Tôi nấn ná ở lại. Đã cất công vượt cả trăm cây số lên đây, biết đâu sẽ gặp thầy gặp thuốc. Nàng cứ nằng nặc đòi về: “Về thôi anh, đến y học nước Mỹ còn bó tay huống chi là gan cóc”. Nàng thất vọng và mệt mỏi. Hơn một tuần rồi. Người bệnh tứ phương đổ về. Già có, trẻ có, nam có, nữ có. Đó là những hình hài dị dạng đớn đau đang từng ngày chống chọi với tử thần. Tôi chợt rùng mình. Lẽ nào rồi một ngày nàng cũng sẽ như họ? Ông thầy lang nhíu mày khi bắt mạch cho nàng: “Nặng đấy, giai đoạn cuối phải không? Anh chị biết rồi, thuốc của tôi là dĩ độc trị độc. Phúc phần tổ tiên tốt thì được, không thì đành chịu đấy nhé”. Nghe thầy phán, đôi mắt mệt mỏi của nàng nhíu lại. Những tiếng rên la của người bệnh như bám riết lấy nàng, lấy tôi. Có người tắt thở mà chưa kịp để thầy lang bắt mạch. Mỗi ngày trôi qua, trong cái không gian về chiều tai tái miền sơn cước, nàng và tôi phải chứng kiến sự ra đi của từng người, từng người một. Nàng không thể chịu đựng nổi cảnh tượng này nữa: “Cho em về đi, có chết em cũng phải chết ở nhà”.

 Nàng bảo: “anh đừng buồn phiền nữa! Em nghĩ kỹ rồi, sống chết có số mệnh. Số mệnh em chỉ tới đây thì đành chịu. Có khi như thế lại đỡ khổ cho anh!”. Tôi riết chặt nàng vào lòng. Tôi cấm nàng nói như vậy. Nàng là của tôi và chẳng trời đất, âm ty địa ngục nào có thể giằng tay tôi ra để cướp nàng được. Tám năm nàng làm vợ tôi tưởng chừng hạnh phúc sẽ ngập tràn từ sự vun đắp của tình thương yêu chồng vợ. Thế mà nàng lại phải chịu đựng quá nhiều khổ đau và mất mát. Ngày cưới, nụ cười nàng tỏa rạng: “Em mồ côi từ nhỏ! Bà ngoại thì đã mất! Giờ chỉ có anh thôi. Anh đi đâu em đi đó, anh ở đâu em ở đó. Chỉ mong sao được chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời này cùng anh!”…

Nói cho cùng thì tôi nợ nàng nhiều lắm. Nợ từ những năm tháng ở ký túc xá một thời sinh viên đầy mơ mộng cho đến những ngày thất nghiệp phải mò lên tận cái thị trấn cao nguyên để ăn nhờ ở đậu trong căn phòng tập thể giáo viên của nàng. Nợ từ những lần say xỉn nơi quán nhậu cùng đám bạn vô công rồi nghề, nàng vật vã đưa về phòng trong sự thì thầm to nhỏ, tiếng vào tiếng ra của mọi người đến những lần nổi máu đỏ đen đến độ phải có người chuộc ra khỏi sới bạc. Nợ nhiều lắm. Cho đến bây giờ, khi đã là một anh phóng viên thường trú, tôi vẫn còn thấy vương vương nợ.

Lần nàng báo tin rằng vợ chồng sắp có em bé, mắt nàng ầng ậc nước. Nàng bảo, phải sinh nhiều, thật nhiều con. Có như thế mới khỏa lấp được sự cô đơn, tủi hờn của tuổi thơ nàng. Ừ! thì tôi đồng ý vô điều kiện miễn sao nàng vui, nàng hạnh phúc. Và không chỉ nàng và tôi mà cả khu tập thể giáo viên đã vỡ òa trong niềm vui khi Bống của chúng tôi ra đời. Rồi từ sự chắt chiu, tùng tiệm của nàng, một căn nhà đơn sơ đã được cất lên trong con hẻm nhỏ. Nàng trìu mến nhìn tôi. Hạnh phúc quá đỗi đơn sơ và bình dị.

