như một chiến công và tôi coi Oanh như đồng đội./.

Tác giả: Nguyễn Viết Lợi