…Bất hạnh, đớn đau trong đêm rằm tháng Giêng. Tôi mụ mẫm đến ngây dại khi nghe tin vợ con bị tai nạn đang nằm khoa cấp cứu bệnh viện tỉnh. Nàng bất tỉnh nhân sự. Bống của chúng tôi nằm đó. Gương mặt tái nhợt và lạnh lẽo, hai ống tai máu rỉ ra từng giọt. Vậy là con đã bỏ chúng tôi ra đi.

Nàng phải nghỉ dạy một thời gian để trấn tĩnh và bình tâm lại. Còn tôi, tôi cũng chẳng còn đủ sức để chửi bới hay nhiếc móc gã đàn ông chạy xe ôm  vượt đèn đỏ đã cướp đi mạng sống của con tôi. Món quà quý giá nhất mà nàng tặng tôi đã mất rồi, còn cần chi nữa. Tôi đâm ra sợ hãi mỗi khi rằm tháng Giêng tìm về. Khi đó nàng hết đờ đẫn ngồi một mình trước di ảnh con lại lần giở những dòng thư con viết nguệch ngoạc trên tờ giấy học sinh bỏ vào túi áo mỗi lúc tôi đi công tác xa. Lá thư cuối cùng, Bống viết đúng vào buổi sáng của cái ngày định mệnh đó khi tôi chuẩn bị cho chuyến công tác. “Bố kính mến! Trưa nay bố lại phải đi huyện. Vậy là phải đến đêm con mới gặp được bố rồi. Bố nhớ đi xe máy cẩn thận nhé. Bố nhớ phải đem áo mưa nữa kẻo lại cảm lạnh ốm đấy. Khi đó mẹ lại càu nhàu thì con không nói giúp bố nữa đâu! Con phải đi học rồi, yêu bố lắm!”. Đã mấy lần tôi định mang thư hóa hết cho con nhưng nàng bảo: “Đừng! Mình chẳng giữ được chút gì của con cả, coi như những dòng thư là của cải con để lại”.

Có những đêm dài. Dường như nàng đã ngủ. Tôi sẽ sàng nằm xuống bên cạnh. Thân hình gầy quắt của nàng như dán lấy tấm ga giường. Hai hõm mắt trũng xuống, hơi thở nặng nhọc. Phải mổ lần nữa thôi. Bác sĩ đã nói rằng khối u của nàng đã lan sang dây thanh bên cạnh. Phải mổ gấp nếu không cái khối u quái ác đó sẽ chèn vào đường thở. Có khi nàng chưa chết vì ung thư mà chết vì tắc nghẽn đường thở đột ngột do khối u chèn vào. Nàng khẽ trở mình, đưa cánh tay gầy gò nhưng ấm áp đặt lên má tôi: “Đã lâu lắm rồi em không làm nhiệm vụ của một người vợ. Tội nghiệp cho anh, anh buồn lắm phải không?”. Nàng nén tiếng thở dài: “Hay anh cứ đi ra ngoài, em không ghen, không trách anh đâu, nhưng nhớ cho nó an toàn, không thì mang phải bệnh mà tội!”. Tôi muốn gào lên. Nàng thật quá đáng, đã bao năm chồng vợ chả lẽ nàng cho rằng tôi là hạng người suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện sinh lý đàn ông ư? Chẳng lẽ tôi lại là kẻ nhẫn tâm với một người vợ đang chống chọi lại thần chết như thế này ư? Không! Tôi chỉ biết dụi đầu vào bờ ngực nàng mà nghe những nhịp đập yêu thương.

Nàng thều thào: “Không, đã mổ hai lần rồi, mổ lần nữa cũng tốn tiền vô ích thôi. Con đã gọi em rồi, nó đang chờ em dưới đó! Em chỉ tiếc là không thể sinh cho anh thêm một đứa con nào nữa!”. Nàng lại lẩm cẩm rồi! Cứ như đang nói những lời trăng trối vậy. Phải bán nhà thôi nàng ạ! Có nàng, tôi sẽ có mọi thứ. Tôi đã mất con, bây giờ còn nàng để mà còn hy vọng. “Không, em không mổ nữa đâu! Em hiểu được điều gì đang đợi em phía trước. Dù chữa bằng con đường nào thì kết quả cuối cùng vẫn về một đích, chỉ là nhanh chậm mà thôi”. Tôi lấy tay che miệng nàng lại. Nàng đừng nói nữa. Tôi không cầm nổi nước mắt đâu!

Nàng nhớ lắm tiếng đọc bài của con trẻ. Nàng muốn được về trường cũ lắng nghe tiếng đọc bài của học sinh, tiếng giảng bài của Thanh, của Nhàn, của Mến những người bạn thân thiết đã gắn bó với nàng cả chục năm nay ở ngôi trường bên triền đồi hun hút gió. Nàng ngại sự thương cảm của đồng nghiệp và lời hỏi han tít tít của đám học trò. Cảnh tượng đó nàng không chịu được. Nàng chỉ muốn được đứng ngoài cửa sổ lắng nghe thanh âm của một buổi học bài. Nàng đứng lặng hồi lâu, nụ cười nhoèn nhoẹt nước. Trên con dốc thoai thoải dìu nàng từ trường về nhà, những vạt dã quỳ cuối mùa bung sắc vàng ruộm.

… Bệnh viện X đã tìm ra phương pháp mới có khả năng chữa khỏi ung thư thanh quản. Tuyệt vời! Tôi gấp vội bài báo. Đây là một tin cực vui. Cuối đường hầm tối tăm luôn có những tia sáng để hy vọng. Nàng ơi, tin vui cho mình đây rồi! Nhà vắng lặng, vắng lặng đến lạnh lẽo. Nàng nằm đó. Bên cạnh là cuốn nhật ký chưa kịp gấp lại. “Ngày… tháng… năm. Viết cho con gái! Bống thương! Thời gian thấm thoắt tròn ba năm con xa mẹ cha và mọi người. Vậy mà với mẹ thì vẫn nghĩ như mới ngày hôm qua. Rõ mồn một! Con vẫn vậy là cô công chúa bé nhỏ trong lòng cha mẹ. Những dòng thư con viết cha mẹ vẫn mang theo người. Hình ảnh con luôn trong tâm trí mẹ cha dù có bao nhiêu năm đi nữa. Vì con là tình yêu lớn nhất của cha và mẹ mà! Bống ơi! Sao số phận lại nghiệt ngã và tàn ác thế con nhỉ? Sao số phận lại cướp mất con khỏi vòng tay mẹ cha? Mẹ thật có lỗi với con! Nếu như hôm đó, mẹ đón con trễ thêm chỉ một chút thôi thì con đã bình yên rồi! Chắc là con oán trách mẹ lắm phải không? Mẹ biết, hằng đêm con vẫn về với mẹ, vẫn áp đôi má ấm vào người mẹ và con còn vuốt lên mái tóc đã chớm bạc của cha. Cha con. Vẫn vậy, yêu mẹ từ khi còn hai bàn tay trắng, thất nghiệp và cho đến bây giờ vẫn yêu mẹ như những ngày xưa. Dù cha con không nói nhưng mẹ biết, trong sâu thẳm cha buồn lắm, cô đơn lắm. Mẹ sợ nếu một ngày mẹ đi theo con thì liệu cha con có chịu đựng được điều đó hay không? Mẹ chỉ mong sao, rồi sau này cha con sẽ gặp được một người phụ nữ tốt, người phụ nữ có thể xoa dịu vết thương lòng của cuộc đời bất công mà cha đang chịu đựng. Mẹ rất muốn viết nhiều, nói với con nhiều. Chuyện hai mẹ con mình thì có bao giờ nói hết đâu con nhỉ? Mà thôi, hãy để lòng mẹ lắng lại vì hiện giờ mẹ nhớ và thương con quá…Hãy chờ mẹ con nhé! Mẹ sẽ đến với con…”.

Tôi ôm chặt nàng vào lòng. Hơi thở nàng yếu dần, yếu dần. Tôi chênh chao, lảo đảo bước hẫng vào một không gian đỏ quạch, cánh tay tôi chới với rồi bất lực nhìn nàng trôi dần về phía quầng mây bàng bạc. Phía ấy có một hình hài thoắt ẩn thoắt hiện như là Bống – thiên thần nhỏ của tôi./.